Dù luôn chăm sóc, quan sát con kỹ càng nhưng tình huống bé ngã từ trên giường xuống đất vẫn có nguy cơ xảy ra khi trẻ bắt đầu biết lật, trườn, bò. Vậy nên, ba mẹ cần biết cách xử lý khi con bị ngã và áp dụng một số biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Việc xảy ra sự tai nạn bé ngã từ trên giường xuống đất có thể khiến ba mẹ luống cuống khi thấy bé khóc hay bị thương. Thế nhưng nếu muốn giảm thiểu chấn thương cho bé trong tình huống này, bạn cần giữ bình tĩnh và học cách quan sát các dấu hiệu nguy hiểm cần cấp cứu ở bé. Hãy cùng tìm hiểu cách xử lý khi bé ngã từ trên giường xuống đất và các biện pháp phòng ngừa té ngã cho trẻ trong bài viết này của Hello Bacsi bố mẹ nhé!
Bé ngã từ trên giường xuống đất có sao không?
Thông thường, các trường hợp bé ngã từ trên giường xuống đất sẽ không gây ra thương tích quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, ba mẹ vẫn cần quan sát biểu hiện của bé trong một khoảng thời gian để kịp thời phát hiện bất thường. Đặc biệt, bé ngã từ trên độ cao hơn 2,5 m xuống đất dễ gặp tình trạng chấn thương đầu nên càng cần bạn kiểm tra và quan sát kỹ càng hơn.
Bố mẹ nên làm gì khi bé ngã từ trên giường xuống đất?
Khi bị rơi từ trên giường xuống đất, bé thường sẽ khóc thét lên vì bất ngờ và đau. Lúc này, bạn cần giữ bình tĩnh và thực hiện những việc sau:
- Không bế trẻ lên ngay lập tức mà hãy quan sát trong khoảng 5- 10 giây xem bé có chảy máu, rối loạn vận động hay có dấu hiệu bất thường nào khác không.
- Khi xác định bé không có dấu hiệu bất thường, bạn có thể bế bé và kiểm tra xem bé ngã từ trên giường xuống đất có bị thương ở đâu trên cơ thể hay không.
- Quan sát bé trong vòng 24 giờ sau khi ngã. Tuy không có thương tích ngoài da hay bị gãy xương nhưng bé có thể bị chấn thương đầu vì xương sọ của bé còn chưa phát triển hoàn thiện. Nếu quan sát thấy bé có dấu hiệu khác thường, hãy đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra ngay.
Làm thế nào khi trẻ bị ngã đập trán xuống đất?
Bé ngã từ trên giường xuống đất có thể bị đập phần trán, khiến trán bé bị sưng. Nếu sau thời gian quan sát như gợi ý ở trên, bạn không thấy bé có dấu hiệu bất thường thì cục u “đáng ghét” này thường chỉ là vết thương ngoài da chứ không phải tổn thương trong hộp sọ. Lúc này, bạn có thể dùng đá lạnh bọc trong khăn sạch để chườm cho bé giúp giảm độ sưng.
Lưu ý
Nếu bé ngã từ trên giường xuống đất và bị đập phần trán, nếu vết sưng không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc có xu hướng nghiêm trọng hơn, bạn cần đưa bé đi khám sớm.
Bé ngã từ trên giường xuống đất: Khi nào nên đi khám?
Trong khoảng thời gian quan sát biểu hiện của bé sau khi ngã, bạn cần xác định những dấu hiệu bất thường cho thấy bé cần đi khám hoặc thậm chí cần cấp cứu.
1. Khi nào nên đưa bé đi khám?
Biểu hiện khóc và la hét sau khi té là bình thường vì bé bất ngờ hoặc bị đau nên không phải dấu hiệu cho thấy bạn cần đưa bé đi khám. Các trường hợp cho thấy bạn nên đưa bé ngã từ trên giường xuống đất đi khám ngay là:
- Bé có dấu hiệu gãy xương hoặc có các vấn đề liên quan đến khớp.
- Bé bị chảy máu ở mắt, mũi hoặc tai.
- Bé có các dấu hiệu chấn thương đầu như nôn mửa, chóng mặt, nhức đầu…
- Mắt bé có dấu hiệu bất thường như con ngươi ở một bên mắt lớn hơn bên còn lại, có những cử động mắt khác thường hoặc bé nhìn chằm chằm vào một khoảng không.
- Bé khóc mãi không nín.
2. Bé ngã từ trên giường xuống đất: Khi nào cần đi cấp cứu?
Bạn hãy đưa bé ngã từ trên giường xuống đất đi cấp cứu ngay nếu con có những biểu hiện sau:
- Bé bắt đầu có dấu hiệu co giật hoặc bất tỉnh sau khi té, dù chỉ là trong một khoảng thời gian ngắn.
- Bé bị chảy máu và bạn không thể cầm máu cho bé được.
- Bé rơi vào trạng thái ngủ sâu và bạn không thể đánh thức bé.
Làm thế nào để hạn chế tình trạng bé lăn hoặc ngã từ trên giường xuống đất?
Bên cạnh việc tự trang bị các cách xử lý đúng khi bé ngã từ trên giường xuống đất, ba mẹ cũng cần áp dụng một số biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ con bị té ngã.
1. Trường hợp bé còn ngủ chung với cha mẹ
Nếu bé ngủ chung với ba mẹ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng tránh bé ngã từ trên giường xuống đất như sau:
- Trải nệm / thảm dưới chân giường để giảm nguy cơ va đập nếu chẳng may bé bị té. Nếu có thể, bạn hãy hạ chân giường thấp xuống hoặc cho bé nằm trên nệm kê sát đất để giảm thiểu khoảng cách từ giường/nệm tới đất.
- Đẩy các cạnh giường/nệm vào sát tường.
- Nếu bạn có đặt bàn/tủ ở đầu giường, hãy đẩy bàn/tủ cách xa giường để tránh bé té và có thể bị va đập vào các vật dụng này.
- Lắp thanh chắn cao ở những cạnh giường không sát tường.
- Khi bé đã đủ lớn, bạn hãy dạy bé cách leo lên và leo xuống giường an toàn.
2. Trường hợp bé ngủ riêng
Nếu bé ngủ riêng, bạn có thể hạn chế bé bị ngã bằng một số cách sau:
- Cho trẻ ngủ trong cũi có nệm và drap trải giường vừa vặn vì cũi thường có thành cao nên sẽ giúp hạn chế nguy cơ bé ngã xuống đất.
- Nếu cho bé ngủ trên giường như người lớn, ba mẹ cần lắp thanh chắn giường.
- Trải thảm dưới chân giường để giảm nguy cơ va đập nếu chẳng may bé bị té.
Vấn đề liên quan đến tình trạng em bé ngã từ trên giường xuống đất
Nếu vẫn còn băn khoăn về trường hợp bé 1 tuổi ngã từ trên giường xuống đất, bé 7 tháng bị rơi từ trên giường xuống đất, bé 8 tháng ngã từ trên giường xuống đất… bạn có thể tham khảo những câu trả lời sau.
1. Bé 4 tháng ngã từ trên giường xuống đất có nguy hiểm không?
Ở độ tuổi 4 tháng, bé thường bắt đầu biết lật nên nguy cơ bị ngã từ trên giường xuống đất cũng cao hơn. Nếu trường hợp này xảy ra, bạn không nên bế bé lên ngay mà hãy quan sát bé xem có dấu hiệu chấn thương không. Khi đã xác định bé không có dấu hiệu tổn thương nặng, bạn có thể bế bé để an ủi và kiểm tra xem bé có vết thương nào trên cơ thể không. Sau đó, ba mẹ tiếp tục quan sát trong ít nhất 24 giờ để đảm bảo bé không có dấu hiệu bất thường nào.
2. Bé 5 tháng bị ngã từ trên giường xuống đất phải làm sao?
Trẻ 5 tháng tuổi thường đã biết lật nên rất cần sự quan sát cẩn thận từ người lớn để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, nếu bé không may bị té thì ba mẹ cần giữ bình tĩnh, không bế bé lên ngay mà quan sát bé xem có dấu hiệu tổn thương không.
Nếu bé không có dấu hiệu tổn thương nặng sau khi ngã từ giường xuống đất, bạn có thể ôm bé để an ủi và kiểm tra các tổn thương khác của bé. Sau đó, ba mẹ tiếp tục quan sát trong ít nhất 24 giờ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.
3. Trẻ 6 tháng bị ngã từ trên giường xuống đất có sao không?
Trẻ 6 tháng tuổi, xương sọ vẫn còn khá mềm nên dễ gặp các tổn thương nặng nếu chẳng may bị té. Trong trường hợp bé bị té, bạn cần kiểm tra kỹ xem trên cơ thể con có vết thương nào không trước rồi mới nhẹ nhàng bế bé. Khi kiểm tra:
- Nếu bé không bị thương nặng mà chỉ bị sưng hoặc có vết thương ngoài da: Bạn có thể dùng đá lạnh quấn trong khăn sạch để chườm vết sưng của trẻ. Đối với vết thương ngoài da bị chảy máu, bạn hãy vệ sinh vết thương rồi dùng bông hay vải sạch để cầm máu cho bé. Ba mẹ lưu ý không nên bôi dầu gió vào vết thương vì sẽ làm tình trạng vết thương nặng hơn. Sau đó, bạn tiếp tục quan sát xem bé có thiếu tỉnh táo hay có triệu chứng nào bất thường không.
- Nếu trẻ bị thương ở cổ hoặc lưng: Bạn tuyệt đối không được bế hay di chuyển bé mà cho trẻ nằm ở tư thế thẳng rồi gọi cấp cứu. Hãy làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế trong khi chờ xe cấp cứu đến.
- Nếu chân tay của bé không hoạt động, khi chạm nhẹ vào là con khóc thét: Bé có thể đã bị gãy xương hoặc trật khớp. Bạn hãy bế trẻ nhẹ nhàng ở tư thế cố định để đưa bé đến bệnh viện.
4. Em bé 7 tháng bị rơi từ trên giường xuống đất có sao không?
Nếu bé 7 tháng bị rơi từ trên giường xuống đất mà khóc, đòi dỗ dành và ôm ấp thì bạn có thể tạm thời yên tâm vì bé vẫn tỉnh táo và không có dấu hiệu chấn thương nặng. Lúc này, bạn cần quan sát bé liên tục trong 24 giờ tới để kịp thời phát hiện tình trạng bất thường.
Thế nhưng, bạn cần gọi cấp cứu ngay nếu:
- Bé bắt đầu co giật hoặc bất tỉnh ngay sau khi ngã hoặc trong một khoảng thời gian ngắn sau đó.
- Bé bị chảy máu nhưng bạn không thể giúp con cầm máu.
- Bé ngủ li bì, không thể được đánh thức trong vài giờ sau khi ngã.
- Bé bú ít hoặc bỏ bú hoàn toàn.
- Đầu bé có vết lõm, dấu hiệu cho thấy bé có thể bị tổn thương não nghiêm trọng và bị đe dọa tính mạng.
- Da bé chuyển sang màu tím tái và bé có dấu hiệu khó thở.
5. Em bé 8 tháng ngã từ trên giường xuống đất có sao không?
Đối với trẻ 8 tháng tuổi, bé có thể không bị chấn thương nặng nếu vẫn khóc hay đòi ba mẹ dỗ dành và ôm ấp sau khi ngã. Khi này, bạn cần quan sát bé liên tục trong 24 giờ tới để kịp thời phát hiện tình trạng bất thường.
Ngược lại, bạn cần gọi cấp cứu ngay nếu bé có các dấu hiệu nguy hiểm như co giật, bất tỉnh, chảy máu không thể cầm được, ngủ li bì, bú ít hoặc bỏ bú hoàn toàn, đầu có vết lõm, da bé tím tái, khó thở…
6. Em bé 1 tuổi ngã từ trên giường xuống đất có sao không?
Bé 1 tuổi ngã từ trên giường xuống đất không quá nguy hiểm nhưng cũng là một tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu gặp tình huống này, bạn không nên bế bé lên ngay mà bình tĩnh quan sát xem bé có dấu hiệu chấn thương không. Khi xác định bé không có chấn thương nặng, bạn có thể tạm thời yên tâm và quan sát thêm trong vòng 24 giờ tới.
Bé ngã từ trên giường xuống đất tuy có thể không quá nguy hiểm nếu ba mẹ đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho bé và biết cách xử lý khi bé té ngã. Chỉ cần giữ bình tĩnh, bạn có thể xác định mức độ chấn thương của bé nhanh chóng và kịp thời đưa con đi khám nếu có dấu hiệu bất thường đấy.
[embed-health-tool-vaccination-tool]