backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thuốc kháng viêm corticoid và những điều cần biết

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà · Dược · Nhà thuốc Bảo Anh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 14/11/2022

    Thuốc kháng viêm corticoid và những điều cần biết

    Corticoid (hay corticosteroid) là nhóm thuốc kháng viêm được chỉ định với nhiều mục đích khác nhau như chống dị ứng, chống viêm và ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, một trong các vấn đề nổi cộm được nhiều người quan tâm hơn cả là tác dụng phụ của nhóm thuốc kháng viêm corticoid. 

    Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ về công dụng và những lưu ý để giảm tác dụng phụ khi dùng corticoid nhé! 

    Thuốc kháng viêm corticoid là gì?

    Corticoid (corticosteroid) là nhóm thuốc kháng viêm gần giống với cortisol – một loại hormone do tuyến thượng thận sản xuất. Các loại thuốc nhóm corticoid hoạt động theo cơ chế chống viêm và ức chế miễn dịch. Viêm là một phản ứng của cơ thể mà trong đó bạch cầu và các hóa chất khác được phóng thích khác nhằm chống lại các tác nhân lạ như virus và vi khuẩn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ miễn dịch không hoạt động như bình thường, gây ra quá trình viêm chống lại cơ thể và gây ra tổn thương. Các biểu hiện ra ngoài của chứng viêm bao gồm: sưng, nóng, đỏ và đau. 

    Corticoid được chỉ định khi nào? 

    Thuốc kháng viêm corticoid sẽ giúp hạn chế nguy cơ tổn thương tế bào do viêm gây ra, thường được chỉ định trong các trường hợp: 

    • Dị ứng và xung huyết: cơn hen kịch phát, đợt cấp COPD, sốc phản vệ, mề đay, phù mạch, viêm mũi, viêm phổi, bệnh phổi kẽ, u hạt.
    • Da liễu: viêm da tiếp xúc, bệnh Pemphigus.
    • Nội tiết: suy thượng thận, tăng sản thượng thận bẩm sinh.
    • Tiêu hóa: bệnh viêm ruột, viêm gan tự miễn.
    • Buồn nôn và nôn: corticoid dùng đường uống có thể được sử dụng cùng với các thuốc khác để dự phòng buồn nôn và nôn do thuốc điều trị ung thư.
    • Huyết học: thiếu máu tan máu, bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
    • Thấp khớp: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa cơ, viêm bao khớp, đau đa cơ do thấp khớp.
    • Cơn gout cấp.
    • Nhãn khoa: viêm màng bồ đào, viêm kết mạc.
    • Khác: dự phòng thải ghép, trưởng thành phổi cho thai nhi, hội chứng thận hư, phù não, đa xơ cứng.

    Corticoid cũng được chỉ định trong các trường hợp thay thế hormone tự nhiên khi cơ thể không tự sản sinh được, ví dụ như trong bệnh Addison. 

    Lưu ý rằng: Thuốc kháng viêm corticoid là thuốc kê đơn, chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ. Bệnh nhân không nên tự ý mua dùng các loại thuốc corticoid. 

    Thuốc kháng viêm corticoid bao gồm những loại nào? 

    các loại thuốc kháng viêm corticoid

    Thuốc kháng viêm corticoid có thể được dùng tại chỗ hoặc dùng toàn thân. Đối với dạng dùng tại chỗ, thuốc tác động đến một vị trí nhất định trên cơ thể, bao gồm các dạng như: 

    • Kem bôi da
    • Thuốc nhỏ mắt
    • Thuốc nhỏ tai. 
    • Thuốc nhỏ mũi.
    • Thuốc kháng viêm corticoid dạng hít qua mũi, miệng (tác động trên phổi).

    Các loại thuốc kháng viêm corticoid tác dụng toàn thân, thuốc đi vào máu và cho tác động trên nhiều cơ quan khác nhau, thường được dùng qua đường uống, đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. 

    Ngoài ra, các loại thuốc kháng viêm corticoid còn có thể được sử dụng qua các đường đặc biệt như tiêm nội khớp hay tiêm quanh nhãn cầu. 

    Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng corticoid 

    Tùy vào đường dùng thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng và loại hoạt chất nhóm corticoid bạn sử dụng mà sẽ có những tác dụng phụ khác nhau cần phải lưu ý. 

    Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc corticoid ngắn hạn (7-14 ngày)

    • Kích ứng dạ dày, viêm loét dạ dày
    • Tăng cảm giác ngon miệng
    • Khó ngủ
    • Rối loạn chuyển hóa đường.
    • Mụn trứng cá, rậm lông, các nốt xuất huyết và bầm tím trên da. 
    • Về mặt tinh thần, người bệnh thường trở nên nóng nảy và khả năng chú ý kém, nặng hơn có thể xuất hiện cơn hưng phấn hoặc trầm cảm. 
    • Hạ kali máu. 
    • Tăng huyết áp.
    • Yếu cơ gốc chi. 

    tác dụng phụ khi dùng thuốc corticoid

    Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc kháng viêm corticoid trong thời gian dài (trên 14 ngày): 

    • Suy tuyến thượng thận. 
    • Loãng xương, hoại tử đầu xương vô trùng. 
    • Loét dạ dày, gan nhiễm mỡ. 
    • Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp glaucoma.
    • Tăng đông máu, rối loạn mỡ máu. 
    • Ức chế tăng trưởng.
    • Tăng huyết áp
    • Tăng đường huyết
    • Chậm lành vết thương, da teo mỏng, dễ bị bầm tím
    • Chậm lớn ở trẻ em
    • Hội chứng Cushing (hiện tượng mặt tròn như mặt trăng, lắng đọng mỡ ở vùng cổ, lưng trong khi chân tay teo nhỏ).

    Một trong những nguyên nhân khiến các tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng viêm corticoid ngày càng phổ biến xuất phát từ việc người bệnh tự ý mua thuốc mà không có toa thuốc từ bác sĩ và lạm dụng các loại thuốc kháng viêm corticoid để giảm đau nhức. Ngoài ra, tại Việt Nam một số thuốc “gắn mác” thuốc đông y chữa đau nhức xương khớp cũng thường chứa thành phần corticoid và gây nên các tác hại khi dùng lâu dài. 

    Suy thượng thận là tác dụng phụ đáng lo ngại nhất khi dùng corticoid kéo dài

    Suy tuyến thượng thận thường xảy ra khi bệnh nhân ngưng thuốc đột ngột sau một thời gian dài điều trị với corticoid. Các dấu hiệu suy thượng thận thường không điển hình nên dễ gây nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác như chán ăn, buồn nôn và sụt cân. Nếu trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị suy tuyến thượng thận cấp và hạ huyết áp, nguy cơ tử vong cao nếu như không kịp thời bù cortisol. 

    Những ai nên cân nhắc khi sử dụng corticoid? 

    Corticosteroid đường uống là dạng corticoid thường xuyên gây ra tác dụng phụ, cần được thận trọng hoặc không nên dùng trong một số trường hợp, cụ thể như sau: 

  • Nhiễm trùng lan rộng 
  • Có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc hành vi – chẳng hạn như trầm cảm hoặc nghiện rượu. 
  • Một số bệnh lý nền như các vấn đề về gan, suy tim, tăng huyết áp và tiểu đường. 
  • Dùng một số thuốc khác có thể tương tác với corticosteroid. 
  • Phụ nữ đang cho con bú, trẻ em chậm lớn và người già cũng là những đối tượng cần thận trọng khi dùng các loại thuốc kháng viêm corticoid đường uống. 
  • Thuốc kháng viêm corticoid đường tiêm hoặc dạng hít được đánh giá là an toàn cho cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cần cân nhắc đánh giá lợi ích trên tác hại khi sử dụng thuốc trên các đối tượng này trước khi chỉ định dùng thuốc. 

    Một số lưu ý để hạn chế tác dụng phụ khi dùng corticoid 

    Để hạn chế nguy cơ mắc phải các tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng viêm corticoid, bạn cần tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ và đặc biệt lưu ý thêm một số vấn đề sau: 

    • Sử dụng corticoid liều thấp và ngắt quãng. 
    • Ưu tiên dùng corticoid tại chỗ (nếu có thể). 
    • Hạn chế muối và tăng các thực phẩm giàu kali trong chế độ ăn uống hằng ngày. 
    • Nếu đã dùng corticoid trong thời gian dài và khi ngưng sử dụng, cần giảm liều từ từ. Điều này cho phép tuyến thượng thận của bạn có đủ thời gian để điều chỉnh. 
    • Dùng thuốc corticoid đường uống sau bữa ăn để giảm kích ứng dạ dày.
    • Đối với các loại thuốc corticoid bôi ngoài da chỉ nên bôi một lớp mỏng lên vùng da cần điều trị, tránh vùng bị trầy xước, có vết thương hở.

    Thuốc kháng viêm corticoid là nhóm thuốc kháng viêm mạnh, hiệu quả trong điều trị các bệnh về rối loạn miễn dịch và chống viêm như hen suyễn, viêm khớp và lupus,… Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng những loại thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ, để tránh mắc phải những tác dụng không mong muốn do lạm dụng thuốc. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà

    Dược · Nhà thuốc Bảo Anh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 14/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo