backup og meta

Hiểu về cách phân độ suy hô hấp trong chẩn đoán và điều trị

Hiểu về cách phân độ suy hô hấp trong chẩn đoán và điều trị

Hệ hô hấp chịu trách nhiệm cung cấp oxy và loại bỏ carbon dioxide khỏi cơ thể nhằm duy trì hoạt động sống bình thường cho chúng ta. Khi cơ thể không thể thực hiện một hoặc cả hai nhiệm vụ này sẽ dẫn đến suy hô hấp. Dấu hiệu suy hô hấp có thể nhẹ hoặc đe dọa tính mạng. Trong chẩn đoán, người ta thường phân độ suy hô hấp dựa theo nhiều tiêu chí để có hướng tiếp cận điều trị phù hợp.

Vậy, suy hô hấp được phân loại thế nào, có bao nhiêu cấp độ? Cùng tìm hiểu ngay!

Phân loại suy hô hấp theo những tiêu chí nào?

Có nhiều tiêu chí được đánh giá ở bệnh nhân suy hô hấp. Dựa vào các tiêu chí khác nhau, suy hô hấp cũng được phân loại theo nhiều cách:

  • Theo cách bệnh tiến triển: Xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc tiến triển theo thời gian (mạn tính).
  • Theo áp lực riêng phần của O2 (PaO2) và CO2 (PaCO2) trong máu động mạch: Thiếu oxy hoặc tăng carbon dioxide.
  • Phân độ suy hô hấp (phân loại theo mức độ):
    • Suy cấp độ 1: Thiếu oxy (khó thở) khi lao động cơ bắp ở cường độ cao mà trước đó cơ thể vẫn thực hiện được dễ dàng.
    • Suy cấp độ 2: Giảm pO2 máu động mạch khi lao động vừa.
    • Suy cấp độ 3: Giảm pO2 máu động mạch khi lao động nhẹ.
    • Suy cấp độ 4: Giảm pO2 máu động mạch ngay cả khi nằm nghỉ.

Phân độ suy hô hấp ở người lớn

Suy hô hấp thường được phân thành hai loại: suy hô hấp do thiếu oxy và suy hô hấp tăng CO2. Ngoài ra, còn có các loại khác bao gồm suy hô hấp liên quan đến phẫu thuật và suy hô hấp do sốc ít gặp hơn.

1. Phân độ suy hô hấp do thiếu oxy

Suy hô hấp do thiếu oxy xảy ra khi bạn không có đủ oxy trong máu (giảm oxy máu). Đặc điểm phân biệt của suy hô hấp do thiếu oxy là áp lực riêng phần của oxy (PaO2) < 60 mmHg, áp lực riêng phần của carbon dioxide (PaCO2) bình thường hoặc giảm. 

Bệnh lý tim và phổi là những nguyên nhân phổ biến nhất. Nguyên nhân gây bệnh được chia thành các nhóm sau đây:

Phân độ suy hô hấp - trao đổi khí tại phế nang

2. Phân độ suy hô hấp do tăng CO2

Suy hô hấp do tăng CO2 được định nghĩa là sự gia tăng lượng carbon dioxide động mạch (PaCO2) > 45 mmHg với pH < 7,35 . PaO2 có thể bình thường hoặc giảm.

Nếu cơ thể không thể loại bỏ CO2 thì sẽ không có chỗ cho các tế bào máu mang oxy. Nguyên nhân gây suy hô hấp tăng CO2 là suy bơm hô hấp và/hoặc tăng sản xuất CO2, bao gồm các bệnh về tim, phổi, cơ, thần kinh và một số loại thuốc.

  • Suy bơm hô hấp: Việc không thể thông khí có thể xảy ra khi một trong các bộ phận của bơm hô hấp bị hỏng (thành ngực, nhu mô phổi, các cơ hô hấp, hệ thần kinh trung ương và ngoại biên). Nguyên nhân do:
    • Giảm điều hòa trung tâm: Thuốc an thần (rượu, benzodiazepin, thuốc phiện) và các bệnh về hệ thần kinh trung ương (viêm não, đột quỵ, khối uchấn thương sọ não).
    • Thay đổi dẫn truyền thần kinh và thần kinh cơ: Bệnh xơ cứng teo cơ một bên, ngộ độc, hội chứng Guillain-Barre, bệnh nhược cơ, bệnh bại liệt, chấn thương tủy sống, uốn ván và viêm tủy cắt ngang.
    • Rối loạn thành ngực và màng phổi: Vẹo ngực, gù vẹo cột sống, căng phồng quá mức, tràn dịch màng phổi lượng lớn, béo phì và phẫu thuật tạo hình lồng ngực.
    • Khoảng chết thông khí: Hội chứng suy hô hấp cấp tính, viêm phế quản, giãn phế quản, khí phế thũng và tắc mạch phổi. 
    • Bất thường về cơ: Liệt cơ hoành, teo cơ lan tỏa, loạn dưỡng cơ và vỡ cơ hoành.
  • Khoảng chết tăng: Thở nhanh (Tachypnoea)
  • Tăng sản xuất CO2: Xảy ra do sốt, tập thể dục, tăng cường dinh dưỡng, nhiễm trùng huyết và nhiễm độc giáp.
  • Giảm thông khí phế nang tiến triển thành suy hô hấp do tăng nồng độ CO2 trong máu.

3. Phân độ suy hô hấp do phẫu thuật

Đây là một phân nhóm của suy hô hấp do thiếu oxy xảy ra liên quan đến phẫu thuật. Nguyên nhân do:

  • Thuốc gây mê
  • Tư thế nằm ngửa
  • Phản xạ ho
  • Vết mổ bụng trên
  • Cổ trướng
  • Dịch tiết đường thở.

4. Phân độ suy hô hấp do sốc

Đây là một phân nhóm của suy hô hấp do tăng CO2 xảy ra do sốc. Sốc là tình trạng gây ra huyết áp thấp, phù phổi và các vấn đề khác làm nhu cầu trao đổi chất vượt quá mức cơ thể có thể đáp ứng dẫn đến suy hô hấp. Nguyên nhân do:

  • Sốc nhiễm trùng
  • Sốt cao
  • Các biến cố về tim (như đau tim, suy tim)
  • Sốc do mất máu (giảm thể tích tuần hoàn).

Phân độ suy hô hấp ở trẻ em

Ở trẻ em, suy hô hấp được phân thành 3 mức độ:

Độ 1 Độ 2 Độ 3
Hô hấp Nhịp thở tăng < 30% Nhịp thở tăng 30-50% Nhịp thở tăng > 50%
Không co kéo Co kéo cơ hô hấp phụ Thở chậm, không đều, ngưng thở
Tim mạch Nhịp tim nhanh Nhịp tim nhanh Nhịp tim nhanh hay chậm
Huyết áp tăng Huyết áp tăng Huyết áp tăng hay giảm
Tri giác Tỉnh Kích thích, li bì Lơ mơ, mê
Đáp ứng với oxy Không tím với khí trời Không tím khi cho O2 Tím ngay cả khi cung cấp O2
PaO2 (FiO2=21%) 60-80 40 – 60 < 40
Đánh giá Còn bù Còn bù Mất bù

Dấu hiệu suy hô hấp và cách điều trị

Các triệu chứng suy hô hấp có thể khác nhau ở mỗi cá nhân, gồm:

  • Khó thở
  • Thở nhanh
  • Mệt mỏi
  • Nhịp tim nhanh
  • Ho ra máu
  • Vã mồ hôi
  • Bồn chồn
  • Da nhợt nhạt
  • Da, môi, móng tay tím tái, xanh xao
  • Nhức đầu
  • Nhìn mờ
  • Thay đổi trong ý thức và hành vi.

Nếu có các dấu hiệu trên, hãy đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức. Bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và các kỹ thuật cận lâm sàng như chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi), xét nghiệm khí máu động mạch, xét nghiệm chức năng phổi, X-quang ngực thẳng, CT ngực, CT ổ bụng, điện tâm đồ,…  để chẩn đoán, phân độ suy hô hấp và xác định nguyên nhân để điều trị kịp thời.

phân độ suy hô hấp và điều trị

Các phương pháp điều trị suy hô hấp tập trung vào việc kiểm soát nguyên nhân, cung cấp oxy và điều trị hỗ trợ cho đến khi người bệnh có thể tự thở trở lại.

Suy hô hấp cấp tính là trường hợp cấp cứu và cần được điều trị ngay. Suy hô hấp mạn tính thường có thể được điều trị tại nhà bằng cách kiểm soát nguyên nhân gây ra bệnh.

Suy hô hấp là tình trạng phức tạp đến từ nhiều nguyên nhân. Hiểu về cách phân loại tình trạng suy hô hấp theo mức phân độ suy hô hấp, áp lực oxy, carbon dioxide,… có thể giúp bệnh nhân, người thân và nhân viên y tế hiểu hơn về tình trạng bệnh, dễ dàng hơn trong việc tuân thủ điều trị cũng như có các biện pháp chăm sóc phục hồi.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Respiratory Failure in Adults.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK526127/. Ngày truy cập: 19/01/2024

2. Respiratory Failure.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24835-respiratory-failure. Ngày truy cập: 19/01/2024

3. Sinh lý bệnh học. Đại học Y Hà Nội. GS NGUYỄN NGỌC LANH.

4. Acute respiratory failure.
https://www.mcgill.ca/criticalcare/education/teaching/teaching-files/acute-respiratory-failure. Ngày truy cập: 19/01/2024

5. Respiratory failure.
https://www.surgeryjournal.co.uk/article/S0263-9319(09)00195-1/fulltext. Ngày truy cập: 19/01/2024

6. Respiratory Failure.
https://www.nhlbi.nih.gov/health/respiratory-failure. Ngày truy cập: 19/01/2024

7. Chẩn đoán và cấp cứu suy hô hấp cấp. https://bvnguyentriphuong.com.vn/hoi-suc-tich-cuc-chong-doc/chan-doan-va-cap-cuu-suy-ho-hap-cap. Ngày truy cập: 23/01/2024

8. Respiratory Failure. https://medlineplus.gov/respiratoryfailure.html. Ngày truy cập: 23/01/2024

9. Respiratory Failure. https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/respiratory-failure. Ngày truy cập: 23/01/2024

Phiên bản hiện tại

20/02/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Suy hô hấp mạn tính

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 20/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo