backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Giải cảm nhanh bằng cách xông lá

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 30/08/2021

    Giải cảm nhanh bằng cách xông lá

    Giải cảm nhanh với xông lá không phải là phương thức quá xa lạ với người Việt. Tuy nhiên, bạn vẫn cần lưu ý một số vấn đề để có thể áp dụng cách trị cảm này an toàn, hiệu quả.

    Theo Y học hiện đại, cảm và cúm là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, nhưng lại biểu hiện triệu chứng khá giống nhau. Hiện tại, cảm và cúm vẫn là hai bệnh phổ biến, đặc biệt là trong thời gian giao mùa và đối tượng hay gặp hơn cả là trẻ nhỏ và người già. Cả 2 bệnh đều gây ra cảm giác khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, lao động và học tập cho người bệnh nhưng đa số đều có thể tự khỏi.

    Tuy nhiên theo Y học cổ truyền, cảm và cúm được xếp vào cùng một phạm trù là Ôn bệnh, nguyên nhân gây bệnh do phong hàn hay phong nhiệt xâm phạm vào cơ thể lúc đang suy yếu, gây bệnh gọi là ngoại cảm phong hàn hay hay ngoại cảm phong nhiệt. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy vậy có rất nhiều cách chữa trị triệu chứng, cải thiện tình trạng khó chịu cho người bệnh. Trong đó một cách khá thân quen được nhiều người dùng từ xưa đến nay là xông lá. Liệu đây có phải là cách giải cảm nhanh, an toàn, hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau đây nhé!

    Tác dụng của việc xông lá để giải cảm

    Cảm cúm, cảm lạnh là bệnh lý khá thường gặp khi thời tiết thay đổi và có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Dù hiện nay có rất nhiều loại thuốc giúp điều trị các triệu chứng cảm nhưng nhiều người vẫn lo ngại khi dùng vì sợ tác dụng phụ. Hơn nữa, một số người còn lầm tưởng khi uống kháng sinh để trị cảm cúm dù nguyên nhân gây bệnh là do virus.

    Nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp để điều trị cảm nhanh chóng, an toàn và thân thuộc với đời sống hơn thì đừng quên cách xông lá. Với một đất nước có nền y học cổ truyền phát triển cùng nhiều kinh nghiệm dùng thuốc từ thảo dược như Việt Nam, đây là cách giải cảm hữu hiệu cho cả thể cảm hàn và cảm nhiệt.

    Khi cơ thể bị cảm hàn, các lỗ chân lông thường bị bí tắc khiến nhiệt khó thoát ra ngoài gây ra các triệu chứng sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng, khô da, không đổ mồ hôi được, khó chịu, đau mỏi người… Lúc này, việc xông nhờ vào hơi nóng từ nước bốc lên sẽ giúp mạch máu ngoại biên giãn ra, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động và lỗ chân lông nở rộng. Từ đó, độc tố tích tụ bên trong cũng được đẩy ra ngoài. Ngoài ra, tinh dầu có trong các loại lá xông giải cảm cũng có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau. Nhờ vậy, người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và giảm bớt triệu chứng cảm.

    Những loại lá nên có trong nồi xông giải cảm nhanh

    Lá xông giải cảm nhanh

    Việc kết hợp những loại lá nào cho vào nồi xông giải cảm nhanh có thể hơi khác nhau tùy vào kinh nghiệm dân gian của từng vùng miền hoặc nguyên liệu có thể tìm được. Trong đó, một số loại lá thường gặp nhất khi xông là:

    • Lá bưởi: có tác dụng giải cảm, tiêu thực
    • Kinh giới: tác dụng giải cảm, cầm máu, lợi tiểu
    • Bạc hà : sát khuẩn. Chống viêm hiệu quả
    • Hương nhu trắng (hoặc tím): chữa cảm mạo, nhức đầu, ra mồ hôi
    • Gừng: ra mồ hôi, tiêu độc, cầm nôn, làm ấm cơ thể
    • Sả: sát khuẩn, tiêu đờm, chữa đầy bụng khó tiêu
    • Lá ngũ trảo: hạ sốt, long đờm, giảm đau
    • Lá tre: giải nhiệt, tiêu đờm
    • Tía tô: trị cảm mạo, giải độc
    • Húng chanh: phát tán phong hàn, tiêu độc, long đờm, làm ra mồ hôi
    • Ngải cứu: tác dụng kháng khuẩn, giảm đau.

    Nhìn chung, các loại lá dùng để xông có đặc điểm chung là có nhiều tinh dầu với mùi thơm đặc trưng, với nhiều thành phần hợp chất kháng viêm giảm đau. Nhờ vậy mà khi xông, hơi nước bốc lên kéo theo các hợp chất này đi vào đường hô hấp và xâm nhập vào lỗ chân lông phát huy tác dụng.

    Cách xông giải cảm đúng để có hiệu quả tốt

    Để đạt được hiệu quả cao từ việc xông lá điều trị cảm cúm, cảm sốt, bạn cần phải lưu ý một số vấn đề. Trước hết, phòng dùng để xông cần phải kín gió. Khi xông, hơi nóng làm lỗ chân lông nở to để thoát nhiệt nên nếu có gió lùa vào rất dễ khiến bạn bị nhiễm lạnh. Khi đó, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn.

    Sau khi bạn mua được các loại lá xông thích hợp cho việc giải cảm nhanh, hãy rửa sạch, cho vào nồi và đổ nước xâm xấp bề mặt. Đậy kín nắp vung và đun đến khi sôi.

    Lúc bắt đầu xông, bạn đem nồi nước vào phòng, mở hé nắp, trùm kín chăn và ngồi trong khoảng 15-20 phút. Trong lúc xông, bạn nên cởi hết quần áo và điều chỉnh nắp nồi nước xông để giữ nhiệt độ vừa đủ, không quá nóng. Nếu có điều kiện, bạn có thể cho thêm vào giọt tinh dầu tràm trà hoặc bạc hà vào nồi nước xông. Lưu ý, tránh để nhiệt độ tăng đột ngột, kiểm soát lượng mồ hôi chảy ra để không bị mất nước quá nhanh có thể gây hạ huyết áp, sốc, trụy mạch… Nếu đã cảm thấy dễ chịu hơn và mồ hôi ra kha khá, bạn nên ngừng xông.

    Sau khi xông, hãy dùng một chiếc khăn khô để thấm hết mồ hôi chảy ra, lau khô người rồi mặc quần áo sạch vào. Cần nhớ, không đi tắm ngay hay tiếp xúc với nước lạnh ngay sau khi xông vì sẽ khiến lỗ chân lông co lại, nước không thoát được dẫn đến cảm, máu huyết lưu thông chậm. Để cảm thấy thoải mái hơn, bạn có thể chuẩn bị sẵn một bát cháo nóng với nhiều tiêu, hành, tía tô để ăn sau khi xông giúp giải cảm tốt hơn.

    Lưu ý khi sử dụng phương pháp giải cảm nhanh bằng lá xông

    Lưu ý khi xông lá giải cảm nhanh

    Mặc dù đây là phương pháp dân gian giúp giải cảm nhanh khá an toàn, hiệu quả nhưng vẫn có một số trường hợp không nên áp dụng, bao gồm:

    • Trường hợp cảm mạo phong nhiệt: Người đang sốt cao, sợ nóng, không sợ lạnh, không khát nước, ra nhiều mồ hôi
    • Cảm lâu ngày không khỏi, có dấu hiệu bội nhiễm, ho đờm vàng đặc, khó thở
    • Sốt siêu vi, sốt xuất huyết
    • Cơ thể suy nhược, người già yếu, trẻ nhỏ
    • Phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt
    • Người đang bị mất nước do tiêu chảy, sốt cao…
    • Sau khi uống rượu
    • Người có bệnh ngoài da
    • Người bệnh tăng huyết áp, tim mạch
    • Người có biểu hiện tâm thần

    Hơn nữa, bạn cũng không nên quá lạm dụng cách này. Mỗi lần bị cảm, bạn nên xông khoảng 1-2 lần trong ngày, mỗi lần không kéo dài quá 20 phút. Xông liên tục sẽ khiến cơ thể mất nước nhiều dẫn đến mất điện giải, tăng mệt mỏi và thậm chí gây nguy hiểm cho sức khỏe.

    Lưu ý cho người chăm sóc người bị cảm cúm tại nhà

    Bên cạnh việc xông hơi để giải cảm nhanh. Khi có người trong gia đình bị cảm, người nhà chăm sóc cần tuân theo 2 nguyên tắc sau:

    • Theo dõi, chăm sóc người bệnh để giảm nhẹ triệu chứng, nhanh chóng khỏi bệnh.
    • Giữ khoảng cách và giữ vệ sinh cá nhân để tránh bị lây nhiễm virus gây cúm.

    Người bệnh cảm sau khi uống thuốc hay thực hiện phương thức giải cảm nhanh nào cũng cần được nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hay quá thấp. Hạn chế để người bệnh ở trong phòng máy lạnh vì sẽ khiến bệnh lâu khỏi và khiến một số triệu chứng nặng thêm như khản cổ, khan tiếng trong bệnh viêm họng hay viêm thanh quản.

    Trong quá trình chăm sóc, người nhà cần chú ý theo dõi nhiệt độ hàng ngày, cho người bệnh mặc quần áo thoáng mát và vệ sinh răng miệng, rửa mũi sạch sẽ. Về phần thực phẩm, bạn nên chuẩn bị các món ăn lỏng, mềm, dễ tiêu và cho người bệnh uống nhiều nước, nhất là với người cao tuổi và trẻ em. Bạn có thể bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất để sức đề kháng cho người bệnh.

    Để đảm bảo sức khỏe cho người chăm sóc cũng như các thành viên khác trong nhà, bạn nên cách ly tạm thời người bệnh ở phòng riêng. Thực hiện các phương pháp giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, rửa mũi, súc họng mỗi ngày bằng nước muối sinh lý, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người bệnh. Song song đó, bạn cũng cần bồi dưỡng, tăng sức đề kháng cho cả gia đình.

    Nếu thấy người bệnh bị cảm, sốt cao kéo dài quá 3 ngày, không thuyên giảm hoặc sốt tái đi tái lại, hãy đến ngay trung tâm y tế gần nhất. Các phương thức giải cảm nhanh bằng kinh nghiệm dân gian như xông lá cũng cần cẩn thận theo dõi khi thực hiện. Nếu bệnh nặng hơn, bạn cũng cần liên lạc ngay với bác sĩ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 30/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo