Thông qua những câu hỏi về các triệu chứng, tiền sử sức khỏe của cá nhân và gia đình cùng với việc khám lâm sàng, bao gồm khám hệ thần kinh, bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán được bạn có mắc bệnh hay không.
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm thêm một số xét nghiệm để xem hình ảnh chi tiết não và phát hiện khối u, ví dụ như chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Ngoài ra, bạn đôi khi phải chụp hình mạch máu não để bác sĩ xem xét sự phát triển của các khối u và những dị dạng mạch máu.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu sinh thiết để xác định xem khối u não có phải là u ác tính hay không. Phương pháp này được thực hiện bằng cách khoan một lỗ nhỏ ở sọ và đưa một cây kim vào khối u để lấy mẫu về quan sát trong phòng thí nghiệm.
Những phương pháp nào dùng để điều trị u não?
Các bác sĩ có thể dựa trên một số yếu tố sau để quyết định phương pháp điều trị cho bạn:
- Vị trí khối u
- Kích thước khối u
- Loại khối u
- Khối u đã lan rộng chưa
- Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân
- Biến chứng tiềm ẩn
Phương pháp điều trị thường gặp nhất là phẫu thuật. Trong trường hợp khối u nằm ở một số vị trí không thể phẫu thuật để loại bỏ được, bác sĩ sẽ thực hiện hóa trị và xạ trị để thu nhỏ các khối u. Ngoài ra, sau khi phẫu thuật, hóa trị và xạ trị cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Nếu khối u đang ở sâu trong não hoặc ở các khu vực khó tiếp cận được, bác sĩ có thể khuyên bạn nên điều trị bằng dao gamma, một dạng bức xạ với độ tập trung cao.