backup og meta

Bà bầu bị tiêu chảy: Mọi điều cần biết trong từng tam cá nguyệt

Bà bầu bị tiêu chảy: Mọi điều cần biết trong từng tam cá nguyệt

Bà bầu bị tiêu chảy là một vấn đề không hiếm gặp nhưng thường khiến các mẹ lo lắng và không biết cách xử lý đúng đắn. Việc thay đổi nội tiết tố, chế độ ăn uống, cấu trúc cơ thể khi mang thai… có thể dẫn đến tình trạng này.

Trong bài viết sau, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu dấu hiệu, nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa tiêu chảy khi mang thai, giúp các mẹ bầu có thêm kiến thức để chăm sóc bản thân tốt hơn trong suốt thai kỳ.

Dấu hiệu nhận biết tiêu chảy khi mang thai

Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi lớn, từ nội tiết tố, hệ tiêu hóa đến hệ miễn dịch. Những thay đổi này có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy, đặc biệt là trong giai đoạn đầu và cuối của thai kỳ.

Dấu hiệu của tiêu chảy bao gồm việc đi ngoài phân lỏng hoặc nước từ 3 lần trở lên trong 24 giờ, có thể kèm theo cảm giác đau bụng, đầy hơi, buồn đi vệ sinh gấp. Trong một số trường hợp, mẹ bầu bị tiêu chảy còn có thể thấy buồn nôn, nôn, sốt, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt…

Mặc dù tiêu chảy thường không nguy hiểm, nhưng nếu không được chú ý và xử lý kịp thời, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Do đó, khi gặp phải các dấu hiệu tiêu chảy, mẹ bầu cần gặp bác sĩ ngay để được hướng dẫn điều trị và chăm sóc đúng cách.

Nguyên nhân khiến bà bầu bị tiêu chảy

Bà bầu bị tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phần lớn chúng liên quan đến sự thay đổi sinh lý và chế độ ăn uống của mẹ bầu, nhưng cũng có những nguyên nhân khác không liên quan đến thai kỳ.

Một số nguyên nhân liên quan đến thai kỳ khiến bà bầu bị tiêu chảy bao gồm:

Thay đổi chế độ ăn uống trong thai kỳ

Mẹ bầu có thể đột ngột thay đổi chế độ ăn uống để đảm bảo em bé nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, điều này có thể gây đau bụng hoặc tiêu chảy.

Bầu bị tiêu chảy
Những thay đổi về chế độ ăn uống trong thai kỳ có thể khiến bà bầu bị tiêu chảy

Cơ địa nhạy cảm với nhiều loại thực phẩm

Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trở nên nhạy cảm hơn với nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm mới hoặc không quen thuộc, dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực như tiêu chảy. Kể cả những thực phẩm bạn từng ăn trước đây cũng có thể khiến bạn bị đầy hơi, đau bụng hoặc tiêu chảy khi bạn tiêu thụ chúng trong thai kỳ.

Sử dụng thực phẩm chức năng cho bà bầu không phù hợp

Việc bổ sung nhiều loại thực phẩm chức năng, vitamin, khoáng chất đôi khi khiến hệ tiêu hóa của mẹ bầu bị quá tải, gây rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy. Dùng những sản phẩm bổ sung này rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé, nhưng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để lựa chọn liều lượng và nhãn hiệu phù hợp, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Mẹ bầu bị tiêu chảy do thay đổi nội tiết tố

Các hormone thay đổi trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, làm chậm hoặc tăng cường nhu động ruột, gây ra tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón.

Thay đổi về cấu trúc cơ thể khi mang bầu

Bà bầu bị tiêu chảy
Cấu trúc cơ thể thay đổi khi mang thai có thể kích hoạt nhu động ruột, khiến bà bầu bị tiêu chảy

Trong suốt thai kỳ, cấu trúc cơ thể của phụ nữ sẽ thay đổi và có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Ví dụ, tử cung mở rộng khi thai nhi phát triển có thể chèn lên các bộ phận của đường tiêu hóa, gây ra những thay đổi trong nhu động ruột.

Ngoài ra, tiêu chảy khi mang thai cũng có thể do các nguyên nhân không liên quan đến thai kỳ, chẳng hạn:

Ngộ độc thực phẩm, nhiễm vi khuẩn hoặc virus từ thức ăn

Một loại ngộ độc thực phẩm phổ biến có thể gây tiêu chảy trong thai kỳ là bệnh listeriosis, xảy ra khi ăn phải vi khuẩn Listeria. 

Phụ nữ mang thai có khả năng mắc bệnh listeriosis cao gấp 10 lần so với người không mang thai. Căn bệnh có nhiều khả năng gây ra các biến chứng trong thai kỳ. Listeria thường có trong pho mát mềm hoặc thịt hộp. Đó là lý do tại sao phụ nữ mang thai thường được khuyên không nên ăn những thực phẩm này.

Một số loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng khác có khả năng gây tiêu chảy gồm:

  • Vi khuẩn, chẳng hạn như Escherichia coli hoặc bất kỳ loại nào trong chi Campylobacter, Salmonella hoặc Shigella
  • Virus như norovirus và rotavirus
  • Ký sinh trùng, chẳng hạn như Giardia lamblia và Cryptosporidium enteritis

Mẹ bầu có thể bị nhiễm các sinh vật có hại này do ăn phải thực phẩm hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Chính vì vậy, mẹ bầu cần ăn chín, uống sôi, sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn ruột.

Tình trạng không dung nạp lactose

Không dung nạp lactose là tình trạng không tiêu hóa được lactose, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Khoảng 65% dân số thế giới gặp phải tình trạng không dung nạp lactose.

Triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng không dung nạp lactose là rối loạn tiêu hóa. Điều này khiến cho một số mẹ bầu uống sữa tươi bị tiêu chảy hoặc uống sữa bầu bị sôi bụng đi ngoài, cảm giác đầy hơi, khó chịu và buồn nôn.

Đối với các mẹ gặp phải tình trạng không dung nạp lactose trong thai kỳ, điều quan trọng là bạn phải tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để đảm bảo cung cấp đủ vitamin D và canxi cần thiết từ những loại sữa bầu không chứa lactose và các thực phẩm khác.

Bà bầu uống sữa bị tiêu chảy
Bà bầu uống sữa bị tiêu chảy có thể do tình trạng bất dung nạp lactose

Mẹ bầu bị tiêu chảy do một số loại thuốc

Một trong những nguyên nhân khác khiến bà bầu bị tiêu chảy là tác dụng phụ của một số loại thuốc sử dụng trong thai kỳ như thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng, thuốc kháng axit…

Do các bệnh lý đường tiêu hóa trước đó

Những phụ nữ có tiền sử mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, Celiac, hoặc viêm loét đại trực tràng có nguy cơ cao bị tiêu chảy trong thai kỳ.

Bà bầu 3 tháng cuối bị tiêu chảy có thể là dấu hiệu chuyển dạ

Ở cuối thai kỳ, một số phụ nữ có thể trải qua tình trạng tiêu chảy như một dấu hiệu sớm cho thấy cơ thể đang chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Sự thay đổi hormone có thể khiến hệ tiêu hóa hoạt động nhanh hơn, dẫn đến tiêu chảy. Tiêu chảy có thể xảy ra ngay trước khi chuyển dạ hoặc vài tuần trước khi chuyển dạ.

Dù vậy, không phải phụ nữ sắp sinh nào cũng gặp phải tình trạng tiêu chảy. Bạn có thể tìm hiểu các dấu hiệu chuyển dạ, sắp sinh trong 1 đến 2 ngày mà các mẹ bầu nên biết.

Bà bầu bị tiêu chảy có sao không? Có nguy hiểm không?

Mẹ bầu bị tiêu chảy liên tục và kéo dài nhiều ngày dẫn đến tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải cho cơ thể. Đồng thời, tình trạng này làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ như giảm lượng nước ối, thai nhi bị suy dinh dưỡng và chậm phát triển.

Tiêu chảy khi mang thai đặc biệt nguy hiểm nếu nguyên nhân đến từ nhiễm trùng vi khuẩn Listeria. Trong thời kỳ mang thai, mẹ có thể truyền vi khuẩn này cho em bé. Điều này có thể gây ra các vấn đề như sảy thai, thai lưu, sinh non, trẻ nhẹ cân, các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng trẻ sơ sinh như nhiễm trùng huyết và viêm màng não hoặc các bệnh lý nguy hiểm khác như khuyết tật trí tuệ, liệt, co giật, mù lòa, bệnh não, tim hoặc thận.

Bầu bị tiêu chảy

Mẹ bầu cần nhanh chóng gặp bác sĩ khi có những dấu hiệu sau:

  • Tiêu chảy kéo dài hơn một hoặc hai ngày
  • Đau bụng dữ dội
  • Đau đầu, chóng mặt kèm theo nôn mửa nặng
  • Sốt cao trên 38 độ C
  • Thấy máu trong phân
  • Có các dấu hiệu mất nước như cực kỳ khát nước, khô miệng, tiểu ít, nước tiểu đậm màu…
  • Cảm giác gò bụng nhiều, rỉ ối, thay đổi dịch tiết âm đạo… hoặc giảm cử động thai nhi.

Những điều cần lưu ý khi bà bầu bị tiêu chảy trong từng tam cá nguyệt

Mẹ bầu bị tiêu chảy 3 tháng đầu thì sao? Có nguy hiểm không?

Một số người cho rằng tiêu chảy là dấu hiệu sớm của thai kỳ. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác. Những thay đổi hormone trong giai đoạn này có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm cả tiêu chảy. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu duy nhất hay đáng tin cậy nhất để xác định thai kỳ. Các dấu hiệu mang thai khác phổ biến hơn là trễ kinh, đau ngực, ốm nghén, ra máu báo thai…

Bà bầu bị tiêu chảy ở 3 tháng đầu thường không gây nguy hiểm cho thai nhi nhưng cần được theo dõi và điều trị kịp thời để tránh mất nước và các biến chứng khác. Lưu ý, nếu nghĩ rằng mình có khả năng đã mang thai, bạn nên đi khám sớm để được bác sĩ tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp nếu cần. Tránh tự ý mua thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc được người khác mách bảo, vì nhiều loại thuốc có thể gây hại cho thai nhi.

Tiêu chảy khi mang thai có nguy hiểm không
Tình trạng tiêu chảy khi mang thai dù ở tam cá nguyệt nào cũng cần được theo dõi sát sao để can thiệp y tế kịp thời

Mẹ bầu bị tiêu chảy 3 tháng giữa

Trong 3 tháng giữa thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai), thai nhi phát triển rất mạnh mẽ. Nếu bị tiêu chảy trong giai đoạn này, mẹ cần phải cẩn trọng để không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Nếu tiêu chảy kéo dài, mẹ bầu có thể bị mất nước, mất điện giải, không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng cần thiết từ thức ăn. Điều này gây ảnh hưởng đến lượng máu và chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi, làm giảm khả năng phát triển tối ưu của bé. Do đó, nếu bị tiêu chảy trong 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu cần biết cách xử lý đúng và sát sao theo dõi các triệu chứng để thăm khám kịp thời.

Tiêu chảy 3 tháng cuối thai kỳ

Mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của tình trạng mẹ bầu bị tiêu chảy 3 tháng cuối thai kỳ cần được đánh giá cẩn thận. Tiêu chảy trong giai đoạn này có thể là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi chuẩn bị cho ngày dự sinh, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác cần được chú ý, như nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, hoặc phản ứng phụ của việc sử dụng một số loại thuốc…

Trong những tuần cuối cùng của thai kỳ, mẹ bầu nên theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của cơ thể và tình trạng sức khỏe của thai nhi. Nếu thấy có bất kỳ sự thay đổi nào đáng lo ngại, cần đến bác sĩ để được kiểm tra và đánh giá kịp thời. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể đưa ra các hướng dẫn cụ thể về cách xử lý, từ điều chỉnh chế độ ăn uống đến sử dụng các biện pháp điều trị an toàn.

Cách xử lý khi bà bầu bị tiêu chảy

Tiêu chảy trong thai kỳ thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi mà không cần đến các phương pháp điều trị phức tạp. Tuy nhiên, mẹ bầu cần biết cách xử lý đúng cách để tránh các biến chứng tiềm ẩn. Dưới đây là một số phương pháp tại nhà giúp mẹ bầu xử lý tình trạng tiêu chảy:

Không cố gắng cầm tiêu chảy bằng các phương pháp dân gian

Một số phương pháp dân gian như uống thuốc lá hoặc các loại thảo dược không được kiểm chứng khoa học có thể gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi. Thay vào đó, mẹ bầu nên tập trung vào các biện pháp an toàn hơn để giảm triệu chứng.

Tích cực bổ sung nước và điện giải

Tiêu chảy có thể gây mất nước và điện giải nghiêm trọng, điều này đặc biệt nguy hiểm trong thai kỳ. Mẹ bầu nên uống nhiều nước, nước oresol hoặc nước trái cây để bù lại lượng nước và khoáng chất đã mất. Tránh các loại đồ uống có cồn hoặc có ga, vì chúng có thể làm tình trạng tiêu chảy trở nên tồi tệ hơn.

Tiêu chảy khi mang thai
Khi bị tiêu chảy, mẹ bầu nên tích cực bổ sung nước và điện giải cho cơ thể

Mẹ bầu bị tiêu chảy cần điều chỉnh chế độ ăn uống

Trong giai đoạn bị tiêu chảy, mẹ bầu nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, nhẹ nhàng với dạ dày như cháo, súp, chuối, táo… Tránh các thức ăn có nhiều chất béo, đồ cay nóng và các sản phẩm từ sữa nếu cảm thấy chúng làm triệu chứng nặng hơn.

Thay đổi loại sữa nếu cần thiết

Nếu xác định được nguyên nhân tiêu chảy là do không dung nạp lactose hoặc do một loại sữa nhất định, mẹ bầu nên cân nhắc thay đổi sang loại sữa khác phù hợp hơn. Có nhiều loại sữa không chứa lactose cho phụ nữ mang thai có thể giúp giảm triệu chứng tiêu chảy mà vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết.

Điều chỉnh các loại thuốc đang sử dụng

Nếu một loại thuốc bạn đang dùng gây ra tiêu chảy, hãy trao đổi với bác sĩ để thay đổi loại thuốc khác phù hợp hơn. Mẹ bầu không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng dùng thuốc kê đơn mà không trao đổi trước với bác sĩ.

Tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ trước khi dùng thuốc chống tiêu chảy

Mẹ bầu bị tiêu chảy không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc chống tiêu chảy nào mà không có hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều loại thuốc có thể chứa thành phần không an toàn cho thai nhi. Việc dùng thuốc không đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Nếu tình trạng tiêu chảy của bạn không thuyên giảm sau một vài ngày áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà hoặc kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đau bụng dữ dội, phân có máu… hãy đến bệnh viện ngay lập tức.

Cách phòng ngừa tình trạng tiêu chảy khi mang thai

Bà bầu bị tiêu chảy gặp nhiều bất tiện và ảnh hưởng đến sức khỏe. Để phòng tránh tình trạng này, mẹ bầu nên áp dụng một số biện pháp sau:

Lựa chọn thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh

Mẹ bầu nên chọn những thực phẩm tươi, sạch, rõ nguồn gốc và cần nấu chín trước khi ăn. Chế độ ăn có thể bổ sung đa dạng trái cây, rau củ và sữa chua để duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh và tăng cường hệ tiêu hóa. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến việc bảo quản thực phẩm đúng cách để tránh bị ngộ độc.

Hạn chế các thực phẩm dễ gây rối loạn đường tiêu hóa

Một số loại thực phẩm có thể gây rối loạn tiêu hóa và nên được hạn chế trong chế độ ăn của mẹ bầu như các món ăn nhiều chất béo, cay nóng, rượu bia, đồ uống có ga, các món tái sống như gỏi, tiết canh, thịt tái… Việc tránh các món ăn đã từng gây dị ứng hoặc kích ứng trước đây cũng rất quan trọng để ngăn ngừa tiêu chảy.

Bà bầu bị tiêu chảy
Mẹ bầu nên lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng để phòng ngừa tình trạng tiêu chảy

Mẹ bầu cần bổ sung đủ nước

Trong suốt thai kỳ, việc uống đủ nước là rất quan trọng. Ngoài nước lọc, mẹ bầu có thể bổ sung thêm nước trái cây tự nhiên, nước oresol để duy trì cân bằng điện giải, giúp cơ thể luôn được cấp đủ nước, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng hoặc khi cơ thể có dấu hiệu mất nước.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt

Mẹ bầu cần rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với động vật. Bên cạnh đó, bạn cũng cần giữ không gian sống sạch sẽ, đặc biệt là khu vực bếp và nhà vệ sinh.

Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng

Bạn nên giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng và lo âu. Sức đề kháng mạnh mẽ sẽ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc phải tiêu chảy.

Khám thai định kỳ để phòng ngừa tình trạng bầu bị tiêu chảy

Việc thăm khám và siêu âm thai định kỳ không chỉ giúp theo dõi sức khỏe của thai nhi mà còn giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe ở mẹ bầu, bao gồm nguy cơ tiêu chảy để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

FAQs – Những câu hỏi liên quan đến tình trạng bầu bị tiêu chảy

1. Mẹ bầu uống sữa tươi bị tiêu chảy có sao không?

Mẹ bầu uống sữa tươi bị tiêu chảy có thể đến từ một số nguyên nhân, chủ yếu là do không dung nạp lactose. Trong trường hợp này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chuyển sang các loại sữa không chứa lactose dành cho bà bầu hoặc các thực phẩm thay thế khác để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng mà không gây khó chịu cho hệ tiêu hóa.

Nếu tình trạng tiêu chảy tiếp tục xảy ra sau khi thay đổi sữa, mẹ bầu nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn và tìm ra nguyên nhân chính xác.

2. Mẹ bầu bị tiêu chảy có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Mẹ bầu bị tiêu chảy nhẹ và tạm thời thường không gây hại cho thai nhi, nhưng tiêu chảy nặng hoặc kéo dài cần được điều trị y tế để tránh các biến chứng. Tiêu chảy kéo dài có thể gây mất nước, mất cân bằng điện giải và giảm hấp thụ dinh dưỡng, dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của thai nhi.

Nếu tiêu chảy là do nhiễm khuẩn, chúng có thể lây lan sang bào thai và gây ra các biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Mẹ bầu nên đảm bảo bù đủ nước và điện giải, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và thăm khám bác sĩ khi có các triệu chứng tiêu chảy kéo dài.

Kết luận

Bà bầu bị tiêu chảy có thể là tình trạng tạm thời và không quá nguy hiểm nếu được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, nếu tiêu chảy kéo dài, kèm theo các triệu chứng như mất nước, sốt, hoặc đau bụng dữ dội… mẹ bầu cần đi khám ngay lập tức để tránh những rủi ro cho cả mẹ và thai nhi. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp, lắng nghe cơ thể và thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường là những bước quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Hãy luôn đặt sức khỏe của mình và con yêu lên hàng đầu để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diarrhea During Pregnancy

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/is-it-safe/diarrhea-in-pregnancy/

Ngày truy cập: 13/08/2024

Food poisoning during pregnancy

https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/food-poisoning-during-pregnancy

Ngày truy cập: 13/08/2024

Tiêu chảy trong thai kỳ

https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/tieu-chay-trong-thai-ky/

Ngày truy cập: 13/08/2024

Treating Lactose Intolerance During Pregnancy

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/lactose-intolerance-during-pregnancy/

Ngày truy cập: 13/08/2024

Common pregnancy-related conditions

https://www.hcahealthcare.co.uk/Blog/Common-pregnancy-related-conditions-constipation-and-diarrhoea

Ngày truy cập: 13/08/2024

Phiên bản hiện tại

30/08/2024

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ

Bà bầu uống nước đá được không, có ảnh hưởng đến thai nhi không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/08/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo