backup og meta

Tăng áp lực thẩm thấu - biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường

Tăng áp lực thẩm thấu - biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường

Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết (trước đây được gọi hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết không ceton và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu không ceton). Tăng áp lực thẩm thấu đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose nặng, mất nước nghiêm trọng, tăng áp lực thẩm thấu máu, và tình trạng rối loạn ý thức. Đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường type 2. Tỷ lệ tử vong khi gặp biến chứng này lên đến 20%.

Nguyên nhân gây tình trạng này liên quan đến sự kiểm soát kém bệnh tiểu đường, tuổi tác người bệnh, mức độ mất nước và một số bệnh lý mắc đồng thời. Việc nắm được các dấu hiệu sẽ giúp bạn nhanh chóng xử trí và có cách phòng ngừa để giảm nguy cơ đe dọa tính mạng.

Tìm hiểu chung

Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết là gì?

Áp lực thẩm thấu máu là chỉ số nồng độ các phân tử hòa tan có hoạt tính thẩm thấu có trong một đơn vị máu. Các chất tan ảnh hưởng tới áp lực thẩm thấu máu bao gồm natri, glucose, ure…

Tăng áp lực thẩm thấu là gì? Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết (Hyperosmolar hyperglycemic state – HHS) xảy ra khi lượng glucose (đường) trong máu của bệnh nhân quá cao trong một thời gian dài, dẫn đến mất nước nghiêm trọng và rối loạn ý thức. Đây là biến chứng hiếm gặp nhưng tiên lượng xấu với tỷ lệ tử vong lên đến 20%. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở bệnh tiểu đường type 2 nhưng cũng có thể gặp ở người chưa bao giờ được chẩn đoán đái tháo đường.

Phân biệt tăng áp lực thẩm thấu và nhiễm toan ketone

Nhiễm toan ketone liên quan đến bệnh tiểu đường và tình trạng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết đều là những biến chứng tiểu đường đe dọa tính mạng liên quan đến hội chứng tăng đường huyết. Tuy có dấu hiệu giống nhau bao gồm khát nước dữ dội, uống nước nhiều, đi tiểu thường xuyên, sụt cân và thay đổi trạng thái tinh thần ý thức, nhưng chúng là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau. 

  • Nhiễm toan ketone xảy ra khi cơ thể không có hoặc không đủ insulin, thường xảy ra ở bệnh tiểu đường type 1. Lúc này, cơ thể không thể sử dụng glucose và sẽ bắt đầu phân hủy chất béo để lấy năng lượng. Quá trình này sẽ giải phóng ketone vào máu, khiến máu trở nên có tính axit, đe dọa tính mạng.
  • Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu rất cao dẫn đến mất nước nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Trường hợp này, cơ thể thường vẫn sản xuất đủ insulin để ngăn chặn việc sản xuất ketone. Ngoài ra, thường có một tình trạng tiềm ẩn nào đó, chẳng hạn như nhiễm trùng, góp phần làm tăng glucose máu.

Phân biệt nhiễm toan ketone và tăng áp lực thẩm thấu

Sự khác biệt chính là nhiễm toan ketone liên quan đến ketone và axit trong máu còn tăng áp lực thẩm thấu thì không hoặc ảnh hưởng rất ít. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng tăng áp lực thẩm thấu máu

triệu chứng tăng áp lực thẩm thấu

Các triệu chứng của tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết thường xuất hiện trễ hơn, lâu hơn, có thể kéo dài vài ngày đến cả tuần mới biểu hiện. Các dấu hiệu bao gồm:

  • Lượng đường (glucose) trong máu rất cao (> 300mg/dl, thường gặp trên 600 mg/dL hoặc 33 mmol/L)
  • Mất nước trầm trọng: Da khô, khô miệng và khát nước cực độ
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Giảm cân
  • Nói ngọng, lú lẫn, mê sảng, mất phương hướng hoặc gặp ảo giác
  • Co giật, hôn mê, mất ý thức
  • Nhìn mờ hoặc mất thị lực
  • Yếu hoặc tê liệt các chi, có thể nặng hơn ở một bên cơ thể.

Đây là tình trạng khẩn cấp, nếu ai đó có các biểu hiện trên hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây tăng áp lực thẩm thấu là gì?

Tình trạng tăng áp lực thẩm thấu xảy ra khi lượng đường trong máu rất cao dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng, nồng độ máu cao và thay đổi trạng thái tinh thần.

Nếu bạn kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, nguy cơ dẫn đến tình trạng này sẽ thấp. Tuy nhiên, một số điều kiện và tình huống nhất định có thể khiến biến chứng này phát triển ở những người không kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.

nguyên nhân gây tăng áp lực thẩm thấu

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến biến chứng này, bao gồm:

  • Nhiễm trùng: là nguyên nhân gây ra 50% đến 60% trường hợp. Viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng huyết là 3 bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất.
  • Không tuân thủ chỉ định dùng thuốc trị tiểu đường: điều này sẽ dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Khoảng 21% trường hợp tăng áp lực thẩm thấu liên quan đến tình huống này.
  • Một số loại thuốc: Corticosteroid, thuốc lợi tiểu thiazid,… có thể làm giảm tác dụng của insulin hoặc làm mất nước.
  • Các vấn đề về tim mạch: Các bệnh lý tim mạch đột ngột và nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ, tắc mạch phổi hoặc đau tim, có thể khiến cơ thể giải phóng hormone gây stress, gây ra tăng đường huyết.

Khi lượng đường trong máu cao kéo dài, thận sẽ cố gắng loại bỏ lượng đường dư thừa qua nước tiểu. Nếu không cung cấp đủ nước bù lại, cơ thể sẽ mất nhiều nước và lượng glucose trong máu tăng lên rất cao. Việc mất nước còn khiến máu cô đặc hơn bình thường. Điều này được gọi là tăng áp suất thẩm thấu – tình trạng máu có nồng độ muối, glucose và các chất khác cao. Khi đó, nước bị hút ra khỏi các tế bào khiến tế bào mất chức năng sống.

Các yếu tố nguy cơ

Tăng áp lực thẩm thấu chủ yếu ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tiểu đường type 2, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi, trên 65 tuổi. Nếu bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt, nguy cơ gặp biến chứng sẽ thấp.

Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng tăng áp lực thẩm thấu máu:

  • Bị bệnh tiểu đường kiểm soát kém
  • Từ 65 tuổi trở lên
  • Có các yếu tố khác, chẳng hạn như nhiễm trùng, bệnh tim mạch, đột quỵ, dùng thuốc,…

Biến chứng

Biến chứng của hôn mê tăng áp lực thẩm thấu

Nếu tăng áp lực thẩm thấu máu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng:

  • Co giật
  • Hôn mê
  • Suy nội tạng
  • Tắc mạch máu
  • Nhiễm axit lactic
  • Tử vong: tỷ lệ khoảng 10% đến 20% trường hợp.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hội chứng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết

Nếu có các triệu chứng của hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, hãy đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng, đo đường huyết mao mạch và hỏi về các triệu chứng.

Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để tìm ketone (không có thể ketone hoặc có rất nhẹ) và xét nghiệm máu các chỉ số:

  • Điện giải đồ (Natri, Kali, Bicarbonat)
  • Nitơ urê (BUN) và creatinine
  • Glucose
  • pH máu và kiềm máu
  • Ketone
  • Độ thẩm thấu huyết tương trên 330 mOsm/kg nước. Có thể dựa vào công thức sau để tính áp lực thẩm thấu máu: Áp lực thẩm thấu máu = 2 (Na + K) + Urea + Glucose.

Các triệu chứng lâm sàng kèm theo lượng đường huyết cao trên 600 mg/dL (33 mmol/L) với nồng độ ketone thấp, và mức pH máu thường trên 7.3 là tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh.

Điều trị tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường

điều trị tăng áp lực thẩm thấu

Để xử trí và điều trị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, bác sĩ sẽ sử dụng các thuốc tiêm tĩnh mạch, bao gồm:

  • Bù dịch tích cực, vì trong tăng áp lực thẩm thấu máu có tình trạng thiếu hụt dịch rất lớn.
  • Chất điện giải để cân bằng các khoáng chất trong cơ thể
  • Insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu
  • Và điều trị các yếu tố thúc đẩy ví dụ như nhiễm trùng.

Điều trị chống đông máu do nguy cơ tắc mạch cao. Cùng với đó là điều trị mọi tình trạng hoặc bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Biến chứng có thể xảy ra khi điều trị là lượng đường trong máu giảm quá nhanh có thể gây ra sự di chuyển đột ngột của dịch vào trong não, dẫn đến phù não. Tuy nhiên, đây là một biến chứng hiếm gặp. Các bác sĩ sẽ biết cách giảm lượng đường trong máu một cách từ từ và an toàn.

Phòng ngừa

Những cách phòng tránh tăng đường huyết quá mức ở bệnh nhân đái tháo đường

Cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng do tăng đường huyết là tuân thủ lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường. Sau đây là một số gợi ý:

  • Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên để đảm bảo nó đang nằm trong mức cho phép
  • Dùng insulin và các loại thuốc trị tiểu đường khác theo đúng chỉ dẫn
  • Tái khám thường xuyên, đặc biệt nếu bạn gặp khó khăn trong việc tuân thủ điều trị
  • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
  • Uống nhiều nước
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn, kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn khi bị ốm
  • Bạn và người chăm sóc cần biết các dấu hiệu của hôn mê tăng áp lực thẩm thấu để có thể giúp đỡ ngay lập tức nếu bạn mắc phải bất kỳ triệu chứng nào của biến chứng này.

Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết hiếm xảy ra nhưng cực kỳ nghiêm trọng. Việc thường xuyên kiểm tra đường huyết giúp nhận ra tình trạng tăng đường huyết trước khi có các triệu chứng, từ đó có cách khắc phục và điều chỉnh sớm. Tuân thủ điều trị và ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm sẽ giúp giảm nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Hyperosmolar Hyperglycemic Syndrome.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482142/. Ngày truy cập 15/01/2024

2. Hyperosmolar Hyperglycemic State (HHS).
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21147-hyperosmolar-hyperglycemic-state. Ngày truy cập 15/01/2024

3. Hyperosmolar Hyperglycemic State.
https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2017/1201/p729.html. Ngày truy cập 15/01/2024

4. Diabetic hyperglycemic hyperosmolar syndrome.
https://medlineplus.gov/ency/article/000304.htm. Ngày truy cập 15/01/2024

5. Hyperosmolar Hyperglycemic State: A Historic Review of the Clinical Presentation, Diagnosis, and Treatment.
https://diabetesjournals.org/care/article/37/11/3124/29226/Hyperosmolar-Hyperglycemic-State-A-Historic-Review. Ngày truy cập 15/01/2024

Phiên bản hiện tại

16/02/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Lượng đường trong máu cao có nguy hiểm không?

Cách xử trí tăng đường huyết bất kỳ người tiểu đường nào cũng nên biết


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

Khoa nội tiết · Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 16/02/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo