Bệnh cảm cúm là tình trạng rất phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ ai. Theo thống kê của WHO, có khoảng một tỷ trường hợp mắc cảm cúm hàng năm, trong đó có 3–5 triệu trường hợp mắc bệnh nặng. Bệnh này gây ra 290 000 đến 650 000 ca tử vong về đường hô hấp hàng năm. 99% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới liên quan đến cúm là ở các nước đang phát triển.
Thông thường, bệnh cảm cúm chỉ gây các triệu chứng nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn tiến nghiêm trọng nhất là ở trẻ em. Một điều đáng quan tâm nữa là sự lây lan dễ dàng của virus trong cộng đồng. Tìm hiểu ngay để không quá xem thường tình trạng này!
Tìm hiểu chung
Bệnh cảm cúm là gì?
Cúm là một bệnh nhiễm virus cấp tính, thường ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gồm mũi, cổ họng và phổi. Cúm lây lan dễ dàng giữa cộng đồng qua hành động ho hoặc hắt hơi. Đối với hầu hết trường hợp, bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, đôi lúc bệnh cúm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong.
Có 4 loại virus cúm là loại A, B, C và D. Virus cúm A và B lưu hành và gây dịch bệnh theo mùa.
- Virus cúm A: tiếp tục được phân loại thành các phân nhóm dựa trên sự kết hợp của các protein trên bề mặt của virus. Hiện đang lưu hành ở người là các loại virus cúm A(H1N1) và A(H3N2). Chỉ có virus cúm loại A được biết là gây ra đại dịch (dịch cúm A(H1N1) năm 2009).
- Virus cúm B: không được phân loại thành các phân nhóm nhưng có thể được chia thành các dòng. Virus cúm loại B thuộc dòng B/Yamagata hoặc B/Victoria.
- Virus cúm C: được phát hiện ít thường xuyên hơn và thường gây nhiễm trùng nhẹ, do đó không có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
- Virus cúm D: chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và không được biết là có khả năng lây nhiễm hoặc gây bệnh ở người.
Các triệu chứng của bệnh cúm bao gồm sốt cấp tính, ho, đau họng, đau nhức cơ thể và mệt mỏi. Nhiều người thường nhầm lẫn cảm cúm với cảm lạnh vì hai tình trạng này đều do virus gây ra. Tuy nhiên, nó vẫn có những điểm khác nhau.
Xem thêm
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng bị cảm cúm
Các triệu chứng bắt đầu từ 1–4 ngày sau khi nhiễm bệnh và thường kéo dài khoảng một tuần. Các dấu hiệu cảm cúm có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, đôi khi nó có thể gây tử vong. Chúng có thể xuất hiện đột ngột bao gồm:
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Ho
- Đau họng
- Chảy nước mũi và nghẹt mũi
- Đau nhức cơ thể
- Đau đầu
- Mệt mỏi
Một số người có thể nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù các triệu chứng bị cảm cúm này thường xuất hiện ở trẻ em hơn người lớn.
Bị cảm cúm khi nào nên gặp bác sĩ
Nếu có các dấu hiệu cảm cúm sau đây, bạn hoặc con bạn nên đến gặp bác sĩ:
Triệu chứng cảm cúm ở trẻ em
- Thở nhanh hoặc khó thở
- Môi hoặc mặt xanh
- Thở gắng sức
- Đau ngực
- Đau cơ nghiêm trọng (trẻ không chịu đi lại)
- Mất nước (không đi tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không chảy nước mắt khi khóc)
- Không có phản ứng hoặc tương tác khi thức dậy
- Co giật
- Sốt trên 40°C
- Trẻ dưới 12 tuần và sốt (dù nhẹ hay nặng)
- Sốt hoặc ho tái phát hoặc xấu đi
- Tình trạng bệnh lý mãn tính trở nên tồi tệ hơn
Dấu hiệu bệnh cảm cúm ở người lớn
- Khó thở hoặc thở nông
- Đau hoặc căng tức ở ngực hoặc bụng
- Chóng mặt dai dẳng, nhầm lẫn, không có khả năng tỉnh táo
- Co giật
- Không đi tiểu
- Đau cơ nghiêm trọng
- Suy nhược
- Sốt hoặc ho tái phát hoặc xấu đi
- Tình trạng bệnh lý mãn tính trở nên tồi tệ hơn
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh cảm cúm là gì?
Nguyên nhân gây bệnh cảm cúm là do virus.
Cảm cúm lây qua những đường nào?
Những người bị nhiễm virus có khả năng đã nhiễm từ trước khi các triệu chứng cảm cúm xuất hiện cho đến khoảng năm ngày sau đó. Trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu có thể truyền nhiễm trong một thời gian dài hơn một chút.
Virus cúm liên tục thay đổi, với các chủng mới xuất hiện thường xuyên. Trước đây bạn bị cúm, cơ thể đã tạo ra kháng thể để chống lại loại virus đặc biệt đó. Nếu các virus cúm trong tương lai giống với chủng mà bạn gặp phải trước đây, các kháng thể đó có thể ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tuy nhiên, các kháng thể không thể bảo vệ bạn khỏi các chủng cúm mới. Do đó, bạn vẫn có thể mắc bệnh cúm trong tương lai.
Yếu tố nguy cơ
Người thường xuyên bị cảm hoặc có nguy cơ diễn tiến nặng hơn khi mắc cảm cúm do người đó có các yếu tố sau:
- Tuổi tác. Cúm theo mùa có xu hướng ảnh hưởng đến trẻ em dưới 12 tháng tuổi và người lớn từ 65 tuổi trở lên.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu. Những người có hệ miễn dịch suy yếu bao gồm: bệnh nhân điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép, sử dụng lâu dài steroid hoặc HIV/AIDS. Điều này khiến một người dễ dàng mắc bệnh cúm hơn và cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng.
- Bệnh mãn tính. Các bệnh mãn tính, bao gồm các bệnh về phổi như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim, bệnh thần kinh hoặc rối loạn phát triển thần kinh, bất thường ở đường thở, bệnh thận, gan hoặc máu, có thể làm tăng nguy cơ biến chứng cúm.
- Sử dụng aspirin cho trẻ dưới 19 tuổi. Những trẻ dưới 19 tuổi và đang điều trị bằng aspirin trong thời gian dài có nguy cơ mắc hội chứng Reye nếu bị nhiễm cúm.
- Mang thai. Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng mắc các biến chứng cúm, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Phụ nữ hai tuần sau sinh cũng có nhiều khả năng bị biến chứng liên quan đến cúm.
- Béo phì. Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên cũng có nguy cơ mắc biến chứng cúm.
Biến chứng
Bệnh cảm cúm có nguy hiểm không?
Đối với bệnh cảm cúm ở người lớn, tình trạng này thường không nghiêm trọng. Mặc dù bạn có thể cảm thấy khổ sở trong khi mắc bệnh, nhưng cúm thường hết sau một hoặc hai tuần mà không có tác dụng lâu dài. Nhưng trẻ em và người lớn tuổi có nguy cơ cao có thể bị biến chứng như:
- Viêm phổi
- Viêm phế quản
- Hen suyễn bùng phát
- Vấn đề tim mạch
- Nhiễm trùng tai
Viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng nhất. Đối với người lớn tuổi và những người mắc bệnh mãn tính, viêm phổi có thể gây tử vong.
Chẩn đoán và Điều trị
Những kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán bệnh cảm cúm
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất, tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng cảm cúm và có thể yêu cầu xét nghiệm để phát hiện virus cúm.
Trong thời gian khi cúm lan rộng, bạn có thể không cần xét nghiệm. Bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng của bạn.
Bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán cúm. Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đang trở nên phổ biến hơn ở nhiều bệnh viện và phòng thí nghiệm. Xét nghiệm PCR nhạy hơn các xét nghiệm khác và có thể xác định được chủng virus cúm.
Những phương pháp điều trị cảm cúm hiệu quả
Thuốc trị bệnh cảm cúm ở người lớn
Cảm cúm uống thuốc gì? Đây là điều nhiều người thường thắc mắc. Thực tế, các thuốc trị cảm cúm không kê đơn chỉ làm giảm triệu chứng, không chữa khỏi bệnh. Các thuốc này bao gồm:
- Thuốc thông mũi (Decongestants). Thuốc thông mũi sẽ làm loãng chất nhầy trong xoang. Do đó, bạn sẽ dễ xì mũi hơn. Thuốc thông mũi có nhiều dạng, bao gồm dạng hít hoặc dạng viên.
- Thuốc giảm ho. Ho, đặc biệt là vào ban đêm, là một triệu chứng cúm phổ biến. Thuốc ho không kê đơn có thể làm giảm hoặc ức chế phản xạ ho. Thuốc ho hoặc viên ngậm có thể làm dịu cơn đau họng và ức chế ho.
- Thuốc làm long đờm. Loại thuốc này có thể giúp bạn ho ra đờm nếu có nhiều chất nhầy tắc nghẽn trong ngực.
- Thuốc kháng histamine. Loại thuốc này thường giúp trị nghẹt và chảy mũi. Tuy nhiên, thuốc này có thể khiến bạn rất buồn ngủ.
Các thuốc trị cảm cúm trên thường có chứa nhiều hoạt chất giống nhau. Do đó, bạn không nên tự ý dùng hoặc dùng với liều gấp đôi vì có thể dẫn đến quá liều và các biến chứng khác. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi dùng.
Các cách điều trị cảm cúm khác
Bệnh cảm cúm có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Trong thời gian chờ khỏi bệnh, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm triệu chứng cúm:
- Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
- Giữ ấm cơ thể
- Sử dụng paracetamol và ibuprofen để hạ sốt và điều trị đau nhức
- Uống nhiều nước để tránh mất nước.
- Ăn thực phẩm lỏng và dễ tiêu như cháo, soup,…
- Ở phòng thoáng khí, mặc cần áo thoáng mát, có thể đắp kín người với một lớp chăn mỏng và xông hơi với một số loại thảo dược.
- Cân nhắc việc bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin D để tăng cường sức đề kháng.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng tránh virus cúm lây lan?
Bệnh cảm cúm có thể lây nhiễm cho người khác. Do đó, khi mắc bệnh, bạn nên có các biện pháp để tránh lây lan virus cho người khác, chẳng hạn như:
- Cách ly với gia đình, người thân, đồng nghiệp và có thể xin nghỉ làm vài ngày đầu tiên khi bị cảm cúm. Đeo khẩu trang khi cần thiết giao tiếp với người khác.
- Rửa tay thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng, đặc biệt là sau khi ho và hắt hơi
- Sử dụng khăn giấy để che khi bạn ho và hắt hơi
- Tránh đến những nơi đông người để không lây lan virus.
- Tiêm vaccine là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm.
Vaccine phòng cúm
Vaccine an toàn và hiệu quả đã được sử dụng trong hơn 60 năm. Khả năng miễn dịch từ việc tiêm chủng sẽ mất dần theo thời gian nên việc tiêm phòng hàng năm được khuyến khích để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh cúm.
Vaccine có thể kém hiệu quả hơn ở người lớn tuổi nhưng sẽ làm cho bệnh bớt nghiêm trọng hơn và giảm nguy cơ biến chứng và tử vong. Tiêm chủng đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm và người chăm sóc họ.
Khuyến cáo tiêm chủng hàng năm cho:
- Phụ nữ mang thai
- Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi
- Người trên 65 tuổi
- Những người mắc bệnh mãn tính
- Nhân viên y tế
Cảm cúm là một bệnh thông thường, phổ biến trên toàn thế giới với hơn 1 tỷ người mắc hàng năm. Điều trị thường là nghỉ ngơi, uống nhiều nước và bệnh sẽ tự hết. Tuy nhiên với những người có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi hoặc người suy giảm miễn dịch, các triệu chứng có thể nguy hiểm hơn. Hãy chú ý để bảo vệ bản thân và người thân yêu bạn nhé!
[embed-health-tool-bmi]