backup og meta

Tâm lý tuổi dậy thì có nhiều thay đổi, cha mẹ cần kiên nhẫn với con

Tâm lý tuổi dậy thì có nhiều thay đổi, cha mẹ cần kiên nhẫn với con
Tâm lý tuổi dậy thì có nhiều thay đổi, cha mẹ cần kiên nhẫn với con

Việc hiểu rõ những thay đổi về mặt tâm lý của trẻ ở tuổi dậy thì sẽ hỗ trợ cha mẹ trong việc giao tiếp với con, lắng nghe và biết cách tạo không gian thoải mái và an toàn để con dễ dàng chia sẻ. Ngoài ra, việc được cha mẹ lắng nghe và thấu hiểu cũng giúp trẻ xây dựng sự tự tin và khả năng tự lập trong giai đoạn này.

Những thay đổi của trẻ khi đến tuổi dậy thì

  • Độ tuổi dậy thì ở bé trai: từ 9 – 14 tuổi.
  • Độ tuổi dậy thì ở bé gái: từ 8 – 13 tuổi.
Nhưng cũng có thể bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn.

Về thể chất

Ngoài những thay đổi về tâm lý tuổi dậy thì, trẻ cũng sẽ trải qua những thay đổi lớn về mặt thể chất như chiều cao, cân nặng, ngực, phát triển lông mu…và đặc biệt là bộ phận sinh dục.

Tuy nhiên, độ tuổi bắt đầu diễn ra sự thay đổi sẽ khác nhau ở mỗi trẻ và việc dậy thì sớm hay muộn cũng sẽ có sự khác biệt. Trường hợp trẻ dậy thì quá sớm hoặc quá muộn so với tốc độ phát triển bình thường cũng sẽ kéo theo một số vấn đề nhất định về mặt tâm lý.

Về nhận thức

Ở độ tuổi dậy thì, với sự phát triển nhanh chóng của số lượng tế bào thần kinh nên khả năng nhận thức và tâm lý của trẻ ở tuổi này trở nên tinh tường và phức tạp hơn nhiều so với trước đó.

Nếu nhận thức của trẻ trước giai đoạn dậy thì chỉ suy nghĩ theo logic đơn giản dựa trên những gì trẻ thấy thì ở tuổi dậy thì trẻ đã có thể tư duy trừu tượng, mọi thứ không chỉ giới hạn ở cái được thấy và được nghe.

Tuy nhiên, một mặt, khả năng nhận thức của trẻ ở một mức phát triển mới, nhưng mặt khác, về khả năng kiểm soát và phân định thì chưa kịp thích nghi (chức năng của vỏ não trán trước), nên xảy ra hiện tượng trẻ hay hành động bốc đòng và tâm trạng thay đổi thất thường.

Trẻ ở tuổi dậy thì dễ bốc đồng và dễ thay đổi tâm trạng.
Trẻ ở tuổi dậy thì dễ bốc đồng và dễ thay đổi tâm trạng.

Về cảm xúc

Khi bước vào giai đoạn phát triển tâm lý tuổi dậy thì, trẻ sẽ bắt đầu quan sát, đo lường và kiểm soát cảm xúc của bản thân nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc con sẽ hiểu rõ cảm xúc của bản thân và người xung quanh hơn. Quá trình phát triển nhân cách sẽ đem đến cho trẻ cơ hội hình thành các kỹ năng sống và khám phá các giá trị sống của bản thân.

Khi con dần tự tin hơn, có khả năng tự lập vững vàng hơn, khi đó con sẽ sẵn đối diện với nhiều thử thách mới hơn, mặc dù sự hỗ trợ của cha mẹ vẫn là cần thiết đối với con.

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là gì?

Khủng hoảng tâm lý là tình trạng tâm lý trẻ bị cảm xúc lấn át và cảm thấy choáng ngợp với những cảm xúc như sợ hãi, tức giận, thất vọng hoặc một vài cảm xúc khác. Khủng hoảng này cũng từng xảy ra với trẻ ở các cột mốc của sự phát triển khi con được 1 tuổi và 3 tuổi; hay còn gọi là khủng hoảng tuổi tuổi lên 1khủng hoảng tuổi lên 3

Dấu hiệu khủng hoảng tuổi dậy thì

Một số dấu hiệu điển hình khi trẻ đang trải qua tình trạng khủng hoảng tuổi dậy thì: con dễ bật khóc nức nở, thở gấp khi nổi giận, cáu gắt dữ dội… Tuy nhiên, điều đáng chú ý là những dấu hiệu này chỉ thường xuất hiện ở nhà, nơi trẻ cảm thấy an toàn, chứ rất ít khi con dám thể hiện như vậy ở nơi công cộng, do trẻ đã biết ngượng  

Một ví dụ cho dấu hiệu khủng hoảng tuổi dậy thì: con có thể kìm nén cảm xúc và cố giữ bình tĩnh cả ngày dài ở trường, để rồi khi trở về nhà, cảm xúc của con vỡ òa.

Những thay đổi tâm lý tuổi dậy thì phổ biến

Tính độc lập của trẻ

Một trong những thay đổi tâm lý tuổi dậy thì có thể dễ nhận thấy ở trẻ là tính độc lập, thể hiện qua:

  • Tự ra quyết định
  • Có những trải nghiệm mới
  • Làm quen với việc chịu trách nhiệm
  • Khẳng định bản thân và hình mẫu lý tưởng trẻ muốn đạt được.

Xây dựng tính tự lập là một phần thiết yếu trong hành trình hoàn thiện tâm lý tuổi dậy thì của con. Để giúp con hình thành được tính tự lập trong giai đoạn dậy thì, cha mẹ và người giám hộ có thể:

  • Thể hiện tình cảm và ủng hộ con
  • Tôn trọng cảm xúc và ý kiến của con
  • Giải quyết mâu thuẫn với tinh thần cầu thị
  • Giúp con xây dựng các kỹ năng đưa ra quyết định
  • Cho con được luyện tập tính tự lập và có trách nhiệm
  • Đặt ra những quy định rõ ràng và công bằng trong gia đình.
Tâm lý trẻ tuổi dậy thì
Tạo điều kiện cho trẻ để con được tự do khám phá và xây dựng tính tự lập.

Khám phá về bản thân

Đi kèm với những thay đổi trong tâm lý tuổi dậy thì, trẻ cũng sẽ bắt đầu quan tâm đến khám phá bản thân, bao gồm các tính cách và kỹ năng như độc lập và có ý thức về năng lực bản thân…

  • Trẻ dậy thì có thể đặt câu hỏi về đam mê và giá trị của bản thân mình
  • Suy xét về mối quan hệ với gia đình và bạn bè đồng trang lứa
  • Suy nghĩ về tài năng và định nghĩa của thành công.

Khám phá bản thân để hình thành bản sắc cá nhân là một quá trình lặp đi lặp lại để trẻ liên tục trải nghiệm những ý tưởng mới, với những người mới và hoạt động mới. Trải nghiệm này là điều hoàn toàn bình thường và có thể giúp trẻ có cơ hội hiểu biết hơn về bản thân và về người khác.

Tuy nhiên các bậc phụ huynh cần lưu ý rằng không phải lúc nào con cũng có thể cân bằng giữa lý trí và hành động để kiểm soát hậu quả từ những trải nghiệm của mình.

Dù rằng quá trình khám phá bản thân và những thay đổi trong tâm lý tuổi dậy thì của con có thể  khiến gia đình cảm thấy đầy thách thức và khó khăn, nhưng điều này sẽ thúc đẩy con hiểu biết hơn về chính mình và trở nên tự tin hơn với bản sắc cá nhân độc nhất của mình.

Quan tâm ngoại hình

Tâm lý tuổi dậy thì có thể làm trẻ cảm thấy tự ti về những thay đổi ngoại hình của mình và thường so sánh mình với bạn bè cùng trang lứa. Điều này không quá bất thường hay đáng lo. Vì càng lớn, chúng ta càng quan tâm hơn về ngoại hình.

Để giúp trẻ vượt qua được mặc cảm tâm lý tuổi dậy thì này, cha mẹ có thể giúp con hiểu được rằng “không có cơ thể hoàn hảo”, hình dáng và ngoại hình của con người là rất đa dạng.

Tâm trạng thất thường

Tâm trạng thay đổi thất thường là một phần của tâm lý tuổi dậy thì. Có thể vừa phút trước con cảm thấy vui vẻ, như đang ở tận trên mây, nhưng vài phút sau đó đã cảm thấy bức bối muốn hét toáng lên.

Những thay đổi thất thường này của tâm lý tuổi dậy thì là do cơ thể trẻ đang được một loạt các hormones thúc đẩy tạo ra những thay đổi về cảm xúc trong suốt hành trình dậy thì. Đôi khi, trẻ có thể tự cảm thấy đuối sức vì những thay đổi thất thường này của bản thân.

Đây là thời gian vàng để luyện tập thể hiện cảm xúc và những nhu cầu về tình cảm của trẻ. Thay vì cảm thấy bị chống đối, đả kích, hãy giúp trẻ nói ra cảm giác của bản thân. Cha mẹ có thể gợi ý trẻ viết nhật ký để giúp con sắp xếp suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Trẻ dậy thì vui buồn thất thường do thay đổi về hormones.
Trẻ dậy thì vui buồn thất thường do thay đổi về hormones.

Áp lực từ bạn bè

Trong giai đoạn dậy thì, áp lực đồng trang lứa có thể xảy ra một cách cực đoan. Vì tâm lý tuổi dậy thì khiến trẻ liên tục tìm cách khẳng định bản thân, vì khao khát nhận được sự chú ý và sự công nhận của mọi người xung quanh.

Một số nguyên do dẫn đến áp lực đồng trang lứa:

  • Những thay đổi của não bộ trong quá trình phát triển
  • Khao khát được xã hội công nhận
  • Thiếu tự tin.

Áp lực đồng trang lứa có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý tuổi dậy thì bằng nhiều cách, cụ thể như thay đổi đột ngột về thái độ và hành vi, tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến việc học…

Để giúp con vượt qua áp lực đồng trang lứa trong giai đoạn dậy thì, các bậc phụ huynh có thể:

  • Trò chuyện cởi mở với con
  • Duy trì sự quan tâm với con
  • Cổ vũ và nuôi dưỡng tính cá nhân của con.

Cảm thấy quá nhạy cảm

Càng lớn, trẻ sẽ càng dễ nhạy cảm hơn với sự việc diễn ra xung quanh con. Tuy nhiên, đôi khi tâm lý tuổi dậy thì có thể khiến con trẻ nhạy cảm hơn bình thường.

Một trong những thay đổi về mặt cảm xúc khó khăn nhất trong tâm lý tuổi dậy thì có lẽ là cảm nhận được cảm xúc của bản thân một cách quá mạnh mẽ:

  • Tăng lượng hormones
  • Nhận thức về môi trường xung quanh tăng cao
  • Áp lực xã hội để trở nên phù hợp với số đông.

Tất cả những điều này có thể đẩy cảm xúc của trẻ đến mức tối đa.

Cách giúp trẻ lấy lại bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc

 Để giúp con học cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn, phụ huynh có thể gợi ý con:
  • Hít thở sâu để giữ bình tĩnh
  • Dành thời gian một mình khi con cần
  • Giao tiếp một cách tích cực về cảm xúc của con và điều con cần từ mọi người xung quanh.

Tò mò về giới tính

Trong quá trình phát triển tâm lý tuổi dậy thì, những thay đổi về hormones và thể chất thường đi kèm với những cảm xúc về tình dục. Việc này đôi khi cần một chút thời gian để nhiều người nhận ra bản thân họ là ai và họ muốn trở thành người như thế nào. Quá trình này bao gồm cả việc hiểu rõ xu hướng tính dục của bản thân và đối tượng mà trẻ cảm thấy bị thu hút.

Xu hướng tính dục là cảm giác bị thu hút về tình cảm mà một người cảm nhận được với một đối tượng nào đó. Có một số loại xu hướng tính dục, bao gồm:

Nhiều bậc phụ huynh có thể cảm thấy hoang mang, lo lắng khi đồng hành cùng con đến giai đoạn này trong phát triển tâm lý tuổi dậy thì. Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi vì sao lại có người dị tính, đồng tính… nhiều chuyên gia y tế cho biết:

  • Xu hướng tính dục là sự kết hợp phức tạp của các yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường.
  • Gen và hormone cũng đóng vai trò quan trọng.
Nhìn chung, các chuyên gia đều kết luận rằng xu hướng tính dục không phải một lựa chọn, mà là một phần tự nhiên của con người.

Những điều đáng chú ý về tuổi dậy thì của trẻ

  • Quá trình dậy thì ở bé gái diễn ra sớm hơn bé trai.
  • Hormone từ não sẽ quy định bắt đầu quá trình dậy thì.
  • Trẻ sẽ trải qua quá trình thay đổi về thể chất nhanh chóng.
  • Những thay đổi về xã hội và cảm xúc cũng xảy ra trong quá trình dậy thì.
  • Trò chuyện với ba mẹ và người mà trẻ tin tưởng có thể giúp con rất nhiều khi trải qua những thay đổi này.
  • Trong quá trình dậy thì, cơ thể sẽ phát triển để giúp trẻ “chuyển mình” từ trẻ con thành người lớn.
Trẻ bắt đầu tò mò về giới tính của mình trong giai đoạn dậy thì.
Trẻ bắt đầu tò mò về giới tính của mình trong giai đoạn dậy thì.

Các rối loạn tâm lý tuổi dậy thì có thể xảy ra với trẻ

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2024 cho biết, trẻ ở độ tuổi vị thành niên thường trải qua nhiều căng thẳng và kéo theo nhiều rối loạn về mặt tâm lý, do sự thay đổi nội tiết tố, sự thay đổi về mặt nhận thức và sự tác động từ môi trường như gia đình, trường học, bạn bè…

Dưới đây là những rối loạn tâm lý mà trẻ ở tuổi dậy thì có thể sẽ phải đối mặt:

Rối loạn cảm xúc

Rối loạn cảm xúc (emotional disorders) xảy ra phổ biến ở nhóm tuổi này, thậm chí hai dạng rối loạn khác còn phổ biến hơn nữa, bao gồm rối loạn lo âu (anxiety disorders)trầm cảm (depression).

Tỷ lệ trẻ ở độ tuổi dậy thì có thể mắc phải các rối loạn này là khoảng:

  • Rối loạn lo âu (bao gồm cả hoảng loạn và lo lắng):
    • 4,4% trẻ từ 10-14 tuổi.
    • 5,5% trẻ từ 15-19 tuổi.
  • Trầm cảm
    • 1,4% trẻ từ 10-14 tuổi.
    • 3,5% trẻ từ 15-19 tuổi.
Trầm cảm và lo âu có một số dấu hiệu giống nhau như cảm xúc thay đổi nhanh và bất thường. Ngoài ra, rối loạn trầm cảm và lo âu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học của trẻ. Bị cô lập và xa lánh cũng khiên cảm giác cô đơn của trẻ lớn dần. Và tệ nhất là trầm cảm có nguy cơ dẫn đến tự vẫn.

Rối loạn hành vi

Rối loạn hành vi (behavioural disorders) xảy ra phổ biến hơn ở nhóm thanh thiếu niên nhỏ tuổi hơn là thanh thiếu niên lớn tuổi. Trong đó, rối loạn hành vi bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn cư xử (conduct disorder).

Tỷ lệ trẻ ở độ tuổi dậy thì có thể mắc phải các rối loạn này là khoảng:

  • ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) với các biểu hiện như khó tập trung, năng động quá mức và bốc đồng. Xảy ra ở:
    • 2,9% trẻ 10-14 tuổi.
    • 2,2% trẻ 15-19 tuổi.
  • Rối loạn cư xử, bao gồm các dấu hiệu như hành vi phá hoại và thách thức, xảy ra ở:
    • 3,5% trẻ 10-14 tuổi.
    • 1,9% trẻ 15-19 tuổi.
Rối loạn hành vi cũng có thể gây ảnh hưởng đến việc học của trẻ trong giai đoạn dậy thì và làm tăng nguy cơ thực hiện các hành vi phạm tội.
Ngoài ra hai nhóm rối loạn này, nếu tâm lý trẻ ở tuổi dậy thì gặp nhiều bất ổn, còn có thể xảy ra một số vấn đề nghiêm trọng như tâm thần phân liệt (psychosis), tự hại bản thân, có ý định tự sát… Vậy nên, cha mẹ nên hết sức chú ý và cần kiên nhẫn với con.

Trẻ dậy thì dễ gặp các vấn đề về tâm lý.

Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ dậy thì?

Trang bị kiến thức về tuổi dậy thì cho con

Để chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho tâm lý tuổi dậy thì, phụ huynh nên trấn an và cho con biết rằng cha mẹ là người mà con có thể tin tưởng để trò chuyện mà không sợ bị phán xét hay cảm thấy xấu hổ.

Hãy cho con biết rằng dậy thì cũng có thể là khoảng thời gian đầy hào hứng và ý nghĩa. Vì đây là dấu hiệu giai đoạn trưởng thành đang đến gần, do đó con có thể thấy đây là một giai đoạn chuyển giao đầy tích cực.

Cha mẹ nên

  • Cho con thấy được sự cảm thông với những thay đổi mà con đang trải qua
  • Trấn an con rằng đây là những điều hoàn toàn bình thường, những thay đổi choáng ngợp này cũng chỉ là tạm thời.
Nếu phụ huynh cảm thấy không chắc chắn hoặc lo lắng về quá trình phát triển của con mình, cha mẹ có thể liên hệ với các chuyên gia để được hỗ trợ tư vấn.

Trò chuyện cởi mở với con

Tâm lý tuổi dậy thì là giai đoạn khó khăn không chỉ với bạn, mà đặc biệt là với con trẻ. Gia đình không cần phải hóa thành “chiến trường” nếu cả nhà biết cố gắng để hiểu nhau hơn.

Dưới đây là một số gợi ý có thể hữu ích cho cha mẹ:

  • Lắng nghe và tập trung để có thể đồng cảm với con.
  • Trò chuyện với con với tâm thế muốn hiểu con và tôn trọng ý kiến của con.
  • Thấu hiểu cảm xúc của con, dù hiểu rằng không phải lúc nào cha mẹ cũng chấp nhận được hành vi của con.
  • Không khiến con cảm thấy xấu hổ, không cười con vì những điều có vẻ ngây thơ và ngớ ngẩn của con.
  • Giúp trẻ hình thành sự tự tin, khuyến khích con tham gia các hoạt động mà con mong muốn.
  • Đừng quên khích lệ, cổ vũ, khen thưởng con một cách thường xuyên và thích hợp.
  • Cho con tham gia vào việc đưa ra quyết định chung của gia đình và cùng cha mẹ giải quyết các vấn đề chung của gia đình.
Trò chuyện với trẻ để con biết mình được quan tâm.
Trò chuyện với trẻ để con biết mình được quan tâm.

Cho trẻ không gian riêng tư

Phát triển tâm lý tuổi dậy thì đồng nghĩa với học cách tự lập. Hãy cho trẻ thời gian và không gian riêng để tập làm quen với việc chịu trách nhiệm. Nhu cầu cần không gian riêng cũng là một nhu cầu bình thường trong quá trình trưởng thành.

Hãy tìm những cách ủng hộ và khích lệ con nghỉ ngơi (khỏi việc học, việc nhà hoặc các hoạt động mà con đang tham gia) để dành thời gian làm những điều con muốn và vui chơi cùng bạn bè.

Nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia

Mặc dù tâm lý tính cách của mỗi trẻ là khác nhau, nhưng cha mẹ sẽ là người hiểu rõ con mình nhất. Do đó, trong một số trường hợp, cha mẹ thấy con có nhiều biểu hiện cảm xúc hoặc hành vi chưa phù hợp hoặc quá sai lệch so với lứa tuổi, cha mẹ cần nhờ đến sự tham vấn chuyên môn của chuyên gia tâm lý và/hoặc bác sĩ.

Về các vấn đề tâm lý tuổi dậy thì, tổ chức UNICEF đưa ra lời khuyên dành cho cha mẹ:

  • Nên ưu tiên những cách tiếp cận không dùng thuốc
  • Tránh làm phức tạp hóa vấn đề và lạm dụng các phương pháp y tế
  • Phụ huynh nên tập trung giải quyết nhu cầu của trẻ vị thành niên khi con gặp các vấn đề về Sức khỏe tinh thần.
Cha mẹ có thể giúp con tìm đến chuyên gia khi cần được hỗ trợ về tâm lý.
Cha mẹ có thể giúp con tìm đến chuyên gia khi cần được hỗ trợ về tâm lý.

Câu hỏi thường gặp

Dấu hiệu dậy thì ở bé trai?

Dấu hiệu dậy thì ở bé trai mà cha mẹ có thể quan sát thấy ở con:

  • Thay đổi giọng nói (vỡ giọng)
  • Tinh hoànbìu to lên
  • Phát triển dương vật
  • Mọc lông mu và lông nách
  • Có khả năng sinh sản
  • Thay đổi ngoại hình, tăng chiều cao và cân nặng
  • Mộng tinh và những lần cương cứng ngoài ý muốn.

Các dấu hiệu này diễn ra trong 5 giai đoạn tuổi dậy thì của bé trai, các giai đoạn bao gồm:

  • Giai đoạn 1 – Tiền dậy thì: Sự thay đổi chua diễn ra đáng kể.
  • Giai đoạn 2 – Bắt đầu có những thay đổi về thể chất: Những sự thay đổi thể chất như phát triển bộ phận sinh dục, phát triển lông thưa xung quanh dương vật, dưới cánh tay và tăng chiều cao từ 5-6cm/năm.
  • Giai đoạn 3 – Những thay đổi về thể chất tăng tốc: Trong độ tuổi từ 10 đến 16, các bé trai tiếp tục phát triển dương vật, có thể xảy ra hiện tượng mộng tinh. Bé trai cũng bắt đầu thay đổi giọng nói, tăng khối lượng cơ bắp,…
  • Giai đoạn 4 – Bé trai tuổi dậy thì phát triển mạnh mẽ: Trong độ tuổi từ 11 đến 16 tuổi, tuổi dậy thì của nam giới đạt được bước tiến mạnh mẽ.
  • Giai đoạn 5 – Kết thúc tuổi dậy thì: Quá trình dậy thì kết thúc khoảng ở tuổi 17. Tuy nhiên, có một số trẻ vẫn tiếp tục phát triển cho đến đầu tuổi 20.

Sách tâm lý tuổi dậy thì nào dành cho phụ huynh?

Dưới đây là gợi ý top 3 tựa sách dành cho tâm lý tuổi dậy thì từ HelloBacsi.

  • Bộ Sách Giáo Dục Giới Tính – NXB Phụ Nữ: Bộ sách Giáo Dục Giới Tính gồm bốn cuốn, giúp các bạn gái dễ dàng hiểu rõ hơn về tuổi dậy thì, thay vì phải nhờ mẹ giải thích. Bộ sách bao gồm 4 tập.
  • Cẩm Nang Giáo Dục Giới Tính – TS. BS. Nguyễn Lan Hải: Cẩm Nang Giáo Dục Giới Tính, khuyến khích cha mẹ bắt đầu giáo dục giới tính từ sớm. Việc tích hợp giáo dục giới tính vào cuộc sống hàng ngày, như giải thích về cơ thể, sự khác biệt giới tính và thảo luận về tình yêu thương, rất quan trọng.
  • Body Safety Education – Jayneen Sanders (sách tiếng Anh): Quyển sách này cung cấp cho cha mẹ kiến thức về cách bảo vệ con khỏi xâm hại tình dục bằng việc giáo dục về an toàn cơ thể. Sách đưa ra những phương pháp đơn giản, dễ hiểu giúp phụ huynh và con trẻ nhận diện các dấu hiệu nguy hiểm và học cách bảo vệ bản thân.

Kết luận

Tâm lý tuổi dậy thì là một giai đoạn đầy thử thách, vừa phức tạp vừa quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Những thay đổi về thể chất, cảm xúc và nhận thức có thể khiến trẻ cảm thấy bối rối và khó khăn khi đối mặt. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm trẻ khám phá bản thân, xây dựng tính độc lập và tự tin.

Sự hỗ trợ từ cha mẹ, thông qua việc trò chuyện cởi mở, thấu hiểu và tạo không gian riêng tư, là yếu tố quan trọng giúp trẻ vượt qua giai đoạn này một cách khỏe mạnh. Khi nhận thức được các đặc điểm tâm lý tuổi dậy thì, cha mẹ có thể đồng hành cùng con, giúp trẻ phát triển một cách tích cực và tự tin hơn trong quá trình trưởng thành.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Talking to Your Child About Puberty
https://kidshealth.org/en/parents/talk-about-puberty.html
Truy cập ngày: 26.03.2025

How to Talk with Your Kids About Puberty
https://www.nationwidechildrens.org/family-resources-education/700childrens/2015/06/how-to-talk-with-your-kids-about-puberty
Truy cập ngày: 26.03.2025

Tips for Communicating With Your Teen
https://childmind.org/article/tips-communicating-with-teen/
Truy cập ngày: 26.03.2025

Worried about your teenager?
https://www.nhs.uk/mental-health/children-and-young-adults/advice-for-parents/worried-about-your-teenager/
Truy cập ngày: 26.03.2025

Disrespectful teenage behaviour: how to deal with it
https://raisingchildren.net.au/pre-teens/behaviour/behaviour-questions-issues/disrespectful-behaviour
Ngày truy cập: 23/8/2021

Conflict management with teenagers
https://raisingchildren.net.au/teens/communicating-relationships/communicating/conflict-management-with-teens
Truy cập ngày: 26.03.2025

Adolescent Development
https://my.clevelandclinic.org/health/articles/7060-adolescent-development
Truy cập ngày: 26.03.2025

How to help your teenager manage a meltdown
https://www.unicef.org/parenting/mental-health/help-your-teenager-manage-meltdown
Truy cập ngày: 26.03.2025

Independence: pre-teens and teenagers
https://raisingchildren.net.au/teens/development/developing-independence/independence-in-teens#how-to-help-pre-teens-and-teenagers-develop-independence-nav-title
Truy cập ngày: 26.03.2025

Emotional Development
https://opa.hhs.gov/adolescent-health/adolescent-development-explained/emotional-development
Truy cập ngày: 26.03.2025

Emotional Changes During Puberty
https://www.always.co.uk/en-gb/tips-and-advice-for-girls-and-parents/my-body/emotional-changes-during-puberty/
Truy cập ngày: 26.03.2025

Puberty for girls
https://www.healthdirect.gov.au/puberty-for-girls
Truy cập ngày: 26.03.2025

Peer Pressure In Teenagers: What It is and How to Handle It?
https://www.unishanoi.org/about/calendar-news-and-publications/post-default/~board/news/post/what-is-peer-pressure-in-teenagers-and-how-to-handle-it
Truy cập ngày: 26.03.2025

Sexual Attraction and Orientation
https://kidshealth.org/en/teens/sexual-orientation.html
Truy cập ngày: 26.03.2025

Puberty for boys
https://www.healthdirect.gov.au/puberty-for-boys
Truy cập ngày: 26.03.2025

Mental health of adolescents
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/adolescent-mental-health
Truy cập ngày: 26.03.2025

Parenting children through puberty and adolescence: https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/Parenting-children-through-puberty
Truy cập ngày: 26.03.2025

How to support your teen during stressful times
https://www.unicef.org/parenting/child-care/how-support-your-teen-during-stressful-times
Truy cập ngày: 26.03.2025

Puberty: An ultimate guide for parents

Puberty: An ultimate guide for parents


Truy cập ngày: 26.03.2025

Phiên bản hiện tại

27/03/2025

Tác giả: Phong Huỳnh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 2 ngày trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo