backup og meta

Bảo quản thực phẩm: 6 sai lầm gây tốn kém và hại sức khỏe

Bảo quản thực phẩm: 6 sai lầm gây tốn kém và hại sức khỏe

Bảo quản thực phẩm đúng cách giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian lẫn chi phí. Ngược lại, áp dụng cách bảo quản thực phẩm sai lầm không những khiến bạn tốn khá nhiều tiền mà còn gây những hệ lụy khác cho sức khỏe.

Dưới đây là 6 cách bảo quản thực phẩm sai lầm mà nhiều người vô tình mắc phải. Hãy xem bạn có trong số đó không để cải thiện nhé! 

1. Đặt thực phẩm sai vị trí trong tủ lạnh

Có thể nói đây là một trong những sai lầm phổ biến nhất của nhiều bà nội trợ khi lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh.

Đặt thực phẩm sai vị trị làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn giữa các loại thực phẩm. Điều này có thể khiến bạn gặp phải một số vấn đề sức khỏe khi ăn loại thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn.

Ví dụ, nếu bạn lưu trữ thịt bò sống ở trên hoặc cùng chỗ với các loại rau ăn sống, nước từ thịt bò có thể nhỏ xuống hoặc vấy bẩn vào rau. Khi ăn rau sống bị nhiễm khuẩn, bạn có thể bị ngộ độc. Cách dễ dàng nhất để ngăn chặn điều này là hãy cho thịt bò vào một chiếc hộp bảo quản thực phẩm có nắp đậy hoặc đặt thịt bò bên dưới các loại rau ăn sống.

Khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, bạn hãy lưu ý đặt các loại thực phẩm không cần nấu hoặc có thời gian nấu chín ít hơn nằm phía trên. Thực phẩm cần nấu kỹ nên nằm ở dưới cùng. Bằng cách này, vi khuẩn đã lây nhiễm chéo (nếu có) cũng sẽ bị tiêu diệt trong quá trình nấu chín thực phẩm.

2. Cách bảo quản thực phẩm sai lầm: Không đậy nắp hộp lưu trữ

sai lầm khi bảo quản thực phẩm: không đậy nắp hộp

Một trong những nguyên tắc quan trọng khi sử dụng hộp bảo quản thực phẩm là phải đậy nắp trước khi đặt vào tủ lạnh. Điều này giúp ngăn chặn nguy cơ nhiễm khuẩn chéo giữa các loại nguyên liệu nấu ăn. Hơn nữa, nó còn giúp thực phẩm tươi lâu hơn.

Nếu vì lý do nào đó mà bạn không thể đậy nắp hộp bảo quản thực phẩm, hãy thay thế nắp bằng màng bọc ni lông hoặc giấy bạc. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Tốt nhất là bạn hãy cho thức ăn vào hộp có nắp đậy.

Không đậy nắp hộp hoặc bọc kín thực phẩm trước khi đưa vào tủ lạnh sẽ khiến thức ăn nhanh hỏng. Hơn nữa, nó rất dễ bị nhiễm khuẩn từ các loại đồ ăn khác. Điều này làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho bạn và các thành viên khác trong gia đình.

3. Sai lầm khi bảo quản thực phẩm: cho thức ăn vào tủ lạnh khi còn nóng

Trước khi lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh, bạn phải đảm bảo nó đã nguội hoàn toàn. Sau đó, bạn cho thức ăn vào từng hộp riêng có nắp đậy để bảo quản lâu dài.

Nhiệt độ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh nên đặt ở khoảng 5-10 độ C (ở ngăn mát). Nếu nhiệt độ bảo quản thực phẩm quá cao hoặc quá thấp, thức ăn có thể nhanh hư hỏng hoặc dập úng.

4. Không để ý đến hạn sử dụng của thực phẩm

Không để ý đến hạn sử dụng của thực phẩm khi bảo quản

Đã bao giờ bạn phải vứt bỏ đồ ăn trong tủ lạnh vì “bỏ quên” nó quá lâu ngày chưa? Dù ít hay nhiều thì đây cũng là sự lãng phí.

Cách dễ dàng để khắc phục tình trạng này là bạn hãy đặt những món đồ ăn mới mua (hạn sử dụng còn dài) nằm phía sau món ăn cũ (cùng loại). Điều này sẽ giúp bạn tự động ưu tiên sử dụng các loại thức ăn cũ nhất trước khi chúng hết hạn sử dụng.

Đây cũng là cách lưu trữ thực phẩm được các bếp ăn thương mại áp dụng để tránh lãng phí đồ ăn.

5. Làm lạnh sản phẩm sai cách

Nhiệt độ bảo quản thực phẩm của mỗi loại không giống nhau. Điều đó có nghĩa là không phải loại đồ ăn nào cũng nên đưa vào tủ lạnh. Theo đó, bạn đừng bao giờ cho cà chua, hành tây, khoai tây và các loại trái cây họ cam, quýt vào tủ lạnh. Nhiệt độ thấp sẽ làm ảnh hưởng đến hương vị và hàm lượng dinh dưỡng vốn có của chúng.

Tuy nhiên, các loại trái cây khác như bơ, lê, sapoche, táo nên được bảo quản lạnh khí chúng vừa chín tới. Không khí lạnh sẽ khiến chúng không chín quá nhiều hoặc chín đồng loạt.

6. Bảo quản thực phẩm ở cửa tủ lạnh

cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh

Rất nhiều bà nội trợ tận dụng cánh cửa tủ lạnh để lưu trữ trứng, thịt sữa hoặc nhiều loại thức ăn khác. Trong khi đó, cửa tủ lạnh là nơi dao động nhiệt độ nhiều nhất do hoạt động đóng – mở mỗi ngày. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian bảo quản thực phẩm.

Để khắc phục, bạn hãy để trứng, thịt, sữa cố định phía trong tủ lạnh để bảo toàn chất lượng cũng như độ tươi nguyên của chúng.

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh không khó nhưng bạn cần tuân theo một số nguyên tắc nhất định. Điều này sẽ giúp gia đình bạn luôn có nguồn thực phẩm tươi nguyên để sử dụng mỗi ngày.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mistake when storing foods

https://www.realsimple.com/food-recipes/shopping-storing/food/food-storage-mistakes

Ngày truy cập: 16/10/2020

Storing foods

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/food-safety-and-storage

Ngày truy cập: 16/10/2020

https://www.nhs.uk/live-well/eat-well/how-to-store-food-and-leftovers/

Ngày truy cập: 16/10/2020

 

Phiên bản hiện tại

18/04/2023

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Hướng dẫn cách làm tôm sốt Thái cho người bệnh mạn tính

Cách làm bánh chuối cho người bệnh mạn tính: Giữ trọn vị ngon mà vẫn an toàn sức khỏe


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 18/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo