backup og meta

Thai 19 tuần tuổi phát triển như thế nào, nặng bao nhiêu?

Thai 19 tuần tuổi phát triển như thế nào, nặng bao nhiêu?

Thai 19 tuần tuổi bắt đầu bước vào giai đoạn được bao phủ bởi một lớp sáp vernix giúp bảo vệ da khi em bé ở trong nước ối. 

Để biết rõ hơn về sự phát triển của thai nhi 19 tuần tuổi, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Thai nhi 19 tuần tuổi phát triển như thế nào?

1. Thai 19 tuần nặng bao nhiêu?

Thai nhi 19 tuần tuổi lúc này có kích thước cỡ một bông atiso.

  • Cân nặng thai nhi 19 tuần khoảng 0,235 – 0,313kg (235-313g).
  •  Chiều dài cơ thể khoảng 15,3cm.

Lưu ý:


  • Khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, tay chân của em bé hơi co vào thân mình, lưng có thể cong hoặc thẳng, đầu khi cúi khi ngửa. Do đó, việc hình dung thai 19 tuần bằng bông atiso là đang hình dung em bé theo một khối co lại và ngắn lại.
  • Từ tuần thứ 14 trở đi, các thông số sinh trắc thai nhi khi khảo sát trong quá trình khám thai sẽ không còn chỉ số chiều dài đầu mông nữa vì thai nhi đã tương đối lớn, có các cử động gập duỗi, các chi cũng phát triển, việc đo chiều dài đầu mông không có ý nghĩa và khó thực hiện.

2. Thai nhi 19 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Có rất nhiều điều thú vị diễn ra trong quá trình phát triển của thai nhi 19 tuần tuổi, bao gồm:

2.1. Lớp vernix, một lớp sáp trắng để bảo vệ làn da nhạy cảm của bé đang dần hình thành. Lớp sáp này có tác dụng:

  • Tạo một lớp chống thấm bảo vệ da của bé khỏi nước ối
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng
  • Điều hòa thân nhiệt
  • Dưỡng ẩm cho làn da.

Lớp sáp này sẽ dần biến mất vào cuối thai kỳ bình thường. Vì thế, nhữngtrẻ sinh non thường được bao phủ trong lớp sáp này khi được sinh ra.

2.2. Khi thai 19 tuần tuổi, một lớp chất béo màu nâu cũng sẽ hình thành và có chức năng giữ ấm cho bé sau khi chào đời. Trong ba tháng cuối của thai kỳ, nhiều lớp chất béo khác nữa sẽ tiếp tục phát triển để bảo vệ bé.

2.3. Phổi của bé cũng đang phát triển, các tiểu phế quản bắt đầu hình thành trong tuần thai thứ 19.

2.4. Những sợi tóc đầu tiên dần xuất hiện. 

2.5. Hệ sinh sản của thai nhi 19 tuần tuổi cũng phát triển rất nhanh. 

  • Ở bé gái: tử cung, âm đạo và ống dẫn trứng đã hoàn thiện, buồng trứng cũng chứa hàng triệu trứng. 
  • Ở bé trai: cơ quan sinh dục vẫn đang phát triển, tinh hoàn đã hình thành.

2.6. Nhịp tim thai nhi 19 tuần tuổi: 140 – 145 nhịp mỗi phút.

2.7. Dấu vân tay: Ngón tay và dấu vân tay của bé đã hình thành riêng biệt. Những dấu vân tay (và dấu chân) này là duy nhất và không thay đổi trong suốt cuộc đời bé sau này – ngay cả giữa các cặp song sinh giống hệt nhau!

2.8. Các giác quan của bé: Khi thai nhi 19 tuần tuổi, các giác quan của bé đang phát triển mạnh mẽ. Lúc này, não bộ của trẻ đang chỉ định các khu vực chuyên biệt về khứu giác, vị giác, thính giác, thị giác và xúc giác.

Thai nhi 19 tuần tuổi phát triển như thế nào?


  • Cân nặng: Khoảng 235-313gr
  • Chiều dài: Khoảng 15,3cm
  • Da của bé được bao phủ và bảo vệ bởi lớp sáp vernix. Lớp chất béo màu nâu giúp giữ ẩm da bé cũng được hình thành.
  • Phổi của bé đang phát triển. Các tiểu phế quản bắt đầu hình thành.
  • Tóc của bé cũng bắt đầu xuất hiện.
  • Nhịp tim: 140-145 lần/ phút
  • Dấu vân tay: Ngón tay và dấu vân tay đã hình thành riêng biệt
  • Hệ sinh sản: Bé trai đã có tinh hoàn; Bé gái đã hoàn thiện âm đạo, tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.

3. Hình ảnh thai nhi 19 tuần trong bụng mẹ 

Hình ảnh thai 19 tuần trong bụng mẹ

Các thông số sinh trắc thai nhi 19 tuần phát triển bình thường khác bao gồm:

Cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào khi thai 19 tuần tuổi?

Thay đổi cơ thể khi mang thai 19 tuần

Những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ thai 19 tuần tuổi phát triển như thế nào. Nội dung tiếp theo sẽ tiếp tục cùng bạn tìm hiểu cơ thể mẹ bầu có những thay đổi gì khi thai nhi được 19 tuần tuổi; Mẹ bầu cần lưu ý những gì khi chăm sóc cơ thể trong giai đoạn này.

1. Thay đổi ở làn da

  • Mẹ bầu có thể bị nám da, thường gặp ở trán và 2 bên má
  • Vùng da ở núm vú hoặc các khu vực như đùi trong, âm hộ, nách có thể xuất hiện tàn nhang hoặc sẫm màu hơn.
  • Xuất hiện đường linea nigra sẫm màu chạy dọc từ rốn đến xương mu.
  • Những thay đổi về sắc tố da này sẽ mờ dần hoặc biến mất sau khi bạn sinh con.

2. Khó thở, thở hụt hơi

  • Mẹ bầu 19 tuần cần nhiều oxy hơn để hít thở một cách bình thường.
  • Khi thai nhi 19 tuần tuổi, tử cung của bạn cũng phát triển lớn hơn, gây áp lực lên cơ hoành; khiến bạn phải hít vào, thở ra một cách khó nhọc hơn, gây tình trạng khó thở hoặc thở hụt hơi.
  • Nếu tình trạng khó thở của bạn trở nên nghiêm trọng hoặc đi kèm với các dấu hiệu khác như nhịp tim nhanh/ chậm bất thường, bạn hãy đến bệnh viện ngay để bác sĩ kiểm tra. 

thai nhi 19 tuần tuổi: mẹ bầu cần chú ý gì

3. Chảy máu cam

  • Trung bình cứ 5 phụ nữ mang thai thì có một người gặp chứng chảy máu cam
  • Khi mang thai 19 tuần, mẹ bầu có thể bị chảy máu cam nếu bị cảm lạnh, dị ứng hoặc sống ở nơi có không khí đặc biệt khô. 
  • Mẹ bầu bị chảy máu cam hãy bình tĩnh ngồi xuống, giữ đầu cao hơn tim, nghiêng người về phía trước. Dùng ngón cái và ngón trỏ véo phần dưới mũi trong 10 đến 15 phút, thở bằng miệng. Bạn cũng có thể chườm lạnh vào sống mũi để mạch máu co lại, làm chậm quá trình chảy máu.

4. Những thay đổi khác trên cơ thể phụ nữ mang thai 19 tuần còn bao gồm:

  • Thường xuyên bị chuột rút, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi thời tiết lạnh.
  • Mẹ bầu cũng có thể gặp chứng ngủ ngáy ở giai đoạn này.

Những thay đổi trên cơ thể mẹ bầu khi mang thai 19 tuần thường là:


  • Xuất hiện tình trạng nám da
  • Khó thở, thở hụt hơi
  • Có thể bị chảy máu cam
  • Thường xuyên bị chuột rút, đặc biệt vào ban đêm
  • Mẹ bầu có thể gặp chứng ngủ ngáy.

Thai 19 tuần tuổi và những dặn dò từ bác sĩ

Mỗi lần mang thai là mỗi lần phụ nữ trải qua nhiều giai đoạn thay đổi cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Để chăm sóc bản thân và bé yêu trong bụng thật tốt, mẹ bầu cần lưu ý những điều sau đây:

1. Kích thích cử động thai

Nếu mẹ không nhận thấy bất kỳ cú đạp nào của bé trong ngày, hãy thử kích thích thai nhi tuần 19 chuyển động bằng những cách sau:

  • Vỗ nhè nhẹ lên bụng
  • Cho bé nghe những bản nhạc quen thuộc
  • Nằm nghỉ ngơi trong chốc lát
  • Uống một cốc sữa, nước cam hoặc ăn một món ăn vặt giàu dinh dưỡng.
  • Nếu mẹ mang thai 19 tuần có trực giác lo lắng về cử động thai trong giai đoạn này, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và an tâm hơn.

thai nhi 19 tuần

2. Những xét nghiệm cần thực hiện

  • Kiểm tra huyết áp
  • Đo chu vi vòng bụng để kiểm tra sự phát triển của thai nhi
  • Siêu âm 4D để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi và sàng lọc dị tật thai. Siêu âm 4D được thực hiện từ tuần 19-22 của thai kỳ.

Bác sĩ có thể chỉ định thêm những xét nghiệm hoặc phương pháp đánh giá sức khỏe thai kỳ khác phù hợp với tình trạng của mỗi mẹ bầu.

3. Quan hệ tình dục khi mang thai 19 tuần

  • Cảm hứng tình dục của mẹ bầu phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe, trạng thái tinh thần, kích thước bụng bầu và một loạt các thay đổi khác của cơ thể khác.
  • Mẹ bầu có thể nói chuyện với ông xã về những thay đổi cơ thể mình đang gặp phải hoặc những mong muốn trong đời sống chăn gối để cả hai cùng có những khoảng thời gian riêng tư, thoải mái bên nhau nhé.

4. Tập yoga cho bà bầu 

  • Các bài yoga cho bà bầu không chỉ chỉ giúp mẹ mang thai 19 tuần thư giãn mà còn tăng sự dẻo dai, chuẩn bị sẵn sàng hơn cho việc sinh nở.
  • Việc thực hành các bài tập yoga mỗi tuần 1 lần trong ít nhất 2 tháng có thể giúp giảm nguy cơ lo lắng và trầm cảm khi mang thai. Ngược lại, điều này cũng có thể giúp làm giảm nguy cơ sinh non và trầm cảm sau sinh.
  • Do đó, bạn hãy cùng xem và thực hành ngay 10 bài tập yoga cho bà bầu được huấn luận viên hướng dẫn chi tiết ở bài viết này nhé!

Khi mang thai 19 tuần, mẹ bầu cần lưu ý những điều quan trọng sau:


  • Theo dõi và kích thích cử động thai nhi đúng cách
  • Thực hiện các xét nghiệm khi khám thai theo chỉ định của bác sĩ
  • Chú ý an toàn khi quan hệ tình dục
  • Có thể áp dụng những bài tập yoga phù hợp với mẹ bầu để cải thiện tâm trạng và sức khỏe.

Những thắc mắc liên quan đến sự phát triển của thai 19 tuần

1. Dấu hiệu thai 19 tuần khỏe mạnh

Thai 19 tuần khỏe mạnh sẽ có những dấu hiệu sau:

  • Nặng khoảng 235-313gr
  • Chiều dài khoảng 15,3cm
  • Nhịp tim: 140-145 lần/ phút
  • Cử động nhiều và mạnh hơn trong bụng mẹ
  • Da có lớp sáp màu trắng bao phủ
  • Da của bé được bao phủ và bảo vệ bởi lớp sáp vernix
  • Các tiểu phế quản ở phổi bắt đầu hình thành.

2. Thai 19 tuần đã đạp chưa?

  • Khi thai 19 tuần tuổi, mẹ đã có thể cảm nhận được những cú đạp của bé một cách rõ rệt. Đôi khi bạn có thể cảm thấy như có thứ gì đó đang bơi bên trong lòng mình.
  • Trong khi những lần khác, bạn có thể cảm nhận các chuyển động của bé yêu giống như một con tôm đang búng hay chuyển động của một chú bướm đang cất cánh.

3. Thai 19 tuần mẹ tăng bao nhiêu kg là bình thường?

thai 19 tuần

4. Mang thai 19 tuần bụng căng cứng có sao không?

Khi mang thai 19 tuần, bụng bầu của mẹ đã to hơn nhiều. Cùng với những thay đổi khác trên cơ thể, mẹ bầu cũng có thể gặp phải tình trạng bụng căng cứng.

Những cơn gò cứng bụng trong giai đoạn này thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe mà chỉ khiến mẹ có chút khó chịu. Tuy nhiên, nếu hiện tượng bụng căng cứng xảy ra thường xuyên, đặc biệt khi mẹ bầu nằm ngửa thì cần lưu ý những điều sau đây:

  • Từ từ thay đổi tư thế từ nằm ngửa sang nằm nghiêng, nếu hiện tượng căng cứng bụng thuyên giảm và biến mất thì không có gì đáng lo ngại.
  • Nếu bạn đã thay đổi tư thế nằm nhưng cơn căng cứng bụng vẫn tiếp diễn, kèm với cơn gò theo nhịp, đau quặn liên tục ở bụng thì bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra.

Kết luận

Chúc mừng bạn đã đi đến nửa chặng đường trong hành trình mang thai. Hello Bacsi hy vọng những thông tin trong bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn bao quát về sức khỏe của mẹ và bé ở tuần thai thứ 19. Sau khi qua cột mốc thai 19 tuần tuổi, bạn cũng có thể theo dõi tiếp thông tin chi tiết về những tuần thai tiếp theo trong suốt thai kỳ ở chuỗi bài viết: Cùng mẹ đi qua 40 tuần thai khỏe mạnh, diệu kỳ. Chúc bạn có thai kỳ khỏe mạnh, vui vẻ!

[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Week-by-week guide to pregnancy

https://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/2nd-trimester/week-19/#anchor-tabs

Ngày truy cập: 24/9/2024

Pregnancy week 19

https://www.nct.org.uk/pregnancy/your-pregnancy-week-week/first-trimester

Ngày truy cập: 24/9/2024

The World Health Organization Fetal Growth Charts: A Multinational Longitudinal Study of Ultrasound Biometric Measurements and Estimated Fetal Weight

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5261648/pdf/pmed.1002220.pdf

Ngày truy cập: 24/9/2024

19 weeks pregnant – all you need to know

https://www.tommys.org/pregnancy-information/im-pregnant/pregnancy-week-by-week/19-weeks-pregnant-whats-happening

Ngày truy cập: 24/9/2024

19 weeks pregnant

https://raisingchildren.net.au/pregnancy/week-by-week/second-trimester/19-weeks

Ngày truy cập: 24/9/2024

Poppy seed to pumpkin: How big is your baby? 

http://www.babycenter.com/slideshow-baby-size

Ngày truy cập: 24/9/2024

Pregnancy calendar week 19

http://kidshealth.org/parent/pregnancy_center/pregnancy_calendar/week19.html

Ngày truy cập: 24/9/2024

Your pregnancy: 19 weeks

http://www.babycenter.com/6_your-pregnancy-19-weeks_1101.bc

Ngày truy cập: 24/9/2024

Phiên bản hiện tại

08/10/2024

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Lợi ích âm nhạc cho thai nhi là gì? Cách chọn nhạc tốt cho thai nhi

11 mẹo dự đoán giới tính thai nhi khó tin nhưng mẹ bầu nên thử!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo