backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Giãn phế nang có nguy hiểm không và liệu có điều trị được?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 25/11/2021

    Giãn phế nang có nguy hiểm không và liệu có điều trị được?

    Phế nang là các túi khí nhỏ của phổi, có vai trò rất quan trọng trong quá trình trao đổi khí. Khi bị giãn phế nang, các túi khí này mất đi độ co giãn đàn hồi sẽ dẫn đến ảnh hưởng chức năng hô hấp với dấu hiệu dễ nhận biết nhất là khó thở. Không những thế nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

    Vậy nên hãy tìm hiểu xem liệu bệnh này nguy hiểm tới mức nào, làm sao để điều trị hiệu quả cùng Hello Bacsi qua những thông tin sau đây nhé!

    I. Giãn phế nang là gì? 

    Trong phổi bình thường có khoảng 300 triệu phế nang. Đây là những túi khí nhỏ nằm sâu trong phổi, thành mỏng, có tính đàn hồi nhưng rất dễ vỡ. Khi hít vào, các phế nang nở ra để chứa một lượng lớn không khí và lưu thông máu. Khi thở ra, các phế nang co lại và tống cacbon dioxit ra ngoài. 

    Giãn phế nang (hay khí phế thũng) là tình trạng thành của phế nang bị tổn thương, khiến chúng bị mất đi hình dạng và trở nên mềm hơn. Ngoài ra, các phế nang hợp nhất tạo thành túi lớn thay vì nhiều túi nhỏ, làm giảm diện tích trao đổi khí. Hậu quả cuối cùng là phổi khó nhận oxy từ bên ngoài và đẩy khí cacbon dioxit ra ngoài.  

    II. Giãn phế nang có nguy hiểm không? 

    giãn phế nang có nguy hiểm không

    Ở giai đoạn ban đầu, giãn phế nang sẽ ảnh hưởng đến chức năng hít thở làm người bệnh phải thở hổn hển khi làm việc nặng. Dần dần, nó sẽ tiến triển đến mức dù bạn ngồi yên vẫn có dấu hiệu khó thở. Bên cạnh đó, tình trạng ho ra nhiều chất nhầy, tức ngực diễn ra thường xuyên khiến bạn vô cùng mệt mỏi.

    Nếu còn không được can thiệp kịp thời, giãn phế nang còn có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như: 

    • Xẹp phổi (tràn khí màng phổi) dù hiếm gặp nhưng đây là bệnh lý đe dọa đến tính mạng người bệnh, vì đã ảnh hưởng nặng nề đến chức năng phổi. 
    • Các vấn đề về tim mạch vì giãn phế nang có thể làm tăng áp lực trong các động mạch nối tim và phổi. 
    • Các lỗ lớn trên phổi (bullae). Một số bệnh nhân giãn phế nang có thể hình thành một khoảng không khí lớn trong phổi (còn gọi là bullae), với kích thước có thể chiếm đến nửa diện tích phổi. Ngoài việc làm giảm không gian co giãn của phổi, các bullae này còn làm tăng nguy cơ tràn khí màng phổi ở người bị giãn phế nang. 

    IV. Giãn phế nang có khỏi được không? Điều trị ra sao? 

    Bệnh giãn phế nang có nhiều triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với tràn khí màng phổi hay hen phế quản. Do đó, để chẩn đoán chính xác bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám. Họ sẽ khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh của bạn và gia đình. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như:

    • Chẩn đoán hình ảnh gồm chụp X-quang ngực và chụp cắt lớp vi tính (CT)
    • Xét nghiệm máu 
    • Đo nồng độ bão hòa oxy trong máu
    • Đo hô hấp kí hoặc làm xét nghiệm chức năng phổi 
    • Khí máu động mạch
    • Điện tâm đồ (ECG) đôi lúc sẽ được chỉ định. 

    Hiện nay không có cách điều trị dứt điểm giãn phế nang. Các phương pháp điều trị thường giúp làm giảm các triệu chứng, làm chậm tiến triển và ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Các phương pháp này bao gồm: 

    Thay đổi lối sống

    Hút thuốc lá được xem là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về phổi, kể cả giãn phế nang. Do đó, trước hết để phòng ngừa và làm giảm bớt tình trạng giãn phế nang, hạn chế tiếp xúc với các chất khí độc hại cho đường hô hấp là cần thiết. Sau đây là một số lời khuyên dành cho người bị giãn phế nang: 

    • Bỏ hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc tối đa với khói thuốc. 
    • Tránh tiếp xúc với các chất kích thích đường hô hấp như mùi sơn, nước hoa thậm chí mùi nến thơm. 

    Bên cạnh đó, hãy xây dựng chế độ ăn uống đa dạng thực phẩm, đầy đủ dinh dưỡng và hoạt động thể chất mỗi 30 phút hằng ngày để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và cải thiện chức năng hô hấp. Bạn cũng nên bảo vệ phổi khỏi không khí lạnh, luôn giữ ấm cho cơ thể. 

    Điều trị giãn phế nang bằng thuốc

    Tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng giãn phế quản mà bác sĩ có thể đề nghị: 

    • Thuốc giãn phế quản nhờ vào tác động giãn các cơ ở đường thở, mở rộng đường thở mà thuốc giúp cải thiện triệu chứng ho, khó thở. Hầu hết các thuốc này dùng qua đường hít
    • Thuốc steroid dạng hít (dạng khí dung) được sử dụng trong các đợt cấp tính nhằm giúp giảm viêm và các triệu chứng khác của bệnh. 
    • Thuốc kháng sinh được dùng khi người bệnh tiến triển các nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn. 

    Liệu pháp oxy

    Giúp cải thiện các vấn đề về hô hấp đặc biệt là trường hợp giãn phế nang nặng ảnh hưởng chức năng thông khí phổi, làm giảm oxy máu. Liệu pháp oxy sẽ giúp bạn thở tốt hơn. Tùy từng trường hợp mà mỗi người phải thở oxy vào những thời điểm nhất định hoặc cả ngày đêm.

    chẩn đoán giãn phế nang

    Phục hồi chức năng phổi 

    Là chương trình bổ sung để tăng cao hiệu quả điều trị và nâng cao hoạt động thể chất cho bệnh nhân. Chương trình này bao gồm các kỹ thuật tập thở, hướng dẫn quản lý bệnh tại nhà, tư vấn tâm lý kết hợp với liệu pháp dinh dưỡng phù hợp. 

    Phẫu thuật 

    Đây thường là lựa chọn cuối cùng cho bệnh nhân, khi các phương pháp điều trị khác không thuyên giảm bệnh, có thể bao gồm: 

    • Phẫu thuật cắt bỏ các vùng mô phổi bị hư hỏng, không còn chức năng hô hấp. 
    • Loại bỏ những khoảng không lớn trong phổi, hình thành do các túi khí bị vỡ.
    • Phẫu thuật ghép phổi nếu phổi bị tổn thương nghiêm trọng và hoặc thất bại với các phương pháp khác. 

    Giãn phế nang hay các vấn đề về phổi khác thường bị ảnh hưởng chủ yếu do các sinh hoạt không khoa học hằng ngày của bạn. Để bảo vệ sức khỏe của phổi, đừng hút thuốc lá và chủ động đeo khẩu trang ở môi trường làm việc có nhiều khói bụi và hóa chất nhé! 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 25/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo