backup og meta

Định lượng cholesterol toàn phần là gì? Đọc để hiểu rõ!

Định lượng cholesterol toàn phần, hay cholesterol total là một trong những xét nghiệm quan trọng dùng để theo dõi tình trạng sức khỏe của cơ thể, đồng thời đánh giá một số nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến các bệnh lý tim mạch. Xét nghiệm định lượng cholesterol được khuyến khích ở tất cả mọi người và khi tuổi tác càng tăng thì xét nghiệm này cần thực hiện thường xuyên hơn. 

Vậy cholesterol toàn phần (cholesterol total) là gì? Chỉ số định lượng cholesterol toàn phần trong máu phản ánh điều gì về sức khỏe? Mời bạn hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Hello Bacsi để tìm hiểu rõ hơn những vấn đề xoay quanh cholesterol toàn phần, cũng như tham khảo các biện pháp khắc phục khi chỉ số cholesterol bất thường. 

Cholesterol toàn phần là gì? 

1 Cholesterol toàn phần là gì? 

Bản chất của cholesterol là một loại chất béo và là một trong những thành phần chính của lipid máu, hay còn gọi là mỡ máu. Đối với cơ thể, cholesterol rất cần thiết cho sự phát triển cũng như duy trì các hoạt động được diễn ra bình thường. 

Một số vai trò quan trọng của cholesterol gồm có:

  • Trực tiếp tham gia vào quá trình tổng hợp màng tế bào, góp phần ổn định tính lưu động của màng.
  • Tạo thành các axit mật (muối mật) giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, hấp thụ chất béo và các vitamin tan trong dầu (A,D,E,K).
  • Tiền chất không thể thiếu trong quá trình tổng hợp vitamin D, các hormone steroid như cortisol, aldosterone các hormone sinh dục như testosterone, estrogen và progesterone.

Cholesterol không tan trong nước, do đó để lưu thông được trong máu, cholesterol cần phải kết hợp với các protein vận chuyển tạo thành các hạt lipoprotein khác nhau về trọng lượng phân tử đó là HDL, IDL, LDL, VLDL và chylomicron. Định nghĩa cholesterol toàn phần là tổng lượng cholesterol được tìm thấy trong máu.

Cơ thể tiếp nhận cholesterol từ hai nguồn cung cấp chính đó là do gan tổng hợp và do hấp thu từ các loại thức ăn giàu cholesterol như thịt đỏ, trứng, nội tạng và mỡ động vật…

2. Các thành phần lipid máu liên quan khác

2.1. LDL – Cholesterol 

LDL (Low density lipoprotein) là một lipoprotein tỷ trọng thấp đóng vai trò trung gian để đưa cholesterol từ gan đi khắp các mô cơ thể. Phần lớn cholesterol trong máu được vận chuyển bởi LDL.

Bởi vì LDL-cholesterol có tỷ trọng thấp, dễ lắng đọng nên khi chúng tồn tại quá nhiều trong máu sẽ dẫn đến hiện tượng tích tụ thành các mảng bám, gây ra xơ vữa động mạch. Chính vì điều này mà LDL-cholesterol còn được gọi là “cholesterol xấu”, tăng LDL-cholesterol làm tăng nguy cơ có hại cho sức khỏe. 

2.2 HDL – Cholesterol

HDL - Cholesterol

Trái ngược với LDL, lipoprotein tỷ trọng cao HDL (High density lipoprotein) lại là một loại “cholesterol tốt” nhờ vào khả năng vận chuyển các cholesterol dư thừa trong máu trở về gan để chuyển hóa và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Bằng cách này, HDL-cholesterol góp phần làm giảm tỷ lệ xảy ra các biến chứng liên quan đến hệ thống tim mạch. 

2.3. Triglycerides

Thành phần của lipid máu không chỉ có cholesterol mà còn bao gồm triglyceride – một loại chất béo trung tính được sinh ra chủ yếu từ sự chuyển hóa thức ăn. 

Tương tự như LDL-cholesterol, nồng độ triglyceride cao cũng là một trong những nguyên nhân gây xơ vữa động mạch với nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt nếu như có sự xuất hiện đồng thời của chỉ số LDL-cholesterol cao và HDL-cholesterol thấp.

[embed-health-tool-bmi]

Định lượng cholesterol toàn phần? Tại sao nên kiểm tra định lượng cholesterol toàn phần máu?

1 Định lượng cholesterol toàn phần?

