backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Cúm A (H1N1)

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 14/08/2023

Cúm A (H1N1)

Mùa xuân năm 2009, một chủng virus cúm được phát hiện và đã gây ra đại dịch cúm nghiêm trọng chính là cúm A H1N1. Virus H1N1 chứa một tổ hợp gene gây cúm độc nhất chưa từng thấy trước đây ở động vật hay người.

Để tìm hiểu về cúm A, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Cúm A H1N1 là cúm gì?

Nhiều người chưa hiểu rõ cúm A là cúm gì hay cúm A H1N1 là gì? Cúm H1N1, thường được gọi là cúm lợn, là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do chủng virus H1N1 gây ra. H1N1 là gì? H1N1 là một loại virus cúm A, là một trong một số chủng virus cúm có thể gây ra bệnh cúm theo mùa.

Bệnh cúm A H1N1 từng gây ra một đại dịch lớn trên thế giới (bao gồm cả Việt Nam) và đôi khi được gọi với tên “cúm lợn” vì ban đầu các nhà khoa học cho rằng chủng virus này có nguồn gốc từ lợn. Tuy nhiên, chủng virus này thực tế kết hợp từ nhiều virus từ lợn, chim và người gây ra bệnh ở người.

Vì chúng lây nhiễm nhanh và gây nhiễm trùng đường hô hấp cho rất nhiều người trên thế giới vào khoảng thời gian 2009 nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh cúm A H1N1 là một đại dịch tại thời điểm đó. Đến tháng 8 năm 2010, WHO công bố đại dịch này chấm dứt.

Hiện nay, cúm A H1N1 vẫn rất dễ dàng lây lan từ người sang người như các loại cúm mùa thông thường khác nhưng đã được kiểm soát và có thể phòng ngừa nhờ vào chích ngừa vắc-xin cúm mùa.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cúm A H1N1 là gì?

triệu chứng cúm a h1n1

Dấu hiệu cúm A cũng giống như các chủng cúm khác, bao gồm:

  • Sốt đột ngột, thường là trên 38 độ hoặc cao hơn
  • Ho (thường ho khan)
  • Ớn lạnh
  • Viêm họng
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Chảy nước, mắt đỏ
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn và ói mửa

Các triệu chứng cúm A phát triển sau khoảng một đến ba ngày sau khi bạn tiếp xúc với virus. Hầu hết mọi người thường bị nhẹ và có thể hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn thường không cần phải đi khám bác sĩ nếu khỏe mạnh và chỉ có những triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như sốt, ho và đau nhức cơ thể. Tuy nhiên, hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng cúm và đang mang thai hoặc bạn mắc bệnh mãn tính, chẳng hạn như hen suyễn, khí phế thũng, tiểu đường hoặc bệnh tim, vì bạn có nguy cơ cao bị biến chứng cúm.

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng của bệnh cúm, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức. Đối với người lớn, các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng có thể bao gồm:

  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Tức ngực
  • Chóng mặt liên tục
  • Co giật
  • Yếu nghiêm trọng hoặc đau cơ

Các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Môi xanh
  • Tức ngực
  • Mất nước
  • Đau cơ nghiêm trọng
  • Co giật.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh cúm A H1N1 là gì?

Bạn sẽ mắc bệnh nếu bị lây nhiễm virus cúm A H1N1 từ người mang virus này. Con đường lây lan cũng tương tự như bệnh cúm thông thường là qua các giọt bắn hô hấp truyền trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện.

Bạn cũng có thể nhiễm virus này khi chạm tay, tiếp xúc vào các bề mặt dính virus sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Việc dùng chung vật dụng cá nhân như ly uống nước, khăn tắm, bàn chải đánh răng… với người bệnh cũng có thể bị lây nhiễm virus này.

Tuy nhiên, bạn sẽ không nhiễm phải virus H1N1 khi ăn thịt lợn.

biểu hiện cúm a

Những yếu tố làm tăng nguy cơ gặp biến chứng cúm A H1N1?

Một số người đặc biệt có nguy cơ cao bị biến chứng nặng do cúm, bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai hoặc trong vòng hai tuần sau khi sinh, kể cả phụ nữ bị sảy thai.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi.
  • Người dưới 19 tuổi và đang điều trị bằng aspirin dài hạn. Sử dụng aspirin trong thời gian bị bệnh do vi rút làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng ở những người này.
  • Những người có bệnh mạn tính nào đó (như hen suyễn hoặc bệnh phổi, bệnh tim, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh gan nặng hoặc một số bệnh thần kinh).
  • Những người béo phì nặng, có chỉ số cơ thể BMI > 40.
  • Những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, bao gồm nhiễm HIV.
  • Những người từ 65 tuổi trở lên hiếm khi bị nhiễm cúm. Nhưng nếu mắc bệnh, họ sẽ có nguy cơ cao phát triển các biến chứng nghiêm trọng.

Biến chứng

Cúm A H1N1 có nguy hiểm không?

Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể nặng hơn và có nhiều biến chứng như:

  • Tình trạng bệnh mãn tính trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như bệnh tim và hen suyễn
  • Khó thở
  • Viêm phổi
  • Các dấu hiệu và triệu chứng thần kinh, từ nhầm lẫn đến co giật
  • Suy hô hấp
  • Tử vong.
  • Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh cúm lợn?

    Các triệu chứng của bệnh cúm theo mùa và cúm A H1N1 là hoàn toàn giống nhau, trừ khi bạn có biến chứng nghiêm trọng. Bác sĩ chỉ có thể dùng các xét nghiệm để biết bạn có mắc cúm hay không. Để kiểm tra, bác sĩ sẽ lấy gạc mũi hoặc họng và sử dụng nhiều kỹ thuật di truyền, xét nghiệm để xác định các loại virus. Tuy nhiên, bác sĩ không thường xuyên đề nghị xét nghiệm, bạn chỉ cần làm nếu đang ở trong nhóm nguy cơ cao được liệt kê ở trên.

    Nếu có nhiễm trùng lan rộng, bạn không cần phải xét nghiệm mà chỉ cần điều trị dựa trên các triệu chứng.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị cúm A H1N1?

    Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy tốt hơn trong vòng 7–10 ngày mà không cần điều trị.

    Nếu bạn không thuộc nhóm có nguy cơ cao bị biến chứng cúm, bạn nên tự chăm sóc ở nhà và thử một số phuwong pháp điều trị sau để giảm nhẹ triệu chứng:

    • Dùng thuốc paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt và đau cơ. Không sử dụng aspirin cho trẻ em dưới 19 tuổi.
    • Uống càng nhiều nước nhiều càng tốt.
    • Nghỉ ngơi nếu bạn còn cảm thấy mệt mỏi.
    • Ngủ nhiều nhất bạn có thể.

    Ngoài ra, nghỉ ngơi tại nhà, tránh đến nơi làm việc, trường học, các địa điểm đông người và các cuộc tụ họp ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt để tránh lây nhiễm cho người khác.

    Nếu bạn mắc bệnh hô hấp mãn tính, bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc khác để giúp giảm các triệu chứng của bạn.

    Có hai loại thuốc kháng virus hiệu quả nhất để điều trị cúm A (H1N1) là oseltamivirzanamivir.

    Thuốc kháng virus đôi khi được kê đơn trong vòng một hoặc hai ngày đầu tiên khi có triệu chứng. Chúng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và có thể là nguy cơ biến chứng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt bốn loại thuốc sau:

    Tuy nhiên, vi rút cúm có thể kháng lại các loại thuốc này. Vì vậy, bác sĩ thường kê toa các loại thuốc này cho những người có nguy cơ cao bị biến chứng để làm giảm việc kháng thuốc. Bạn cần dùng thuốc trong vòng 48 giờ đầu tiên khi có triệu chứng cảm cúm để làm giảm bớt mức độ nghiêm trọng và biến chứng.

    Phòng ngừa

    phòng ngừa bệnh cúm a h1n1

    Những biện pháp nào giúp phòng ngừa cúm A H1N1?

    Bạn cần tiêm phòng để ngăn chặn cúm A H1N1. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo nên cho trẻ hơn 6 tháng tuổi đi tiêm phòng ngừa cúm. Tiêm phòng cúm cũng giúp bạn chống lại hai hoặc ba loại virus khác phổ biến trong mùa cúm.

    Bên cạnh việc tiêm phòng cúm, một số lời khuyên để bạn có thể giữ gìn sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh cúm:

    • Rửa tay thường xuyên
    • Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi
    • Làm sạch bề mặt các vật dụng mà nhiều người tiếp xúc
    • Tránh xa đám đông và bất cứ ai bị bệnh
    • Giữ sức khỏe bằng cách có chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi đầy đủ.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 14/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo