backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu là đủ?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 30/11/2021

    Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu là đủ?

    Hiểu rõ thời gian ngủ của trẻ sơ sinh cũng như đặc điểm giấc ngủ của bé theo từng tháng sẽ giúp mẹ dễ theo dõi, quan sát và an tâm hơn về sức khỏe cũng như sự phát triển của bé. 

    Con ngủ nhiều hay ngủ ít đều khơi dậy những nỗi lo lắng trong tâm trí của cha mẹ, nhất là với những bậc cha mẹ lần đầu chăm con. Bởi giấc ngủ trong những tháng đầu đời đóng vai trò rất quan trọng và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, cơ thể, cảm xúc, hành vi và là tiền đề cho sự phát triển trong tương lai của trẻ.  

    Thế nhưng, thời gian ngủ của trẻ sơ sinh là bao nhiêu tiếng mỗi ngày? Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu là đủ? Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về thời gian ngủ cũng như đặc điểm giấc ngủ của trẻ sơ sinh nhé! 

    Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh theo từng tháng 

    Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng 1 ngày? Tùy thuộc vào độ tuổi mà thời gian ngủ trong ngày của trẻ sơ sinh sẽ khác nhau.  

    Ở những tháng đầu sau sinh, bé thường ngủ rất nhiều nhưng thời gian mỗi giấc ngủ thường ngắn. Khi bé lớn hơn, tổng thời gian ngủ mỗi ngày sẽ giảm dần nhưng thời gian ngủ mỗi giấc sẽ tăng lên. 

    Trung bình, trẻ sơ sinh sẽ ngủ khoảng 8 – 9 tiếng vào ban ngày và khoảng 8 tiếng vào ban đêm. Mỗi giấc ngủ của bé có thể chỉ kéo dài khoảng 1 – 2 tiếng. Đến khoảng 3 tháng tuổi hoặc khi cân nặng được khoảng 6kg, bé có thể bắt đầu ngủ suốt đêm (khoảng 6 đến 8 giờ) mà không thức giấc. 

    thời gian ngủ của trẻ sơ sinh

    Đặc điểm giấc ngủ của trẻ sơ sinh theo từng tháng 

    thời gian ngủ của trẻ sơ sinh

    1. Bé 0 – 2 tháng tuổi

    Trẻ 1 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ? Trẻ 2 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ? Đây là những băn khoăn rất phổ biến mà hầu như cha mẹ nào cũng có bởi giai đoạn này bé còn quá nhỏ, phần lớn thời gian trong ngày chủ yếu là dùng để ngủ nên nhiều mẹ lo lắng không biết bé ngủ nhiều có sao không. 

    Đối với trẻ 1 – 2 tháng, tổng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh sẽ là khoảng 15 đến hơn 16 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, giấc ngủ của bé thường không dài, bé sẽ thức giấc khoảng sau 2 – 3 tiếng để đòi bú. Trung bình, mỗi ngày bé có thể thức dậy đòi bú 10 – 14 lần và việc này diễn ra cả ngày và đêm nên đôi lúc có thể khiến mẹ thấy mệt mỏi.

    2. Bé 3 – 5 tháng tuổi

    Trẻ 3 tháng tuổi ngủ bao nhiêu tiếng? Trẻ 4 tháng ngủ bao nhiêu là đủ? Nếu so với 6 – 8 tuần đầu tiên sau sinh thì trẻ 3 – 5 tháng tuổi sẽ thức nhiều hơn ban ngày. Thời gian ngủ của bé có thể nằm trong khoảng 14 – 16 tiếng, trong đó, thời gian ngủ ban ngày chỉ 4 – 6 tiếng với 3 – 4 giấc ngủ ngắn. 

    Trẻ 3 – 5 tháng có thể ngủ suốt đêm (khoảng 6 tiếng) mà không dậy đòi bú. Ở giai đoạn này, bạn có thể không cần đánh thức bé dậy giữa đêm để cho bé bú trừ khi bác sĩ chỉ định. 

    Tuy nhiên, ở giai đoạn 3 – 4 tháng tuổi, bé có thể gặp phải tình trạng thụt lùi về giấc ngủ (sleep regression) với biểu hiện chính là bé hay thức giấc giữa đêm, khóc lóc, khó ngủ hay giật mình giống như lúc 0 –  2 tháng tuổi dù trước đó đã có thể ngủ suốt đêm. 

    Tình trạng này xuất hiện khá đột ngột và là biểu hiện bình thường. Nguyên nhân có thể là do bé đang bước vào tuần khủng hoảng hay giai đoạn phát triển nhảy vọt về thể chất và trí tuệ.  

    3. Bé 6 – 8 tháng tuổi

    Hầu hết trẻ 6 tháng đều đã có thể ngủ suốt đêm (khoảng 6 – 8 tiếng) mà không thức dậy đòi bú. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số bé thức giấc 1 – 2 lần. 

    Đối với thời gian ngủ vào ban ngày, số giấc ngủ ngắn của bé có thể giảm so với những tháng trước nhưng mỗi cữ ngủ của bé có thể dài hơn, khoảng 3 – 4 tiếng. 

    6 – 8 tháng cũng là thời điểm mà bé sẽ có nhiều bước phát triển nhảy vọt quan trọng. Do đó, tình trạng thụt lùi giấc ngủ cũng tiếp tục xuất hiện.

    4. Bé 9 – 12 tháng tuổi

    Ở thời điểm 9 – 12 tháng, nhiều bé đã học được thói quen tự ngủ mà không cần đến sự hỗ trợ của người lớn. Thời điểm này, bé có thể liên tục ngủ trong suốt 9 – 12 tiếng mỗi đêm. Vào ban ngày, bé sẽ có 2 giấc ngủ ngắn khoảng 3 – 4 tiếng. 

    Trong thời gian 8 – 10 tháng tuổi, tình trạng thụt lùi giấc ngủ vẫn tiếp tục xuất hiện, thậm chí là xuất hiện nhiều lần. Nguyên nhân là do trong khoảng thời gian này sẽ có nhiều giai đoạn phát triển nhảy vọt quan trọng như mọc chiếc răng đầu tiên, trẻ bắt đầu chuyển từ ngồi sang đứng hay trẻ bắt đầu học nói

    Thời gian ngủ của trẻ sinh non sẽ như thế nào? 

    thời gian ngủ của trẻ sơ sinh

    Nếu so với trẻ sinh đủ tháng thì trẻ sinh non sẽ cần ngủ nhiều hơn. Thậm chí, trẻ có thể dành khoảng 90% thời gian để ngủ. Không thể nói chính xác trẻ sinh non ngủ bao nhiêu tiếng là đủ bởi điều này sẽ tùy thuộc vào việc trẻ sinh ở tuần thứ bao nhiêu và tình trạng sức khỏe của bé.  

    Nhìn chung, đặc điểm giấc ngủ của trẻ sinh non vẫn giống với trẻ sinh đủ tháng. Tuy nhiên, tổng thời gian ngủ có thể nhiều hơn, bé dễ thức giấc hơn và thời điểm bé có thể ngủ suốt đêm có thể trễ hơn so với bé đủ tháng. 

    Mỗi bé sẽ có những đặc điểm riêng, do đó thời gian ngủ của trẻ sơ sinh ở mỗi bé cũng sẽ khác nhau nên bạn cũng đừng quá lo nếu thực tế, bé ngủ nhiều hoặc ít hơn so với thông tin trên. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy có bất cứ điều bất thường nào về giấc ngủ có đi cùng với các triệu chứng bất thường như bỏ bú, quấy khóc, sốt, sút cân, các vấn đề về tiêu hóa… thì cần đưa bé đi khám ngay. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 30/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo