backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhận biết sớm triệu chứng rối loạn lipid máu từ bên ngoài lẫn bên trong

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 30/03/2023

    Nhận biết sớm triệu chứng rối loạn lipid máu từ bên ngoài lẫn bên trong

    Lipid máu (còn được gọi là mỡ máu) bao gồm 4 chỉ số được quan tâm nhất là: cholesterol toàn phần, triglyceride, HDL cholesterol, LDL cholesterol. Triệu chứng rối loạn lipid máu xuất hiện khi chỉ số LDL cholesterol và/hoặc triglyceride tăng bất thường còn chỉ số HDL cholesterol lại giảm.

    Sở dĩ như vậy là vì HDL cholesterol là mỡ máu tốt, chúng vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan để phân giải. Còn LDL – cholesterol và triglyceride mới là thành phần xấu, lắng đọng tại các mạch máu và một số nơi khác cơ thể, ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của những cơ quan này.

    Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, rối loạn lipid máu có thể dẫn đến xơ vữa động mạch và nhiều biến chứng nguy hiểm khác với nguy cơ tử vong cao. Vậy, làm sao để nhận biết sớm triệu chứng bệnh? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé!

    Các triệu chứng rối loạn lipid máu biểu hiện như thế nào?

    Triệu chứng rối loạn lipid máu trong giai đoạn đầu thường không biểu hiện rõ ràng. Bạn có thể bị rối loạn lipid máu mà không hề biết mình mắc bệnh, việc chẩn đoán sớm thường là do tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám bệnh khác. Mỡ máu cao chỉ biểu hiện ra ngoài sau khi đã tồn tại một thời gian dài trong cơ thể.

    Một số triệu chứng lâm sàng khi có rối loạn lipid máu kéo dài, được biểu hiện ra bên ngoài như sau:

    • Cung giác mạc là một vòng cung màu trắng nhạt xuất hiện xung quanh mống mắt. Triệu chứng này phổ biến ở những người trên 50 tuổi.
    • Ban vàng xuất hiện nhiều ở mí mắt dưới hoặc trên, nếp gấp của ngón tay cũng bị phát ban vàng.
    • U vàng gân xuất hiện ở gân gót chân, ngón tay, đầu gối hoặc khuỷu tay.

    triệu chứng rối loạn lipid máu bên ngoài

    Ngoài ra, triệu chứng rối loạn lipid máu cũng có thể biểu hiện từ bên trong cơ thể. Cụ thể như sau:

    Mỗi một ảnh hưởng của việc tăng lipid máu đến những cơ quan khác nhau khiến bạn xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Chẳng hạn như bệnh mạch vành thường gây ra cơn đau thắt ngực do cơ tim bị thiếu máu; cơn đau có thể lan ra cánh tay hoặc sau lưng. Trong khi triệu chứng chính của bệnh động mạch ngoại vi là đau chân khi đi bộ. Viêm tụy cấp lại biểu hiện đau quặn bụng dữ dội, nôn. Còn tích tụ lipid tại gan khiến cơ thể khó tiêu, đầy bụng….

    Tuy nhiên, khi có những triệu chứng rối loạn lipid máu trên nội tạng chứng tỏ việc tăng lipid máu đã gây ra biến chứng. Bạn phải hết sức tuân thủ chỉ định của bác sĩ vì những tình trạng như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, viêm tụy cấp có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không điều trị thận trọng. Lúc này, bạn vừa phải giảm mỡ máu đồng thời giải quyết biến chứng đang gặp phải.

    Cách phòng ngừa rối loạn lipid máu

    triệu chứng rối loạn lipid máu và cách phòng ngừa

    Nếu rối loạn lipid máu do di truyền thì không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, một số trường hợp, rối loạn lipid do chế độ ăn và lối sống thì bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng một số mẹo sau đây:

    • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với ít chất béo động vật, chất béo qua nấu nướng nhiều lần, thực phẩm chế biến sẵn; bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt, đậu các loại, cá.
    • Ăn nhạt, ít đường.
    • Đổi hình thức nấu từ chiên, xào nhiều dầu mỡ sang luộc, hấp, nướng.
    • Hạn chế uống rượu và bỏ hút thuốc lá.
    • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày một tuần và không nghỉ 2 ngày liên tiếp.
    • Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý
    • Hạn chế nước uống có ga, thuốc lá, cà phê.
    • Uống nhiều nước.

    Nhìn chung, dù không có yếu tố nguy cơ bị tăng lipid máu, bạn cũng nên kiểm tra mỡ máu định kỳ và tuân thủ những lời khuyên kể trên. Đừng đợi đến khi có triệu chứng rối loạn lipid máu mới thăm khám, lúc đó sức khỏe đã bị ảnh hưởng nhiều và việc điều trị sẽ tốn nhiều thời gian, tiền bạc hơn!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 30/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo