backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mách bạn cách trị táo bón sau sinh tại nhà vừa đơn giản vừa hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/11/2021

    Mách bạn cách trị táo bón sau sinh tại nhà vừa đơn giản vừa hiệu quả

    Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón sau khi sinh con. Thậm chí, nếu trước đây bạn chưa từng bị táo bón thì giờ đây vấn đề này vẫn có thể xảy ra, vì hệ tiêu hóa của bạn thường hoạt động khá chậm sau khi trải qua quá trình chuyển dạ và sinh nở. Vậy làm thế nào để trị táo bón sau sinh hiệu quả?

    Điều quan trọng đầu tiên là chị em cần thư giãn và ngừng lo lắng vì càng lo lắng sẽ càng khiến tình trạng táo bón trở nên tồi tệ hơn. Bạn hãy yên tâm là hầu hết các trường hợp táo bón sau sinh không phải là bệnh lý và có thể được cải thiện dễ dàng tại nhà qua chế độ ăn uống, vận động. Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp cụ thể những lời khuyên, giải pháp trị táo bón tại nhà cho mẹ sau sinh để bạn tham khảo và áp dụng.

    Trị táo bón sau sinh tại nhà như thế nào để có hiệu quả?

    Có khá nhiều chị em lo lắng về việc chữa táo bón sau sinh như thế nào để đem lại hiệu quả? Trong hầu hết trường hợp, việc các bà mẹ mới sinh không đi ngoài vài ngày sau khi sinh là điều bình thường và có thể cải thiện sau vài ngày đến 1 tuần. Nếu mức độ không nghiêm trọng thì bạn có thể trị táo bón sau sinh tại nhà bằng một số phương pháp đơn giản sau:

    Ăn đủ bữa và bổ sung thức ăn giàu chất xơ

    Tình trạng táo bón sau sinh không quá đáng sợ và khó cải thiện như bạn nghĩ. Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống sau sinh có thể giúp cơ thể mẹ sớm trở lại như bình thường. Để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị táo bón sau sinh hiệu quả, chị em nên ăn đủ bữa với chế độ ăn giàu chất xơ gồm ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, trái cây tươi và rau củ quả.

    Trong đó, bạn nên ăn nhiều một số trái cây như táo, nho, mận… vì chúng có chứa sorbitol, thành phần giống như thuốc nhuận tràng tự nhiên. Việc bổ sung trái cây giàu sorbitol vào chế độ ăn có thể giúp ích rất nhiều trong việc làm dịu tình trạng táo bón.

    Trị táo bón sau sinh tại nhà bằng cách uống nhiều nước

    Cơ thể mẹ sau sinh có thể dễ mất nước vì một số lý do nên chị em đừng quên việc uống đủ 8 – 10 ly nước mỗi ngày. Hơn nữa, việc uống nhiều nước có lợi trong điều trị táo bón vì chất xơ từ thực phẩm bạn ăn sẽ hấp thụ lượng nước mà bạn uống. Từ đó giúp làm mềm phân và bạn sẽ dễ đi ngoài hơn. Bên cạnh bổ sung nước lọc, chị em có thể chọn thêm một số loại trà thảo mộc cũng rất hữu ích trong việc trị táo bón sau sinh tại nhà.

    Vận động nhẹ nhàng sau sinh

    trị táo bón sau sinh

    Sau khi sinh nhiều chị em thường có xu hướng lười vận động vì e ngại khi vận động sẽ khiến vết mổ hoặc vết khâu tầng sinh môn gây đau. Tuy nhiên, việc không vận động sẽ khiến tình trạng táo bón trở nên tệ hơn, thậm chí là dẫn đến bệnh trĩ. Vì vậy, thay vì chỉ ngồi và nằm, các mẹ nên chọn một hình thức vận động nhẹ nhàng để thực hiện ngay khi cảm thấy khỏe lại.

    Trong đó, đi bộ chính là hoạt động được khuyến khích nhiều nhất dành cho mẹ muốn trị táo bón sau sinh tại nhà. Bạn có thể đi bộ những đoạn ngắn trong sân hoặc trong khu phố bạn sinh sống. Vận động nhẹ nhàng vừa tốt cho sức khỏe tổng thể vừa giúp bạn cải thiện chứng táo bón hiệu quả hơn.

    Không nên trì hoãn khi bạn có nhu cầu “giải quyết”

    Nhiều mẹ thường e ngại việc đi ngoài trong vài ngày đầu sau sinh vì sợ đau nơi vết mổ hoặc vết khâu tầng sinh môn. Thế nhưng, lời khuyên là bạn không nên nhịn đi ngoài khi có nhu cầu. Bởi vì việc trì hoãn thường khiến phân càng trở nên cứng hơn và gây táo bón nặng hơn. Do đó, bất cứ khi nào bạn cảm thấy muốn “đi” thì đừng nên trì hoãn. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón xảy ra hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.

    Mẹ có thể dùng thuốc để trị táo bón sau sinh không?

    trị táo bón sau sinh

    Nếu việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống theo hướng tích cực không giúp bạn cải thiện chứng táo bón sau sinh thì việc dùng thuốc điều trị là rất cần thiết. Đặc biệt trong những trường hợp như mẹ bị rách âm đạo độ 3 hoặc độ 4 khi chuyển dạ sinh con, đang uống bổ sung sắt, đã dùng thuốc giảm đau khi sinh con hoặc bị trĩ trước khi sinh thì nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc nhuận tràng. Đây là loại thuốc được phân loại theo chức năng của chúng, bao gồm:

  • Thuốc nhuận tràng tạo khối làm tăng trọng lượng và hàm lượng nước của khối phân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi ngoài.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu bổ sung nước cho ruột kết để cải thiện nhu động ruột.
  • Thuốc nhuận tràng kích thích hoạt động bằng cách kích thích thành ruột, làm mềm phân để cải thiện khả năng đi ngoài.
  • Trên thực tế, có rất nhiều nhãn hàng thuốc trị táo bón sau sinh để bạn lựa chọn. Tuy nhiên, việc lựa chọn được loại thuốc phù hợp với mẹ sau sinh còn dựa trên việc bạn có đang cho con bú hay không và bạn đang dùng những loại thuốc nào khác hiện tại? Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại thuốc trị táo bón phù hợp thay vì mạo hiểm dùng thuốc không kê đơn.

    Trường hợp nào bạn cần đến bác sĩ khi bị táo bón sau sinh?

    trị táo bón sau sinh

    Tình trạng táo bón sau sinh có thể là bình thường và cải thiện được thông qua chế độ ăn uống và lối sống. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể ở một mức độ nghiêm trọng hơn và bạn nên đi khám nếu gặp một trong những trường hợp sau:

    • Đi ngoài với phân có lẫn máu hoặc chất nhầy.
    • Bạn bị táo bón xen kẽ với tiêu chảy.
    • Chảy máu trực tràng quá mức, có thể kèm theo đau trực tràng dữ dội.
    • Đau đáy chậu, đau và sưng phồng lên trong âm đạo hoặc âm hộ.
    • Đau bụng dữ dội.
    • Bạn không đi ngoài sau hơn 3 ngày kể từ khi sinh con.

    Táo bón sau khi sinh là vấn đề thường gặp vì cơ thể mẹ vừa trải qua nhiều thay đổi trong thai kỳ và quá trình sinh nở. Tin vui là hầu hết trường hợp táo bón đều có thể tự khỏi hoặc được cải thiện nhờ chế độ ăn uống kết hợp tập vận động thể chất hợp lý. Hơn nữa, những cách trị táo bón sau sinh tại nhà thường rất đơn giản đối với hầu hết chị em. Bạn có thể áp dụng những lời khuyên mà Hello Bacsi đã chia sẻ trong bài viết để sớm vượt qua vấn đề này nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo