backup og meta

Giải đáp thắc mắc: Mẹ cho con bú có uống thuốc được không?

Giải đáp thắc mắc: Mẹ cho con bú có uống thuốc được không?

“Mẹ cho con bú có uống thuốc được không?” là vấn đề mà hầu như bà mẹ nào cũng quan tâm tìm hiểu khi rơi vào trường hợp muốn dùng thuốc điều trị tình trạng sức khỏe nhưng lại đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Mang thai và cho con bú là những giai đoạn cần cẩn trọng trong tất cả mọi thứ, từ việc ăn uống, sinh hoạt cho đến sử dụng thuốc vì tất cả đều có thể gây ảnh hưởng đến em bé. Sau khi sinh, dù em bé không còn tồn tại trong cùng một cơ thể với người mẹ nhưng vẫn có mối liên hệ chặt chẽ thông qua nguồn dinh dưỡng chính của bé là sữa mẹ. Trong khi đó, một số thuốc lại có khả năng “đi vào” sữa mẹ, vô tình khiến bé cũng “dùng” thuốc một cách gián tiếp và chịu những tác động từ thuốc.

Do vậy, nhiều bà mẹ thường rất băn khoăn khi không biết mẹ cho con bú có uống thuốc được không? Hãy cùng Hello Bacsi giải đáp tất cả những câu hỏi thường gặp liên quan đến việc sử dụng từng loại thuốc ở các mẹ đang cho con bú cũng như những lưu ý chung cho mẹ khi uống thuốc qua bài viết sau đây nhé!

Giải đáp thắc mắc: Mẹ cho con bú có uống thuốc được không? 

Thực tế, việc mẹ cho con bú có uống thuốc được không còn tùy thuộc vào loại thuốc mẹ đang muốn dùng là gì, có khả năng bài tiết vào sữa mẹ và gây tác động bất lợi đến trẻ bú mẹ hay không. Theo báo cáo lâm sàng năm 2013 của Viện Hàn lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP), hầu hết các loại thuốc và vắc-xin đều an toàn khi sử dụng trong thời cho con bú.

Để đảm bảo an toàn, tốt nhất các mẹ nên trao đổi với bác sĩ rằng bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ để được chỉ định loại thuốc phù hợp hoặc tìm cách điều trị thay thế khác. Đôi khi, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tạm ngưng cho con bú để chữa trị khỏi vấn đề sức khỏe đang gặp phải nếu điều đó cần thiết hơn.

1. Mẹ truyền kháng sinh có cho con bú được không?

mẹ cho con bú có truyền kháng sinh được không

Các mẹ phải dùng thuốc kháng sinh thường không nhất thiết phải ngừng hoặc chấm dứt việc cho con bú. Hầu hết các loại kháng sinh có thể gây ra tình trạng đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Một số trẻ có thể bị khó chịu với những cơn đau bụng, co thắt. Tuy nhiên, những tác động này được cho là không đáng kể về mặt lâm sàng và không cần điều trị. Lợi ích của việc tiếp tục cho trẻ bú mẹ vẫn lớn hơn những bất lợi tạm thời này.

Về lý thuyết, việc tiếp xúc với kháng sinh có thể khiến trẻ nhạy cảm hơn với các liều thuốc sau này như dị ứng penicillin nhưng điều này cực kỳ hiếm gặp. Sử dụng kháng sinh liều lớn có khả năng thúc đẩy sự phát triển quá mức của nấm candida ở người mẹ do kháng sinh tiêu diệt hết các vi khuẩn đường ruột tự nhiên. Thế nhưng, nhiều mẹ nhận thấy bổ sung lợi khuẩn như sữa chua có thể khôi phục sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Sữa mẹ cũng chứa tất cả yếu tố sinh học cần thiết để chữa lành đường ruột của trẻ.

Một số loại kháng sinh được tiêm truyền như gentamicin, meropenem do chúng có khả năng hấp thu kém từ ruột. Như vậy, các thuốc khi bài tiết vào sữa mẹ chưa chắc có khả năng được trẻ hấp thu đủ lượng và mẹ không cần phải ngừng cho con bú vì lý do an toàn. Hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn về việc mẹ truyền kháng sinh cho con bú được không trong từng trường hợp dùng thuốc mẹ nhé. 

2. Mẹ cho con bú uống thuốc cảm được không?

Hầu hết các loại thuốc cảm, thuốc trị sổ mũi đều an toàn khi cho con bú, nhất là khi chỉ có nhu cầu dùng trong thời gian ngắn và chỉ khi cần thiết. Các loại thuốc cảm, thuốc sổ mũi mẹ cho con bú uống được mà không sợ thiếu an toàn cho trẻ gồm:

Lưu ý, các thuốc cảm thường có công thức thành phần phối hợp nhiều hoạt chất nhằm giải quyết nhiều triệu chứng nên bạn cần đọc kỹ thành phần các thuốc. Điều này giúp mẹ không dùng quá liều quy định hàm lượng các hoạt chất và chỉ dùng hạn chế để giảm bớt triệu chứng.

Các loại thuốc cảm mà mẹ nên tránh là những thuốc chứa pseudoephedrine hoặc phenylephrine vì có thể làm giảm lượng sữa mẹ tiết ra.

3. Mẹ cho con bú uống thuốc hạ sốt được không?

mẹ cho con bú có uống thuốc hạ sốt được không

Những loại thuốc không kê đơn phổ biến cũng khiến cho các mẹ băn khoăn khi muốn dùng trong thời kỳ đang cho con bú. Điển hình như câu hỏi mẹ cho con bú uống thuốc hạ sốt như panadol, efferalgan được không? Thực chất các thuốc hạ sốt này đều chứa hoạt chất paracetamol và có thể dùng được khi đang cho con bú ở liều khuyến cáo để hạ sốt, điều trị các cơn đau nhức nhẹ như đau đầu, đau cơ.

Với những thuốc giảm đau, hạ sốt khác như ibuprofen, naproxen vẫn có thể dùng an toàn cho các mẹ đang cho con bú bình thường nhưng cần tránh dùng nếu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng bất kỳ loại thuốc nào để được tư vấn liều dùng và loại thuốc an toàn cho cả mẹ lẫn bé.

4. Mẹ cho con bú uống thuốc viêm họng được không?

Mẹ đang cho con bú nếu muốn dùng thuốc viêm họng thì nên lựa chọn các viên ngậm chứa hoạt chất gây tê tại chỗ, kháng khuẩn hoặc benzydamine. Chú ý không nên sử dụng quá nhiều vì có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như tiêu chảy.

Bạn cũng có thể súc miệng bằng nước muối hoặc uống các sản phẩm từ chanh, mật ong để làm dịu tình trạng đau họng, viêm họng. Nếu dùng các loại thuốc súc họng – miệng khác thì các mẹ cần tránh dùng loại có chứa povidone-iodine vì có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp của cả mẹ và bé.

5. Mẹ cho con bú uống thuốc tránh thai được không?

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bà mẹ đang cho con bú không nên uống thuốc tránh thai kết hợp (có hormone estrogen) trong vòng 42 ngày sau sinh, những bất lợi khi uống thuốc tránh thai thường lớn hơn lợi ích đạt được trong khoảng thời gian từ 6 tuần đến 6 tháng sau sinh. Lượng sữa mẹ tiết ra có thể bị giảm sút do ảnh hưởng bởi hormone estrogen. Ngoài ra, việc dùng thuốc chứa estrogen trong vòng 3 tuần đầu sau sinh có thể làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ sau sinh.

Nếu muốn dùng thuốc tránh thai, bác sĩ khuyến cáo nên sử dụng biện pháp tránh thai chỉ có progesterone và đợi khoảng 4 tuần sau sinh mới bắt đầu dùng khi nguồn sữa mẹ đã ổn định.

Trường hợp uống thuốc tránh thai khẩn cấp thì mẹ có cho con bú được không? Câu trả lời là bạn cần ngừng cho bú sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp trong một khoảng thời gian tùy thuộc vào loại thuốc đã dùng. Để có thêm thông tin chi tiết, bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn về việc uống thuốc tránh thai và cho con bú như thế nào để đảm bảo an toàn.

6. Mẹ cho con bú uống thuốc chống dị ứng được không?

Mẹ nuôi con bằng sữa mẹ uống thuốc chống dị ứng được không

Mẹ cho con bú có uống thuốc được không mà cụ thể là thuốc chống dị ứng? Các thuốc chống dị ứng thế hệ mới và thuốc kháng histamin cũng tương đối an toàn khi dùng trong thời gian cho con bú, các mẹ có thể uống các thuốc như:

Các thuốc chống dị ứng thế hệ cũ như diphenhydramine cũng được xem là an toàn khi sử dụng trong thời kỳ cho con bú nhưng vẫn có khả năng gây buồn ngủ ở trẻ sơ sinh và làm giảm lượng sữa mẹ.

7. Mẹ cho con bú bị táo bón uống thuốc nhuận tràng được không?

Nếu mẹ bị táo bón sau sinh thì tốt hơn hết là hãy thử bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống (như ngũ cốc, trái cây, rau củ) và uống nhiều nước, trước khi muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để trị táo bón như thuốc nhuận tràng.

Vậy nếu thực sự cần thiết, mẹ cho con bú bị táo bón có uống thuốc nhuận tràng được không? Thực tế, các thuốc nhuận tràng thẩm thấu như lactulose, glycerol hoặc macrogol an toàn khi dùng ở liều khuyến cáo trong thời gian cho con bú. Tuy nhiên, các thuốc nhuận tràng kích thích như senna hoặc bisacodyl lại có thể bài tiết vào sữa mẹ khiến trẻ bú mẹ bị tiêu chảy. Do đó, bạn cần hỏi ý kiến dược sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp, an toàn khi dùng điều trị táo bón trong lúc đang nuôi con bằng sữa mẹ.

8. Mẹ cho con bú bị tiêu chảy có uống thuốc được không?

Hầu hết các trường hợp tiêu chảy thường diễn ra trong thời gian ngắn mà không cần dùng đến thuốc điều trị. Nếu cảm thấy mất nước, các mẹ có thể pha dung dịch bù nước và điện giải theo khuyến cáo.

Khi cần dùng thuốc, các mẹ cho con bú mà bị tiêu chảy có thể uống loperamide. Bạn cũng không cần phải tạm ngưng cho con bú khi bị tiêu chảy. Tuy nhiên, khi tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng, đi ngoài ra nhiều nước, có máu, có các triệu chứng khác kèm theo như sốt, đau bụng dữ dội, hoặc kéo dài hơn 48 giờ thì hãy đến gặp bác sĩ ngay.

9. Mẹ cho con bú uống thuốc say xe được không?

Mẹ cho con bú uống thuốc say xe được không?

Mẹ cho con bú có uống thuốc được không, chẳng hạn như thuốc chống say tàu xe? Các bà mẹ đang cho con bú vẫn có thể uống thuốc say xe được vì thường chỉ dùng trong thời gian ngắn nên dường như không có khả năng làm giảm nguồn sữa hoặc gây ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Tác động có thể xảy ra thường là gây buồn ngủ tạm thời khi dùng các loại thuốc say xe khiến bạn buồn ngủ.

Một số loại thuốc say xe bạn có thể dùng gồm:

  • Hyoscine: được coi là loại thuốc chống say tàu xe hiệu quả, uống trước khi lên tàu xe khoảng 30 – 60 phút.
  • Prochlorperazine
  • Cyclizine.

10. Mẹ cho con bú uống thuốc tẩy giun được không?

“Bạn có thể uống thuốc tẩy giun pyrantelmebendazole” là câu trả lời cho thắc mắc mẹ cho con bú có uống thuốc  được không mà cụ thể là thuốc tẩy giun. Cả hai thuốc này đều an toàn để điều trị nhiễm giun trong thời gian cho con bú vì chúng kém hấp thu qua ruột và không có khả năng bài tiết vào sữa mẹ.

Để phòng ngừa nhiễm giun, các mẹ cũng cần chú ý:

  • Cắt ngắn móng tay.
  • Luôn rửa tay và móng tay sạch sẽ với xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.
  • Không nên gãi hậu môn hoặc cắn móng tay.
  • Giặt tất cả khăn trải giường, drap giường, chăn mền, đồ ngủ bằng nước nóng để đảm bảo tiêu diệt trứng giun.
  • Vệ sinh bồn cầu thường xuyên bằng chất khử trùng, diệt khuẩn chuyên dụng. 

11. Mẹ cho con bú uống thuốc giảm cân được không?

Nhìn chung, mẹ cho con bú không nên uống thuốc giảm cân. Chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về các thành phần hoạt chất có trong các loại thuốc giảm cân có bài tiết qua sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ hay không.

Nếu bạn muốn có thêm thông tin chính xác, hãy trao đổi với bác sĩ về mong muốn của bản thân để tìm cách giảm cân an toàn, hiệu quả trong thời gian cho con bú mà không gây ra bất kỳ hậu quả đáng tiếc nào.

12. Mẹ cho con bú uống thuốc Bắc được không?

Tương tự như thuốc Tây y, thuốc Bắc hay thuốc có nguồn gốc thảo dược cũng có khả năng bài tiết vào sữa mẹ và gây tác động đến trẻ bú mẹ hoặc làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa mẹ. Vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Đối với hầu hết các loại thuốc Bắc, thuốc từ thảo dược, thông tin dữ liệu về mức độ an toàn thuốc ở phụ nữ đang cho con bú thường rất hạn chế, không đủ để đưa ra kết luận. Một số loại thuốc dân gian còn chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh về hiệu quả. Do vậy, bạn nên tránh dùng thuốc Bắc khi đang cho con bú hoặc trao đổi với bác sĩ hay lương y trước khi muốn sử dụng bất kỳ bài thuốc cổ truyền nào.

Mẹ cho con bú uống thuốc được không?

Mẹ cho con bú có uống thuốc được không còn tùy thuộc vào loại thuốc mẹ đang muốn dùng là gì, có khả năng bài tiết vào sữa mẹ và gây tác động bất lợi đến trẻ bú mẹ hay không. 
Do đó, để đảm bảo an toàn, tốt nhất các mẹ nên trao đổi với bác sĩ rằng bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ để được chỉ định loại thuốc phù hợp hoặc tìm cách điều trị thay thế khác. 

Uống thuốc khi cho con bú: Mẹ cần lưu ý gì? 

mẹ cho con bú có uống thuốc được không

Chỉ một số ít thuốc khi sử dụng có khả năng đi vào sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ. Một số thuốc thậm chí sẽ bị phân hủy bởi axit trong dạ dày của trẻ nên lượng thuốc thực sự đi vào máu là rất ít. Vì thế, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, mẹ cho con bú có thể tiếp tục uống thuốc được, bao gồm hầu hết các loại thuốc không kê đơn.

Khi sử dụng thuốc, để cân nhắc mức độ an toàn, các mẹ đang cho con bú cần chú ý những điều sau:

  • Nếu thuốc đó thường được kê đơn cho trẻ sơ sinh thì cũng có khả năng an toàn cho mẹ khi dùng trong thời kỳ cho con bú. Lượng thuốc nếu có bài tiết qua sữa mẹ và được trẻ hấp thu cũng sẽ ở mức thấp hơn so với việc dùng trực tiếp.
  • Đa phần các loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai cũng an toàn khi dùng trong thời kỳ cho con bú.
  • Sử dụng thuốc ở liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất. Chỉ dùng thuốc khi thực sự cần, hãy ưu tiên các liệu pháp tại nhà không cần dùng thuốc.
  • Theo dõi các triệu chứng mà trẻ có thể gặp phải sau khi mẹ dùng thuốc. Các mẹ có con bị vàng da, sinh non, trẻ mới sinh được vài tuần… cần cẩn trọng khi dùng bất cứ loại kháng sinh nào.
  • Tránh dùng các thuốc dạng phóng thích kéo dài vì được cho là sẽ tồn tại trong máu và sữa mẹ lâu hơn so với các loại thuốc bào chế thông thường.
  • Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc, các nhà sản xuất thuốc luôn ghi đầy đủ thông tin về việc dùng thuốc cho các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai và cho con bú.
  • Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ / dược sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào.

Một số loại thuốc không nên dùng ở phụ nữ đang cho con bú là:

  • Amphetamine
  • Thuốc hóa trị (như cyclosporine, doxorubicin, methotrexate)
  • Chloramphenicol (một loại thuốc kháng sinh)
  • Ergotamine (thuốc dùng điều trị đau nửa đầu)
  • Lithium
  • Các chất phóng xạ dùng trong các xét nghiệm chẩn đoán
  • Các chất gây nghiện như cocaine, heroin, phencyclidine
  • Các loại thuốc gây ức chế sản xuất sữa như estrogen (có trong thuốc tránh thai đường uống), trazodone (thuốc chống trầm cảm), bromocriptine và levodopa (thuốc điều trị bệnh Parkinson).

Nếu các mẹ đang cho con bú nhưng được chỉ định dùng thuốc có khả năng gây hại đến trẻ bú mẹ thì phải ngừng cho con bú. Tuy nhiên, mẹ vẫn tiếp tục cho con bú được sau khi đã hết dùng thuốc. Để duy trì nguồn sữa, bạn có thể dùng máy hút sữa đều đặn rồi bỏ đi thay vì cho con bú.

Hy vọng qua bài viết này bạn đã giải đáp được những thắc mắc xoay quanh việc mẹ cho con bú có uống thuốc được không. Nhờ đó, các mẹ sẽ có thêm kiến thức để đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho cả mẹ và bé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Can You Take Over-the-Counter Medications While Breastfeeding? https://health.clevelandclinic.org/breastfeeding-safe-medications Ngày truy cập 12/11/2024

Medication and Substance Use During Breastfeeding https://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/medication-and-substance-use-during-pregnancy/medication-and-substance-use-during-breastfeeding Ngày truy cập 12/11/2024

Prescription Medication Use https://www.cdc.gov/breastfeeding-special-circumstances/hcp/vaccine-medication-drugs/prescriptions.html Ngày truy cập 12/11/2024

Medicines in breastfeeding https://www.thewomens.org.au/images/uploads/fact-sheets/Medicines-in-breastfeeding-151018.pdf Ngày truy cập 12/11/2024

Antibiotics and Breastfeeding https://www.breastfeedingnetwork.org.uk/factsheet/antibiotics/ Ngày truy cập 12/11/2024

Contraceptives, Oral, Combined https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK501295/ Ngày truy cập 12/11/2024

Who can take the emergency contraceptive pill (morning after pill) https://www.nhs.uk/contraception/methods-of-contraception/emergency-contraceptive-pill-morning-after-pill/who-can-take-it/ Ngày truy cập 12/11/2024

Travel Sickness and Breastfeeding https://breastfeeding-and-medication.co.uk/fact-sheet/travel-sickness-and-breastfeeding Ngày truy cập 12/11/2024

Are Weight Loss Medications Safe While Breastfeeding? https://www.felixforyou.ca/blog-posts/are-weight-loss-medications-safe-while-breastfeeding Ngày truy cập 12/11/2024

Herbal medicines & breastfeeding https://www.thewomens.org.au/health-information/breastfeeding/medicines-drugs-and-breastfeeding/complementary-medicines-and-breastfeeding Ngày truy cập 12/11/2024

Phiên bản hiện tại

26/11/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo