Trước và trong khi trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên, thân nhiệt của bé sẽ tăng nhẹ. Tình trạng này thường được các mẹ biết đến và gọi là sốt khi mọc răng. Không những vậy, thực tế nhiều trẻ còn sốt mọc răng xong phát ban. Các mẹ có thể nhận thấy hai má, cằm, vùng cổ hoặc một số vùng da khác trên cơ thể bé đỏ ửng lên, khô và có thể kèm theo những vết ban. Vậy trẻ phát ban khi mọc răng có sao không?
Thực chất phát ban khi mọc răng là tình trạng vô hại. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý khi bé bị sốt mọc răng xong phát ban để tránh tình trạng làn da của trẻ bị kích ứng, ngứa ngáy và giúp trẻ vượt qua thời kỳ mọc răng một cách dễ chịu.
Trẻ sốt mọc răng xong phát ban: Nguyên nhân là do đâu?
Chắc hẳn nhiều mẹ bỉm nuôi con nhỏ đã quá quen thuộc với tình trạng trẻ sốt nhẹ khi mọc răng. Thực chất, khi trẻ mọc răng, thân nhiệt chỉ cao hơn bình thường một chút và không được xem là sốt như khi nhiễm virus gây bệnh. Mặt khác, nhiều mẹ còn nhận thấy trẻ sốt mọc răng xong phát ban và không hiểu vì sao lại xảy ra tình trạng này. Vậy, trẻ sốt mọc răng có phát ban không? Nguyên nhân là gì?
Thực tế, tình trạng phát ban khi mọc răng là vô hại, và “thủ phạm” thật ra chính là nước dãi (nước bọt) của trẻ. Khi những chiếc răng của trẻ bắt đầu nhú lên, các tuyến nước bọt đang phát triển thường sẽ hoạt động quá mức. Như một phản xạ tự nhiên, trẻ sẽ tiết nhiều nước bọt hơn và nước dãi thường chảy ra khỏi miệng, lan xuống cổ và ngực.
Điều này gây ra tình trạng ẩm ướt liên tục và enzym trong nước bọt có thể gây kích ứng da của trẻ dẫn đến phát ban. Thêm vào đó, việc chà xát thường xuyên do trẻ mút tay, chơi đùa hoặc được ôm ấp có thể khiến các vết ban đỏ trên da trở nên dai dẳng hơn, mặc dù không gây hại.
Trẻ sốt mọc răng xong phát ban có nguy hiểm không?
Nếu trẻ mọc răng nổi mẩn đỏ do nước bọt, điều này là hoàn toàn bình thường và không gây nguy hiểm cho bé. Tuy nhiên, nếu phát ban sau sốt mọc răng là do nhiễm vi khuẩn, virus gây ra thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ.
Nếu không được điều trị đúng cách, trẻ bị sốt phát ban do nhiễm trùng có thể bị sốt kéo dài, tái đi tái lại. Nếu sốt cao, bé còn có thể kèm theo tình trạng co giật, mệt mỏi, ngủ li bì… Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trong một số trường hợp, trẻ mọc răng bị sốt phát ban do nhiễm virus, vi khuẩn còn có thể bị ngứa, lở loét vùng phát ban dẫn đến tổn thương, nhiễm trùng da.
Trẻ phát ban khi mọc răng thường có những triệu chứng gì?
Tình trạng trẻ sốt mọc răng xong phát ban thường không khó nhận biết. Thông thường, bất cứ vùng da nào của trẻ tiếp xúc với nước dãi thường xuyên đều có thể bị kích ứng và phát ban, bao gồm cằm, má, vùng cổ và ngực. Nếu trẻ dùng núm vú giả, bạn cũng có thể thấy vùng da tiếp xúc với núm vú giả đỏ lên, kích ứng và nổi ban.
Bên cạnh đó, vùng da phát ban của trẻ có thể trông lấm tấm mụn nhỏ, đỏ, sần sùi và khô nứt nẻ. Chỗ phát ban cũng có thể có mùi nhẹ do thức ăn hoặc sữa có lẫn trong nước bọt. Ngoài tình trạng sốt mọc răng xong phát ban, trẻ còn có thêm những biểu hiện khác trong lúc mọc răng như thích cho đồ vào miệng để nhai cắn, có thể cáu gắt, quấy khóc nhiều hơn do đau nướu.
Trẻ sốt mọc răng xong phát ban nên được chăm sóc như thế nào để nhanh khỏi?
Mặc dù trẻ bị sốt mọc răng xong phát ban không có gì đáng lo ngại nhưng bạn vẫn nên chú ý đến việc chăm sóc da của trẻ để giúp con mau lành hơn, giảm đi sự khó chịu, ngứa ngáy ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ. Sau đây là một số biện pháp điều trị mà cha mẹ có thể áp dụng tại nhà khi trẻ phát ban do mọc răng:
1. Hạn chế để da của bé tiếp xúc với nước dãi
Nếu muốn ngăn ngừa phát ban khi trẻ mọc răng hoặc giúp tình trạng này mau lành hơn, cách tốt nhất là bạn nên giữ cho da của trẻ không bị ẩm ướt bởi nước dãi. Sau đây là một số cách đơn giản giúp da trẻ luôn được khô ráo dù tiết dãi liên tục do mọc răng:
- Bạn nên thường xuyên dùng khăn sạch mềm để thấm nước dãi của trẻ, nhưng nhớ là tránh lau hoặc chà xát quá mạnh để hạn chế gây kích ứng làn da của bé.
- Nếu trẻ tiết nước dãi quá mức, bạn hãy cho bé đeo yếm để bảo vệ cổ và ngực. Đồng thời, đừng quên thay yếm thường xuyên cho con.
- Trẻ dùng núm vú giả phải sử dụng cơ miệng nhiều hơn nên sẽ kích thích chảy nhiều dãi hơn. Do đó, bạn nên hạn chế cho trẻ ngậm núm vú giả khi đang mọc răng nhé.
2. Chăm sóc làn da của trẻ bằng kem dưỡng ẩm phù hợp
Tình trạng sốt mọc răng xong phát ban có thể khiến làn da của bé trở nên khô ráp, nứt nẻ. Vì vậy, việc giữ cho da bé sạch sẽ và bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên là rất cần thiết. Một số kem dưỡng ẩm hoặc kem làm mềm da cho bé có tác dụng cung cấp một lớp màng trên da giúp da trẻ khô thoáng và ngăn nước dãi gây kích ứng.
Trước khi bôi kem dưỡng ẩm cho trẻ, bạn hãy lau khô nước dãi rồi sau đó mới thoa kem. Bạn có thể thực hiện điều này nhiều lần trong ngày. Để thuận tiện hơn thì bạn có thể bôi kem dưỡng cho bé sau mỗi lần cho ăn hay thay tã cũng được nhé!
Lưu ý
- Nên chọn loại kem dưỡng dành cho da em bé, có thành phần tự nhiên càng tốt.
- Không nên dùng kem dưỡng có hương liệu để bôi lên vùng da phát ban của trẻ.
3. Thay quần áo cho bé thường xuyên
Nước dãi thấm vào quần áo cộng với ma sát của vải với da có thể gây kích ứng, phát ban ở vùng ngực và bụng của bé. Do đó, nếu bé chảy dãi nhiều đến mức thấm qua quần áo thì bạn cần nhớ thay quần áo cho con thường xuyên.
Lưu ý
- Nên cho trẻ mặc quần áo có chất liệu mềm mại, thoáng mát.
- Nên dùng xà bông, nước giặt đồ dành riêng cho quần áo em bé. Không chỉ có quần áo, mà nếu khăn, drap trải giường, chăn mền… dính nước dãi của trẻ thì mẹ cũng nên thay, giặt thường xuyên để đảm bảo vệ sinh.
Nhìn chung, tình trạng trẻ sốt mọc răng xong phát ban do kích ứng với nước dãi thường không đáng lo. Tuy nhiên, làn da đỏ và phát ban của bé có thể rất giống với một số bệnh lý như viêm da dị ứng, bệnh tay chân miệng, thậm chí là viêm màng não rất nguy hiểm… Do đó, bạn không nên chủ quan mà cần theo dõi trẻ thường xuyên trong giai đoạn con mọc răng. Nếu trẻ phát ban nghiêm trọng, quấy khóc, bỏ bú, chán ăn, sốt cao… thì nên nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
[embed-health-tool-vaccination-tool]