backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Thấu cảm là gì? Cách xây dựng và nuôi dưỡng khả năng thấu cảm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sương · Tâm thần · Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 28/05/2024

Thấu cảm là gì? Cách xây dựng và nuôi dưỡng khả năng thấu cảm

Thấu cảm là gì? Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ – APA giải thích thuật ngữ thấu cảm là khả năng lắng nghe một cách cẩn thận, nhận biết cảm xúc và thấu hiểu suy nghĩ của một người.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về khái niệm thấu cảm là gì, lòng thấu cảm đến từ đâu và có cách nào để rèn luyện hay không. Mời bạn đọc tiếp nội dung dưới đây.

Thấu cảm là gì?

Thấu cảm (empathy) là khả năng lắng nghe, nhận biết, thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc và tâm trạng của người khác thông qua việc đặt mình vào vị trí của đối phương để cảm nhận.

Thấu cảm thường được chia làm 2 loại:

  1. Thấu cảm về nhận thức (cognitive empathy): Khả năng đặt mình vào góc nhìn của người khác để nhận biết và hiểu được suy nghĩ, góc nhìn, quan điểm của họ.
  2. Thấu cảm về cảm xúc (emotional empathy): Khả năng cảm nhận được cảm xúc của người khác, những gì người khác cảm thấy.
Kỹ năng thấu cảm thuộc chuyên ngành Tâm lý cũng được Carl Roger định nghĩa từ rất sớm:  
Thấu cảm được thể hiện bằng cách lắng nghe một cách cẩn thận, nhận biết suy nghĩ và thấu hiểu cảm xúc, để bước vào thế giới của thân chủ, như cách mà họ đang trải nghiệm. (Carl Roger, 1957, 1966).
Và để thực hành được trọn vẹn kỹ năng thấu cảm trong môi trường lâm sàng, cần thỏa mãn hai tác vụ sau:
  • Đồng hoá với cảm xúc, suy nghĩ của người tham gia trị liệu – hay còn gọi là thân chủ để hiểu chính xác điều họ đang trải nghiệm
  • Tâm lý gia cần phản hồi được điều mình hiểu đến thân chủ.
Lưu ý là để có thể thực hành được thấu cảm như một kỹ năng lâm sàng một cách an toàn và hiệu quả, người thực hành sẽ cần được đào tạo, chứng nhận bởi các trường lớp, tổ chức có chuyên môn được công nhận.

Carl Roger

Lòng thấu cảm đến từ đâu? Có phải là khả năng bẩm sinh không?

Như đã đề cập, thấu cảm theo nghĩa hiểu thông dụng trong cuộc sống hàng ngày được cho là một khả năng bẩm sinh. Nó được bộc lộ qua nhiều biểu hiện ngay cả khi chúng ta chưa đầy 1 tuổi.

Trong một nghiên cứu được đăng tải trên Tổ chức phi lợi nhuận – National Childbirth Trust, khi thực hiện theo dõi và quan sát những đứa trẻ 8 tháng tuổi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi một đứa trẻ nhìn thấy một đứa trẻ khác khóc, chúng sẽ bắt đầu khóc theo. Đây là một khả năng mang tính bẩm sinh của trẻ, cho phép đứa trẻ thu hút sự chú ý của người lớn khi chúng cần sự giúp đỡ.

Để lý giải thêm cho luận điểm này, Phó Giáo sư Tâm thần học Đại học Y Harvard –  Helen Riess đã đề cập đến vai trò của thấu cảm trong hệ thống vận hành xã hội. Khả năng thấu cảm thúc đẩy sự chia sẻ kinh nghiệm, nhu cầu và mong muốn giữa các cá nhân, giúp con người có thể sống với nhau mà không phải luôn ở trong trạng thái chiến đấu hay giành giật lẫn nhau.

Mặt khác, thấu cảm với tư cách là kỹ năng tâm lý lâm sàng lại cần được học tập thông qua quá trình đào tạo nếu không sẽ có nhiều nguy cơ khi thực hành. Đối với chủ thể, đó là việc có thể bị tràn ngập khi tiếp xúc với một lượng lớn cảm xúc mà khả năng chứa đựng, tách rời chưa được rèn luyện. Hoặc một nguy cơ khác, đó là quá tải và kiệt sức khi không biết giới hạn bản thân và cân bằng trong thực hành nghề và cuộc sống.
Đối với đối tượng mà thấu cảm hướng đến, được gọi là thân chủ, nguy cơ sẽ là bộc lộ bản thân quá nhiều mà không có lại được sự hỗ trợ cần thiết.

Các mức độ của kỹ năng thấu cảm

Sau khi bạn đã hiểu về khái niệm thấu cảm là gì, kỹ năng thấu cảm sẽ cần qua trường lớp đào tạo, nhưng khả năng thấu cảm trong đời sống hàng ngày là điều bạn hoàn toàn có thể nuôi dưỡng phát triển theo những cách sau:

Các mức độ của kỹ năng thấu cảm

  • Thấu cảm bậc 1 (Subtractive empathy): Bạn phản hồi lại ít hơn hoặc thiết sót những nội dung được chia sẻ (khả năng cao là bạn đang không lắng nghe tốt).
  • Thấu cảm bậc 2 (Basic empathy): Bạn phản hồi lại vừa đủ và đúng những gì mà người kia chia sẻ.
  • Thấu cảm bậc 3 (Additive empathy): Khả năng có thể hiểu được một số ẩn ý và mở ra một số góc nhìn mới thông qua câu chuyện của người kia.

Cách rèn luyện kỹ năng thấu cảm

Sau khi bạn đã hiểu về khái niệm thấu cảm là gì, tiếp theo, để có thể rèn luyện và nuôi dưỡng sự đồng cảm, bạn có thể thực hành theo những cách sau:

1. Thực hành lắng nghe tích cực

Sẽ thật khó để bạn có thể thấu cảm với ai đó hay đặt bản thân vào vị trí của họ nếu bạn không lắng nghe họ trước. Đó là lý do vì sao kỹ năng lăng nghe rất quan trọng trong suốt quá trình xây dựng và nuôi dưỡng sự thấu cảm.

Lắng nghe tích cực hay lắng nghe với toàn bộ sự chú ý (listen with your full attention) là khi bạn dành toàn bộ sự chú ý của bản thân và chủ động lắng nghe những gì người khác đang nói. Bạn nghe những gì họ nói và cảm nhận cảm xúc của họ, chứ không phải là những gì bạn sẽ nói sau khi họ nói. 

Hãy suy ngẫm, tóm ý và phản hồi lại những gì họ nói với bạn để cho họ biết là những gì bạn đã nghe ở họ. Nhớ là không ngắt lời, không phán xét, không chỉ trích và đôi khi bạn cũng không cần đưa ra bất kỳ lời khuyên gì nếu họ không yêu cầu.

thấu cảm là gì
Kỹ năng lắng nghe là kỹ năng quan trọng và cũng là bước đầu để bạn xây dựng khả năng thấu cảm

2. Đặt câu hỏi để giữ sự tò mò

Thay vì bạn đoán về những tình huống, những suy nghĩ hay cảm xúc của họ thì bạn nên đặt câu hỏi cho họ. Câu hỏi thể hiện sự quan tâm và sự tò mò của bạn, đồng thời cũng là cơ hội để họ cởi mở hơn với bạn trong cuộc trò chuyện.

3. Quan sát ngôn ngữ cơ thể

Bên cạnh việc lắng nghe những gì họ nói, bạn cũng không nên bỏ qua những tín hiệu từ ngôn ngữ cơ thể, vì đây cũng là những thông tin ở dạng ngôn ngữ phi ngôn từ, giúp bạn hiểu chính xác hơn về những gì họ chia sẻ.

Ví dụ như, họ chia sẻ với bạn rằng: ‘dạo này tôi ổn và công việc thì cũng tương đối thuận lợi’, nếu đi kèm theo đó là một vẻ mặt trầm uất, không hứng thú thì khả năng cao là những gì họ vừa chia sẻ với bạn chỉ là một câu nói nhằm che đậy vấn đề. Vậy nên để có thể hiểu được những ngụ ý, hàm ý từ những lời chia sẻ, bạn cũng cần quan sát thêm về điệu bộ, dáng ngồi, ánh mắt, biểu cảm trên gương mặt và ánh mắt khi giao tiếp.

4. Bạn phải cởi mở trước

Cởi mở hơn cũng có nghĩa là đôi khi bạn cũng có thể trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương như bao người khác. Mặc dù phần lớn chúng ta thường không được dạy như vậy, thay vào đó chúng ta cần thể hiện sự mạnh mẽ và nên che đậy những tổn thương của mình.

Tuy nhiên, nếu bạn không cởi mở trước thì người đối diện sẽ khó có thể đặt niềm tin vào bạn và chia sẻ nhiều chuyện hơn với bạn. Điều đó thậm chí còn ngăn cản sự thấu cảm mà bạn dành cho chính bạn, huống chi là đối với người khác. Do đó, để cởi mở hơn bạn có thể làm theo các cách như: Bày tỏ cảm xúc của mình, biết rằng bản thân cũng có những giới hạn, hiểu rằng bạn cũng có thể bị tổn thương và người khác cũng vậy.

5. Thực hành chánh niệm

Thực hành chánh niệm chính là cách để bạn xây dựng khả năng nhận thức và thấu hiểu bản thân (self-awareness). Bằng cách này, bạn sẽ dần nhận ra vòng lặp của suy nghĩ và hành động của chính mình.

Khi bạn đã có kỹ năng thấu hiểu bản thân thì nó cũng sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình thấu hiểu người khác; hoặc chí ít là bạn cũng có thể chia sẻ cho họ cách để họ nhận biết suy nghĩ và cảm xúc của chính họ.

Thực hành chánh niệm là cách giúp bạn nuôi dưỡng sự thấu cảm của mình
Thực hành chánh niệm là cách giúp bạn nuôi dưỡng sự thấu cảm của mình

6. Chấp nhận sự khác biệt, khám phá những điều mới

Trên thực tế, chúng ta có khuynh hướng cảm thấy gần gũi hơn với những người có cùng trải nghiệm, cùng quan điểm, cách cư xử và nhiều cái tương tự khác. Tưởng chừng việc này sẽ giúp chúng ta thấu cảm hơn, nhưng thật không may chúng sẽ khiến chúng ta bị thiên kiến, bị thiếu thấu cảm hơn với những người không giống chúng ta. 

Do đó, để thoát khỏi tình trạng này và giúp bạn trở nên cởi mở, dễ chấp nhận sự khác biệt hơn, bạn hãy:

  • Chủ động tiếp cận với những người có quan điểm khác chúng ta, đa dạng tính cách, đa dạng niềm tin tôn giáo.
  • Chấp nhận sự thiếu hiểu biết của bản thân: Khi gặp những người có niềm tin và kiến thức khác chúng ta, hãy thừa nhận bản thân không biết và đó chính là cơ hội để bạn được nghe và tiếp cận được sâu hơn.
  • Đọc nhiều hơn: Bạn có thể đọc tiểu thuyết, đọc sách hoặc bất kỳ dạng nội dung khoa học nào. Việc đọc nhiều sẽ giúp mở rộng vốn hiểu biết của bạn. Bằng cách này bạn sẽ thu nhỏ cái tôi của mình lại và biết cách tiếp thu tốt hơn.

Quả thực, có rất nhiều cách để xây dựng và nuôi dưỡng sự thấu cảm và sẽ không phải chỉ gói gọn trong 6 cách trên. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo và thực tập, vì bấy nhiêu có thể cũng đã đủ để bạn bắt đầu.

Câu hỏi thường gặp

Sự khác biệt giữa đồng cảm và thấu cảm là gì?

Xét trên phương diện đời sống hàng ngày, sự thấu cảm và sự đồng cảm nhìn chung đều là sự quan tâm đến người khác. Điểm khác nhau, sự thấu cảm (empathy) là sự thấu hiểu về suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Sự đồng cảm (sympathy) là bạn cảm thấy tiếc nuối, đau lòng hoặc xót thương về chuyện mà họ gặp phải.

Còn trên phương diện một kỹ thuật trong tâm lý lâm sàng, sẽ chỉ có kỹ năng thấu cảm. Đồng cảm sẽ không được sử dụng trong lĩnh vực này.

Sự khác nhau giữa thấu cảm (empathy) và đồng cảm (sympathy)
Sự khác nhau giữa thấu cảm (empathy) và đồng cảm (sympathy)

Rào cản của sự thấu cảm là gì?

Đôi khi, những phản ứng vô thức lặp đi lặp lại của chúng ta đã ngăn cản sự phát triển của lòng thấu cảm. Những rào cản có thể bao gồm:

  • Đưa ra lời khuyên, giải pháp, thuyết giảng đạo đức.
  • Không chú ý, mất tập trung khi người khác chia sẻ.
  • Phán xét, chỉ trích, phản bác ý kiến và quan điểm của người khác.
  • Ngắt lời hoặc sử dụng câu từ với ý phủ định (nhưng mà, thế còn, tại sao…).
  • Làm quan tòa phán xét, xem đâu là lỗi của ai, ai đúng ai sai trong câu chuyện.
  • Đồng tình kiểu thương hại, khiến người kia cảm thấy bản thân họ yếu đuối, thiếu tự tin.

Dấu hiệu một người có sự thấu cảm là gì?

Dấu hiệu một người có sự thấu cảm là nhạy cảm, thường tò mò và quan tâm đến mọi thứ, mọi điều người khác nghĩ. Họ có khả năng lắng nghe và thường là nơi để mọi người tìm đến để chia sẻ. Ngoài ra, họ cũng là một người có trực giác nhạy bén, họ quan sát một cách tinh tế và dường như là mọi người thường khó nói dối họ.

Tuy nhiên, nhóm người này cũng thường cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức do dành nhiều sự quan tâm và năng lượng cho người khác. Chưa kể, họ cũng gặp khó khăn trong việc thiết lập ranh giới giữa các mối quan hệ.

Có chung trải nghiệm có giúp nâng cao mức độ thấu cảm dành cho nhau?

Có cùng trải nghiệm chỉ là yếu tố cộng thêm để bạn có thể dễ thấu cảm hơn, chứ không nhất thiết là bạn phải có cùng trải nghiệm với một người thì bạn mới có thể dành cho họ sự thấu cảm.

Trong một nghiên cứu được thực hiện để tìm ra câu trả lời cho vấn đề liệu có chung trải nghiệm có giúp chúng ta trở nên thấu cảm với đối phương hay không; Kết quả nghiên cứu khảo sát trên 77 người thấy, những người có cùng trải nghiệm với nhân vật trong đoạn video ít có sự thấu cảm hơn và họ cũng không thể nhớ chính xác những sự kiện đã diễn ra đối với nhân vật trong video là gì.

Kết luận

Tóm lại, thấu cảm là khả năng thấu hiểu cảm xúc, tâm trạng của người khác thông qua việc đặt mình vào vị trí của đối phương để mà cảm nhận. Còn kỹ năng thấu cảm sử dụng trong Tâm lý trị liệu thì sẽ cần được đào tạo và rèn luyện trong môi trường chuyên môn.

Việc có thêm vốn hiểu biết về thấu cảm là gì sẽ rất hữu ích cho bạn, nó sẽ giúp bạn lắng nghe, tò mò và kết nối với mọi người ở mức độ sâu sắc hơn. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về thấu cảm là gì và cách xây dựng và nuôi dưỡng lòng thấu cảm của bản thân.

Bạn có thể quan tâm:

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sương

Tâm thần · Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 28/05/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo