backup og meta

Xét nghiệm Triple test là gì? Quy trình thực hiện và cách đọc kết quả

Xét nghiệm Triple test là gì? Quy trình thực hiện và cách đọc kết quả

Việc thực hiện các xét nghiệm trong quá trình mang thai là điều vô cùng cần thiết đối với mẹ bầu, trong đó, xét nghiệm Triple test được khuyến cáo thực hiện cho phụ nữ mang thai để đảm bảo thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Vậy, xét nghiệm Triple test là gì?

Để hiểu rõ xét nghiệm Triple test là gì, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Xét nghiệm Triple test là gì?

Xét nghiệm Triple test là một xét nghiệm máu ở mẹ bầu, được thực hiện trong thai kỳ để kiểm tra và sàng lọc dị tật thai nhi. Đây là một xét nghiệm không xâm lấn và chỉ là một xét nghiệm sàng lọc, không phải là xét nghiệm chẩn đoán. Triple test có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ tuần thứ 15 đến tuần thứ 22 của thai kỳ. Tuy nhiên, để có được kết quả sàng lọc chính xác nhất, xét nghiệm Triple test nên được thực hiện giữa tuần thứ 16 và 18 của thai kỳ. 

Bạn có hiểu ý nghĩa xét nghiệm Triple test là gì? Tên gọi của xét nghiệm Triple Test dựa vào việc kiểm tra và định lượng nồng độ 3 chất trong máu phụ nữ mang thai, bao gồm:

  • Alpha-fetoprotein (AFP): Một loại protein được sản xuất bởi bào thai. Nồng độ AFP có thể chỉ ra một số dị tật tiềm ẩn nhất định, chẳng hạn như dị tật ống thần kinh.
  • Kích tố sinh dục màng đệm của người (Beta human Chorionic Gonadotropin – β-hCG): Một loại hormone được sản xuất bởi nhau thai. Nồng độ β-hCG thấp có thể cho thấy các vấn đề tiềm ẩn đối với thai kỳ, bao gồm nguy cơ sảy thai hoặc thai ngoài tử cung. Nồng độ β-hCG cao có thể cho thấy thai trứng hoặc đa thai từ 2 con trở lên.
  • Unconjugated estriol (uE3): Một loại estrogen do cả bào thai và nhau thai sản xuất. Mức estriol thấp có thể cho thấy nguy cơ sinh trẻ mắc hội chứng Down, đặc biệt là khi kết hợp với mức AFP thấp và mức hCG cao.

Mục đích của xét nghiệm Triple test là gì?

Giãn bể thận ở thai nhi

Nếu bạn vẫn chưa biết vì sao nên làm xét nghiệm Triple test, hãy đọc tiếp những thông tin mà Hello Bacsi chia sẻ dưới đây để biết mục đích của xét nghiệm Triple test là gì.

Mục đích của xét nghiệm Triple test là để sàng lọc các dị tật ống thần kinh, hội chứng Down và hội chứng Edward có thể xảy ra ở thai nhi đang phát triển. Cần lưu ý rằng xét nghiệm Triple test chỉ được dùng để sàng lọc nguy cơ trẻ mắc một số dị tật bẩm sinh cao hay thấp, không phải dùng để chẩn đoán liệu trẻ có bị dị tật bẩm sinh hay không. 

Việc thực hiện xét nghiệm Triple Test kết hợp với các phương pháp thăm dò chẩn đoán như siêu âm và chọc ối có thể giúp:

  • Phát hiện tới 85% các dị tật ống thần kinh thai nhi.
  • Phát hiện tới 60 – 70% thai nhi mắc hội chứng Down và hội chứng Edward.

Mục đích của xét nghiệm Triple test là gì? Ngoài ra, xét nghiệm Triple Test cũng có thể giúp xác định các cặp song sinh hoặc sinh ba, phát hiện một số bất thường khác có thể có và cảnh báo cho bác sĩ về nguy cơ gia tăng các biến chứng thai kỳ khác.

Đối tượng cần làm xét nghiệm Triple test

Khi đã biết xét nghiệm Triple test là gì và mục đích của phương pháp này, cùng tìm hiểu đối tượng của xét nghiệm Triple test là ai. Thực tế, tất cả phụ nữ mang thai đều nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc Triple test, bất kể độ tuổi mang thai hay tiền sử gia đình. Tuy nhiên, đối tượng thường được các bác sĩ sản khuyến nghị làm xét nghiệm Triple test nhất là:

  • Phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên
  • Phụ nữ mang thai có tiền sử gia đình bị dị tật bẩm sinh hoặc có các vấn đề di truyền
  • Phụ nữ mang thai bị tiểu đường và sử dụng insulin
  • Phụ nữ mang thai đã tiếp xúc với mức độ bức xạ cao
  • Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus trong thai kỳ
  • Phụ nữ mang thai từng uống thuốc trước khi sinh và gặp phải các tác dụng phụ

Xét nghiệm Triple test là gì? Quy trình làm xét nghiệm Triple test ra sao?

xét nghiệm triple test

Nếu bạn muốn biết quy trình thực hiện xét nghiệm Triple test ra sao cũng như những điều nên chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm Triple test là gì, đừng bỏ qua bài viết này.

Không giống như những phương pháp xét nghiệm máu khác, xét nghiệm Triple test không yêu cầu nhịn ăn hay nhịn uống. Do đó, phụ nữ mang thai có thể ăn uống trước khi làm xét nghiệm Triple test. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy báo với bác sĩ, vì một số thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm và cần được ngưng một thời gian cho đến khi xét nghiệm xong. 

Các bước thực hiện xét nghiệm Triple test là gì? Vì đây là một xét nghiệm không xâm lấn, nên xét nghiệm Triple test rất an toàn đối với mẹ bầu và thai nhi. Trong quá trình xét nghiệm, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ làm sạch vùng da trên cánh tay của thai phụ, sau đó dùng một dây cao su hay garo để thắt chặt cánh tay, giúp việc tìm tĩnh mạch dễ dàng hơn. Tiếp đến, nhân viên y tế sẽ đưa kim tiêm vào tĩnh mạch của mẹ bầu để lấy máu. Vết tiêm sẽ được làm sạch bằng bông gòn y tế và được dán băng keo cá nhân.

Mẫu máu lấy ra sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra và đánh giá. Kết quả xét nghiệm thường có trong vòng 48 – 96 giờ. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể đề nghị mẹ bầu làm thêm các xét nghiệm khác như siêu âm và chọc ối.

Cách đọc kết quả xét nghiệm Triple test

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm Triple test là gì? Kết quả xét nghiệm Triple test được đánh giá dựa vào nồng độ của AFP, β-hCG và estriol:

  • Nếu hàm lượng AFP cao: Thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật ống thần kinh, chẳng hạn như tật nứt đốt sống hoặc thiếu một phần não bộ (thai vô sọ). Tuy nhiên, hàm lượng AFP cao cũng không nhất thiết chỉ ra rằng bé bị dị tật ống thần kinh, vì nồng độ AFP còn phụ thuộc vào tuổi của thai nhi đang phát triển. Do đó, AFP cao còn có thể do mang thai đôi, chảy máu âm đạo và sự hiện diện của các dị tật bẩm sinh ít phổ biến hơn.
  • Nếu hàm lượng AFP thấp và nồng độ β-hCG trong máu cao: Thai nhi có nguy cơ cao bị hội chứng Down.
  • Nếu hàm lượng AFP thấp và nồng độ β-hCG và estriol cũng thấp: Thai nhi có nguy cơ cao bị hội chứng Edward.

Tuy nhiên, để chẩn đoán liệu thai nhi có mắc các dị tật bẩm sinh này hay không, cần kết hợp kết quả xét nghiệm Triple test với các thông tin như tuổi mẹ, tuổi thai, cân nặng, chủng tộc và tình trạng bệnh tiểu đường… và đặc biệt sử dụng những phương pháp khác như siêu âm, chọc ối…

Điều rất quan trọng cần nhớ là xét nghiệm Triple test là một xét nghiệm sàng lọc và sẽ không cho biết chắc chắn rằng thai nhi có vấn đề hay không. Nghĩa là, kết quả xét nghiệm Triple test bất thường không có nghĩa là trẻ bị dị tật bẩm sinh. Và ngược lại, kết quả âm tính không có nghĩa là thai nhi không bị khuyết tật ống thần kinh, hội chứng Down hoặc hội chứng Edward. Một số dị tật bẩm sinh sẽ không được phát hiện bằng xét nghiệm Triple test.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn xét nghiệm Triple test là gì.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Triple Screening in Pregnancy—What It Is and What to Expect https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2002/0301/p922.html Ngày truy cập: 17/08/2022

The triple test as a screening technique for Down syndrome: reliability and relevance https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2971727/ Ngày truy cập: 17/08/2022

Triple screening https://radiopaedia.org/articles/triple-screening Ngày truy cập: 17/08/2022

Understanding the Triple Test https://www.sonoraquest.com/patient/knowledge-center/understanding-the-triple-test/ Ngày truy cập: 17/08/2022

Triple Marker Screen Test | Definition and Patient Education https://www.healthline.com/health/triple-marker-screen-test Ngày truy cập: 17/08/2022

What is the Triple Screen in Pregnancy? https://www.news-medical.net/health/What-is-the-Triple-Screen-in-Pregnancy.aspx Ngày truy cập: 17/08/2022

Triple Marker Test – Normal Range, Procedure, Results & More https://www.portea.com/labs/diagnostic-tests/triple-marker-test-238/ Ngày truy cập: 17/08/2022

Phiên bản hiện tại

28/08/2022

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Xét nghiệm Double test là gì? Khi nào thực hiện và quy trình ra sao?

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ - Những điều mẹ bầu cần tìm hiểu


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 28/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo