4. Đau âm đạo
Đau âm đạo là một trong số những cơn đau xuất hiện ở giai đoạn đầu thai kỳ. Nguyên nhân có thể là do tử cung đang mở rộng và thể tích máu gia tăng ở vùng xương chậu. Táo bón (do ảnh hưởng của các hormone và thuốc sắt được chỉ định trong thai kỳ) cũng có khả năng gây đau âm đạo ở phụ nữ mang thai.
Nếu bạn thường xuyên bị táo bón khi mang thai, hãy bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày, đồng thời uống nhiều nước nhất có thể. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về những cách làm mềm phân an toàn khi có thai. Tập luyện các bài tập liên quan đến xương chậu cũng giúp bạn bớt đau hơn.
Ngoài ra, việc massage nhẹ nhàng cũng như ngâm mình trong nước nóng có thể giúp làm dịu cơn đau âm đạo của bạn. Mặc quần áo có chức năng nâng đỡ bụng bầu cũng có khả năng giảm bớt áp lực lên vùng xương chậu, hông và thắt lưng.
- Khi nào bạn nên đi gặp bác sĩ?
Bạn nên để ý đến những dấu hiệu nguy hiểm đi kèm với đau âm đạo như chảy máu âm đạo, đau vùng chậu dữ dội khiến đi lại khó khăn, đau đầu dữ dội, chóng mặt, cơ thể bị phù, sốt hoặc ớn lạnh. Khi đó, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời.
5. Đau đầu – Cơn đau phổ biến phụ nữ mang thai cần biết

Đây cũng là một hiện tượng mà phụ nữ khi mang thai hay gặp. Tuy nhiên, mẹ bầu thường không bị đau đầu liên tục hoặc sẽ hết hẳn trong tam cá nguyệt cuối cùng. Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này vẫn là do sự thay đổi hormone trong cơ thể. Một số lý do khác cũng gây đau đầu là mệt mỏi, căng thẳng hoặc suy nhược thần kinh.
Bạn có thể chườm lạnh, massage đầu, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, đi dạo và thư giãn để giảm bớt căng thẳng. Đó đều là những cách đơn giản mà phụ nữ mang thai nên biết để thoát khỏi tình trạng đau đầu. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và muốn dùng một số loại thuốc giảm đau, hãy hỏi ý kiến từ bác sĩ sản khoa.
- Khi nào bạn nên đi gặp bác sĩ?
Đôi khi đau đầu khi mang thai có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Vậy nên, bạn cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ nếu cảm thấy đau đầu dữ dội, mờ mắt, đau bên dưới xương sườn, buồn nôn và cơ thể bị sưng phù lên. Đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
6. Chuột rút ở chân
Chuột rút ở chân là một cơn đau nhói do tình trạng cơ bị co rút đột ngột gây ra. Đôi lúc bạn sẽ cần có ai đó hỗ trợ để giúp duỗi thẳng chân. Những cơn chuột rút thường gây đau ở bắp chân hay mặt sau của đùi. Nguyên do đằng sau cơn chuột rút đột ngột có thể là do tuần hoàn máu xuống chân không tốt.
Ngay khi bị chuột rút, bạn hãy đứng dậy và cố gắng duỗi chân ra từ từ hoặc nhờ người khác trợ giúp. Sau đó, cố gắng di chuyển chân và bàn chân trong khi tay vịn vào một điểm tựa nào đó. Bạn có thể bổ sung thêm magiê bằng những thực phẩm cung cấp magiê để giảm nguy cơ bị chuột rút thay vì dùng các thực phẩm chức năng.
- Khi nào bạn nên đi gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu tình trạng chuột rút diễn ra thường xuyên và mỗi lần bị đều gây ra cảm giác vô cùng đau đớn.
7. Đau dây thần kinh tọa – Phụ nữ mang thai cần biết cách xử lý

Để giúp xương chậu sẵn sàng cho quá trình sinh nở, cơ thể bắt đầu tiết ra hormone relaxin. Kết quả là dây chằng giãn ra và dây thần kinh tọa bị chèn ép ở giữa. Khi đó, mẹ bầu có thể cảm nhận những cơn đau nhói lan xuống mông và mặt sau của chân.
Phương pháp vi lượng đồng căn (homeopathy) có thể làm giảm đau thần kinh tọa. Ngoài ra, bạn cũng nên thử massage (bởi các chuyên gia được đào tạo và cấp phép), tắm bằng nước ấm hoặc sử dụng những miếng sưởi ấm và đặt lên khu vực bị đau. Thêm vào đó, bơi lội cũng có thể giúp bạn giảm bớt các cơn đau thần kinh tọa trong thai kỳ.
- Khi nào bạn nên đi gặp bác sĩ?
Ngay khi bạn cảm thấy cơn đau lan xuống mông và mặt sau chân, hãy thông báo với bác sĩ ngay lập tức.
8. Bệnh trĩ
Phụ nữ khi mang thai thường dễ mắc trĩ hơn vì tử cung giãn nở gây áp lực lên các tĩnh mạch khung chậu và các tĩnh mạch chi dưới. Điều này có thể làm giảm lưu thông máu ở nửa chi dưới của cơ thể, tăng áp lực lên ổ bụng và gây ra trĩ. Ngoài ra, một nguyên nhân phổ biến khác cũng góp phần gây ra bệnh trĩ khi mang thai là táo bón nghiêm trọng do có sự thay đổi nội tiết tố.
Điều đầu tiên mà phụ nữ mang thai cần biết để ngăn ngừa bệnh trĩ là hạn chế tình trạng táo bón xảy ra. Hãy uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ cho bà bầu mỗi ngày. Thiết lập một chế độ ăn lành mạnh và ít sử dụng gia vị cay. Tắm bằng nước ấm với một ít bột baking soda có thể giúp tăng lưu lượng tuần hoàn máu ở hậu môn. Để giảm bớt ngứa khi bị trĩ, bạn cũng có thể dùng baking soda bôi vào vùng dưới mông. Nước cây phỉ (Witch Hazel) có khả năng chữa sưng và chảy máu khi bị bệnh trĩ.
Các giải pháp điều trị không phẫu thuật cho bệnh trĩ bao gồm đốt cầm máu lưỡng cực, khâu triệt mạch trĩ/thắt mạch khâu treo búi trĩ (HAL), thắt trĩ bằng vòng cao su… Bác sĩ cũng có khi yêu cầu bạn thực hiện phẫu thuật nếu hiện tượng chảy máu do búi trĩ không kiểm soát được hoặc có nhiều búi trĩ nội và ngoại.
- Khi nào bạn nên đi gặp bác sĩ?
Hãy thông báo ngay cho bác sĩ khi bạn cảm thấy đau và chảy máu nghiêm trọng do bệnh trĩ.
Để tìm hiểu nhiều hơn về bệnh trĩ trong thai kỳ, bạn có thể tham khảo tại bài viết: Nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh trĩ khi mang thai.
9. Đau xương sườn – Cơn đau ba tháng cuối phụ nữ mang thai cần biết

Tình trạng này thường xảy ra trong ba tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, đó có thể là tín hiệu tốt vì cơn đau có thể do thai nhi phát triển ngày càng lớn và tác động lên xương sườn khi cử động.
Bạn sẽ cảm thấy bớt đau hơn sau tuần thứ 36 của thai kỳ, khi tử cung và thai đã hơi di chuyển xuống dưới. Tuy nhiên, trước khi đến lúc đó, bạn nên giảm đau bằng cách mặc quần áo rộng, duy trì những tư thế đúng, sử dụng gối khi ngủ, đi bộ, tập yoga và tắm với nước ấm.
- Khi nào bạn nên đi gặp bác sĩ?
Nếu bạn cảm thấy cơn đau xương sườn ngày một tệ hơn, hãy đến gặp bác sĩ và yêu cầu sử dụng thuốc giảm đau nếu cần thiết.
10. Đau vú
Đau vú có thể xảy ra trong một vài hoặc tất cả tam cá nguyệt trong thai kỳ. Đừng lo lắng! Điều này cơ bản là do những thay đổi về nội tiết tố diễn ra trong lúc mang thai. Cơn đau xuất hiện vào tam cá nguyệt thứ 3 cũng là vì các tuyến sữa đang chuẩn bị để có thể sản xuất sữa mẹ.
Phụ nữ mang thai cần biết rằng đây là một hiện tượng bình thường và không có cách nào giúp cơn đau biến mất hoàn toàn. Để giảm nhẹ, bạn có thể mặc áo ngực chuyên dùng cho mẹ bầu và mát xa nhẹ nhàng bầu ngực khi tắm.
- Khi nào bạn nên đi gặp bác sĩ?
Nếu bạn cảm thấy đau vú dữ dội kèm theo phát ban hoặc xuất hiện vết đỏ trên da, hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể.
Hầu như mọi cơn đau nhức mà bạn phải trải qua trong thai kỳ là vô cùng bình thường và không cần phải lo lắng quá mức. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần biết những dấu hiệu bất thường cần can thiệp y tế để không có gì đáng tiếc xảy ra. Nếu bạn vẫn cảm thấy lo sợ, hãy chia sẻ các nỗi băn khoăn ấy cùng bác sĩ sản khoa nhé!
Phương Quỳnh/HELLO BACSI
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!