Đờm là một loại dịch được tiết ra từ niêm mạc đường hô hấp nhằm giữ độ ẩm và bảo vệ cơ quan này chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi đường hô hấp bị viêm, đờm tiết nhiều gây ngứa cổ và ho có đờm. Vì vậy, nhóm thuốc trị ho có đờm còn được gọi là thuốc long đờm.
Vậy hiện nay có các loại thuốc long đờm nào? Cần lưu ý những gì khi sử dụng nhóm thuốc này? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây nhé!
Các loại thuốc long đờm hiện nay
Thuốc long đờm (hay còn gọi là thuốc loãng đờm) là những loại thuốc có tác dụng làm lỏng dịch tiết ra từ niêm mạc khí quản – phế quản, nhờ đó dịch nhầy này có thể di chuyển dễ dàng và được tống xuất ra khỏi cơ thể thông qua việc khạc nhổ hoặc bằng hệ thống lông chuyển.
Dựa vào cơ chế có thể chia thuốc long đờm ra thành 2 loại:
Thuốc làm tăng tiết dịch
Đây là nhóm thuốc long đờm thông qua cơ chế tăng tiết dịch ở đường hô hấp để bảo vệ niêm mạc đường hô hấp chống lại các tác nhân kích thích và loại bỏ chúng. Cơ chế này cũng được chia thành 2 loại là:
Kích thích tiết dịch gián tiếp thông qua các receptor phó giao cảm ở dạ dày để gây phản xạ làm tăng bài tiết dịch ở đường hô hấp, bao gồm các loại thuốc như:
- Natri iodid và Kali iodid liều uống 1-2g/ ngày. Dùng thuốc này kéo dài sẽ gây tích lũy iod. Chống chỉ định cho phụ nữ có thai, trẻ em và bệnh nhân bướu giáp.
- Natri benzoat liều uống 1-4 g/ ngày. Dùng kéo dài làm tích lũy natri máu.
- Amoni acetat liều uống 0,5 – 1g/ ngày. Chống chỉ định cho bệnh nhân suy gan hoặc suy thận.
- Ipeca hoặc ipecacuanha (với thành phần hoạt chất là emetin) dùng liều thấp (tối đa 1,4 mg alkaloid), liều cao có thể gây nôn.
Tác dụng phụ chung của nhóm thuốc long đờm này là gây đau dạ dày và nôn.
Kích thích trực tiếp các tế bào tiết dịch ở đường hô hấp:
Chúng là các loại tinh dầu sát khuẩn đường hô hấp như terpin, guaiacol, eucalyptol; dễ bay hơi. Riêng thuốc long đờm guaiacol chống chỉ định cho trẻ dưới 30 tháng tuổi.
Thuốc làm tiêu chất nhầy
Các loại thuốc long đờm này có tác dụng “cắt nhỏ” cấu trúc của đờm đặc nhờ vào một số cấu trúc đặc biệt, nhờ đó khiến đàm nhớt lỏng ra giúp người bệnh dễ ho khạc ra ngoài hơn.
N-acetylcystein
Đây là một loại thuốc long đờm tiêu biểu cho nhóm thuốc làm tiêu chất nhầy. Nhờ vào cấu trúc thiol tự do, N-acetylcystein có tác động làm đứt gãy liên kết disulfide (-S-S-) có trong đờm đặc, làm cho khối đờm đặc quánh trong các bệnh viêm phế quản cấp và mạn tính loãng ra, dễ tống xuất ra ngoài hơn.
Hướng dẫn sử dụng thuốc long đờm N-acetylcystein:
- Chống chỉ định thuốc cho người có tiền sử hen suyễn (do nguy cơ khởi phát phản ứng co thắt phế quản)
- Có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc như dị ứng, buồn nôn, nôn, buồn ngủ và đau đầu.
- Không dùng đồng thời với hoặc các thuốc làm giảm bài tiết dịch phế quản hoặc các thuốc ức chế ho.
Liều dùng N-acetylcystein khuyến cáo:
- Đối với dạng viên uống: liều đối với người lớn: 200 mg mỗi lần, ngày 3 lần. Liều cho trẻ em 2-7 tuổi: 200mg mỗi lần, ngày 2 lần; trẻ em trên 7 tuổi dùng liều như người lớn.
- Dùng qua đường khí dung: 3- 5 ml dung dịch acetylcystein 20% mỗi lần, 3-4 lần mỗi ngày hoặc nhỏ trực tiếp vào khí quản 1-2 ml dung dịch 10-20%, mỗi giờ 1 lần; có thể kết hợp dùng máy hút đờm, đặc biệt là ở người bệnh mất phản xạ ho, không có khả năng loại bỏ đờm nhớt ra ngoài kịp thời.
Bromhexin
Bromhexin là thuốc long đờm tác dụng theo cơ chế hoạt hóa tổng hợp sialomucin – chất làm cho cấu trúc đàm nhớt thay đổi và lỏng hơn. Thuốc này thường được chỉ định để điều trị những tình trạng rối loạn hô hấp kèm theo ho có đờm. Đối với những trường hợp điều trị kết hợp với kháng sinh trong nhiễm khuẩn đường hô hấp, bromhexin sẽ giúp tăng đáp ứng với kháng sinh.
Hướng dẫn sử dụng thuốc long đờm Bromhexin:
- Trong khi dùng Bromhexin cần tránh phối hợp với thuốc ho vì có nguy cơ ứ đọng đờm ở đường hô hấp.
- Thận trọng khi dùng thuốc cho người có tiền sử loét dạ dày-tá tràng, hen suyễn, suy gan hoặc suy thận nặng.
- Có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc như rối loạn tiêu hóa, tăng men gan nhẹ, chóng mặt, nhức đầu và phát ban ở da.
- Dùng bromhexin dạng khí dung đôi khi gây ho hoặc co thắt phế quản cho những người nhạy cảm.
Liều dùng bromhexin khuyến cáo:
Liều thuốc uống:
- Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: 8-16mg mỗi lần, 3 lần mỗi ngày. Thời gian điều trị không quá 8-10 ngày trừ khi có ý kiến thầy thuốc.
- Trẻ em dưới 10 tuổi: 0,5mg/kg/ngày chia làm 2-4 lần hoặc:
- 5-10 tuổi: 4mg mỗi lần, ngày uống 4 lần.
- 2-5 tuổi: 4mg mỗi lần, ngày uống 2 lần.
- Dưới 2 tuổi: 1mg mỗi lần, ngày uống 3 lần.
Ngoài ra, thuốc long đờm bromhexin có thể dùng ở dạng khí dung, tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch chậm theo hướng dẫn của thầy thuốc hoặc nhân viên y tế.
Ngoài hai loại kể trên, carbocysteine, mucothiol, mecysteine cũng là những loại thuốc long đờm có cơ chế tiêu chất nhầy.
Hiện nay bên cạnh các loại thuốc đơn chất như bromhexin hay acetylcystein cũng có một số loại thuốc ho được phối hợp sẵn các hoạt chất long đờm.
Những lưu ý cần biết khi dùng thuốc long đờm
Một số tác dụng phụ nói chung của các loại thuốc long đờm bao gồm:
- Thuốc có thể làm lỏng chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và gây loét dạ dày. Vì thế, nên tránh dùng các loại thuốc này cho người bị viêm loét dạ dày – tá tràng.
- Tránh dùng thuốc cho người bị hen suyễn do nguy cơ gây khởi phát cơn hen.
Đối với trẻ em, cảm lạnh dễ khiến trẻ bị ho, đặc biệt là ho có đờm. Khi trẻ bệnh, bố mẹ nên giữ ấm cho con; tăng cường đề kháng bằng cách ăn uống đủ chất, uống nhiều nước, bổ sung vitamin thì nhiều trẻ có thể tự khỏi sau một đến hai tuần mà không cần dùng thuốc. Bố mẹ không nên tự ý mua thuốc điều trị cho con khi thấy trẻ có dấu hiệu ho có đờm. Nếu nghi ngờ trẻ bị viêm dẫn đến ho có đờm, cần nhanh chóng phải đưa trẻ đi khám.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn nắm được các loại thuốc long đờm hiện nay và những lưu ý cần biết trước khi dùng thuốc nhé!
[embed-health-tool-bmi]