Việc nhận biết chính xác các dấu hiệu trẻ thông minh luôn được các bậc phụ huynh có con nhỏ rất quan tâm. Điều này có thể giúp cha mẹ có kế hoạch nuôi dạy con hợp lý, để bé phát huy tối đa năng lực của bản thân.
Để có thể sớm phát hiện ra tài năng của bé, cha mẹ nên quan sát kỹ 18 dấu hiệu trẻ thông minh phổ biến nhất mà Hello Bacsi tổng hợp được. Mặc dù không phải tất cả những trẻ thông minh đều sẽ thể hiện hết những đặc điểm này, nhưng phần lớn các bé có IQ cao thường sẽ bộc lộ những dấu hiệu sau:
1. Trẻ thông minh thường có kiến thức sâu về chủ đề yêu thích
Những đứa trẻ thông minh thường có kiến thức chuyên sâu về một chủ đề trẻ quan tâm. Các bé có xu hướng rất đam mê một lĩnh vực nào đó và có khả năng duy trì niềm đam mê đó trong thời gian dài. Khi xác định đam mê một điều gì đó, trẻ thường sẽ thể hiện niềm yêu thích một cách rất rõ ràng và mạnh mẽ.
Không những thế, trẻ thường có sự hiểu biết sâu sắc cũng như những kiến thức bao quát tất cả mọi thứ xoay quanh chủ đề yêu thích. Đôi khi, hành vi của trẻ thậm chí có thể có dấu hiệu tương đồng với hội chứng ám ảnh cưỡng chế.
Để hiểu rõ hơn, hãy xem xét một ví dụ điển hình
Bây giờ thì, bạn hãy thử nhớ lại xem, có phải trẻ thường kể cho bạn nghe rất nhiều thông tin liên quan đến một sự vật, hiện tượng nào đó không? Nếu có – xin chúc mừng! Con của bạn đã có một trong những dấu hiệu của trẻ thông minh.
2. Trẻ ham học hỏi và học rất nhanh
Trẻ thông minh thường có nhu cầu học tập vô tận. Bé có xu hướng học hỏi mọi thứ mà bản thân muốn biết. Điều này được biểu hiện qua sự say mê đối với những cuốn sách, niềm thích thú khi được trao cơ hội tìm hiểu những thông tin chưa biết, hay thậm chí là ánh mắt sáng rực khi tiếp nhận những kiến thức độc đáo.
Không những thế, sau khi biết được một thông tin mới, trẻ thường có xu hướng đào sâu và học hỏi thêm những thông tin liên quan. Bộ não của bé như một bộ máy lưu trữ tối tân có thể chứa đựng rất nhiều kiến thức mới lạ. Ngoài ra, khi gặp một vấn đề khó hiểu, trẻ thường tìm tòi mọi cách để có thể có được đáp án.
Khả năng học nhanh cũng là một dấu hiệu cho thấy trẻ thông minh. Đối với một vấn đề mới, chỉ cần nghe qua 1-2 lần, trẻ có khả năng ghi nhớ và hiểu nhanh hơn so với những bé cùng trang lứa.
3. Tò mò về mọi thứ và thường xuyên đặt câu hỏi
Trẻ em thường biểu hiện trí thông minh thông qua sự tò mò về thế giới xung quanh và cường độ đặt các câu hỏi chi tiết để thỏa mãn “cơn khát” kiến thức. Sự tò mò này vượt ra ngoài sự quan tâm đơn giản đối với một chủ đề và có thể mở rộng sang các khía cạnh dường như nằm ngoài phạm vi của một bài học.
Cha mẹ sẽ thường xuyên nhận được “mười vạn câu hỏi vì sao” của trẻ. Những câu hỏi này đa phần đều nhiều và rộng hơn những gì các bậc phụ huynh có thể trả lời.
Mặc dù đôi khi việc trẻ đặt các câu hỏi có thể khiến cha mẹ khó chịu nhưng đừng “bóp nghẹt” sự tò mò của trẻ. Vì điều này có thể làm mất động lực và dập tắt các nỗ lực giao tiếp trong tương lai. Điều mà phụ huynh nên làm là trả lời thật chính xác hoặc tìm kiếm câu trả lời, kèm theo các bằng chứng minh họa, vì con bạn có thể sẽ yêu cầu điều đó.
Trên thực tế, khả năng đặt những câu hỏi “hóc búa” được đánh giá là một đặc điểm tốt, cần phải được nuôi dưỡng và phát huy. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy dấu hiệu này ở trẻ thông minh khi bé còn nhỏ, nhưng lại hiếm khi bắt gặp điều này ở những đứa trẻ lớn hơn.
4. Dấu hiệu trẻ thông minh: Sở hữu trí nhớ phi thường
Những trẻ thông minh thường có thể lưu giữ một lượng lớn thông tin và ghi nhớ trong một thời gian dài. Ngay từ những năm đầu đời, bé có thể sở hữu trí nhớ vô cùng sắc bén.
Chẳng hạn, trẻ có khả năng ghi nhớ nơi giấu đồ chơi, bánh kẹo. Bên cạnh đó, bé còn dễ dàng nhớ những địa điểm đã ghé thăm trước đây, tên của nhiều người và thậm chí cả vị trí cụ thể của những đồ vật mà người lớn thường không nhớ đã để ở đâu.
Với óc quan sát nhạy bén, khả năng phân loại ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và các chi tiết khác nhau, trẻ thông minh thường nổi bật hơn những bé cùng tuổi. Trong khi những trẻ khác có thể quên một số điều nhất định, trẻ thông minh thường nhớ từng thông tin chi tiết đã được bộ não xử lý.
5. Khả năng ngôn ngữ đặc biệt
Trước khi biết đi, những đứa trẻ thông minh khi được 4 – 5 tháng tuổi sẽ bắt đầu biết ngân nga theo nhạc. Nếu em bé tỏ ra thích thú với các câu chữ và những cuốn truyện hoặc nói được câu hoàn chỉnh trước 14 tháng tuổi, đây là những dấu hiệu ban đầu của một đứa trẻ thông minh.
Bên cạnh đó, trẻ thông minh thường có vốn từ vựng phong phú. Các bé thường hiểu và sử dụng nhiều từ hơn trẻ cùng độ tuổi, kể cả ngôn ngữ trừu tượng và tượng hình. Điều này có thể là do trẻ thói quen đọc và tiếp xúc với các văn bản nâng cao hơn.
Một nguyên nhân khác có thể là nhờ vào độ nhạy cao với cú pháp và khả năng đoán nghĩa của các từ mới gặp trong từng ngữ cảnh. Trẻ thông minh cũng dễ nhớ từ hơn và thường yêu cầu người đối diện ít lặp từ hơn khi giao tiếp để tiếp thu ngôn ngữ.
Ngoài ra, nếu ba mẹ thông thạo các ngôn ngữ khác nhau, hãy thử giao tiếp với trẻ bằng nhiều ngôn ngữ nhất có thể. Điều này khuyến khích quá trình phát triển trí não nhanh hơn ở bé.
6. Dấu hiệu trẻ thông minh: Khả năng sử dụng ngôn ngữ phức tạp
Những đứa trẻ thông minh có thể biết nói sớm hoặc không, nhưng bất cứ khi nào nói, trẻ đều có thể tạo ra những cuộc trò chuyện mang tính triết lý cao. Điều này thường làm cho bạn bè đồng trang lứa đôi khi không theo kịp cuộc nói chuyện của bé.
7. Trẻ thông minh thường thích chơi cùng những người lớn tuổi hơn
Trẻ thông minh có thể gặp khó khăn khi giao tiếp với các bạn cùng lứa tuổi vì sở thích và năng lực không tương đồng. Do đó, các bé thường cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp với người lớn, như thầy cô, anh chị, cô chú…
Không chỉ cảm thấy vui vẻ khi kết bạn với người lớn tuổi hơn, trẻ còn thích thú khi được tiếp thu nhiều kiến thức mới lạ từ người lớn, đồng thời xem mỗi buổi trò chuyện là một cuộc đấu trí thú vị.
Mặc dù khi lớn lên, trẻ thông minh thường chơi với bạn bằng tuổi, nhưng khi còn nhỏ, điều này là khó khăn hơn đối với bé. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là khuyến khích trẻ chơi đùa với các bạn cùng lứa tuổi để tránh bị cô lập và thu mình do khác biệt về khả năng trí tuệ. Cha mẹ có thể giúp con kết bạn với mọi người ở mọi lứa tuổi bằng cách dạy trẻ các kỹ năng xã hội cần thiết.
8. Thích ở một mình la dấu hiệu của trẻ thông minh
Trẻ thông minh thường cảm thấy hạnh phúc khi ở một mình. Hầu hết trẻ em được biết đến là hòa đồng và không muốn bị bỏ rơi, nhưng trẻ thông minh có xu hướng ngược lại. Các bé cảm thấy hạnh phúc hơn khi ở một mình, chơi với đồ chơi, sách tô màu hoặc giải câu đố.
Thực tế, việc chơi tự do một mình là cơ hội để trẻ khám phá mọi thứ và sáng tạo. Khi gặp vấn đề hóc búa, trẻ thường tìm đến “những người bạn già” để học hỏi và cùng thảo luận. Đây là một trong những dấu hiệu nhận biết trẻ có trí thông minh cao.
Những bé như vậy thích một hoặc hai người bạn và thoải mái trong một nhóm nhỏ. Nếu bé có thể tự chơi đùa mà không gặp nhiều khó khăn – đây đích thị là một thiên tài tí hon trong gia đình. Những đứa trẻ tài năng như vậy cũng có thể hơi hướng nội, vì vậy hãy cẩn thận đừng thúc ép trẻ làm điều gì đó mà bé thực sự không thích.
9. Khả năng nhận ra nhiều đáp án hơn ngoài những lựa chọn có sẵn
Khi đứng trước một câu hỏi hoặc đáp án A hoặc đáp án B, trẻ thông minh thường đưa ra quyết định sớm hơn. Và thông thường, câu trả lời lại là một đáp án C chưa được cho trước. Các bé cảm thấy hứng thú và sẵn sàng thực hiện những lựa chọn khác lạ đó.
Ví dụ
Đó là lý do các bài trắc nghiệm kiểm tra IQ thường khó đánh giá được trí tuệ của trẻ.
10. Trẻ thông minh không thích học hoặc làm điều gì đó đã biết
Một trong những biểu hiện trẻ thông minh mà bạn có thể dễ dàng nhận biết là thái độ chán ghét học lại những điều đã biết. Những đứa trẻ có năng khiếu có xu hướng học thông qua khám phá và các bé không thích học lại những gì đã biết.
Chẳng hạn như, trẻ được yêu cầu học thuộc bảng cửu chương khi được 5 tuổi. Lúc này, trẻ cảm thấy thích thú đối với thử thách này và sẽ nỗ lực tìm ra phương pháp ghi nhớ một cách logic.
Tuy nhiên, khi lên lớp 1 và được trường dạy lại điều đó, trẻ sẽ không muốn dành thời gian để học lại nó nữa. Vì các bé biết rằng có những quy luật để ghi nhớ những kiến thức đã cũ này.
11. Có tính cầu toàn và đề cao sự hoàn hảo
Trẻ thông minh có khả năng hiểu điều hoàn hảo trong một tình huống cụ thể là gì. Các bé đặt ra yêu cầu rất cao cho từng việc mà mình muốn làm và thường dùng hết sức mình để đạt được những mục tiêu đó.
Điều này có thể dẫn đến sự thất vọng cho trẻ nếu bé không thể đạt được tiêu chuẩn đó. Bởi vì muốn làm tốt mọi việc, trẻ có thể không sẵn sàng thử một số nhiệm vụ nhất định khác.
12. Có tính kiên trì và quyết tâm
Một dấu hiệu trẻ cực thông minh là tính kiên trì và quyết tâm. Khi theo đuổi đam mê, những đứa trẻ thông minh thường kiên trì theo đuổi cho đến khi trẻ thành thạo. Các bé bám sát niềm đam mê để tìm ra điều gì đó và học tất cả những gì có thể trong lĩnh vực mình quan tâm.
Ví dụ như, khi lắp ráp lego, trẻ có thể xây dựng thành nhiều hình thù khác nhau, sau đó lại tháo rời và lắp lại, cho đến khi đạt được tốc độ nhanh nhất và khám phá ra tất cả những hình thù có thể sắp xếp được, trẻ mới ngừng lại.
Dù gặp vấn đề khó khăn đến mấy, trẻ vẫn quyết tâm và kiên trì chinh phục đến cùng. Đôi khi, đối với một số người, hành động này được cho là bướng bỉnh và cứng đầu.
Một đứa trẻ “bướng bỉnh” như thế cũng có thể sẽ cố gắng thương lượng với bạn để đạt được điều mà bé muốn. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ có thể “đàm phán” thành công.
13. Dấu hiệu trẻ thông minh: Có khả năng tập trung cao độ
Khả năng tập trung cao độ là một dấu hiệu nhận biết trẻ thông minh. Các bé có đặc điểm này thường bắt đầu quan sát và chú ý mọi thứ xung quanh ngay từ khi còn rất nhỏ. Nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng các bé chỉ đang nhìn chằm chằm một thứ gì đó, nhưng thật ra, đó là khi bộ não của trẻ đang ghi nhận thông tin từ sự vật đang được quan sát.
Nếu như trước 6 tháng tuổi, con của bạn bộc lộ khả năng tập trung vào một nhiệm vụ, sự việc nào đó trong thời gian dài, đó có thể là dấu hiệu của một đứa trẻ thông minh. Khi trẻ lớn hơn và được giao một nhiệm vụ, các bé có xu hướng làm việc đó mà không bị phân tâm cho đến khi hoàn thành. Dù là tivi, trò chơi điện tử hay mạng xã hội đều không làm bé xao nhãng. Điều này cho phép trẻ hoàn thành công việc một cách hiệu quả.
Ví dụ
Nếu con bạn có những đặc điểm như thế, hãy tiếp tục khuyến khích trẻ chơi với đồ chơi, các hình khối, trò xếp hình nhiều mảnh ghép và đa sắc… để kích thích sự tập trung của bé. Và đừng quên duy trì việc đọc sách cho trẻ nghe.
14. Có mức độ nhạy cảm cao và thể hiện cảm xúc mãnh liệt hơn
Trong cuộc sống, những đứa trẻ thông minh thường thể hiện cảm xúc mãnh liệt hơn người bình thường, cả cảm xúc tích cực và tiêu cực. Các bé cũng có thể nhận thức rõ hơn ý kiến và cảm xúc của những người xung quanh.
Hãy để ý xem trẻ có kết nối mạnh mẽ như thế nào với mọi người và động vật. Nếu con của bạn thương xót cho một chú chó bị thương hoặc chạy đến dỗ dành người bạn đang khóc, đó có thể là dấu hiệu của một đứa trẻ thông minh có trái tim nhạy cảm.
Việc thể hiện lòng trắc ẩn và sự đồng cảm với người khác là dấu hiệu ban đầu của trẻ thông minh. Khả năng chia sẻ với người khác, thể hiện lòng trắc ẩn, giải quyết xung đột, tiếp nhận phản hồi và thỏa hiệp là những yếu tố quan trọng cần được thấy ở trẻ thông minh. Các bé có thể rất từ bi và phần lớn đặc điểm này gắn liền với khả năng quan sát và nhận biết ngôn ngữ cơ thể, giọng nói, tất cả những thứ liên quan đến việc giao tiếp. Trẻ thông minh thực sự có thể “đọc” được mọi người.
Tuy nhiên, bởi vì một số trẻ em có khả năng tự nhận thức về bản thân, nên nhiều bé trở nên hướng nội và cảm thấy mình không phù hợp trong cộng đồng. Những đứa trẻ như vậy cần được khuyến khích và động viên rằng suy nghĩ và cảm xúc của trẻ không chỉ rất bình thường mà còn đặc biệt đáng trân trọng.
15. Có khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng sống động
Một đứa trẻ thông minh thường là những người có tư duy nguyên bản, có thể tiếp cận lý luận trừu tượng và tập hợp các ý tưởng từ các lĩnh vực khác nhau. Các bé có thể có trí tưởng tượng phong phú và sáng tạo những câu chuyện, bài hát, vở kịch tinh tế của riêng mình.
Ví dụ
Nếu có, con của bạn có dấu hiệu trẻ thông minh. Bạn có thể phải “ngự trị” trong trí tưởng tượng dồi dào đó. Và đôi khi, việc sáng tạo những câu chuyện của trẻ gây khó chịu cho bạn nhưng đừng bao giờ hạn chế điều đó.
Trẻ thông minh cũng thường có những góc riêng trong phòng hoặc những bức tranh rất lộn xộn. Tuy nhiên, cha mẹ có thể tìm thấy được điều kỳ diệu bên trong sự bừa bộn đó.
Những đứa trẻ sáng tạo thường có một sự vô tổ chức nhất định, vì điều này giúp khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ. Mặc dù ngăn nắp là một kỹ năng tuyệt vời, nhưng đối với những đứa trẻ thông minh, quá cứng nhắc trong việc giữ ngăn nắp cũng có thể là trở ngại cho sự phát triển tối đa.
16. Dấu hiệu trẻ thông minh: Thích giải quyết vấn đề
Trẻ thông minh thường rất hiếm khi bỏ cuộc. Đối với các vấn đề càng phức tạp, các bé càng cảm thấy hứng thú. Cùng với sự tập trung cao độ, những đứa trẻ này có khả năng giải quyết vấn đề đặc biệt.
Trẻ em thường thể hiện kỹ năng giải quyết vấn đề phù hợp với các mốc phát triển nhưng trẻ thông minh sẽ thể hiện những kỹ năng này sớm hơn nhiều. Các bé sẽ tìm thấy những cách mới hơn và có thể tốt hơn để giải quyết những vấn đề. Điều này cũng có thể bao gồm những giải pháp bất thường.
Ví dụ, nếu bạn để gói bánh yêu thích của trẻ ở trên tủ cao, trẻ sẽ tìm những chiếc hộp cứng, xếp chồng chúng lên nhau để tiếp cận món ăn vặt này. Bé có thể tìm ra giải pháp cho các vấn đề sớm hơn so với các bạn cùng tuổi và sẽ sử dụng trí tưởng tượng để tìm ra gốc rễ của một vấn đề.
Để khuyến khích kỹ năng giải quyết vấn đề tự nhiên của trẻ, hãy tạo ra những “thử thách” dễ dàng cho bé. Chẳng hạn như, có thể tạo một mê cung nhỏ bằng gối và đặt một món đồ chơi ở giữa. Sau đó, cổ vũ bé khi chúng di chuyển qua mê cung này để tìm đồ chơi.
17. Trẻ thông minh thường ít và khó ngủ hơn
Những đứa trẻ “thiên tài” có mức năng lượng cao hơn so với những trẻ cùng tuổi. Các bé không cần ngủ nhiều, và dường như không bị ảnh hưởng bởi thời lượng ngủ ít hơn, cũng như không có dấu hiệu cáu kỉnh do thiếu ngủ.
Những em bé có não hoạt động nhanh sẽ mất rất nhiều thời gian để “tắt” não và do đó khó thư giãn, và thường ngủ muộn hơn so với bạn cùng tuổi. Đôi khi, những đứa trẻ này còn thích có những khung giờ ngủ và thức riêng biệt, phù hợp với năng lượng của trẻ.
18. Đạt được các mốc sớm hơn những trẻ khác
Nếu qua những đặc điểm về hành vi được liệt kê ở trên, bạn vẫn chưa xác định được con mình có phải trẻ thông minh hay không, hãy xem xét đến các cột mốc trong đời của bé. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy cha mẹ có thể đang nuôi dạy một thiên tài thường xuất hiện rất sớm.
Ở độ tuổi 6 tháng, trẻ có thể vẫy tay chào và cầm nắm đồ vật dễ dàng? Nếu câu trả lời là có, đó là dấu hiệu trẻ đang đạt được các mốc phát triển sớm hơn so với các bạn cùng lứa tuổi.
Đặc biệt, nếu trẻ có kỹ năng ngôn ngữ cao hơn đáng kể so với độ tuổi, có vốn từ vựng phong phú, và có thể nói những câu phức tạp ngay từ khi còn nhỏ, đó là dấu hiệu của trẻ thông minh.
Hy vọng qua 18 dấu hiệu trẻ thông minh được đề cập trong bài, cha mẹ sẽ xác định được con mình có phải là “thiên tài” hay không, để từ đó có hướng phát triển phù hợp cho bé.
[embed-health-tool-child-growth-chart]