backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hiểu biết về ketone để ngừa bệnh tiểu đường

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 12/01/2024

    Hiểu biết về ketone để ngừa bệnh tiểu đường

    Tình trạng dư thừa ketone có thể là dấu hiệu cảnh báo biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Biến chứng này có thể gây mất ý thức, thậm chí có nguy cơ tử vong. Bạn có thể cần phải xét nghiệm ketone nếu có những dấu hiệu như mệt mỏi, buồn nôn, khô miệng…  

    Tình trạng nhiều ketone trong máu sẽ dẫn đến nguy cơ phát triển nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA), máu trở nên quá acid khiến người bệnh mất ý thức. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ketone là gì, triệu chứng khi tăng cao và cách phòng ngừa nhé!

    Ketone là gì?

    Ketone là một nhóm hợp chất hữu cơ được tạo ra khi cơ thể đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Cơ thể sử dụng các chất dinh dưỡng bao gồm carbohydrate, chất béo và protein để tạo ra năng lượng. Carbohydrate sẽ được cơ thể sử dụng trước, nhưng nếu không có sẵn, cơ thể sẽ chuyển sang đốt cháy chất béo. Khi đó ketone sẽ được sản xuất và tăng nồng độ trong máu.

    Có 3 loại ketone trong máu bao gồm Acetoacetate (AcAc), 3-β-hydroxybutyrate (3HB) và Acetone. Mức độ của mỗi loại ketone này sẽ khác nhau, nhưng thường được điều hòa trong máu một cách tự nhiên.

    Việc phân hủy chất béo làm nhiên liệu và tạo ra ketone là một quá trình bình thường của cơ thể. Ở người không bị tiểu đường, insulin, glucagon và yếu tố khác ngăn không cho nồng độ ketone trong máu tăng quá cao. Tuy nhiên, đối với người bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ cao tích tụ trong máu. Nếu không được điều trị, người bệnh tiểu đường tuýp 1 có nguy cơ mắc phải tình trạng nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA).

    Chỉ số Ketone trong nước tiểu cao cảnh báo nguy cơ bệnh tiểu đường không kiểm soát, nhịn ăn, chế độ ăn ít chất carbohydrate, nghiện rượu trong thời gian dài.

    Ketone là gì

    Xét nghiệm ketone

    Bình thường, ketone xuất hiện trong nước tiểu với một lượng nhỏ. Xét nghiệm ketone thường được sử dụng để giúp theo dõi những người có nhiều khả năng có lượng ketone cao. Mẫu xét nghiệm có thể là nước tiểu hoặc máu.

    Xét nghiệm ketone trong nước tiểu đơn giản và không đau, người bệnh có thể mua que thử và tự thử tại nhà. Bạn cũng có thể sử dụng dụng cụ và que thử nống độ ketone máu tại nhà. Một số máy đo đường huyết hiện nay có thể kiểm tra đồng thời lượng đường trong máu và mức độ ketone.

    Nồng độ ketone cao trong nước tiểu hoặc máu có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể có quá nhiều acid. Nguy cơ tăng lên do một số tình trạng bệnh lý, chế độ ăn kiêng hoặc thói quen tập thể dục, chẳng hạn như:

  • Bệnh tiểu đường. Nhiễm toan đái tháo đường là một tình trạng đe dọa tính mạng do nồng độ ketone cao. Nó phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 1. Nhưng những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng có thể phát triển DKA.
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài
  • Rối loạn sử dụng rượu, có thể gây nhiễm toan ceton do rượu
  • Rối loạn ăn uống và đói kéo dài
  • Một số bệnh tiêu hóa
  • Ăn “chế độ ăn keto”, ít carbohydrate (thực phẩm cung cấp glucose để tạo năng lượng)
  • Tập thể dục quá sức trong thời gian dài
  • Thai kỳ
  • Dưới đây là bảng chỉ số đánh giá trong máu bạn có thể tham khảo:

    Bạn cần lưu ý thăm khám bác sĩ sớm khi chỉ số bắt đầu ở mức độ vừa đến trung bình.

    Khi nào người bệnh tiểu đường nên làm xét nghiệm ketone trong nước tiểu?

    Sau khi thăm khám bác sĩ, bạn sẽ được tư vấn về thời gian và tần suất nên kiểm tra ketone. Bạn nên xét nghiệm nếu gặp phải các dấu hiệu như:

  • Mệt mỏi kéo dài
  • Hơi thở mùi trái cây
  • Đường trong máu cao hơn 300 mg/dl
  • Cảm thấy buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng
  • Nhầm lẫn, hoặc khó suy nghĩ nhanh như bình thường
  • Thường xuyên cảm thấy khát nước hoặc bị khô miệng
  • ketone

    Đối với người bị bệnh, cảm lạnh, cúm hoặc nhiễm trùng, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo nên kiểm tra mức độ ketone sau mỗi 4 – 6 giờ, vì bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh DKA. Đối với người vừa được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường nên xét nghiệm 2 lần/ngày để đảm bảo dùng liều lượng insulin chính xác.

    Cách xử lý ketone tăng cao

    Việc điều trị nồng độ ketone cao có thể giúp bạn các vấn đề do DKA. Bạn cần thực hiện đủ theo chỉ định bác sĩ để duy trì mức độ vừa phải. Phương pháp điều trị có thể bao gồm:

    • Truyền tĩnh mạch thay thế (IV): Một triệu chứng của DKA là đi tiểu nhiều, có thể dẫn đến mất nước. Việc bù nước bằng chất lỏng đường tiêm có thể giúp làm loãng lượng glucose dư thừa trong máu của bạn.

    • Bổ sung điện giải: Khi một người bị DKA, nồng độ chất điện giải sẽ có xu hướng thấp hơn bình thường, bao gồm kali, natri và clorua. Nếu mất quá nhiều chất điện giải này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của tim và cơ bắp.

    • Tiêm insulin: Trong tình huống khẩn cấp, mọi người thường được cung cấp insulin để cải thiện khả năng sử dụng glucose dư thừa trong máu lấy năng lượng. Điều quan trọng là bạn cần kiểm tra mức glucose hàng giờ. Khi nồng độ ketone và axit trong máu bắt đầu trở lại bình thường, bạn sẽ tiếp tục chế độ điều trị bằng insulin với liều lượng bình thường.

    Cách phòng ngừa ketone tăng cao

    ketone

    Việc kiểm soát tốt bệnh tiểu đường là chìa khóa để ngăn chặn mức độ ketone cao. Bạn hãy thực hiện những cách sau để giữ cho lượng đường trong máu khỏe mạnh và sản xuất ketone ở mức tối thiểu:

    • Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên: bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn trong các trường hợp sau: bị ốm, lượng đường trong máu đang tăng lên, có triệu chứng đường huyết cao hoặc thấp.

    • Thực hiện kế hoạch ăn kiêng lành mạnh: Bạn hãy quản lý lượng carbohydrate tiêu thụ và liều insulin sử dụng, đây là yếu tố quan trọng để quản lý bệnh tiểu đường. Bạn hãy thảo luận cùng bác sĩ để được đưa ra một chế độ ăn uống hợp lý nhất.

    Xem thêm

    Ketone đã được chú ý trong những năm gần đây nhờ vào sự phổ biến của chế độ ăn kiêng keto, trong đó chế độ ăn ít carbohydrate sẽ khiến cơ thể đốt cháy chất béo nhiều hơn thay vì carbohydrate.Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về lợi ích của chế độ ăn kiêng keto, bên cạnh đó, bạn có thể gặp một số rủi ro như tăng nồng độ acid trong máu và suy giảm cơ bắp.

    Việc kiểm tra ketone có thể dễ dàng thực hiện tại nhà, bạn nên kiểm tra định kỳ và đặc biệt thường xuyên hơn nếu bạn mắc bệnh tiểu đường. Điều quan trọng là bạn hãy thực hiện các biện pháp duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh kết hợp cùng tập luyện, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp tránh được các mối nguy hiểm do lượng ketone tăng cao gây ra.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 12/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo