Khi khám bệnh, các bác sĩ sẽ quan sát các triệu chứng của bệnh, đồng thời tìm hiểu tiền sử bệnh, lịch sử di chuyển đến các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh của bệnh nhân để xác định xem người đó có mắc bệnh đậu mùa khỉ hay không.
Kế đến, để chắc chắn hơn, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm PCR các mẫu vết thương trên da, hoặc mẫu chất dịch cơ thể để xem liệu có phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ trong cơ thể người bệnh. Ngoài ra, trong một số trường hợp, sinh thiết cũng có thể được thực hiện.
Bên cạnh đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới, người thuộc mọi lứa tuổi sống ở những nước không có bệnh đậu mùa khỉ mà bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân, kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2022, thì nên đi khám để kịp thời tầm soát bệnh:
- Đau đầu
- Khởi phát sốt cấp tính (> 38,5 độ C)
- Nổi hạch (sưng hạch bạch huyết)
- Đau nhức cơ thể
- Đau lưng
- Suy nhược
Không những thế, cũng theo WHO, khi những nguyên nhân phổ biến sau đây của phát ban cấp tính không giải thích được bệnh cảnh lâm sàng: varicella zoster, herpes zoster, sởi, Zika, sốt xuất huyết, chikungunya, herpes simplex, nhiễm trùng da do vi khuẩn, nhiễm trùng do lậu cầu, giang mai nguyên phát hoặc thứ phát, loét hạ cam, u lympho venereum, u hạt bẹn, u mềm lây, phản ứng dị ứng (ví dụ: với thực vật) và bất kỳ nguyên nhân phổ biến nào khác có liên quan của phát ban dạng sẩn hoặc mụn nước, người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán và tầm soát bệnh.
Cách điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Hiện tại, không có phương pháp điều trị cụ thể nào được chấp thuận cho các trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, bệnh thường nhẹ và hầu hết mọi người khỏi bệnh sau 2-4 tuần. Một số loại thuốc kháng virus đang được nghiên cứu và được cho rằng có thể có lợi đối với việc điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người, bao gồm:
- Tecovirimat: Đây là một loại thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa ở người lớn và bệnh nhi có cân nặng ít nhất 3 kg.
- Cidofovir: Là một loại thuốc kháng virus được FDA chấp thuận để điều trị viêm võng mạc do cytomegalovirus ở bệnh nhân mắc Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
- Vaccinia Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch được FDA cấp phép để điều trị các biến chứng do tiêm vắc xin phòng bệnh.
- Brincidofovir: Một loại thuốc kháng virus được FDA chấp thuận vào ngày 4 tháng 6 năm 2021 để điều trị bệnh đậu mùa ở người lớn và bệnh nhi, kể cả trẻ sơ sinh.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!