backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Suy tim sung huyết (suy tim)

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Tìm hiểu chung

Suy tim sung huyết (suy tim) là bệnh gì?

Suy tim sung huyết hay còn gọi là suy tim mạn, suy tim ứ huyết, suy tim. Đây là tình trạng tim co bóp không đủ lượng máu đến các cơ quan và mô. Khi một bên hoặc cả hai bên tim không đẩy được máu ra ngoài, máu đọng lại trong tim hoặc tắc nghẽn tại các mô hay cơ quan, làm cho máu không chảy đều trong hệ tuần hoàn.

Nếu suy nửa bên trái của quả tim, hệ thống tim bên phải sẽ trở nên tắc nghẽn. Bên tim bị tắc nghẽn từ đó co bóp quá mức cố gắng đẩy máu đi cũng có thể dẫn đến suy tim. Ngược lại, nếu tim bên phải bị suy, tim bên trái cũng sẽ tắc nghẽn và dẫn đến suy tim.

Những ai thường mắc phải suy tim sung huyết (suy tim)?

Suy tim có thể xảy ra với mọi lứa tuổi, ngay cả với trẻ em. Đặc biệt với những trẻ có khuyết tật về tim bẩm sinh sẽ có nguy cơ bị suy tim. Tuy nhiên, suy tim thường hay xảy ra hơn với người cao tuổi, vì người cao tuổi có nguy cơ mắc các rối loạn gây tổn thương cơ tim và van tim. Đồng thời, những thay đổi của tim theo tuổi tác cũng khiến tim co bóp kém hiệu quả hơn. Những rối loạn này đang có tỷ lệ tăng lên vì các yếu tố gây ra bệnh tim (như hút thuốc lá, huyết áp cao và ăn nhiều thức ăn dầu mỡ) đang ảnh hưởng lên nhiều người.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy tim sung huyết (suy tim) là gì?

Suy tim là bệnh mạn tính nhưng bệnh cũng có thể đột ngột hình thành. Các triệu chứng chung của bệnh gồm nhịp tim không đều, thường xuyên ho ra máu và thở khò khè. Người bệnh có thể mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, đi tiểu thường xuyên vào ban đêm nhưng lại tăng cân vì các chất dịch không được bài trừ và các cơ quan trong cơ thể sưng lên.

Khi suy tim bên trái, máu sẽ ứ đọng qua phổi. Điều này có thể dẫn đến kiệt sức, khó thở (đặc biệt là ban đêm ở tư thế nằm), ho, hoặc thở gấp.

Khi suy tim bên phải, máu sẽ ứ đọng tại các mô. Khi đó, gan bị sưng phù dẫn đến đau vùng bụng. Hai chân và bàn chân cũng có thể bị sưng.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng của bệnh. Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường là đau ngực, thở gấp và ngắn, ho ra máu và ngất xỉu. Gọi cho bác sỹ khi có những tác dụng không mong muốn sau khi dùng thuốc hoặc khi các những triệu chứng trở nên nặng hơn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra suy tim sung huyết (suy tim) là gì?

Những bệnh gây căng cơ tim có thể dẫn đến hiện tượng suy tim. Các bệnh này bao gồm huyết áp cao, đau tim, bệnh cơ tim và các bệnh về van tim, viêm nhiễm, rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường), bệnh thiếu máu, bệnh tuyến giáp, bệnh về phổi và quá nhiều chất dịch trong cơ thể.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc suy tim sung huyết(suy tim) ?

Có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến bệnh suy tim. Chỉ cần một yếu tố đã có thể gây suy tim, nhưng càng nhiều yếu tố kết hợp lại thì nguy cơ mắc suy tim càng cao. Các yếu tố làm tăng nguy cơ suy tim sung huyết gồm:

  • Huyết áp cao: Tim bạn hoạt động quá sức hơn nếu bạn bị cao huyết áp.
  • Bệnh động mạch vành: Động mạch bị hẹp có thể cản trở nguồn cung cấp máu giàu oxy cho tim, khiến cơ tim yếu đi.
  • Đau tim: Tổn thương cơ tim khi bị đau tim có nghĩa là tim bạn không còn có thể co bóp tốt như bình thường.
  • Tiểu đường: Bệnh tiểu đường tăng nguy cơ cao huyết áp và bệnh động mạch vành.
  • Một vài loại thuốc điều trị tiểu đường: Những loại thuốc như rosiglitazone (Avandia) và pioglitazone (Actos) có thể tăng nguy cơ suy tim ở một số người. Mặc dù vậy bạn cũng đừng nên tự ý ngưng thuốc. Nếu bạn đang dùng những thuốc này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn có bất cứ sự thay đổi nào.
  • Ngưng thở khi ngủ: Việc bạn không có khả năng thở bình thường lúc ngủ đồng nghĩa với việc hạ lượng oxy trong máu và tăng nguy cơ nhịp tim bất thường. Cả hai vấn đề này đều có thể làm tim yếu đi.
  • Khuyết tật tim bẩm sinh: Một vài người bị suy tim do sinh ra với những khuyết tật tim.
  • Bệnh van tim: Những người mắc bệnh van tim có nguy cơ suy tim cao hơn.
  • Virus: Nhiễm trùng virus có thể gây tổn thương đến cơ tim.
  • Sử dụng thức uống có cồn: Uống quá nhiều thức uống có cồn có thể khiến tim suy yếu và dẫn đến suy tim.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ suy tim.
  • Béo phì: Những người bị béo phì có nguy cơ cao mắc phải suy tim.
  • Nhịp tim bất thường: Nhịp tim bất thường, đặc biệt khi nhịp tim rất nhanh, có thể làm yếu cơ tim và dẫn đến suy tim.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị suy tim sung huyết (suy tim)?

Các triệu chứng bệnh nên được kiểm soát từ giai đoạn đầu để tránh gây áp lực cho tim.

Vì suy tim sung huyết thường là kết quả của một loại bệnh khác, bạn phải chữa trị từ gốc của các căn bệnh. Ví dụ, nếu nguyên nhân là do van tim, bệnh nhân nên phẫu thuật thay van hoặc sửa lại van tim.

Thói quen sinh hoạt nên được thay đổi. Việc hút thuốc làm giảm lượng oxy khiến tim hoạt động khó khăn, vì vậy cần tránh sử dụng thuốc lá. Khẩu phần ăn ít chất lỏng hoặc muối giúp làm giảm lượng dịch trong cơ thể. Đồng thời, giảm cân cũng là việc làm có ích. Các chuyên gia dinh dưỡng có thể hỗ trợ điều chỉnh khẩu phần ăn so cho phù hợp.

Oxy có thể được chỉ định để giúp phổi không làm việc quá sức.

Một số thuốc có thể được chỉ định nhằm giảm lượng dịch trong cơ thể hoặc giúp tâm thất co bóp tốt hơn. Thuốc lợi tiểu giúp đào thải bớt lượng dịch. Nitrat có tác dụng giãn mạch máu để máu lưu thông dễ dàng hơn. Chất ức chế enzim chuyển hóa angiotensin (ACE) hỗ trợ tâm thất co bóp. Chất cản gốc beta giúp giảm nhịp tim. Một số thuốc khác giúp giảm huyết áp. Tất cả thuốc trên có thể có tác dụng phụ, bao gồm tình trạng mất nước, ho, chóng mặt, ngất xỉu và kiệt sức.

Máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim cấy ghép có thể được dùng trong vài trường hợp. Ghép tim là một lựa chọn cho các bệnh nhân không có hiệu quả điều trị bằng các phương pháp kể trên.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán suy tim sung huyết (suy tim)?

Kiểm tra tổng quát cơ thể cho thấy những sự thay đổi như sưng hai chân, tiếng thở hổn hển biểu hiện cho tràn dịch trong phổi.

Chụp X-quang ngực có thể cho thấy hiện tượng tim mở rộng hay các dấu hiệu của dịch đọng trong phổi. Siêu âm tim (một xét nghiệm dùng sóng âm thanh để xem sự hoạt động của tim) cũng cho biết kích thước tim và các bệnh về cơ tim hay vấn đề ở van tim.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy tim sung huyết (suy tim)?

Một lối sống khỏe là cách tốt nhất để đề phòng và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng thêm. Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh:

  • Uống thuốc được chỉ định đều đặn, hợp lý.
  • Duy trì cân năng phù hợp.
  • Giảm lượng muối và chất lỏng trong khẩu phần ăn.
  • Nhờ đến sự trợ giúp từ gia đình, đặc biệt trong việc hỗ trợ thay đổi thói quen sinh hoạt.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo