backup og meta

Có thai lại sau thai lưu 2 tháng có sao không? Mẹ cần lưu ý gì về thai kỳ?

Có thai lại sau thai lưu 2 tháng có sao không? Mẹ cần lưu ý gì về thai kỳ?

Với một số người, mang thai và sinh con đôi khi không phải là chuyện dễ dàng. Trong đó, tình trạng thai lưu chính là một trong những lý do khiến cho người mẹ không thể hoàn thành thiên chức của mình.

Nhưng mẹ ơi, mẹ đừng lo lắng nữa nhé! Mẹ hoàn toàn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh sau khi bị thai lưu đấy. Hãy đọc ngay bài viết này để hiểu thêm về việc có thai lại sau thai lưu 2 tháng nhé!

Tình trạng thai lưu sẽ không xảy ra lần nữa nếu mẹ xác định rõ nguyên nhân và tìm phương pháp xử lý. Vì thế, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này!

Nguyên nhân gây ra tình trạng thai lưu

Thực tế, tình trạng này gây ra bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm nguyên nhân tác động từ bên ngoài lẫn bên trong cơ thể:

  • Thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể, dị tật
  • Bất thường nhau thai, dây rốn
  • Bong nhau thai quá sớm (chấn thương, tiền sản giật)
  • Mẹ bầu có bệnh lý như: tiểu đường, cao huyết áp
  • Mẹ bầu hoặc người thân có bệnh máu khó đông
  • Bệnh lý ứ mật thai kỳ
  • Thai nhi thiếu dinh dưỡng
  • Mẹ bầu bị nhiễm trùng
  • Mẹ hút thuốc, nghiện rượu, dùng chất kích thích trong thời gian mang thai
  • Tác nhân ngoài môi trường (hóa chất độc hại).

Có thể bạn cần quan tâm: Nguyên nhân thai lưu nào thường gặp? Tìm hiểu để ngăn ngừa rủi ro

Xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân thai lưu

Có thai lại sau thai lưu 2 tháng 1

Làm sao để biết nguyên nhân thai lưu? Sau khi bác sĩ xử lý thai lưu, bác sĩ sẽ xét nghiệm nhau thai, dây rốn, thai nhi để tìm ra nguyên nhân lưu thai chính xác nhất của mẹ bầu là gì. Những xét nghiệm đó có thể bao gồm:

  • Nước ối: Bác sĩ sẽ lấy một ít nước ối để xác định những rối loạn di truyền, những dị tật bẩm sinh…
  • Khám nghiệm tử thi: Đây là xét nghiệm thi thể của bé sau khi được lấy ra khỏi cơ thể người mẹ. Trong quá trình khám nghiệm tử thi, bác sĩ sẽ kiểm tra các cơ quan của bé để tìm các dấu hiệu dị tật bẩm sinh hoặc các tình trạng khác.
  • Các xét nghiệm di truyền: Việc thực hiện các xét nghiệm này là nhằm kiểm tra các tình trạng di truyền gây nguy hiểm đến sức khỏe của thai nhi.
  • Các xét nghiệm tìm nhiễm trùng: Những xét nghiệm này thường được thực hiện trên em bé hoặc nhau thai của người mẹ.

Ngoài việc thực hiện xét nghiệm nhằm đánh giá các tình trạng bệnh lý và rối loạn di truyền với người mẹ và bé, bác sĩ cũng sẽ xem xét tiền sử sức khỏe những thành viên khác trong gia đình và bất kỳ vấn đề hoặc bệnh lý mẹ gặp phải khi mang thai. Tiền sử sức khỏe những thành viên khác trong gia đình sẽ bao gồm người chồng và bố mẹ ở hai bên gia đình.

Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân và khả năng mang thai trong tương lai của người mẹ. Ngay cả khi kết quả xét nghiệm không tìm ra nguyên nhân gây ra thai lưu thì điều này cũng có thể giúp mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe và vấn đề gây thai lưu của mình là gì.

Thai lưu sau bao lâu nên có thai lại? Có thai lại sau thai lưu 2 tháng liệu có nguy hiểm?

Thực tế, khi gặp tình trạng thai lưu thì thời gian tối thiểu để có thai lại mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe sẽ là 6 tháng đối với trường hợp lấy thai theo ngả âm đạo. Còn với những mẹ phải phẫu thuật lấy thai thì thời gian sẽ lâu hơn. Khoảng thời gian 6 tháng này là để sức khỏe tinh thần và thể chất được hồi phục hoàn toàn vì sau khi lấy thai lưu ra, sức khỏe người mẹ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Sau khi lấy thai, mẹ nên lưu ý và tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ.

Đối với trường hợp quan hệ tình dục sau thai lưu, tốt nhất thì mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ vì mỗi mẹ có tốc độ phục hồi khác nhau. Thông thường, mẹ hoàn toàn có thể quan hệ tình dục sau khi tái khám lấy thai lưu và bác sĩ không hề cảnh báo về việc này – thời gian dao động sẽ khoảng 6 tuần.

Tuy nhiên, hiện nay không thiếu trường hợp có thai lại sau thai lưu quá sớm vì vỡ kế hoạch. Đó là lý do nhiều mẹ thắc mắc có thai lại sau thai lưu 1 tháng có sao không? hoặc có thai lại sau thai lưu 2 tháng có nguy hiểm không? Thực chất, đây là khoảng thời gian rất ngắn so với khuyến nghị nên mẹ cần thận trọng về lối sinh hoạt và quá trình dưỡng thai của mình. Mẹ đừng quá lo lắng nhé, chỉ cần tuân thủ đầy đủ lịch khám thai và ăn uống, nghỉ ngơi đúng thì bé sẽ ổn thôi! Hãy đọc tiếp phần sau để lên một kế hoạch hoàn chỉnh cho việc có thai lại sau thai lưu 2 tháng.

Có thể bạn quan tâm: Mang thai sau khi sảy thai: Đâu là thời điểm tốt nhất và phải làm gì để có một thai kỳ khỏe mạnh?

Phải làm gì khi có thai lại sau thai lưu 2 tháng? 5 lưu ý không thể bỏ qua

Có rất nhiều mẹ băn khoăn về câu hỏi: Liệu thai lưu có ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi của lần mang thai sau? Câu trả lời hoàn toàn là không! Mẹ hoàn toàn có thể mang thai và sinh con thành công sau thai lưu nếu tìm ra được nguyên nhân thai lưu ở lần mang thai trước và tuân thủ theo lời dặn bác sĩ. Hãy lập kế hoạch cho việc có thai lại sau thai lưu 2 tháng cùng Hello Bacsi nhé!

1. Tham vấn ý kiến bác sĩ

Có thai lại sau thai lưu 2 tháng 2

Việc mang thai lại sau thai lưu quả là điều đáng mừng. Tuy nhiên, mẹ nên tham vấn ý kiến bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh như ý nhé! Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm và nguyên nhân của lần thai lưu trước để đưa ra tư vấn về việc mang thai lần này của mẹ. Nếu nguyên nhân là do một số bệnh lý của người mẹ, bác sĩ sẽ cân nhắc việc chữa trị trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.

2. Khám thai định kỳ

Nếu từng bị thai lưu, mẹ sẽ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn trong việc khám thai định kỳ – đặc biệt là những mẹ có thai lại sau thai lưu 2 tháng. Việc khám thai định kỳ sẽ giúp bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của mẹ và bé. Song song đó, khi thai nhi có dấu hiệu bất thường thì bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị sớm.

3. Có mức cân nặng hợp lý trước khi mang thai

Thừa cân, béo phì sẽ dẫn đến những bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp… Những bệnh lý này chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thai lưu. Vì thế, để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ hãy cố gắng giữ cho trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý nhé!

4. Không hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất kích thích hoặc các loại thuốc có thể gây hại đến thai nhi

Mẹ bầu hút thuốc và dùng chất kích thích sẽ tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba nguy cơ thai lưu. Để đảm bảo sức khỏe thai nhi được khỏe mạnh, mẹ hãy tránh xa thuốc lá – kể cả khi mẹ là đối tượng hút thuốc thụ động – và chất kích thích. Ngoài ra, việc uống rượu và sử dụng thức uống có cồn sẽ tăng nguy cơ sẩy thai, thai lưu, sinh non và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Mẹ cũng cần lưu ý đến những loại thuốc mẹ dùng vì chúng cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng thai lưu. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những loại thuốc này để giúp mẹ có một thai kỳ mạnh khỏe nhé!

5. Giữ một tinh thần lạc quan, vui vẻ

Khi đã trải qua nỗi đau mất con, tâm trạng người phụ nữ ít nhiều bị ảnh hưởng – kể cả khi thai lưu đã xảy ra từ rất lâu về trước. Mẹ hãy cố gắng giữ cho mình một tinh thần lạc quan, đừng để nỗi ám ảnh khiến mẹ lo lắng, mất dần niềm tin. Nếu cảm thấy cô đơn, lạc lõng và lo sợ, mẹ hãy trò chuyện với chồng, bạn bè, người thân hay đồng nghiệp… Việc đọc một vài quyển sách, nghe nhạc và vận động nhẹ nhàng sẽ giúp tinh thần mẹ lạc quan hơn đấy!

Để thực sự trả lời cho câu hỏi: Có thai lại sau thai lưu 2 tháng liệu có nguy hiểm? Câu trả lời phần lớn sẽ phụ thuộc vào chính mẹ. Khi tinh thần và thể chất của mẹ đã hoàn toàn hồi phục và nguyên nhân gây thai lưu có thể được kiểm soát thì việc mang thai lại là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, để cho sức khỏe được đảm bảo thì mẹ vẫn nên đợi ít nhất 6 tháng nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What are possible causes of stillbirth? https://www.nichd.nih.gov/health/topics/stillbirth/topicinfo/causes Ngày truy cập: 08/07/2021

Tobacco, drug use in pregnancy can double risk of stillbirth https://www.nih.gov/news-events/news-releases/tobacco-drug-use-pregnancy-can-double-risk-stillbirth Ngày truy cập: 08/07/2021

Prenatal Alcohol Exposure and Miscarriage, Stillbirth, Preterm Delivery, and Sudden Infant Death Syndrome https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3860553/ Ngày truy cập: 08/07/2021

STILLBIRTH https://www.marchofdimes.org/complications/stillbirth.aspx Ngày truy cập: 08/07/2021

Phiên bản hiện tại

23/05/2022

Tác giả: Phối Linh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Bí quyết chọn serum cho bà bầu: Làm đẹp an toàn trong thai kỳ

10 điều nên làm nếu bạn có kế hoạch mang thai


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 23/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo