backup og meta

Mách bạn cách làm bánh mì tốt cho sức khỏe người bệnh mạn tính

Mách bạn cách làm bánh mì tốt cho sức khỏe người bệnh mạn tính

Bánh mì là món ăn có sự kết hợp của nhiều nguyên liệu nên khó kiểm soát thành phần dinh dưỡng đối với người bệnh mạn tính. Song cách làm bánh mì tại nhà có thể giúp bạn kiểm soát thành phần nguyên liệu, đảm bảo vệ sinh, phù hợp với sức khỏe người bệnh mạn tính.

Để có thể làm ra được mẻ bánh mì thơm ngon nhưng vẫn tốt cho sức khỏe, mời bạn tham khảo tiếp nội dung dưới đây.

Cách chọn nguyên liệu khi làm bánh mì cho người bệnh mạn tính

Nguyên liệu thường dùng trong cách làm bánh mì gồm có bột mì, men bột, đường, muối cùng một số loại khác tùy mục đích sử dụng. Chi tiết từng thành phần cũng như cách chọn cụ thể như sau:

Cách làm bánh mì

1. Bột mì

Trên thị trường hiện có nhiều loại bột mì khác nhau, để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh mạn tính, bạn nên chú ý lựa chọn các loại sau trong cách làm bánh mì:

  • Bột mì nguyên cám (Whole wheat flour): là hỗn hợp bột sẫm màu được xay nguyên hạt từ lúa mì. Nhờ vậy nên nó chứa nhiều dưỡng chất hơn (đặc biệt là chất xơ) và hàm lượng gluten cũng ít hơn bột mì đa dụng (bột mì trắng). Các chuyên gia cho biết bột mì nguyên cám hỗ trợ cơ thể tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm trong bệnh tim mạch, tiểu đường.
  • Bột đa dụng không chứa gluten: bột hạnh nhân, bột gạo lứt, bột quinoa, bột kiều mạch, bột yến mạch là những loại không chứa gluten thích hợp dùng trong trường hợp người mắc bệnh Celiac (bệnh không dung nạp gluten) hay dị ứng với lúa mì. Ngoài vai trò này, bột đa dụng không chứa gluten còn có tác dụng điều hòa đường huyết, giúp giảm mức cholesterol xấu trong cơ thể và hỗ trợ kiểm soát cân nặng hiệu quả.

2. Cách chọn đường làm nguyên liệu khi thực hiện cách làm bánh mì 

Bên cạnh vai trò tạo vị và cân bằng độ mặn của bột và muối, đường được thêm vào công thức nhằm tạo độ mềm, xốp cho bánh mì cũng như kiểm soát hoạt động của men bột. 

Trong quá trình làm bánh mì cho người bệnh mạn tính, nhất là người bị tiểu đường, bạn cần lưu ý kiểm soát lượng đường thêm vào công thức hoặc sử dụng các chất làm ngọt tự nhiên như đường Isomalt (dành cho người ăn kiêng), mật ong, cỏ ngọt Stevia để thay thế. 

Việc sử dụng chất tạo ngọt thay thế cần chú ý đến chất lượng sản phẩm do một vài sản phẩm có thể pha lẫn chất tạo ngọt khác (như dextrose hoặc maltodextrin) gây tăng đường huyết sau khi sử dụng.

Chọn nguyên liệu trong cách làm bánh mì cho người bệnh mạn tính

3. Một số nguyên liệu đặc biệt khác

  • Cùng với bột mì và đường, chất béo cũng là thành phần nguyên liệu chính trong công thức cách làm bánh mì. 
  • Loại chất béo thường sử dụng là dầu ăn hoặc bơ thực vật. Chúng có vai trò tạo mùi thơm, ổn định cấu trúc và duy trì độ mềm, xốp của phần ruột bánh. 
  • Song dầu ăn và bơ thực vật lại không tốt cho người bệnh tim mạch, cao huyết áp vì chứa nhiều chất béo bão hòachất béo chuyển hóa.
  • Giải pháp là bạn nên thay thế hai nguyên liệu trên bằng dầu ô liu hoặc dầu quả bơ. Hai loại dầu này không chứa cholesterol. Ngược lại, nó còn bổ sung thêm nhiều chất chống oxy hóa bảo vệ sức khỏe tim mạch.
  • Bạn cũng có thể thêm chất xơ từ các loại hạt vào công thức hoặc thay bột mì trắng bằng bột mì nguyên cám. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy chất xơ giúp điều hòa đường huyết trong bệnh tiểu đường hay giảm hấp thụ chất béo từ thực phẩm vào cơ thể.

Hướng dẫn cách làm bánh mì cho người mắc bệnh mạn tính

Dưới đây là 3 công thức hướng dẫn cách làm bánh mì vừa đơn giản, vừa đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình sau đây:

1. Cách làm bánh mì cho người bệnh tiểu đường 

Cách làm bánh mì cho người bệnh tiểu đường cần có những nguyên liệu sau:

  • 250g bột mì nguyên cám
  • 3g men nở instant
  • 170ml nước lọc
  • 10ml dầu ô liu
  • ½ thìa cà phê muối.
  • Hạt mè trắng, mè đen (tùy sở thích).

Cách làm bánh mì

Các bước thực hiện trong cách làm bánh mì:

  • Trộn đều bột mì và một ít muối. Sau đó cho lần lượt men nở, dầu ăn cùng 110ml nước vào trộn đến khi bột kết dính. 
  • Nhồi bột bằng tay với kỹ thuật ấn miết bột ra xa rồi gập bột lại và dùng tay ấn đến khi bột thành một khối dẻo mịn, không dính tay, có thể kéo dãn thành màng mỏng mà không bị rách là đạt. Ở bước này, bạn nên rây một chút bột ra mặt bàn rồi thoa dầu ăn đều lên 2 lòng bàn tay để tránh bị dính bột.
  • Bột sau khi nhồi đem cho vào tô, phủ màng bọc thực phẩm kín miệng rồi đem ủ chừng 40 – 120 phút ở nhiệt độ phòng đến khi bột nở gấp đôi. Hết thời gian, bạn dùng tay ấn sâu vào khối bột, nếu vết lõm vẫn giữ nguyên chứng tỏ đã ủ đạt.
  • Tạo hình bánh bằng khuôn đã lót giấy nến, đậy kín khuôn và ủ thêm chừng 30 phút. Khi ủ xong, dùng dao cắt 3 đường ngắn, phết 1 lớp nước mỏng rồi thêm mè đen, mè trắng lên bề mặt bánh. 
  • Cho khuôn vào lò nướng ở 140 độ C trong 20 – 40 phút tuỳ công suất lò (có thể dùng nồi chiên không dầu và nên làm nóng lò trước) đến khi bánh chín vàng. Thành phẩm nướng xong nên cho vào túi zip để giữ được độ giòn của vỏ bánh.

2. Cách làm bánh mì nguyên cám cho người bệnh tim mạch

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • 300g bột mì nguyên cám
  • 6g men nở instant
  • 2 thìa cà phê mật ong
  • 1 thìa cà phê dầu ô liu
  • ½  thìa cà phê muối
  •  1 quả trứng gà.

cách làm bánh mì

Cách làm bánh mì nguyên cám như sau:

  • Cho 50g bột mì, 50ml nước, 3g men nở vào tô, trộn đều, bọc kín rồi ủ qua đêm (gọi là phần bột cái). 
  • Phần bột và men nở còn lại đem trộn cùng với bột cái cùng 90ml nước, trứng gà, mật ong, muối, dầu ăn thành hỗn hợp kết dính. 
  • Nhồi phần bột vừa trộn bằng tay với kỹ thuật thuật ấn miết bột ra xa rồi gập bột lại và dùng tay ấn tương tự cách làm ở trên đến khi bột thành một khối dẻo mịn, đàn hồi tốt, không dính tay, khi ấn vào hơi dính nhưng nhấc ngón tay ra thì bột không dính tay là đạt.
  • Đậy kín bột vừa nhồi xong bằng màng bọc thực phẩm và ủ 30 phút đến khi bột nở gấp đôi. 
  • Bột sau khi ủ đem nhào lại để ép bọt khí ra ngoài rồi nhồi bột vào khuôn lót sẵn giấy nến. 
  • Khuôn chứa bột ủ lần 2 khoảng 30 phút nữa cho bột nở gấp đôi so với ban đầu. Bột ủ xong, dùng dao rạch một đường nhẹ ở giữa bánh
  • Cho khuôn vào lò đã làm nóng ở 230 độ C trong 15 phút trước đó. Cách làm bánh mì lúc này là xịt phun sương nước quanh thành lò để tạo hơi nước và nướng bánh ở 230 độ C trong 10 phút. 
  • Sau 10 phút, bạn mở lò và xịt nước như vừa rồi đồng thời hạ nhiệt độ xuống 190 độ C nướng bánh tiếp thêm 5 phút là được. Cách làm như vậy sẽ làm bánh không bị khô cứng và dễ ăn.

3. Cách làm bánh mì không gluten cho người mắc bệnh Celiac

Bộ phận ruột non của những người mắc bệnh Celiac không xử lý được thành phần gluten từ thực phẩm. Để bảo vệ sức khỏe, nhóm người bệnh này nên dùng các loại thực phẩm không chứa gluten. 

Theo đó, cách làm bánh mì cho người mắc bệnh Celiac như sau:

Chuẩn bị nguyên liệu:

  •     90g bột gạo lứt
  •     100g tinh bột khoai tây
  •     130g bột kiều mạch
  •     2,5 thìa cà phê men nở khô
  •     2 thìa canh đường
  •     2 thìa cà phê giấm táo
  •     ½ thìa cà phê muối
  •     20g vỏ hạt mã đề.

Cách làm bánh mì không chứa gluten như sau:

  • Cho men nở, đường cùng 150ml nước ấm vào bát trộn đều rồi để yên chừng 15 phút đến khi thấy sủi bọt. 
  • Trộn vỏ hạt mã đề với 250ml nước ấm ở một bát khác. 
  • Tiếp tục lấy một bát to, rây bột gạo lứt, kiều mạch, tinh bột khoai tây cùng muối; hỗn hợp sau rây cũng trộn đều.
  • Men đã kích hoạt cho vào hỗn hợp bột cùng mã đề và giấm táo trộn đều được hỗn hợp đặc. Hỗn hợp này đem nhào chừng 10 phút. 
  • Cho bột đã trộn sang một chiếc bát đã bôi sẵn ít dầu ăn rồi nhào nhẹ lần nữa thành hình quả bóng nhỏ. Làm xong, bạn đậy bằng khăn ẩm và để cho bột nở thêm chừng 1 giờ. 
  • Lặp lại thao tác nhồi và ủ thêm 01 lần nữa nhằm chống dính cho khối bột khi nướng, đảm bảo không có vết nứt trên bề mặt bột và chuẩn bị khuôn lót giấy nến.
  • Công đoạn nướng bánh với lò nướng đã được làm nóng sẵn ở nhiệt độ tương tự như trên. Nếu không thích ăn bánh nướng bạn có thể hấp cách thủy cho đến khi bánh chín mềm và dây mùi thơm.

cách làm bánh mì

4. Lưu ý về dinh dưỡng trong cách làm bánh mì cho người bệnh mạn tính

Người bệnh mạn tính cần kiểm soát tốt chế độ ăn để tránh bệnh diễn tiến nghiêm trọng. Trong cách làm bánh mì cho đối tượng này, bạn cần chú ý những điều sau:

  • Bánh mì thường chứa nhiều năng lượng từ nhóm bột, đường nên người bệnh cần giới hạn khẩu phần ở mức hợp lý theo lời khuyên bác sĩ (nhất là với bệnh tiểu đường). Ngoài bánh mì, người bệnh có thể lựa chọn thay thế xen kẽ các loại ngũ cốc khác như khoai lang, khoai tây, ngô… để đảm bảo cân đối dinh dưỡng.
  • Các gia vị nêm nếm trong cách làm bánh mì phải được điều chỉnh cho phù hợp thể trạng từng nhóm bệnh. Theo đó, người bệnh tim mạch và cao huyết áp nên hạn chế muối, ăn tối đa 5g muối (1 thìa cà phê) trong ngày; Người bệnh tiểu đường nên ăn ít đường hơn mức khuyến nghị dành cho người bình thường (dưới 36g đường dành cho nam và dưới 25 g đường dành cho nữ giới trưởng thành) trong ngày.
  • Người bệnh nên hạn chế tiêu thụ các món xào, chiên, rán, nướng, tránh xa rượu bia và nên sử dụng nhiều nhóm rau, củ, quả nhằm cung cấp thêm các dưỡng chất thiết yếu, cải thiện hệ miễn dịch cơ thể.
  • Tránh tiêu thụ nhiều mỡ động vật có nhiều chất béo bão hòa. Thay vào đó, nên sử dụng nhóm thực phẩm cung cấp chất béo không bão hòa như mỡ cá, dầu thực vật (trừ dầu cọ, dầu dừa).

Một số lưu ý khác khi làm bánh mì tại nhà 

  • Bánh mì sau khi làm tại nhà có thể bảo quản bằng cách cắt thành lát mỏng cho vào túi zip bảo quản ở nhiệt độ phòng (giữ được 1 ngày).
  • Nếu sử dụng giấy bạc bọc bánh mì thay túi zip thì bạn không cần cắt lát. Thêm vào đó, việc bọc bánh mì bằng giấy bạc sẽ giúp việc làm nóng bánh mì bằng lò vi sóng dễ dàng hơn. 
  • Vì cách làm bánh mì đã gợi ý không sử dụng chất bảo quản nên muốn giữ được bánh mì lâu hơn (tầm 1 tuần), bạn cần sử dụng phương pháp làm đông và rã đông theo các bước sau:
  • Cho bánh mì vào túi zip, loại hết không khí, đóng chặt miệng túi và cho vào ngăn đông tủ lạnh.
  • Nếu bánh mì trữ đông có cắt lát sẵn thì khi rã đông, bạn chỉ cần cho vào lò vi sóng mở nhiệt độ cao đợi chừng 15 – 25 giây là được. Riêng bánh mì nguyên ổ thì cần thời gian rã đông lâu hơn tầm 20 – 30 phút. 
  • Nếu không có lò vi sóng thì bạn có thể thay bằng nồi chiên không dầu với thời gian nướng tầm 8 – 9 phút ở nhiệt độ 150°C sau khi đã nhúng nhanh bánh mì vào nước.
  • Ngoài lưu ý về cách bảo quản, bạn hoàn toàn có thể tùy biến công thức theo sở thích hoặc nhu cầu cá nhân. Chẳng hạn nếu cần hạn chế men bột, bạn có thể thay bằng công thức bánh mì không men (thay men bột bằng sữa tươi, thay vì nướng thì sẽ chiên bánh mì).

Thắc mắc liên quan đến cách làm bánh mì cho người bệnh mạn tính

1. Người bệnh tiểu đường có thể ăn bao nhiêu bánh mì mỗi ngày?

Để đảm bảo an toàn, người bệnh tiểu đường nên ăn khoảng 1 – 2 lát bánh mì (khoảng 25g/lát) mỗi bữa và cần kết hợp với các nguồn thực phẩm giàu chất xơ, protein và chất béo tốt nhằm làm chậm hấp thu đường vào máu. 

Ngoài bánh mì trắng, người bệnh có thể thay thế bằng bánh mì nguyên cám hoặc bánh mì ngũ cốc.

cách làm bánh mì

2. Loại bột nào dùng tốt nhất trong cách làm bánh mì cho người bệnh tim mạch?

  • Bột mì nguyên cám là loại thích hợp làm nguyên liệu chế biến món ăn cho người bệnh tim mạch. 
  • Nó có hàm lượng dinh dưỡng cao và chứa ít gluten hơn so với các loại bột khác. Bột không gluten thường là bột yến mạch, bột kiều mạch, bột quinoa, bột dừa… 
  • Khi sử dụng làm bánh mì, bạn cần chú ý giảm lượng muối thêm vào công thức. Việc dùng quá nhiều muối nguyên nhân gây tăng huyết áp và làm nặng thêm các bệnh lý tim mạch.

3. Làm sao để bánh mì không gluten có vị ngon như bánh mì thường?

Cách làm bánh mì bằng bột không có gluten mà vẫn đảm bảo vị ngon như bánh mì thường là bạn cần nhồi bột đúng kỹ thuật. 

Ngoài cách làm như đã hướng dẫn, bạn có thể kiểm tra bột bằng phương pháp Windowpane. Phương pháp này thực hiện bằng cách ngắt một phần bột, kéo dãn phần bột vừa ngắt. Nếu phần bột này tạo thành màng mỏng, không dễ bị rách và ánh sáng có thể xuyên qua là bột nhồi đã đạt.

Kết luận

Vừa rồi là những bí quyết trong cách làm bánh mì cho người bệnh mạn tính. Việc chế biến bánh mì tại nhà không những đảm bảo vệ sinh mà còn giúp bạn điều chỉnh công thức để làm ra món ăn phù hợp với sức khỏe của người thân.

Chế độ dinh dưỡng của người bệnh mạn tính rất quan trọng trong kiểm soát bệnh tật. Vì vậy, việc nắm được các công thức nấu nướng phù hợp sẽ giúp ích cho bạn và người thân trong việc phòng ngừa bệnh tiến triển. Nếu thấy bài viết hữu ích, bạn hãy chia sẻ đến người thân và bạn bè của mình nhé!

Healthify – Loạt nội dung mới lần đầu tiên xuất hiện trên Hello Bacsi – Giới thiệu các công thức nấu nướng, chế biến món ăn thân thuộc trong bữa ăn gia đình theo cách “thân thiện, lành mạnh và dinh dưỡng” cho sức khỏe, nhất là phù hợp với các tình trạng bệnh mạn tính.
Theo Tổ chức Y tế Thể giới (WHO), ít nhất 80% các bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường; đồng thời 40% các bệnh ung thư có thể được ngăn ngừa và kiểm soát tốt nếu mọi người ăn uống lành mạnh hơn, bên cạnh việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tập luyện và không hút thuốc lá. 
Qua loạt nội dung này, Hello Bacsi mong rằng bạn và người thân có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc và quản lý sức khỏe bản thân và gia đình một cách hiệu quả và tối ưu.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How To Use Healthy Flour Substitutes – Or Have Your Cake and Eat It Too

https://health.clevelandclinic.org/how-to-use-healthy-flour-substitutes

Ngày truy cập 15.10.2024

Role sugars play in foods

https://wsro.org/sugars-diet/role-sugars-play-foods#:~:text=Sugar%20provides%20the%20soft%2C%20light,where%20it%20prevents%20surface%20cracking

Ngày truy cập 15.10.2024

6 loại dầu ăn tốt cho người bị cholesterol cao

https://suckhoedoisong.vn/6-loai-dau-an-tot-cho-nguoibi-cholesterol-cao-16924072000435058.htm

Ngày truy cập 15.10.2024

Fiber – The Nutrition Source

https://nutritionsource.hsph.harvard.edu/carbohydrates/fiber/

Ngày truy cập 15.10.2024

Carbohydrates and diabetes: what you need to know

https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/enjoy-food/carbohydrates-and-diabetes

Ngày truy cập 15.10.2024

Phiên bản hiện tại

29/10/2024

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Cách làm sườn xào chua ngọt ít dầu mỡ, gia vị

Cách làm pate gan tại nhà cho người bệnh mạn tính: Đơn giản, thơm ngon như nhà hàng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo