Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Bạn cần đi khám càng sớm càng tốt nếu xuất hiện các triệu chứng tăng đường huyết như:
- Tiêu chảy hoặc nôn mửa liên tục nhưng bạn vẫn có thể ăn một số loại thực phẩm hay đồ uống
- Sốt kéo dài hơn 24 giờ
- Lượng đường huyết cao hơn 240 mg/dl (13 mmol/l) ngay cả khi đã uống thuốc tiểu đường
- Khó duy trì lượng đường huyết trong phạm vi mong muốn.
Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức trong trường hợp bạn cảm thấy mệt và nôn ói quá nhiều.
Điểm mặt những nguyên nhân làm tăng đường huyết?
Trước khi tìm hiểu lý do tại sao mức đường trong máu cao, bạn cần phải biết về sự chuyển hóa glucose.
1. Chuyển hoá glucose
Nước bọt và các chất trong dạ dày sẽ biến thực phẩm bạn ăn thành glucose (một dạng đường), đó là nguồn năng lượng chính cho các tế bào trong cơ thể. Gan cũng lưu giữ một lượng đường nhưng ở dạng glycogen. Nếu bạn không ăn đầy đủ hay lượng đường trong máu quá thấp, glycogen sau đó sẽ được phân thành glucose để sử dụng.
Các mạch máu hấp thụ đường và đưa đến các tế bào cần năng lượng, nhưng các tế bào không thể sử dụng năng lượng này mà không có sự giúp đỡ của insulin, một hormone được tiết ra bởi tuyến tụy. Tụy nhận được tín hiệu có glucose trong máu và tạo ra nhiều insulin hơn. Bằng cách cho phép glucose thâm nhập vào các tế bào, insulin sẽ làm giảm lượng đường trong máu cũng như giảm lượng insulin được sản xuất trong tuyến tụy.
2. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường làm giảm đáng kể tác dụng của insulin trong cơ thể hoặc do tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin (bệnh tiểu đường tuýp 1). Ngoài ra, cơ thể bạn kháng insulin hoặc không sản xuất đủ insulin để duy trì mức đường huyết bình thường (bệnh tiểu đường tuýp 2). Kết quả là, đường có xu hướng tích tụ trong máu (tăng đường huyết) và đạt mức nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Insulin hoặc các loại thuốc khác được sử dụng để làm giảm nồng độ đường trong máu.
3. Các yếu tố gây tăng đường huyết
Nguyên nhân gây tăng đường huyết còn có thể đến từ:
- Không sử dụng đủ insulin hoặc thuốc tiểu đường
- Không tiêm insulin đúng cách hoặc sử dụng insulin hết hạn
- Không tuân theo kế hoạch ăn uống dành cho bệnh nhân tiểu đường
- Không vận động
- Bị bệnh hoặc bị nhiễm trùng
- Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như steroid
- Chấn thương hoặc phẫu thuật
- Bị stress chẳng hạn như xung đột gia đình hoặc gặp phải khó khăn ở nơi làm việc.
Bệnh tật hoặc stress có thể gây tăng đường huyết do hormon được sản xuất để chống lại bệnh tật hoặc trầm cảm cũng có thể khiến lượng đường huyết của bạn tăng lên.
Biến chứng nếu không được điều trị

Tăng đường huyết nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng mãn tính bao gồm:
- Bệnh tim mạch
- Tổn thương thần kinh
- Tổn thương thận (bệnh thận do tiểu đường) hoặc suy thận
- Tổn thương các mạch máu của võng mạc (bệnh võng mạc tiểu đường), có khả năng dẫn đến mù lòa
- Đục thủy tinh thể
- Các vấn đề về chân do dây thần kinh bị tổn thương hoặc lưu thông máu kém có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng, và trong một số trường hợp nặng thì phải đoạn chi
- Các vấn đề về xương khớp
- Các vấn đề về da, bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn, nhiễm trùng do nấm và vết thương không lành
- Nhiễm trùng răng và nướu.
Chỉ số đường trong máu quá cao có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn, đó là:
Nhiễm toan xeton: Nhiễm toan xeton do tiểu đường xuất hiện khi bạn không có đủ insulin trong cơ thể. Khi đó, đường (glucose) không thể thâm nhập vào các tế bào để tạo ra năng lượng. Lượng đường huyết của bạn tăng lên và cơ thể bắt đầu đốt cháy chất béo để chuyển hóa thành năng lượng.
Quá trình đốt cháy chất béo sẽ tạo ra một axit độc hại gọi là xeton. Xeton dư thừa sẽ tích tụ trong máu và cuối cùng “tràn” vào nước tiểu. Nếu không điều trị, nhiễm xeton axit tiểu đường có thể dẫn đến hôn mê và đe dọa tính mạng.
Hội chứng tăng đường huyết thẩm thấu: Tình trạng này xảy ra khi cơ thể sản xuất insulin nhưng insulin không thể hoạt động được. Mức đường huyết có thể rất cao – cao hơn 600 mg/dL (33 mmol/L). Bởi vì có insulin nhưng lại không thể hoạt động, cơ thể không thể chuyển hóa đường hoặc chất béo thành năng lượng.
Cơ thể sẽ thải đường thông qua đường tiểu, gây tiểu tiện nhiều lần. Nếu không được điều trị, hội chứng tăng đường huyết thẩm thấu do tiểu đường có thể dẫn đến tình trạng mất nước và hôn mê gây đe dọa tính mạng. Bạn cần phải đến phòng cấp cứu ngay trong trường hợp này.
Nếu bạn gặp khó khăn với việc giữ lượng đường huyết trong phạm vi mong muốn, hãy đến khám bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn.
Bạn cần làm gì để ổn định đường huyết?

Khi bạn được chẩn đoán bị tiểu đường, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục đúng cách và sử dụng các loại thuốc để ổn định đường huyết. Cụ thể, bác sĩ sẽ giúp bạn quản lý lượng đường trong máu bằng cách:
- Đặt ra mục tiêu chỉ số đường huyết cần đạt được vào các thời điểm khác nhau trong ngày;
- Lập thời gian biểu kiểm tra lượng đường huyết của bạn ở nhà.
Nếu lượng đường trong máu cao hơn so với mục tiêu trong 3 ngày và bạn không biết tại sao, hãy kiểm tra xeton trong nước tiểu và sau đó đến phòng khám ngay lập tức.
Tăng đường huyết là một tình trạng bệnh khá nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, bạn hãy đến bệnh viện nếu thấy mình mắc phải những triệu chứng bệnh để bệnh không làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn nhé.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!