backup og meta

Thuốc tiêm tiểu đường Ozempic: Tác dụng, chỉ định, cảnh báo

Thuốc tiêm tiểu đường Ozempic: Tác dụng, chỉ định, cảnh báo

Ozempic là thuốc kê đơn dùng để kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2 kết hợp với các biện pháp giảm cân và tập luyện. Trước đó, Ozempic tạo ra “cơn sốt” với trào lưu dùng thuốc này để giảm cân. Tuy nhiên, việc này để lại nhiều hậu quả như thiếu hụt thuốc cho bệnh nhân tiểu đường và rủi ro từ các tác dụng phụ.

Tìm hiểu các thông tin cơ bản về thuốc Ozempic qua bài viết sau đây để biết cách dùng cho đúng nhé!

Hoạt chất: Semaglutide

Nhóm thuốc: Thuốc điều trị tiểu đường type 2 theo cơ chế bắt chước hormone incretin (Chất đồng vận tại thụ thể glucagon-like peptide-1 (GLP-1))

Hàm lượng và dạng bào chế: Dung dịch trong bút tiêm chứa semaglutide với các hàm lượng 0,25mg, 0,5mg, 1mg và 2mg

Thành phần tá dược khác: Disodium phosphate dihydrate, propylene glycol, phenol, nước cất pha tiêm

Nhà sản xuất: Novo nordisk (Đan Mạch).

Tác dụng

Ozempic là gì?

Ozempic là một loại thuốc trị tiểu đường kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để điều trị cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2 không kiểm soát tốt lượng đường trong máu (glucose). Đây là thuốc kê đơn, vì vậy, bạn chỉ nên dùng thuốc này khi đã được bác sĩ đánh giá về liều lượng, nguy cơ tác dụng phụ và kế hoạch điều trị để đảm bảo thuốc sẽ đem lại hiệu quả và an toàn.

Ozempic cũng gây chú ý do tác dụng giảm cân của nó. Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng mà không có hướng dẫn của bác sĩ sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Ozempic có tác dụng gì?

Thành phần có hoạt tính chính của Ozempic là semaglutide. Đây là một chất có cấu trúc tương tự GLP-1 (một loại hormone được sản xuất trong đường ruột), giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách:

  • Làm tăng mức hormone incretin, giúp cơ thể sản xuất nhiều insulin hơn để đáp ứng với thức ăn. Điều này có nghĩa là thuốc chỉ tăng tiết insulin trong và sau khi ăn, từ đó hạn chế được tình trạng tụt đường huyết lúc đói, khác với một số thuốc trị tiểu đường type 2 khác.
  • Ức chế sản xuất đường glucose tại gan giúp giảm lượng đường trong máu.

Những người mắc tiểu đường type 2 sử dụng Ozempic có thể giúp giảm cân là do thuốc làm:

  • Giảm cảm giác thèm ăn để bạn ăn ít hơn
  • Làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn trong ruột nghĩa là bạn sẽ no lâu hơn.

Ozempic 1mg

Chỉ định

Ozempic được chỉ định trong các trường hợp nào?

  • Hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và tập luyện để cải thiện kiểm soát đường huyết ở người lớn mắc bệnh đái tháo đường type 2.
  • Giảm nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch nghiêm trọng như tử vong do bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2 có bệnh tim mạch mắc kèm.

Giới hạn của chỉ định:

  • Ozempic không được khuyến cáo là liệu pháp đầu tay cho những bệnh nhân không kiểm soát được đường huyết đầy đủ bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục do mối lo ngại về việc phát triển khối u tuyến giáp khi thử nghiệm trên động vật.
  • Ozempic chưa được nghiên cứu ở những bệnh nhân có tiền sử viêm tụy. Xem xét các liệu pháp điều trị đái tháo đường khác ở những bệnh nhân có tiền sử viêm tụy.
  • Ozempic không phải là chất thay thế insulin. Nó không được chỉ định sử dụng ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 hoặc để điều trị nhiễm toan đái tháo đường vì thuốc sẽ không hiệu quả trong những trường hợp này.

Chống chỉ định

Ozempic chống chỉ định ở những bệnh nhân có:

  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy hoặc ở những bệnh nhân mắc hội chứng đa u tuyến nội tiết loại 2.
  • Dị ứng hoặc có phản ứng quá mẫn nghiêm trọng với semaglutide hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Phản ứng quá mẫn nghiêm trọng bao gồm sốc phản vệ và phù mạch gây ra bởi Ozempic đã được báo cáo.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng bút tiêm Ozempic được khuyến nghị

  • Khởi đầu với liều 0,25mg mỗi tuần một lần, dùng trong 4 tuần. Liều 0,25mg được dùng để bắt đầu điều trị và không có hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết.
  • Sau 4 tuần, tăng liều lên 0,5mg mỗi tuần một lần.
  • Nếu vẫn cần kiểm soát đường huyết thêm, sau ít nhất 4 tuần dùng liều 0,5mg, có thể tăng liều lên 1mg mỗi tuần một lần.
  • Nếu vẫn cần kiểm soát đường huyết thêm, sau ít nhất 4 tuần điều trị ở mức liều 1mg mỗi tuần 1 lần, có thể tăng liều lên 2mg mỗi tuần một lần. Liều khuyến cáo tối đa là 2mg mỗi tuần một lần.

Dùng Ozempic một tuần một lần, vào cùng một ngày trong tuần, theo chỉ định của bác sĩ. Ngày dùng thuốc trong tuần có thể thay đổi nếu cần thiết nhưng cần đảm bảo khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc cách nhau tối thiểu 2 ngày (48 giờ).

Bạn có thể dùng thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, kể cả có hoặc không ăn.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Ozempic như thế nào?

  • Ozempic được tiêm dưới da vào các vùng như bụng, đùi hoặc cánh tay trên. Bệnh nhân phải tiêm ở các vị trí khác nhau mỗi tuần và tiêm vào cùng một vùng trên cơ thể.
  • Không tiêm vào cơ (tiêm bắp) hoặc tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch).
  • Kiểm tra sản phẩm bằng mắt trước khi sử dụng. Bình thường, dung dịch trong bút tiêm sẽ trong suốt và không màu. Không sử dụng Ozempic nếu thấy có hạt nhìn thấy được bằng mắt thường và dung dịch có màu.
  • Khi sử dụng Ozempic với insulin, người bệnh phải tiêm hai thuốc riêng biệt và tuyệt đối không bao giờ trộn lẫn các sản phẩm. Bạn có thể tiêm Ozempic và insulin vào cùng một vùng cơ thể nhưng các mũi tiêm không được liền kề nhau.

Vị trí tiêm Ozempic

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Quá liều có thể gây buồn nôn nghiêm trọng, nôn mửa hoặc hạ đường huyết.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Hạ đường huyết là một tình trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Xem các biểu hiện và cách xử trí hạ đường huyết tại đây.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu quên một liều, hãy dùng thuốc càng sớm càng tốt trong vòng 5 ngày sau liều đã quên. Nếu đã quá 5 ngày, bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo như kế hoạch.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Ozempic?

Phần lớn các loại thuốc đều có thể có tác dụng phụ và Ozempic cũng không ngoại lệ. Các tác dụng phụ thường gặp (ảnh hưởng đến hơn 1/10 người) có thể bao gồm táo bón, tiêu chảy, đau bụng, nôn và buồn nôn.

Nếu bạn mắc bệnh về mắt do tiểu đường (bệnh võng mạc tiểu đường) và đang sử dụng insulin, thì Ozempic có thể khiến thị lực kém đi. Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn mắc bệnh võng mạc tiểu đường hoặc nếu gặp các vấn đề về mắt trong quá trình điều trị.

Một số phản ứng ít gặp khác:

  • Phản ứng tại chỗ tiêm, ví dụ như khó chịu tại chỗ tiêm, ban đỏ,…
  • Tăng Amylase và Lipase
  • Bệnh sỏi mật
  • Tăng nhịp tim
  • Mệt mỏi, thay đổi vị giác và chóng mặt.

Xem thêm các tác dụng phụ khác ở phần Cảnh báo và thận trọng.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Rủi ro khi dùng Ozempic giảm cân

cách sử dụng Ozempic

Việc sử dụng bừa bãi Ozempic để giảm cân có thể dẫn đến thiếu hụt thuốc cho bệnh nhân điều trị tiểu đường. Do đó, việc mua thuốc này hiện tại đã được kiểm soát chặt chẽ.

Hãng sản xuất đã phát triển một sản phẩm khác có cùng hoạt chất (semaglutide) với Ozempic có tên là Wegovy. Wegovy đã được FDA chấp thuận vào tháng 6/2021 để dùng giảm cân ở một số đối tượng. Điểm khác biệt chính ở 2 thuốc này chính là liều lượng: liều để giảm cân thường cao hơn so với liều để kiểm soát bệnh tiểu đường. 

Tuy nhiên, chúng đều là thuốc và sẽ luôn có nguy cơ gặp tác dụng phụ khi sử dụng. Ngoài các tác dụng phụ như đã đề cập ở trên, bạn có thể gặp các tác dụng phụ khác khi dùng semaglutide để giảm cân bao gồm:

  • Khuôn mặt trở nên hốc hác rõ
  • Thay đổi kích thước của môi, má và cằm
  • Nếp nhăn
  • Mắt trũng
  • Da chảy xệ quanh hàm và cổ.

Đây là tác dụng phụ nói chung khi giảm mỡ quá nhanh. Nếu cân nặng giảm dần dần thì những thay đổi này có thể không đáng chú ý. Nếu tác dụng phụ này nghiêm trọng, chúng có thể cần được điều trị bằng phẫu thuật thẩm mỹ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Ozempic, bạn nên lưu ý những gì?

1. Nguy cơ gây khối u tế bào tuyến giáp, bao gồm cả ung thư

NGUY CƠ KHỐI U TẾ BÀO TUYẾN GIÁP

  • Ở loài gặm nhấm, semaglutide gây ra các khối u tế bào tuyến giáp, bao gồm cả ung thư tuyến giáp, phụ thuộc vào liều lượng và thời gian điều trị. Vẫn chưa biết liệu Ozempic có gây ra các khối u tế bào tuyến giáp hay một loại ung thư tuyến giáp được gọi là ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy ở người hay không.
  • Hãy cho bác sĩ biết nếu có các triệu chứng của khối u tuyến giáp bao gồm: có khối u ở cổ, khó nuốt, khó thở, khàn giọng kéo dài. Đây có thể là triệu chứng của ung thư tuyến giáp. Việc theo dõi thường xuyên nồng độ calcitonin huyết thanh hoặc sử dụng siêu âm tuyến giáp có thể hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi sự phát triển của ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy.

thận trọng khi dùng tiểu đường Ozempic

2. Viêm tụy

Trong các thử nghiệm với Ozempic, một số bệnh nhân đã phát triển tình trạng viêm tụy cấp. Sau khi bắt đầu dùng thuốc, hãy chú ý các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tụy (bao gồm: đau bụng dữ dội kéo dài, đôi khi lan ra sau lưng và có thể kèm theo nôn mửa hoặc không). Nếu nghi ngờ có các biểu hiện này, hãy ngừng dùng thuốc và báo với bác sĩ ngay.

3. Biến chứng võng mạc tiểu đường

Trong một thử nghiệm kéo dài 2 năm trên bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ tim mạch cao, phát hiện một số trường hợp biến chứng võng mạc tiểu đường xảy ra ở những bệnh nhân được điều trị bằng Ozempic. Những bệnh nhân có tiền sử bệnh võng mạc tiểu đường lúc ban đầu có nguy cơ cao hơn.

Sự cải thiện việc kiểm soát nồng độ glucose nhanh chóng có liên quan đến việc tăng nặng bệnh võng mạc tiểu đường, tuy nhiên, tình trạng này chỉ là tạm thời. Những bệnh nhân có tiền sử bệnh võng mạc tiểu đường cần được theo dõi chặt chẽ hơn.

4. Không bao giờ dùng chung bút tiêm Ozempic với người khác

Không bao giờ được dùng chung bút tiêm Ozempic giữa các bệnh nhân, ngay cả khi đã thay kim. Dùng chung bút có nguy cơ lây truyền mầm bệnh nhiễm trùng qua đường máu.

5. Tổn thương thận cấp tính

Một số bệnh nhân điều trị bằng chất chủ vận thụ thể GLP-1 được báo các về tác dụng phụ tổn thương thận cấp tính và suy thận mạn tính tiến triển nặng hơn, đôi khi có thể cần phải chạy thận nhân tạo. Trong số đó, có cả những người bệnh không có bệnh thận từ trước. Các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc mất nước. Do đó, nếu bạn xuất hiện các biểu hiện bất thường kể trên, hãy thông báo ngay với bác sĩ để lập kế hoạch theo dõi chức năng thận. Theo dõi chức năng thận khi bắt đầu hoặc khi tăng liều Ozempic ở những bệnh nhân có báo cáo về phản ứng bất lợi nghiêm trọng ở đường tiêu hóa. Điều quan trọng là bạn phải uống nước để giúp giảm nguy cơ mất nước.

6. Phản ứng quá mẫn

Thuốc nhóm chủ vận thụ thể GLP-1 có thể gây phản ứng quá mẫn nghiêm trọng (ví dụ như sốc phản vệ, phù mạch). Triệu chứng bao gồm sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng; vấn đề về thở hoặc nuốt; phát ban hoặc ngứa dữ dội; ngất xỉu hoặc cảm thấy chóng mặt; hoặc nhịp tim rất nhanh. Nếu xảy ra phản ứng quá mẫn, hãy ngừng sử dụng sản phẩm và gọi cấp cứu ngay lập tức. Không sử dụng ở những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với Ozempic trước đó.

7. Vấn đề về túi mật

Vấn đề về túi mật đã xảy ra ở một số người dùng Ozempic. Hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp các triệu chứng như: đau bụng trên, sốt, vàng da hoặc mắt, hoặc phân màu đất sét.

Những lưu ý khác

  • Không sử dụng các thuốc chứa semaglutide khác nhau (Wegovy hoặc Rybelsus) cùng một lúc.
  • Lượng đường trong máu có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng, bệnh lý mắc kèm, phẫu thuật, tập thể dục, sử dụng rượu hoặc bỏ bữa. Chú ý các dấu hiệu của hạ đường huyết để tránh các biến chứng nguy hiểm.
  • Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn thường xuyên có các triệu chứng của tăng đường huyết, chẳng hạn như khát nước hoặc đi tiểu nhiều. Hãy hỏi bác sĩ trước khi thay đổi liều lượng hoặc lịch dùng thuốc.
  • Việc điều trị tiểu đường cần kết hợp giữa chế độ ăn kiêng, tập thể dục, kiểm soát cân nặng, xét nghiệm đường huyết định kỳ và điều trị y tế.
  • Bạn có thể bị mất nước khi bị bệnh kéo dài. Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị nôn mửa hoặc tiêu chảy, hoặc nếu ăn uống ít hơn bình thường.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Phụ nữ có thai

Chưa có đủ bằng chứng để kết luận về nguy cơ của semaglutide ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, thuốc này vẫn được cân nhắc sử dụng trên lâm sàng khi xem xét các yếu tố nguy cơ nếu không kiểm soát tốt tiểu đường trong thai kỳ.

Dựa trên các nghiên cứu về sinh sản ở động vật, có thể có những nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi khi tiếp xúc với semaglutide trong thời kỳ mang thai. Chỉ nên sử dụng Ozempic trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích mang lại cao hơn nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi.

Phụ nữ cho con bú

Không có dữ liệu về việc liệu semaglutide có đi vào sữa mẹ, ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ hoặc ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa hay không. Trong thử nghiệm trên động vật, semaglutide cho thấy có đi vào trong sữa của chuột, tuy nhiên, không thể kết luận kết quả này cho con người do đặc điểm sinh lý khác nhau. Cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng thuốc.

Đối tượng đang trong độ tuổi sinh sản

Ngừng dùng Ozempic ở phụ nữ ít nhất 2 tháng trước khi dự định mang thai do thời gian thải trừ của thuốc kéo dài.

Sử dụng cho trẻ em

Tính an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được biết rõ ở bệnh nhi (dưới 18 tuổi).

Người lớn tuổi

Các thử nghiệm cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả và an toàn của thuốc giữa người lớn tuổi và trẻ tuổi hơn. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng nhạy cảm với thuốc cao hơn ở một số người lớn tuổi.

Suy gan, suy thận

Không khuyến cáo điều chỉnh liều Ozempic trên các đối tượng này.

Tương tác thuốc

Thuốc Ozempic có thể tương tác với những thuốc nào?

  • Nguy cơ hạ đường huyết tăng lên khi sử dụng Ozempic kết hợp với thuốc kích thích tiết insulin dùng đồng thời khác (ví dụ: sulfonylurea, glyburide, glipizide, glimepiride) hoặc insulin. Có thể giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết bằng cách giảm liều insulin hoặc các thuốc kích thích tiết insulin.
  • Ozempic làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và do đó có khả năng ảnh hưởng đến sự hấp thu của các thuốc dùng đường uống. Trong các thử nghiệm dược lý lâm sàng, semaglutide không làm ảnh hưởng tới hấp thu thuốc uống ở bất kỳ mức độ nào có ý nghĩa lâm sàng. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng thuốc uống đồng thời.

Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc khác bạn đang dùng, đặc biệt là insulin hoặc các loại thuốc trị tiểu đường khác, chẳng hạn như dulaglutide, exenatide, liraglutide, Byetta, Trulicity, Victoza và các loại khác.

Các loại thuốc khác cũng có thể ảnh hưởng đến thuốc này, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, vitamin và dược liệu. Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc khác mà bạn sử dụng.

Bảo quản

Bạn nên bảo quản thuốc Ozempic như thế nào?

  • Giữ thuốc trong bao bì. Để xa tầm tay trẻ em và vật nuôi. Bảo quản thuốc tránh ánh sáng và nhiệt độ cao, đậy nắp bút sau khi sử dụng.
  • Bảo quản thuốc chưa mở trong tủ lạnh (2°C đến 8°C), nhưng không đặt chúng gần bộ phận làm mát tủ lạnh.
  • Sau khi mở nắp, bạn có thể bảo quản bút ở nhiệt độ phòng (15°C đến 30°C) hoặc trong tủ lạnh (2°C đến 8°C).
  • Không đông lạnh sản phẩm. Không sử dụng thuốc này nếu nó đã bị đông lạnh.
  • Khi đi du lịch, bút đang sử dụng có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng (15°C đến 30°C), không để trong ngăn đựng găng tay ô tô hoặc nơi khác có nhiệt độ cao, tránh ánh nắng mặt trời.
  • Hãy ghi lại ngày bạn sử dụng bút tiêm Ozempic lần đầu tiên và vứt bỏ bút sau 56 ngày, ngay cả khi vẫn còn dung dịch trong bút.
  • Không sử dụng lại kim, luôn sử dụng kim mới cho mỗi lần tiêm. Đặt kim đã dùng vào hộp đựng “vật sắc nhọn” chống đâm thủng và vứt bỏ theo quy định để đảm bảo an toàn.

Cách sử dụng bút tiêm Ozempic

Giá bán, nơi mua

Thuốc Ozempic mua ở đâu?

Ozempic có ở các nhà thuốc nhưng được kiểm soát chặt chẽ. Bạn chỉ có thể mua thuốc nếu có đơn của bác sĩ.

Ozempic giá bao nhiêu?

Ozempic tùy hàm lượng có giá dao động từ 5.500.000 – 6.000.000 VND/hộp.

Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích về tác dụng, cách dùng và những rủi ro của thuốc Ozempic. Nếu bạn quan tâm đến các chủ đề về tiểu đườngkiểm soát cân nặng, hãy tham gia cộng đồng của chúng tôi.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

OZEMPIC (semaglutide) injection, for subcutaneous use. https://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2017/209637lbl.pdf. Ngày truy cập: 03/04/2024

OZEMPIC prescribing information. https://www.ozempic.com/prescribing-information.html. Ngày truy cập: 03/04/2024

Ozempic and weight loss: the facts behind the headlines. https://www.diabetes.org.uk/about-us/news-and-views/ozempic-and-weight-loss-facts-behind-headlines. Ngày truy cập: 03/04/2024

Ozempic. https://www.ema.europa.eu/en/medicines/human/EPAR/ozempic#overview. Ngày truy cập: 03/04/2024

GLP-1 diabetes and weight-loss drug side effects: “Ozempic face” and more. https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/glp-1-diabetes-and-weight-loss-drug-side-effects-ozempic-face-and-more. Ngày truy cập: 03/04/2024

Ozempic. https://www.drugs.com/ozempic.html. Ngày truy cập: 03/04/2024

Ozempic for weight loss: Does it work, and what do experts recommend? https://health.ucdavis.edu/blog/cultivating-health/ozempic-for-weight-loss-does-it-work-and-what-do-experts-recommend/2023/07. Ngày truy cập: 05/04/2024

Medications Containing Semaglutide Marketed for Type 2 Diabetes or Weight Los. https://www.fda.gov/drugs/postmarket-drug-safety-information-patients-and-providers/medications-containing-semaglutide-marketed-type-2-diabetes-or-weight-loss. Ngày truy cập: 05/04/2024

Phiên bản hiện tại

22/04/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Giải đáp thắc mắc: Chỉ số tiểu đường bao nhiêu thì phải uống thuốc?

Sữa dành cho người tiểu đường và cao huyết áp loại nào tốt?


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 22/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo