backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

AHA là gì? Cách dùng AHA cho người mới bắt đầu

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh · Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 08/11/2022

    AHA là gì? Cách dùng AHA cho người mới bắt đầu

    Alpha Hydroxy Acid (AHA) trong mỹ phẩm thường được sử dụng như chất tẩy tế bào chết, làm mịn da, giảm các đốm nâu trên da hoặc tăng sắc tố da. 

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về AHA là gì, công dụng cũng như cách dùng AHA cho người mới bắt đầu bạn nhé!

    AHA là gì?

    Alpha Hydroxy Acid (AHA) là một nhóm axit có nguồn gốc thực vật và động vật được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc da. Các sản phẩm chứa AHA thường có công dụng chống nắng hằng ngày chẳng hạn như serum, toner và kem dưỡng, đôi khi có thể được dùng trong một số sản phẩm peel da khác.

    Có 7 loại AHA thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da, bao gồm:

    • Citric Acid (từ trái cây họ cam quýt)
    • Glycolic Acid (từ đường mía)
    • Hydroxycaproic Acid (từ sữa ong chúa)
    • Hydroxycaprylic Acid (từ động vật)
    • Lactic Acid (từ lactose hoặc cacbohydrat khác)
    • Malic Acid (từ trái cây)
    • Tartaric Acid (từ nho)

    Trong số tất cả các AHA hiện có, Glycolic Acid và Lactic Acid là hai loại AHA có tiềm năng và được nghiên cứu nhiều nhất. Hai loại AHA này cũng ít có khả năng khiến da kích ứng. Do đó, hầu hết các sản phẩm AHA không kê đơn (OTC) đều chứa Glycolic Acid hoặc Lactic Acid.

    aha

    >>> Đọc thêm: AHA là gì? Review 6 sản phẩm chứa AHA và cách sử dụng hiệu quả

    Tác dụng của AHA đối với làn da

    Bên cạnh công dụng tẩy da chết, AHA còn có tác dụng như sau:

    Hãy cùng Hello Bacsi “điểm qua” chi tiết một số công dụng của AHA trong việc chăm sóc da bạn nhé!

    1. Tẩy tế bào chết

    AHA chủ yếu được sử dụng để tẩy tế bào chết trên bề mặt da. Trên thực tế, đây cũng chính là tiền đề cho tất cả những công dụng khác của tẩy da chết AHA.

    Tẩy da chết là việc làm cho các tế bào da trên bề mặt bị bong ra. Điều này giúp loại bỏ các tế bào da chết, đồng thời có khả năng tái tạo bề mặt da mới cho da. Khi bạn ngày càng lớn tuổi, chu kỳ tế bào da tự nhiên sẽ chậm lại, làm cho các tế bào da chết tích tụ. Một khi tế bào da chết tích tụ quá nhiều trên da, chúng có thể khiến làn da bạn trở nên xỉn màu, kém sức sống.

    Sự tích tụ tế bào da chết cũng có thể gây ra các vấn đề về da như: xuất hiện các nếp nhăn, các đốm đồi mồi, hay mụn. Tuy nhiên, không phải tất cả AHA đều có khả năng tẩy tế bào chết như nhau, điều này tùy thuộc vào loại AHA mà bạn đang sử dụng. Thông thường, sản phẩm càng chứa nhiều AHA thì tác dụng tẩy tế bào chết càng mạnh.

    2. Làm sáng da rõ rệt

    Khi bạn dùng AHA tẩy da chết, các tế bào da chết sẽ bị phá vỡ, từ đó giúp sản sinh và tái tạo làn da mới một cách hiệu quả. Sự kết hợp giữa AHA với Glycolic Acid có thể giúp phá vỡ sự tích tụ tế bào da, trong khi các sản phẩm chứa Citric Acid có công dụng giúp làm sáng da.

    3. Thúc đẩy sản xuất collagen

    Collagen là một loại chất xơ giàu protein giúp duy trì cho làn da bạn luôn căng mọng và mịn màng. Khi bạn bắt đầu lớn tuổi, những sợi collagen này sẽ bị phá vỡ. Ngoài ra, tác hại của ánh nắng mặt trời cũng có thể đẩy nhanh quá trình phá hủy collagen, dẫn đến tình trạng da mặt bị chảy xệ và nhão.

    Collagen thường nằm ở lớp giữa của da (lớp hạ bì). Khi lớp trên (biểu bì) bị loại bỏ, các sản phẩm như AHA có thể hoạt động trên lớp hạ bì, giúp thúc đẩy sản xuất collagen bằng cách phá hủy các sợi collagen cũ để thay thế và tái tạo bằng các sợi collagen mới.

    4. Công dụng của AHA: Giảm nếp nhăn 

    Bên cạnh đó, AHA còn được biết đến với công dụng chống lão hóa, và cải thiện nếp nhăn hiệu quả. Theo một nghiên cứu năm 2015, 9 trong số 10 tình nguyện viên sử dụng AHA trong vòng 3 tuần đã có những cải thiện đáng kể về kết cấu da tổng thể.

    Tuy nhiên, AHA chỉ phát huy tác dụng với tình trạng nếp nhăn xuất hiện trên bề mặt, không áp dụng với làn da có nếp nhăn đã hằn sâu. Để trị tình trạng vết nhăn sâu lâu năm, bác sĩ thường sử dụng các biện pháp filler, tái tạo bề mặt da bằng laser để cải thiện các dấu hiệu lão hóa.

    5. Thúc đẩy lưu lượng máu đến da

    AHA có đặc tính chống viêm giúp thúc đẩy lưu lượng máu đến da, đảm bảo các tế bào da nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết thông qua các tế bào hồng cầu giàu oxy. Điều này giúp cải thiện tình trạng da nhợt nhạt và xỉn màu.

    6. Cải thiện tình trạng sạm da

    Bạn sẽ có nguy cơ mắc chứng tăng sắc tố da khi tuổi tác ngày càng cao. Ngoài ra, các đốm nâu phẳng thường được gọi là đốm đồi mồi (lentigines) có thể phát triển do làn da bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Chúng có xu hướng phát triển trên các vùng cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều nhất, chẳng hạn như vùng da ở ngực, tay và mặt của bạn.

    Tình trạng tăng sắc tố da cũng có thể do nám da, tăng sắc tố sau viêm, sẹo mụn để lại,…

    AHA đóng vai trò thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da, giúp da đều màu hơn. Về lý thuyết, việc sử dụng AHA trong thời gian dài có thể hạn chế da sạm màu bằng cách kích thích tế bào cũ thay đổi sắc tố da.

    aha

    7. Điều trị và ngăn ngừa mụn trứng cá

    Bên cạnh Benzoyl Peroxide và các hoạt chất khác giúp trị các vết thâm mụn cứng đầu, AHA cũng có thể dùng để điều trị và ngăn ngừa mụn tái phát.

    Mụn trứng cá thường xuất hiện khi lỗ chân lông bị tắc do sự tích tụ của các tế bào da chết, dầu (bã nhờn) và vi khuẩn. Vì thế, tẩy tế bào chết với AHA giúp làm thông thoáng lỗ chân lông và loại bỏ tắc nghẽn hiệu quả, từ đó ngăn ngừa hình thành mụn.

    AHA cũng có thể giúp thu nhỏ lỗ chân lông, đặc biệt là đối với làn da bị mụn. Sự thay đổi tế bào da từ việc tẩy tế bào chết bằng Glycolic Acid và Lactic Acid có thể làm giảm sẹo mụn. Một số sản phẩm trị mụn cũng chứa các AHA khác, chẳng hạn như Citric Acid và Malic Acid giúp làm dịu làn da bị viêm.

    Bên cạnh sử dụng AHA cho da mặt bị mụn, bạn có thể dùng các sản phẩm AHA lên các vùng da bị mụn khác, bao gồm cả vùng da lưng và ngực. Có thể phải mất từ ​​hai đến ba tháng trước khi bạn bắt đầu thấy hiệu quả mụn giảm đáng kể. Điều quan trọng là bạn cần phải kiên nhẫn và sử dụng đều đặn các sản phẩm trị mụn này. Việc bỏ qua các liệu pháp điều trị mụn hàng ngày khiến bạn phải mất thời gian lâu hơn để thấy được hiệu quả.

    8. Tăng khả năng hấp thụ sản phẩm

    Nếu bạn có quá nhiều tế bào da chết trên da, thì khi bạn thoa kem dưỡng ẩm lên thì phần kem chỉ nằm trên cùng của da, mà không cấp ẩm cho các tế bào da mới bên dưới. Vì thế, AHA như Glycolic Acid có thể phá vỡ lớp tế bào da chết này, tạo điều kiện cho các tế bào da hấp thụ kem dưỡng ẩm tốt hơn.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Hyaluronic Acid là gì? Công dụng của Hyaluronic Acid trong mỹ phẩm

    Nồng độ sử dụng AHA bao nhiêu thì an toàn?

    Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nồng độ an toàn để sử dụng các sản phẩm AHA là dưới 10%, nhằm giảm các tác dụng phụ từ hoạt chất này. Các sản phẩm chứa nồng độ trên 15% thường được sử dụng rộng rãi trong peel mục đích chống lão hoá, trẻ hoá da, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Các sản phẩm chứa nồng độ AHA thấp thường được sử dụng hàng ngày như serum, toner và kem dưỡng ẩm thường chỉ chứa nồng độ AHA dưới 5%. Các sản phẩm ở dạng đặc hơn chẳng hạn như peel da với glycolic acid, được sử dụng ít thường xuyên hơn để giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ.

    Nên sử dụng AHA ở dạng nào tốt hơn?

    Để có thể tận dụng được hiệu quả của AHA đối với da,  AHA ở dạng gel, cream và lotion sẽ giúp thẩm thấu vào da tốt hơn cho da. Riêng với các loại AHA ở dạng sữa rửa mặt chỉ có tác dụng nhất thời và hiệu quả để làm sạch da, nhưng các dưỡng chất sẽ bị rửa trôi mà chưa được phát huy tác dụng lên da.

    Tác dụng phụ

    Khi sử dụng AHA cho người mới bắt đầu, bạn có thể gặp các tác dụng phụ khi da đang dần thích nghi với sản phẩm.

    Các tác dụng phụ tạm thời có thể xảy ra cho da:

    • Da nóng bừng
    • Ngứa da
    • Da bị rộp
    • Viêm da (chàm da)

    Để giảm nguy cơ da bị kích ứng, bạn nên sử dụng các sản phẩm AHA cách ngày vào ban đêm. Khi làn da của bạn đã quen với AHA, bạn có thể bắt đầu thoa hoạt chất này lên da mỗi ngày.

    Bạn cũng cần hạn chế đi ra nắng khi sử dụng AHA. Tác dụng tẩy tế bào chết da của AHA đậm đặc có thể khiến da bạn nhạy cảm hơn với tia UV, thậm chí tình trạng này có thể kéo dài đến một tuần. Bên cạnh đó, bạn nên thoa kem chống nắng hàng ngày và dặm lại thường xuyên, để giảm thiểu da bị cháy nắng.

    Những điều cần lưu ý trước khi sử dụng 

    Trước khi sử dụng AHA cho da, bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu bạn gặp các vấn đề như:

    Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cũng nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm AHA để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Niacinamide trong mỹ phẩm có công dụng gì đối với làn da?

    Sự khác biệt giữa AHA và BHA là gì?

    Một loại acid khác thường được sử dụng trên thị trường chăm sóc da được gọi là beta-hydroxy acid (BHA). Không giống như AHA, BHA chủ yếu đến từ salicylic acid – hoạt chất giúp trị mụn trứng cá, đồng thời tẩy tế bào chết trên da.

    Sử dụng BHA có thể giúp làm sạch mụn đầu đenmụn đầu trắng bằng cách làm thông thoáng lỗ chân lông, loại bỏ các tế bào da chết và dầu bị mắc kẹt trong nang lông.

    Thông thường, AHA có thể được sử dụng phù hợp hơn cho các vấn đề về da liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn như nếp nhăn và rãnh nhăn trên da. Nếu bạn có làn da nhạy cảm, dễ nổi mụn, thì bạn nên lựa chọn các sản phẩm chứa BHA thì sẽ phù hợp hơn trong việc chăm sóc da.

    aha

    Tuy nhiên, nếu bạn các vấn đề về da, bạn có thể sử dụng sản phẩm chứa cả AHA và BHA. Điều quan trọng là bạn cần phải kết hợp các hoạt chất vào chế độ chăm sóc da dần dần để da kịp thích nghi. Sử dụng quá nhiều AHA, BHA và các hoạt chất khác cùng một lúc có thể gây kích ứng cho da, làm xuất hiện nhiều hơn các nếp nhăn, mụn trứng cá và các vấn đề về da khác. Cụ thể, bạn có thể cân nhắc sử dụng BHA hàng ngày, chẳng hạn như toner salicylic acid. Sau đó sử dụng sản phẩm lột da có chứa AHA hàng tuần để tẩy da chết sâu hơn.

    Cách sử dụng AHA hiệu quả, an toàn

    Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), trước khi chọn một sản phẩm AHA hoặc các phương pháp tẩy da chết, bạn cần xác định tình trạng da và các sản phẩm chăm sóc da khác mà bạn sử dụng. Nếu AHA đã có trong các sản phẩm dưỡng da khác, hoặc bạn đã thực hiện tẩy da chết thủ công, thì việc bổ sung một sản phẩm tẩy da chết có thể là quá nhiều đối với da.

    Nếu không biết chọn loại sản phẩm nào, bạn có thể tham khảo ý kiến ​​tư vấn của bác sĩ da liễu.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Ceramide là gì? Công dụng của ceramide trong mỹ phẩm

    AHA là một trong những hoạt chất làm đẹp được nghiên cứu nhiều nhất vì tác dụng mạnh mẽ lên da, nhưng không phải ai cũng hợp với hoạt chất này. Nếu bạn muốn sử dụng AHA thoa lên da, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia chăm sóc da trước khi thử các loại sản phẩm này nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

    Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


    Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 08/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo