Viêm phế quản, nỗi ám ảnh dai dẳng của hệ hô hấp, khiến không ít người lo lắng về khả năng chữa trị dứt điểm. Liệu viêm phế quản có chữa được không? Bài viết này sẽ đi sâu vào tìm hiểu về bản chất của viêm phế quản, các phương pháp điều trị hiện có, cũng như cách để quản lý các triệu chứng của viêm phế quản.
1. Viêm phế quản là bệnh gì?
Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm tại niêm mạc ống phế quản, gây thu hẹp đường dẫn khí. Điều này dẫn đến ứ đọng dịch, hình thành đờm tại phế nang, lâu dần có thể làm suy giảm chức năng phổi và gây ra các vấn đề hô hấp. Nguyên nhân thường là do virus, nhưng cũng có thể do khói và các chất kích thích khác. Có hai loại viêm phế quản bao gồm:
- Viêm phế quản cấp tính là tình trạng tạm thời, thường do virus, vi khuẩn, vi nấm gây ra.
- Viêm phế quản mạn tính: Ho có đờm kéo dài, ít nhất 3 tháng trong 1 năm, kéo dài ít nhất 2 năm liên tiếp. Viêm phế quản mạn tính là 1 dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
2. Viêm phế quản có chữa được không?
Khi bị viêm phế quản với tình trạng ho kéo dài, nhiều người quan tâm rằng viêm phế quản có chữa được không? Điều này còn phụ thuộc vào việc bạn mắc phải viêm phế quản cấp hay mạn tính.
Viêm phế quản cấp có chữa được không?
Nếu trường hợp là cấp tính (tạm thời), viêm phế quản có chữa được không? Câu trả lời là CÓ. Tuỳ vào nguyên nhân gây viêm phế quản cấp tính, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp. Trong các trường hợp nhiễm virus đơn thuần có thể không cần sử dụng thuốc kháng virus. Việc điều trị nguyên nhân như sốt, ho, sổ mũi, đau cơ và tăng sức đề kháng của bản thân đã giúp bạn vượt qua đợt bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn hoặc vi nấm thì việc điều trị bệnh bằng kháng sinh là cần thiết, nếu không bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn và xuất hiện biến chứng, gia tăng nguy cơ gây tử vong. Bạn có thể kiểm soát các triệu chứng viêm phế quản tại nhà bằng việc nghỉ ngơi, kết hợp sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc tắm nước ấm để làm loãng chất nhầy và dễ thở hơn.
Việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như: rau xanh, trái cây, ăn đầy đủ các nhóm chất,… uống đủ nước cũng giúp tăng cường sức đề kháng và nhanh chóng khỏi bệnh. Ngoài ra, sử dụng ibuprofen hoặc acetaminophen cũng giúp làm giảm đau đầu, đau cơ do nhiễm virus.
Viêm phế quản mạn tính có chữa được không?
Khác với tình trạng viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mạn tính là tình trạng bệnh lặp đi lặp lại và tái phát nhiều lần. Vậy, bệnh viêm phế quản có chữa được không nếu là tình trạng mạn tính? Bệnh không thể điều trị dứt điểm nhưng người bệnh có thể kiểm soát tốt các triệu chứng tại nhà nếu áp dụng đúng phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Viêm phế quản uống thuốc gì? Để điều trị, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng một số loại thuốc như:
- Thuốc giãn phế quản: Giúp mở rộng đường thở trong trường hợp khó thở. Chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Khi sử dụng cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn để hiệu quả thuốc đạt được ở mức cao nhất.
- Thuốc chống viêm: Thường gặp là corticosteroid, giúp giảm viêm. Bên cạnh đó, các thuốc kháng viêm NSAID cũng có thể được sử dụng kết hợp vừa giảm viêm, giảm đau nhức.
- Thuốc giảm ho: Có thể dùng loại kê đơn hay không kê đơn, giúp giảm triệu chứng ho dai dẳng.
3. Cách điều trị viêm phế quản ở người lớn tại nhà
Hiểu rõ viêm phế quản có chữa được không, bạn cũng nên biết thêm những cách giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh ngay tại nhà. Để xoa dịu cơn ho và cảm thấy dễ chịu hơn, người bệnh viêm phế quản có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà như sau:
- Bổ sung nước: Uống đủ nước không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn làm dịu cổ họng, giảm ho hiệu quả. Nên sử dụng nước ấm, nước đun sôi để nguội, hạn chế sử dụng nước lạnh hoặc nước đá.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Giấc ngủ giúp cơ thể phục hồi và tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ quá trình giảm ho.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Paracetamol hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau và hạ sốt, giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
- Uống nước ấm pha mật ong: Một thìa mật ong pha với nước ấm, uống trước khi đi ngủ là liệu pháp dân gian giúp giảm ho hiệu quả. Tuy nhiên, không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
- Tránh xa khói thuốc: Không hút thuốc, bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Khói thuốc lá và các chất kích thích khác có thể làm tình trạng ho trở nên trầm trọng hơn.
Hi vọng bài viết trên đây của Hello Bacsi đã giúp bạn giải đáp được câu hỏi viêm phế quản có chữa được không. Viêm phế quản cấp và mạn tính là hai tình trạng khác nhau, tùy thuộc vào từng tình trạng mà sẽ có cách điều trị tương ứng. Mặc dù hầu hết các trường hợp viêm phế quản đều có thể điều trị khỏi nhưng bạn cũng không nên chủ quan, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp nhé!
[embed-health-tool-bmi]