Đau bụng là tình trạng phổ biến khi mang thai, đặc biệt là càng về cuối thai kỳ khi tử cung ngày càng lớn. Trong đó, bà bầu bị đau bụng trên từng cơn là một trong những vấn đề được nhiều mẹ quan tâm. Vì sao tình trạng này xảy ra và mẹ bầu nên làm thế nào?
Bà bầu đau bụng trên rốn thường do ảnh hưởng của quá trình mang thai và không nguy hiểm. Tuy nhiên, vùng bụng trên rốn và dưới xương sườn cũng là vị trí của nhiều cơ quan như dạ dày, gan, tụy, túi mật, lá lách… Vì vậy, đôi khi cảm giác đau ở bụng trên trong thai kỳ cũng có thể liên quan đến một bệnh lý nào đó nên mẹ cần lưu ý. Những thông tin trong bài viết sau đây của Hello Bacsi sẽ giúp mẹ nhận biết sớm các vấn đề có thể xảy ra và có hướng xử lý, chăm sóc sức khỏe khi mang thai đúng cách.
Nguyên nhân bà bầu bị đau bụng trên từng cơn
Nhiều mẹ bầu thường băn khoăn bà bầu bị đau bụng trên từng cơn là do đâu? Câu trả lời là mẹ bầu bị đau bụng trên có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Việc xác định được nguyên nhân là bước đầu tiên giúp mẹ cải thiện tình trạng này hiệu quả.
1. Nguyên nhân sinh lý
Khi mang thai, cơ thể mẹ trải qua nhiều thay đổi để phù hợp với sự phát triển của em bé. Điều này có thể dẫn đến một số triệu chứng trong thai kỳ, chẳng hạn việc bà bầu bị đau bụng trên từng cơn, nhưng thường sẽ không nguy hiểm. Các nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này bao gồm:
- Áp lực do tử cung phát triển: Thai nhi ngày càng lớn sẽ khiến tử cung mở rộng tạo áp lực lên rốn và vùng bụng gây ra những cơn đau.
- Căng da: Tử cung ngày càng lớn cũng có thể gây căng da và cảm giác này có thể kéo dài đến vùng bụng trên. Tuy nhiên, căng da chỉ có thể gây đau bên ngoài chứ không phải sâu bên trong bụng. Vì vậy, việc xoa bóp, thoa kem dưỡng hoặc tắm nước ấm có thể giúp giảm bớt sự khó chịu.
- Đau và căng cơ bụng: Đây là nguyên nhân phổ biến gây đau bụng trên. Đối với mẹ bầu, căng cơ bụng là vấn đề không thể tránh khỏi khi thai nhi ngày càng phát triển. Do áp lực của tử cung đối với dạ dày và cơ ngực, mẹ bầu cũng có thể cảm thấy đau khi cúi người hoặc nâng một số đồ vật.
- Co thắt chuyển dạ: Các cơn co thắt để chuyển dạ thật sự thường bắt đầu ở phần trên của bụng. Vì vậy, nếu bà bầu bị đau bụng trên từng cơn trong giai đoạn cuối thai kỳ thì có thể là dấu hiệu sắp chuyển dạ.
- Mẹ bầu ăn quá nhiều: Trong một số trường hợp, việc mẹ bầu ăn quá nhiều thức ăn trong một lần thay vì chia nhỏ bữa ăn có thể khiến dạ dày phình to hơn và gây đau.
2. Nguyên nhân bệnh lý
Đôi khi, bà bầu bị đau bụng trên từng cơn cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nào đó trong thai kỳ, từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Một số vấn đề này bao gồm:
2.1. Trào ngược axit dạ dày thực quản
Trào ngược axit dạ dày thực quản là một tình trạng phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Bởi vì khi mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng lên gây giãn các cơ đường ruột làm chậm quá trình tiêu hóa và góp phần gây ra chứng trào ngược axit. Đồng thời, áp lực của tử cung lên dạ dày ngày càng lớn cũng khiến axit dễ trào ngược ra ngoài hơn.
Điều này gây ra ợ nóng, ợ chua, đau vùng bụng trên… Cơn đau có thể lan đến ngực, cổ họng kèm theo cảm giác nóng rát. Để cải thiện tình trạng này, các mẹ bầu có thể áp dụng một số giải pháp như:
- Chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn trước giờ đi ngủ ít nhất khoảng 3 giờ
- Tránh vừa ăn vừa uống
- Kê cao đầu khi ngủ
- Mặc trang phục rộng rãi
- Tránh rượu bia, thuốc lá, caffeine
- Tránh các món dầu mỡ, cay, tránh đồ ăn thức uống có tính axit.
Nếu các triệu chứng trào ngược axit dạ dày khi mang thai trở nên nghiêm trọng, mẹ bầu nên đi khám để được điều trị hiệu quả.
2.2. Bà bầu bị đau bụng trên từng cơn do táo bón, đầy hơi
Khoảng 75% phụ nữ mang thai có thể bị táo bón vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Trong đó, việc bổ sung sắt, chế độ ăn ít chất xơ, thiếu chất lỏng và sự thay đổi hormone đều được xem là những nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ bị táo bón. Bên cạnh đó, càng về cuối thai kỳ, tử cung càng to ra sẽ gây áp lực lên ruột và khiến mẹ gặp khó khăn trong việc đi tiêu.
Vì vậy, nếu bạn đang trải qua tình trạng này hoặc lo rằng mình có nguy cơ thì đừng bỏ qua một số lời khuyên sau đây để cải thiện vấn đề táo bón khi mang thai, bao gồm:
- Uống nhiều nước hơn
- Ăn các bữa nhỏ, chú ý bổ sung các loại trái cây và rau củ giàu chất xơ
- Tập thể dục đều đặn
- Nếu táo bón nghiêm trọng và diễn ra thường xuyên, mẹ bầu có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc nhuận tràng để đi tiêu dễ dàng hơn.
2.3. Đau bụng trên khi mang thai do các vấn đề về túi mật
Mẹ bầu đau bụng trên rốn là do đâu? Việc mẹ bầu bị đau ở vùng bụng trên bên phải, dưới hoặc gần xương sườn có thể do các vấn đề ở túi mật. Nếu bà bầu bị đau bụng trên từng cơn hoặc cũng có thể đau liên tục, nôn mửa, sốt… thì nguyên nhân có thể là do bị sỏi mật. Đối với phụ nữ mang thai, nội tiết tố tăng lên có thể gây ra mức cholesterol cao hơn và làm chậm quá trình làm rỗng túi mật. Điều này dẫn đến việc hình thành sỏi trong túi mật và gây đau.
Nếu nghiêm trọng, sỏi mật có thể gây một số biến chứng như viêm túi mật, tắc nghẽn ống dẫn mật hoặc viêm tụy. Điều trị sỏi mật khi mang thai thường phụ thuộc vào các triệu chứng. Nếu cơn đau không biến mất mà vẫn lặp đi lặp lại thì mẹ cần thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
2.4. Ứ mật thai kỳ
Các nghiên cứu cho thấy rằng nồng độ các hormone estrogen và progesterone tăng cao trong thai kỳ cũng góp phần dẫn đến suy giảm bài tiết mật. Như vậy, khi gan không thể bài tiết mật đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng ứ mật thai kỳ, với các triệu chứng điển hình như:
- Ngứa dữ dội toàn thân, đặc biệt là ở lòng bàn tay và bàn chân
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân có màu nhạt
- Da và tròng trắng của mắt có màu vàng
Một số mẹ bầu cũng có thêm những triệu chứng khác như đau vùng bụng trên, cụ thể là vùng hạ sườn bên phải, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, ăn mất ngon… Ứ mật thai kỳ có thể tiềm ẩn một số rủi ro như tăng nguy cơ thai chết lưu, sinh non, suy hô hấp ở trẻ sau khi sinh, trẻ hít phân su… Vì vậy, mặc dù hiếm gặp nhưng mẹ bầu vẫn nên lưu ý đến nguy cơ bị ứ mật thai kỳ. Nếu gặp tình trạng này, mẹ cần được theo dõi thường xuyên trong suốt quá trình mang thai để bác sĩ có thể can thiệp kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.
2.5. Bà bầu bị đau bụng trên từng cơn do viêm tụy
Bà bầu bị đau bụng trên từng cơn nguyên nhân có thể là do viêm tụy. Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm sưng, đỏ, gây đau. Đây là một tuyến nằm ở phía sau dạ dày, ở vùng bụng trên. Vì vậy, viêm tụy cũng có thể gây đau vùng bụng trên. Cơn đau có thể lan ra sau lưng, đau khi chạm vào bụng và một số triệu chứng khác như sốt, mạch nhanh, buồn nôn, nôn mửa.
Đối với phụ nữ, việc mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp trong thai kỳ. Các yếu tố hoặc nguyên nhân thường gây ra tình trạng này bao gồm mẹ bầu bị sỏi mật, tăng lipid máu, tăng triglyceride trong máu, béo phì hoặc có chế độ ăn nhiều chất béo.
Trên thực tế, viêm tụy tiềm ẩn nhiều rủi ro như tăng nguy cơ sinh non, thậm chí tử vong nhưng các triệu chứng của bệnh thường dễ nhầm lẫn với các vấn đề phổ biến trong thai kỳ. Vì vậy, mẹ bầu nên sớm đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, theo dõi nếu cảm thấy đau bụng trên bất thường. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm tụy khi mang thai mà bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp, an toàn.
2.6. Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân được quan tâm kể trên, bà bầu bị đau bụng trên từng cơn cũng có thể do một số nguyên nhân khác như:
- Vấn đề lá lách, chẳng hạn như lá lách sưng to, vỡ lá lách
- Các vấn đề dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày…
- Tắc nghẽn đường ruột
- Các vấn đề về thận và đường tiết niệu
- Viêm phúc mạc
- Nhạy cảm hoặc dị ứng thực phẩm.
Bà bầu bị đau bụng trên từng cơn nên làm thế nào?
Trong hầu hết trường hợp, mẹ bầu bị đau bụng trên thường do chế độ ăn uống hoặc một số bệnh lý không quá nguy hiểm. Vậy bà bầu bị đau bụng trên từng cơn làm thế nào để giảm nhẹ triệu chứng? Câu trả lời là tùy thuộc vào nguyên nhân mà sẽ có hướng xử lý khác nhau. Thế nhưng nhìn chung, các mẹ bầu có thể áp dụng một số giải pháp được khuyến khích sau đây đối với các trường hợp đau bụng trên không nghiêm trọng:
- Chế độ ăn: Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, mẹ nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để tránh đầy bụng, khó tiêu. Ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng dễ tiêu, tránh các món nhiều gia vị, cay nóng, dầu mỡ, giàu tính axit.
- Vận động thể chất: Mẹ bầu nên tập thể dục nhẹ nhàng, chẳng hạn như các bài tập giãn cơ để giảm căng cơ do áp lực khi tử cung phát triển.
- Tắm nước ấm, chườm ấm và massage: Những việc này cũng có thể xoa dịu cơn đau thông thường do sự thay đổi cơ thể khi mang thai.
- Trang phục: Mẹ bầu nên mặc quần áo, trang phục rộng rãi để đảm bảo sự thoải mái, tránh cọ xát hoặc siết chặt vào vùng bụng.
- Chú ý nghỉ ngơi đầy đủ: Mẹ bầu nên chú ý nghỉ ngơi nhiều, không làm việc quá sức để tránh căng thẳng, mệt mỏi khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Bà bầu bị đau bụng trên từng cơn: Khi nào cần đi khám?
Bà bầu bị đau bụng trên từng cơn đôi khi cũng là dấu hiệu cảnh báo vấn đề đề bất thường, thậm chí nguy hiểm, đặc biệt là khi không rõ nguyên nhân. Vì vậy, mẹ cần nhập viện nhanh chóng nếu có các triệu chứng sau đây:
- Đau bụng trên dữ dội, đặc biệt là đau bên phải đến mức không chịu đựng được
- Đau bụng kèm chảy máu âm đạo
- Đau bụng kèm sốt, nôn mửa
- Mẹ bầu có biểu hiện của tình trạng huyết áp cao như chóng mặt, khó thở, nhức đầu, mệt mỏi…
- Vàng da và lòng trắng của mắt
- Ngoài các vấn đề sức khỏe, đau bụng trên kèm theo các cơn co thắt xuất hiện với tần xuất tương đối đều nhau cũng cần được lưu ý vì đây là dấu hiệu cho thấy mẹ sắp sinh.
Mặc dù bà bầu bị đau bụng trên từng cơn khi mang thai là vấn đề thường gặp và ít khi nguy hiểm nhưng điều này không có nghĩa là các mẹ bầu được chủ quan. Vì có nhiều nguyên nhân gây đau bụng trên khi mang thai nên khi cảm thấy lo lắng, cách tốt nhất là mẹ nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách nhé!
[embed-health-tool-due-date]