Mặc dù cholesterol vô cùng cần thiết đối với cơ thể nhưng hậu quả xấu có thể xảy ra nếu nồng độ cholesterol vượt quá giới hạn bình thường mà không được kiểm soát. Định lượng cholesterol toàn phần là xét nghiệm đơn giản và hiệu quả nhất để xác định tổng lượng cholesterol đang hiện diện trong máu.

Phương pháp này được tiến hành bằng cách đo cùng lúc chỉ số LDL-cholesterol, HDL-cholesterol và một phần chỉ số triglyceride. Kết quả nồng độ cholesterol toàn phần có thể được tính bằng đơn vị miligram trên decilit (mg/dL) hoặc milimole trên lít (mmol/L).

2 Tại sao nên kiểm tra định lượng cholesterol toàn phần máu? 

Tình trạng tăng cholesterol toàn phần có thể diễn ra thầm lặng mà không phát triển bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng nào cho đến khi xảy ra các biến chứng trầm trọng. Việc thực hiện kiểm tra định lượng cholesterol toàn phần máu là cách để theo dõi mức độ cholesterol trong máu, giúp đánh giá và điều trị sớm các nguy cơ về bệnh tim mạch cũng như các bệnh lý liên quan khác.  

Từ kết quả định lượng cholesterol toàn phần máu, bạn có thể nhận được những lời khuyên hữu ích về cách chăm sóc sức khỏe và thay đổi lối sống để giữ nồng độ cholesterol ở mức tối ưu.

Ở người có cholesterol toàn phần tăng cao, chẩn đoán sớm có thể giúp việc điều trị được thuận lợi hơn. Ngoài ra, phương pháp định lượng cholesterol toàn phần máu cũng giúp ích cho việc đánh giá hiệu quả điều trị của một số tình trạng bệnh, đặc biệt là trường hợp có các yếu tố nguy cơ tim mạch.

Bảng định lượng chỉ số cholesterol toàn phần bình thường trong máu

1. Công thức tính cholesterol toàn phần được tính như thế nào?

Công thức tính cholesterol toàn phần

Tổng lượng cholesterol toàn phần được tính bằng công thức: nồng độ LDL cholesterol + nồng độ HDL cholesterol + 20% nồng độ Triglyceride.

Trong đó:

  • LDL cholesterol là thành phần chính gây ra sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch dẫn đến tình trạng xơ vữa mạch máu.
  • HDL cholesterol là loại cholesterol duy nhất có lợi cho sức khỏe, giúp gan đào thải các cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể.
  • Triglyceride là một loại chất béo trung tính mà cơ thể sử dụng để tạo ra năng lượng. Triglyceride thường được lưu trữ trong các mô mỡ, do đó những người thừa cân, béo phì, ít vận động… thường có chỉ số triglyceride tăng dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

2. Bảng định lượng chỉ số cholesterol toàn phần bình thường trong máu

Mức cholesterol toàn phần trong máu có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố không thể thay đổi như giới tính và tuổi tác. Do đó, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà chỉ số cholesterol toàn phần bình thường được quy định như sau:

Tuổi Cholesterol toàn phần Non-HDL cholesterol LDL cholesterol HDL cholesterol
Dưới 19 tuổi Dưới 
170 mg/dL
Dưới
120 mg/dL
Dưới
110 mg/dL
Trên 45mg/dL
Nam giới từ 20 tuổi trở lên 125 – 200 mg/dL Dưới
130 mg/dL
Dưới
100 mg/dL
40 mg/dL hoặc cao hơn
Nữ giới từ 20 tuổi trở lên 125 – 200 mg/dL Dưới
130 mg/dL
Dưới
130 mg/dL
50 mg/dL trở lên

Định lượng cholesterol toàn phần máu cao là bao nhiêu, thấp là bao nhiêu? 

1. Định lượng cholesterol toàn phần máu cao là bao nhiêu?

Ở người bình thường, chỉ số cholesterol toàn phần trong máu tốt nhất cho sức khỏe là dưới 200 mg/dL. 

Nếu xét nghiệm định lượng cholesterol toàn phần cho kết quả nằm trong phạm vi 200 – 239 mg/dL, khi đó chỉ số cholesterol toàn phần máu tương đối cao, hay nói cách khác là ở mức giới hạn cao. 

Trường hợp cholesterol toàn phần vượt quá 240 mg/dL được đánh giá là mức độ cao, có thể làm tăng đáng kể các nguy cơ về bệnh tim mạch. 

2. Định lượng cholesterol toàn phần máu thấp là bao nhiêu?

Chưa có giới hạn tiêu chuẩn nào để kết luận chỉ số cholesterol toàn phần bao nhiêu được gọi là thấp. Trên thực tế, mức cholesterol toàn phần trong máu càng thấp thì các nguy cơ có hại cho sức khỏe tim mạch sẽ càng ít. 

Tuy nhiên, cần lưu ý về chỉ số HDL-cholesterol, bởi vì giảm hụt HDL-cholesterol trong máu có thể là một yếu tố bất lợi. Theo các hướng dẫn chung về quản lý và chăm sóc sức khỏe tim mạch, mức HDL-cholesterol tối thiểu ở phụ nữ là 50 mg/dL và nam giới là 40 mg/dL, ít hơn được gọi là thấp.

Định lượng cholesterol toàn phần bất thường cảnh báo điều gì? 

cholesterol toàn phần bất thường

Như phần đầu bài viết đã nhắc đến, cholesterol là một “chất liệu” cần thiết cho nhiều hoạt động bên trong cơ thể. Điều này đồng nghĩa với việc cơ thể có nguy cơ gặp phải một số bất thường khi mức cholesterol toàn phần quá cao hoặc quá thấp. 

Trong đó, chỉ số cholesterol toàn phần cao có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề như:

  • Xơ vữa động mạch: LDL-cholesterol và triglycerid dư thừa có thể tích tụ bên trong lòng mạch máu tạo thành các mảng xơ vữa. Theo thời gian, mảng xơ vữa có thể dày lên gây hẹp mạch máu hoặc có thể vỡ ra làm xuất hiện cục máu đông (huyết khối) với nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Đau thắt ngực, đau tim: Xơ vữa động mạch và/hoặc cục máu đông có thể làm tắc nghẽn dòng máu đến nuôi tim và khi tim không thể nhận đủ lượng máu cần thiết sẽ sinh ra cơn đau thắt ngực. Nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim với nguy cơ tổn thương tim không phục hồi hoặc nặng hơn là tử vong do ngừng tim. 
  • Đột quỵ não: Cholesterol toàn phần cao làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ não, bởi vì cục máu đông có thể di chuyển lên não làm tắc nghẽn các mao mạch cung cấp máu khiến não bị thiếu oxy đột ngột dẫn đến tổn thương nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng. 
  • Bệnh động mạch ngoại biên (PAD): Là tình trạng xảy ra khi dòng máu đến các cơ quan ngoại biên như đường ruột, chân, bàn tay… bị suy giảm do xơ vữa động mạch/cục máu đông. Nếu không khắc phục, sự thiếu máu thiếu oxy kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tại các cơ quan này. 
  • Sỏi mật: Cholesterol không được đào thải ra ngoài có thể lắng đọng thành tinh thể với các kích thước khác nhau bên trong túi mật, được gọi là polyp túi mật hay sỏi túi mật.

Ngoài ra, cholesterol toàn phần máu cao đôi khi có thể liên quan đến sự rối loạn nội tiết tố (hormone) trong cơ thể. Chẳng hạn như giảm sản xuất hormone tuyến giáp (suy giáp), hormone tăng trưởng, estrogen, androgen… là một số nguyên nhân khiến cholesterol toàn phần tăng cao.

Làm thế nào để kiểm soát chỉ số cholesterol toàn phần máu trong mức ổn định 

Kiểm soát chỉ số cholesterol toàn phần ở mức độ bình thường không phải là việc làm quá khó. Theo đó, một số biện pháp dưới đây có thể giúp bạn cải thiện và duy trì chỉ số cholesterol nằm trong phạm vi cho phép để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh:

1. Chế độ ăn phù hợp

Một phần nguồn gốc của cholesterol trong máu là do gan sản xuất, còn lại là được cơ thể hấp thu từ nguồn thức ăn bên ngoài. Vì vậy, việc điều chỉnh chế độ ăn uống là cách giảm cholesterol toàn phần đơn giản và dễ thực hiện nhất, cụ thể bạn nên: 

  • Giảm tiêu thụ các loại thực phẩm giàu cholesterol và chất béo bão hòa, đặc biệt là mỡ, nội tạng, da động vật.
  • Hạn chế ăn các loại thịt đỏ. Thay vào đó hãy lựa chọn nguồn protein lành mạnh từ thịt nạc, thịt gà, ngũ cốc, các loại đậu và hạt…
  • Cắt giảm lượng đường đưa vào cơ thể. 
  • Tránh xa thức ăn nhanh, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc đồ chế biến sẵn.
  • Bổ sung thêm chất xơ và vitamin từ các loại trái cây tươi, rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ.
  • Ưu tiên sử dụng sữa tách béo và các sản phẩm làm từ sữa tách béo.
  • Ăn nhiều loại cá tốt cho sức khỏe tim mạch như cá hồi, cá mòi, cá thu…
  • Lựa chọn dầu nấu ăn có nguồn gốc thực vật, không chứa cholesterol và chất béo bão hòa. Ví dụ như dầu oliu, dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu cây rum…

2. Vận động thể chất

cải thiện chỉ số cholesterol

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao hoặc tham gia các hoạt động thể lực vừa phải là một thói quen rất có lợi cho sức khỏe nói chung. Riêng với người có chỉ số cholesterol toàn phần máu bất thường, thói quen vận động thể chất có thể thúc đẩy sự chuyển hóa trao đổi chất giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ chất béo dư thừa và làm giảm hấp thu cholesterol xấu như LDL-cholesterol và triglyceride. 

Không chỉ vậy, việc duy trì vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày cũng có thể góp phần làm tăng lượng HDL-cholesterol, từ đó ổn định được chỉ số cholesterol toàn phần máu. 

3. Thói quen sống lành mạnh 

Xây dựng lối sống lành mạnh cũng là cách giảm cholesterol toàn phần hiệu quả mà bạn có thể tham khảo và áp dụng. Một số gợi ý cụ thể hơn là:

  • Ngừng hút thuốc lá và không sử dụng nhiều rượu bia, bởi vì đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý tim mạch có liên quan đến tình trạng cholesterol toàn phần máu cao.
  • Giữ trọng lượng cơ thể luôn khỏe mạnh, tránh thừa cân hay béo phì. Nên kết hợp chế độ ăn uống và luyện tập để giảm cân, giảm mỡ thừa khi cần thiết.  
  • Dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý, tránh căng thẳng hay lo âu kéo dài vì có thể làm tăng lượng cholesterol do cơ thể sinh ra.

4. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Biện pháp dùng thuốc có thể được đề nghị khi chỉ số định lượng cholesterol toàn phần trong máu không cải thiện được bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập, hoặc khi tình trạng tăng cholesterol toàn phần của bạn bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền hay các bệnh lý khác.

Statin là nhóm thuốc hạ cholesterol toàn phần khá quen thuộc, đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay nhờ vào hiệu quả điều trị ổn định của chúng. Tuy nhiên, một số người có thể gặp phải tác dụng phụ đáng kể khi dùng thuốc. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng các thuốc điều trị tăng lipid máu dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ điều trị sau khi đã thăm khám. 

5. Thăm khám, kiểm tra mức cholesterol toàn phần máu định kỳ

Chỉ số cholesterol toàn phần của mỗi người có thể thay đổi do sự tác động của nhiều yếu tố. Vì vậy, hiểu được tình trạng sức khỏe của bản thân thông qua việc thăm khám và xét nghiệm cholesterol định kỳ là điều kiện quan trọng giúp bạn kiểm soát tốt mức cholesterol toàn phần trong máu.  

Lời khuyên chung cho người trưởng thành trên 20 tuổi là nên làm xét nghiệm định lượng cholesterol toàn phần máu định kỳ 5 năm một lần. Bên cạnh đó, có một số trường hợp cần thăm khám và xét nghiệm thường xuyên hơn bao gồm: người lớn tuổi (đặc biệt là nam giới), người mang các yếu tố nguy cơ như béo phì, thừa cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, có tiền sử bệnh tim mạch, hút thuốc lá, nghiện rượu, ít vận động…

Cholesterol toàn phần và các thắc mắc thường gặp 

cholesterool toàn phần

1. Nên làm xét nghiệm kiểm tra cholesterol bao lâu một lần? 

Xét nghiệm định lượng cholesterol được khuyến khích thực hiện thường xuyên để theo dõi sức khỏe của cơ thể, cũng như sớm phát hiện các bất thường nếu có. 

Thời điểm làm xét nghiệm kiểm tra cholesterol toàn phần có thể phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi, tiền sử gia đình, tình trạng sức khỏe và một số yếu tố nguy cơ có liên quan. Thông thường, nếu như không có chỉ định khác từ bác sĩ thì hầu hết mọi người nên định kỳ kiểm tra mức cholesterol trong máu theo khuyến cáo chung như sau:

  • Dưới 19 tuổi: Độ tuổi lý tưởng để bắt đầu làm xét nghiệm kiểm tra cholesterol toàn phần là từ 9 đến 11 tuổi, thực hiện lại sau mỗi 5 năm. Trẻ em có thể sàng lọc sớm hơn từ năm 2 tuổi nếu tiền sử gia đình bị rối loạn lipid máu, đau tim hoặc đột quỵ. 
  • Từ 20 đến 65 tuổi: Người lớn trên 20 tuổi nên kiểm tra định kỳ 5 năm một lần. Trong đó, nam giới từ 45 đến 65 tuổi và nữ giới từ 55 đến 65 tuổi nên làm xét nghiệm cholesterol toàn phần máu ít nhất 1 đến 2 năm một lần.
  • Sau 65 tuổi việc xét nghiệm cholesterol toàn phần cần được tiến hành mỗi năm. 

Ngoài ra, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn về thời điểm làm xét nghiệm kiểm tra cholesterol toàn phần máu phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

2. Định lượng cholesterol toàn phần cao cảnh báo điều gì? Cần phải làm gì?

Chỉ số cholesterol toàn phần cao hơn mức bình thường là dấu hiệu cảnh báo quan trọng về nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch nguy hiểm như xơ vữa động mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, huyết khối, đột quỵ…  

Để bảo vệ sức khỏe khỏi các biến chứng tim mạch, người có nồng độ cholesterol toàn phần cao nên chủ động thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, loại bỏ các thói quen tiêu cực để nhanh chóng đưa mức cholesterol trở về bình thường. Bên cạnh đó cần phải tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ nếu có. 

3. Định lượng cholesterol toàn phần thấp cảnh báo điều gì? Phải làm sao? 

Định lượng cholesterol toàn phần thấp là một tín hiệu tốt nếu như trong đó chỉ số LDL-cholesterol thấp, triglyceride thấp và HDL-cholesterol ổn định. 

Ngược lại, chỉ số HDL-cholesterol thấp là một vấn đề đáng lo ngại đối với sức khỏe tim mạch, đặc biệt là những trường hợp đã có sẵn các yếu tố nguy cơ như người lớn tuổi, béo phì, thừa cân, hút thuốc, nghiện rượu, bệnh nhân đái tháo đường… 

Tập trung thay đổi lối sống, tích cực tham gia các hoạt động thể chất, từ bỏ thuốc lá và bia rượu,… là những giải pháp hữu hiệu có thể giúp bạn nâng cao nồng độ HDL-cholesterol, đồng thời góp phần giảm bớt LDL-cholesterol và triglyceride trong máu.

Tóm lại, cholesterol toàn phần (cholesterol total) bất thường có thể gây ra nhiều vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, có nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không phát hiện và can thiệp sớm. Vì vậy, mỗi người chúng ta nên chủ động bảo vệ bản thân bằng cách định kỳ thăm khám sức khỏe cũng như xét nghiệm định lượng cholesterol toàn phần trong máu. 

Như vậy, bài viết đã thông tin đến bạn những đặc điểm quan trọng về chỉ số cholesterol toàn phần trong máu. Hy vọng qua đó có thể phần nào giúp bạn chăm sóc và bảo vệ sức khỏe được tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Patient education: High cholesterol and lipids (Beyond the Basics). https://www.uptodate.com/contents/high-cholesterol-and-lipids-beyond-the-basics/print#:~:text=In%20general%3A&text=A%20total%20cholesterol%20level%20of,mmol%2FL. Ngày truy cập 20/03/2025

Cholesterol. https://medlineplus.gov/cholesterol.html. Ngày truy cập 20/03/2025

Blood Cholesterol. https://www.nhlbi.nih.gov/health/blood-cholesterol. Ngày truy cập 20/03/2025

Cholesterol. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470561/. Ngày truy cập 20/03/2025

Xét nghiệm cholesterol toàn phần là gì. https://umcclinic.com.vn/xet-nghiem-cholesterol-toan-phan-la-gi. Ngày truy cập 20/03/2025 

The Recommended Cholesterol Levels by Age. https://www.healthline.com/health/high-cholesterol/levels-by-age#adults. Ngày truy cập 20/03/2025

Cholesterol Levels. https://my.clevelandclinic.org/health/articles/11920-cholesterol-numbers-what-do-they-mean. Ngày truy cập 20/03/2025

About Cholesterol. https://www.cdc.gov/cholesterol/about/index.html. Ngày truy cập 20/03/2025

A Guide to Total Cholesterol. https://www.verywellhealth.com/what-is-a-total-cholesterol-level-698073. Ngày truy cập 20/03/2025 

Cholesterol. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/cholesterol. Ngày truy cập 20/03/2025

Phiên bản hiện tại

16/04/2025

Tác giả: Châu Thị Tuyết Ngân

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

LDL cholesterol

Bạn đã biết đến vai trò của cholesterol trong cơ thể chưa?


Được đánh giá bởi: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi, Đa khoa, Hello Bacsi · Tác giả: Châu Thị Tuyết Ngân · Ngày cập nhật: 16/04/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo