backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Triệu chứng tăng đường huyết là gì? Nguyên nhân đường huyết cao và cách trị

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích · Khoa nội tiết · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Ngày cập nhật: 27/04/2023

Triệu chứng tăng đường huyết là gì? Nguyên nhân đường huyết cao và cách trị

Đường huyết không ổn định, nhất là khi bị tăng đường huyết (chỉ số đường huyết cao), sẽ ảnh hưởng đến tất cả hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu bệnh tăng đường huyết là gì, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị qua bài viết sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Bệnh tăng đường huyết là gì?

Bệnh tăng đường huyết gây tác động trực tiếp đến sức khỏe của người tiểu đường. Chỉ số đường huyết của họ đột nhiên tăng cao, thường do việc kiểm soát đường huyết kém.

Điều trị bệnh tăng đường huyết rất quan trọng, vì nếu không chữa trị, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cần cấp cứu như hôn mê tăng đường huyết.

Về lâu dài, đường huyết tăng dai dẳng, dù không quá cao, có thể dẫn đến biến chứng ảnh hưởng đến tim, mắt, thận, thần kinh và mạch máu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng tăng đường huyết

dấu hiệu tăng đường huyết

Tăng đường huyết không gây ra các triệu chứng cho đến khi nồng độ glucose trong máu tăng lên trên 180 đến 200 miligam trên decilit (mg/dL), hoặc từ 10 đến 11,1 milimol mỗi lít (mmol/L).

Các triệu chứng tăng đường huyết phát triển chậm trong vài ngày hoặc vài tuần. Lượng đường trong máu ở mức cao càng lâu thì các triệu chứng càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, một số người đã mắc bệnh tiểu đường type 2 trong một thời gian dài có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào mặc dù lượng đường trong máu tăng cao.

Các triệu chứng tăng đường huyết phổ biến là:

  • Khát nhiều, uống nhiều
  • Nhức đầu
  • Khó tập trung
  • Mắt nhìn mờ
  • Tiểu nhiều
  • Mệt mỏi (yếu cơ, cảm giác mệt mỏi)
  • Sụt cânhiều

Bạn có thể gặp các triệu chứng đường huyết cao khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

khi nào cần đến gặp bác sĩ

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất cứ dấu hiệu tăng đường huyết nào sau đây:

  • Bạn bị tiêu chảy hoặc nôn ói nhiều, nhưng vẫn tỉnh táo, ăn uống được.
  • Những ngày bạn bị bệnh: cảm cúm, sốt,… mà thử đường huyết thấy tăng hơn. 
  • Đường trong máu cao hơn 250 mg/dl (13.8 mmol/l) mặc dù bạn đã dùng thuốc tiểu đường
  • Bạn gặp khó khăn với việc kiểm soát đường huyết của bạn trong giới hạn cho phép

Bạn cần đi cấp cứu ngay nếu:

  • Bạn không thể ăn bất kỳ thức ăn hoặc thức uống nào.
  • Bạn đau bụng, nôn ói nhiều, thở nhanh
  • Không tỉnh táo, lú lẫn, lơ mơ.
  • Hoặc bạn có bất kỳ triệu chứng gợi ý bị bệnh nặng ví dụ như sốt cao khó hạ, khó thở, đau ngực,…
  • Nguyên nhân

    Nguyên nhân gây tăng đường huyết là gì?

    Trong quá trình tiêu hóa, cơ thể phân hủy carbohydrate từ thực phẩm thành các phân tử đường khác nhau. Một trong những phân tử đường này là glucose, một nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Glucose được hấp thụ trực tiếp vào máu sau khi bạn ăn, nhưng nó không thể đi vào tế bào nếu không có sự trợ giúp của insulin – một loại hormone do tuyến tụy tiết ra.

    Khi mức glucose trong máu tăng lên, nó báo hiệu tuyến tụy của bạn tiết ra insulin. Insulin mở khóa các tế bào để glucose có thể đi vào và tạo ra năng lượng. Bất kỳ lượng đường dư thừa nào cũng được lưu trữ trong gan và cơ dưới dạng glycogen. Quá trình này làm giảm lượng glucose trong máu và ngăn không cho nó đạt đến mức cao nguy hiểm.

    Bệnh tiểu đường làm giảm đáng kể tác dụng của insulin đối với cơ thể. Điều này có thể là do tuyến tụy không thể sản xuất insulin (bệnh tiểu đường type 1), hoặc có thể do cơ thể đề kháng với tác động của insulin, tức là sử dụng insulin không hiệu  hoặc không sản xuất đủ insulin để duy trì mức đường bình thường (bệnh tiểu đường type 2). Kết quả là, glucose tích tụ trong máu gây tăng đường huyết.

    Đường huyết có thể đạt mức cao nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Insulin hoặc các loại thuốc khác được sử dụng để giảm lượng đường trong máu.

    nguyên nhân gây bệnh tăng đường huyết

    Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng đường huyết?

    Có rất nhiều yếu tố nguy cơ của tình trạng tăng đường huyết bao gồm:

    • Không tiêm insulin, hoặc không uống thuốc hạ đường huyết.
    • Tiêm insulin không đúng cách hoặc sử dụng insulin hết hạn
    • Không tuân theo kế hoạch ăn uống dành cho người bệnh tiểu đường
    • Ăn quá nhiều tinh bột so với liều insulin bạn tiêm hoặc ăn quá nhiều tinh bột nói chung.
    • Ít hoạt động, không tập thể dục
    • Bị bệnh hoặc nhiễm trùng
    • Sử dụng một số loại thuốc như steroid
    • Bị chấn thương hoặc phẫu thuật
    • Stress
    • Hoạt động thể chất quá sức.

    Bệnh, nhiễm trùng hoặc stress có thể là nguyên nhân đường huyết cao vì cơ thể tăng sản xuất hormone cortisol – khiến lượng đường trong máu tăng lên. Ngay cả những người không bị tiểu đường cũng có thể bị tăng đường huyết khi bị bệnh nặng. Người bị tiểu đường có thể cần phải tăng nhu cầu insulin cũng như thuốc tiểu đường khác để giữ đường huyết ổn định khi bị ốm hoặc stress

    Biến chứng

    Biến chứng lâu dài

    Các biến chứng lâu dài của tình trạng tăng đường huyết không được điều trị có thể bao gồm:

    • Bệnh tim mạch: nhồi máu cơ tim, suy tim,..
    • Tai biến mạch máu não.
    • Tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh) gây tê bì chân tay, rối loạn cương dương
    • Tổn thương thận (bệnh thận do tiểu đường) hoặc suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo
    • Tổn thương các mạch máu của võng mạc (bệnh võng mạc tiểu đường), gây mờ mắt, giảm thị lực có khả năng dẫn đến mù lòa.
    • Các vấn đề về chân (loét lâu lành, hoại tử chân) do dây thần kinh bị tổn thương (khó phát hiện vết thương sớm) và mạch máu bị xơ vữa, bị hẹp làm giảm lượng máu đến nuôi phần xa của chân (khó đưa bạch cầu từ máu đến làm lành vết thương).
    • Các vấn đề về xương khớp
    • Dễ nhiễm trùng hoặc nhiễm trùng có thể diễn tiến nặng hơn, khi đường huyết tăng cao
    • Các vấn đề dạ dày và đường ruột như táo bón, tiêu chảy, nôn ói,..

    Các biến chứng khẩn cấp

    Nếu lượng đường trong máu tăng quá cao ( thường trên >250 -300 mg/dl) nó có thể dẫn đến các biến chứng cấp như:

    Nhiễm toan ceton do đái tháo đường.

    Nếu tình trạng tăng đường huyết không được điều trị, cơ thể không sử dụng được glucose phải ly giải chất béo để lấy năng lượng. Quá trình này tạo ra sản phẩm phụ là ceton, có thể gây nhiễm toan ceton (axit cetonic quá nhiều trong máu). Các triệu chứng bao gồm:

    • Hơi thở có mùi trái cây
    • Buồn nôn và ói mửa
    • Khó thở
    • Khô miệng
    • Yếu, mệt mỏi
    • Lú lẫn, lơ mơ
    • Hôn mê
    • Đau bụng

    Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu

    newsletter banner

    Hội chứng này rất nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong là 20%.

    Tăng áp lực thẩm thấu phát triển khi lượng đường trong máu trên 600 mg / dL (mg / dL) hoặc 33 millimoles / lít (mmol / L). Lượng đường dư thừa từ máu thải ra nước tiểu, khiến thận tăng lọc mạnh, khiến bệnh nhân đi tiểu nhiều. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể hôn mê, tụt huyết áp, thậm chí tử vong do mất nước.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kĩ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh tăng đường huyết là gì?

    chẩn đoán tăng đường huyết

    Bác sĩ sẽ đưa ra khoảng giới hạn lượng đường trong máu của bạn. Mục tiêu nói chung cho bệnh nhân đái tháo đường không mang thai là :

    • Đường huyết đói 80 -130 mg/dl ( 4.4-7.2 mmol/L)
    • Đường huyết sau ăn < 180 mg/dl (10 mmol/L)
    • HbA1c <7%

    Tuy nhiên mục tiêu đường huyết nên được cá thể hoá tuỳ người bệnh dựa vào: bệnh lý nền, các biến chứng đã có, nguy cơ hạ đường huyết, tuổi thọ, nguồn lực hỗ trợ từ gia đình, mong muốn của bệnh nhân,… mà điều chỉnh có thể khác nhau tùy người bệnh.

    Bạn có thể xem thêm: Chỉ số đường huyết của người bị tiểu đường bao nhiêu là an toàn?

    Kiểm soát đường huyết tại nhà

    Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên với máy đo đường huyết là cách tốt nhất để chắc chắn việc điều trị của bạn kiểm soát tốt đường huyết trong giới hạn cho phép.

    Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu tăng đường huyết nghiêm trọng, hãy kiểm tra mức đường trong máu của bạn. Nếu lượng đường trong máu là 250 mg/dl (13.8 mmol/l) hoặc cao hơn, bạn hãy dùng bộ xét nghiệm xeton trong nước tiểu có bán tại nhà thuốc. Nếu xét nghiệm nước tiểu là dương tính, cơ thể bạn có thể bắt đầu có những thay đổi do hiện tượng xeton hoá xảy ra. Bạn sẽ cần sự giúp đỡ của bác sĩ để giảm mức độ đường trong máu một cách an toàn.

    Xét nghiệm HbA1C

    Khi tái khám, bác sĩ có thể tiến hành làm xét nghiệm HbA1C. Xét nghiệm máu này cho thấy mức độ đường huyết trung bình của bạn trong 2-3 tháng qua. Xét nghiệm này dùng để đo lượng đường gắn với hồng cầu ở trong máu.

    Mức HbA1C mục tiêu chung là dưới 7%, mức mục tiêu này có thể thay đổi cá thể hoá theo từng bệnh nhân. Tuy nhiên, đối với một số người, đặc biệt là người già, kèm theo bệnh khác hay có các biến chứng bệnh tiểu đường tiến triển, mức HbA1C cao lên đến 8% là chấp nhận được. Nếu mức HbA1C của bạn cao hơn mức mục tiêu mà bác sĩ và bệnh nhân mong muốn đạt được nghĩa là đường huyết của bạn kiểm soát chưa được tốt. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường của bạn. Lưu ý kết quả HbA1c có thể khác nhau giữa các cơ sở y tế.

    Tần suất xét nghiệm lại HbA1C phụ thuộc vào típ bệnh tiểu đường bạn mắc phải và khả năng kiểm soát lượng đường trong máu của bạn. Hầu hết những người bị bệnh tiểu đường làm xét nghiệm này mỗi 3-6 tháng, tức khoảng 2-4 lần một năm.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh tăng đường huyết?

    điều trị tăng đường huyết

    Nếu bạn bị tiểu đường và nhận thấy bất kỳ dấu hiệu sớm của đường huyết cao, hãy kiểm tra đường huyết và đến gặp bác sĩ. Họ sẽ kiểm tra và có thể đề nghị những thay đổi như sau:

    • Uống nhiều nước hơn. Nước giúp loại bỏ lượng đường dư thừa từ máu của bạn thông qua nước tiểu, đồng thời giúp bạn tránh mất nước.
    • Tập thể dục nhiều hơn. Tập thể dục thường xuyên thường xuyên là một cách hiệu quả để kiểm soát lượng đường trong máu của bạn. Tuy nhiên, đừng tập thể dục nếu lượng đường huyết đang tăng quá cao, nhất là ceton có trong nước tiểu. Điều này có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng cao hơn nữa.
    • Thay đổi thói quen ăn uống. Bạn có thể nhờ tư vấn từ một chuyên gia dinh dưỡng để thay đổi số lượng và loại thực phẩm bạn ăn.
    • Uống thuốc theo chỉ dẫn. Nếu bạn thường xuyên bị tăng đường huyết, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc thời gian dùng thuốc.
    • Kiểm tra đường huyết tại nhà. Theo dõi đường huyết theo chỉ dẫn của bác sĩ. Kiểm tra thường xuyên hơn nếu bạn bị ốm; hoặc lo lắng về tình trạng tăng hoặc hạ đường huyết nghiêm trọng.
    • Điều chỉnh liều insulin của bạn để kiểm soát tình trang tăng đường huyết. Hỏi bác sĩ cách để điều chỉnh liều insulin nếu bạn có lượng đường trong máu cao.

    Bạn có thể tham khảo thêm một số biện pháp hỗ trợ điều trị tiểu đường, kiểm soát biến chứng tăng đường huyết trong bài viết: 5 loại lá cây chữa bệnh tiểu đường bạn cần biết

    Ngoài ra, nếu bạn có các dấu hiệu của nhiễm toan ceton do tiểu đường hoặc tăng áp lực thẩm thấu, cần đi viện ngay lập tức.

    Phòng ngừa

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp phòng ngừa bệnh tăng đường huyết?

    dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiểu đường

    Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với bệnh tăng đường huyết:

    • Thực hiện theo chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường. Nếu bạn dùng insulin hoặc uống thuốc hạ đường huyết, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ chặt chẽ về số lượng và thời gian của các bữa ăn và đồ ăn nhẹ. Các thức ăn bạn ăn phải tương ứng với lượng insulin được đưa vào cơ thể.
    • Theo dõi lượng đường trong máu của bạn. Bạn có thể kiểm tra và ghi lại mức độ đường trong máu vài lần một tuần hoặc nhiều lần trong ngày. Bạn nên ghi chú khi nào đường huyết cao hơn hoặc thấp hơn giới hạn cho phép.
    • Dùng thuốc theo toa. Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh bỏ liều hay quên liều.
    • Điều chỉnh thuốc nếu bạn thay đổi hoạt động thể chất. Việc điều chỉnh phụ thuộc vào kết quả kiểm tra đường huyết cũng như mức độ và cường độ của bài tập.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

    Khoa nội tiết · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Ngày cập nhật: 27/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo