backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Đau bụng khi mang thai: Mẹ cần cảnh giác với những nguyên nhân nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 06/10/2022

    Đau bụng khi mang thai: Mẹ cần cảnh giác với những nguyên nhân nào?

    Tình trạng đau bụng khi mang thai không phải là hiện tượng quá lạ lẫm với các mẹ bầu. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan mà cần tìm hiểu nguyên do chính xác.

    Các cơn đau bụng khi mang thai có thể trải dài ở nhiều mức độ, từ âm ỉ cho đến nhức nhối khó chịu. Đây là thách thức để xác định xem cơn đau của bạn thuộc tình trạng nghiêm trọng hay nhẹ. Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giúp bạn tìm hiểu những thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề này cũng như cách khắc phục, ngăn ngừa hiệu quả.

    Tình trạng chướng bụng sẽ khiến mẹ bầu bị đau bụng

    Hiện tượng khí tích tụ trong hệ thống tiêu hóa sẽ khiến bạn bị đau bụng khi mang thai một cách dữ dội. Bên cạnh đó, bạn có thể cảm thấy sự khó chịu còn xuất hiện thêm ở vùng lưng hoặc ngực.

    Theo Mayo Clinic, phụ nữ khi mang thai dễ bị đau bụng hơn do hiện tượng gia tăng progesterone. Nội tiết tố này làm cho cơ ruột giãn ra và kéo dài thời gian thức ăn đi qua ruột. Nếu thức ăn ở trong ruột kết quá lâu sẽ càng tạo điều kiện để khí gas tích tụ.

    Thêm vào đó, khi thai nhi phát triển, hiện tượng tử cung mở rộng cũng gây thêm áp lực và chèn ép các cơ quan bên trong, khiến quá trình tiêu hóa diễn ra chậm hơn nữa.

    Biện pháp cải thiện

    Nếu nguyên nhân bạn bị đau bụng khi mang thai do đầy hơi, hãy thử thay đổi thói quen sinh hoạt bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày và uống nhiều nước, cũng như nhận diện những món ăn khiến bạn khó tiêu, chẳng hạn như món chiên xào nhiều dầu mỡ, một vài loại đậu, bắp cải.

    Bên cạnh đó, việc tập thể dục nhẹ nhàng cũng hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra một cách hiệu quả hơn.

    Đau bụng khi mang thai do đau dây chằng tròn

    mẹ bầu bị đau dây chằng tròn

    Có hai dây chằng tròn lớn chạy từ tử cung qua háng. Những dây chằng này hỗ trợ tử cung. Khi tử cung căng ra để chứa em bé trong bụng thì dây chằng cũng vậy.

    Điều này có thể gây đau nhói hoặc đau bụng âm ỉ khi mang thai. Cơn đau có thể lan đến hông hoặc háng. Ngoài ra, hắt hơi hoặc ho cũng khiến mẹ bầu cảm thấy đau. Hiện tượng đau dây chằng tròn khi mang thai thường xuất hiện ở nửa cuối thai kỳ.

    Biện pháp cải thiện

    Để giảm hoặc loại bỏ cơn đau dây chằng tròn, hãy tập thói quen đứng lên từ từ nếu bạn ngồi hoặc nằm. Nếu bạn cảm thấy hắt hơi hoặc ho, hãy uốn cong người một chút. Điều này có thể giúp giảm áp lực lên dây chằng.

    Thực hành các bài tập kéo giãn cũng là một biện pháp hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng trên.

    Táo bón gây đau bụng khi mang thai

    Táo bón là một tình trạng phổ biến ở bà bầu. Các tình trạng như nội tiết tố dao động, chế độ ăn uống thiếu hụt chất lỏng hoặc chất xơ, thiếu tập thể dục, không nạp đủ chất sắt hoặc lo lắng nói chung đều có thể dẫn đến táo bón và khiến mẹ bầu hay đau bụng.

    Biện pháp cải thiện

    Nhằm giảm sự khó chịu do tình trạng này gây ra, bạn hãy thử tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn và uống nhiều nước hơn. Theo các chuyên gia, bà bầu nên uống ít nhất 8 đến 10 ly nước mỗi ngày. Bên cạnh đó, hãy thử tham khảo ý kiến bác sĩ về thuốc làm mềm phân thay vì tự ý sử dụng nhé.

    Cơn gò Braxton-Hicks khiến mẹ bầu bị đau bụng

    Cơn gò sinh lý Braxton-Hicks  là những cơn co thắt giả xảy ra khi các cơ tử cung co lại tối đa hai phút. Đây không phải là dấu hiệu sắp sinh, không thường xuyên xảy ra cũng như không thể đoán trước.

    Chúng có thể gây tạo nên những cơn đau đè nặng lên khu vực bụng nhưng điều này là một phần bình thường của thai kỳ. Các cơn gò sinh lý Braxton-Hicks thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 3. Không giống như những cơn co thắt chuyển dạ, khi bạn có dấu hiệu sắp sinh, cơn đau sẽ có tần suất cũng như mức độ tăng dần hơn theo thời gian.

    Hội chứng HELLP gây đau bụng khi mang thai

    đau bụng khi mang thai
    Hội chứng HELLP bao gồm 3 tình trạng kết hợp với nhau: tan máu, men gan cao và tiểu cầu thấp. Đây là một biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của thai kỳ.

    Các bác sĩ vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra HELLP, tuy nhiên một số mẹ bầu phát triển tình trạng này sau khi xác định mắc chứng tiền sản giật.

    Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn có nguy cơ gặp phải hội chứng HELLP dẫu cho các chỉ số sức khỏe ở mức bình thường. Tình trạng này cũng phổ biến hơn nếu bạn lần đầu làm mẹ.

    Đau bụng dưới bên phải là triệu chứng của HELLP. Các dấu hiệu khác bao gồm:

    • Đau đầu
    • Mệt mỏi và khó chịu
    • Buồn nôn và ói mửa
    • Tầm nhìn mờ
    • Huyết áp cao
    • Phù nề
    • Chảy máu vùng kín

    Nếu bạn bị đau bụng khi mang thai kèm theo bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong có thể xảy ra nếu mẹ bầu chủ quan.

    Đau bụng khi mang thai – Các nguyên nhân đe dọa thai kỳ cần lưu ý

    Mẹ bầu bị đau bụng có thể là bình thường nhưng đôi khi không thể xem thường. Trong một số trường hợp, đau bụng khi mang thai có thể là dấu hiệu cảnh báo rủi ro liên quan đến thai kỳ, bao gồm các vấn đề đáng chú ý sau đây:

    • Mang thai ngoài tử cung
    • Sẩy thai nếu đau quặn bụng kèm ra máu
    • Tiền sản giật
    • Nhau bong non
    • Nhiễm trùng tiểu khi mang thai
    • Chuyển dạ sinh non. 

    Nếu mẹ cảm thấy lo lắng vì các cơn đau bụng khi mang thai hoặc phát hiện các dấu hiệu bất thường đi kèm như ra máu, đau đầu, vấn đề thị lực… thì nên sớm đi khám để được bác sĩ hỗ trợ, điều trị kịp thời. Điều này sẽ giúp mẹ và thai nhi tránh được các rủi ro do biến chứng thai kỳ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 06/10/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo