backup og meta

Peel da tại nhà và những lưu ý không nên bỏ qua

Peel da tại nhà và những lưu ý không nên bỏ qua

Peel da tại nhà là hình thức dưỡng da ngày càng được các tín đồ skincare ưa chuộng bởi những tác dụng đa dạng mà nó mang lại. 

Bạn bị mụn dai dẳng, cảm thấy kém tự tin vì những vết thâm cứng đầu mãi không mờ hoặc đã quá chán ngán với cảm giác sần sùi mỗi khi chạm vào da? Bạn đang hứng thú với hình thức peel da tại nhà vì nghe nói rất hiệu quả cho tình trạng da của mình nhưng đồng thời cũng lo sợ đó là con dao 2 lưỡi, khiến da trở nên mẫn cảm hơn?

Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ bật mí tất tần tật những thông tin cơ bản về hình thức dưỡng da tại nhà này nhằm giúp bạn hiểu hơn về về những lợi ích cùng các rủi ro tiềm ẩn nhé!

Peel da tại nhà là gì?Peel da có tốt không?

Peel da tại nhà là phương pháp điều trị, cải thiện tình trạng da bằng cách sử dụng các hợp chất hóa học (được cấp phép và kiểm định) để tẩy tế bào chết trên da. 

Những hợp chất này sẽ tác động và làm chết mô một cách nhẹ nhàng, dẫn đến lớp da trên cùng  bị bong ra. Khi lớp da cũ bong ra, một lớp da mới sẽ được tái tạo, mịn màng và đầy sức sống hơn. 

Thời gian đầu da khi peel thường khá nhạy cảm, dễ bị mẩn đỏ, nhưng nếu bạn có chu trình dưỡng, phục hồi da đúng cách và phù hợp thì hoàn toàn không cần phải lo lắng quá nhiều đâu nhé. 

>>> Tìm hiểu thêm: Peel da có tốt không? Có nên peel da không?

Peel da tại nhà có tác dụng gì?

Một số lợi ích của hình thức peel da chết ở nhà gồm:

  • Trị mụn
  • Trẻ hóa da mặt
  • Làm sáng màu da
  • Giúp da trở nên mịn màng
  • Làm thông thoáng lỗ chân lông
  • Tẩy da chết hóa học tầng sâu lớp biểu bì 
  • Giảm độ sâu của nếp nhăn hoặc sẹo mụn
  • Điều trị chứng tăng sắc tố da và các sự đổi màu da khác
  • Tăng cường, thúc đẩy sự hấp thụ của các sản phẩm chăm sóc da khác. 

Tìm hiểu các hợp chất hóa học có trong sản phẩm peel da tại nhà 

peel da tại nhà

Khi tìm mua các sản phẩm để peel, tẩy da chết tại nhà, bạn có thể thấy sự có mặt của một số thành phần và công dụng của chúng như sau:

Enzyme peel

Đây là thành phần tẩy da chết cực kỳ dịu nhẹ vì chúng chứa một hỗn hợp các enzym chiết xuất từ trái cây. Khi sử dụng, các lớp tế bào trên cùng sẽ được loại bỏ và lỗ chân lông cũng được cải thiện. Hình thức peel da tại nhà bằng enzyme trái cây khá phù hợp với những ai có làn da nhạy cảm hoặc dễ bị kích ứng với các loại axit có nồng độ cao. 

Axit latic 

Axit lactic là 1 dạng axit alpha-hydroxy (AHA) và cực kỳ dịu nhẹ. Chúng phù hợp cho người mới bắt đầu tập hình thức dưỡng da tại nhà này, giúp làm mịn da của bạn và điều trị các nếp nhăn cũng như có thể làm đều màu da. Tuy có tên gọi axit nhưng thực chất thành phần này lại còn giúp bạn cấp ẩm cho da nữa đấy nhé. 

Axit mandelic 

Axit mandelic có lợi ích chống lão hóa và đem đến tác dụng rất hiệu quả trong việc loại bỏ tế bào da chết. Nó giúp cải thiện kết cấu da, giảm nếp nhăn và đường nhăn cũng như cải thiện tình trạng thâm sạm da ở da. Bạn có thể kết hợp axit mandelic chung với axit salicylic (BHA) để tăng cường hiệu quả peel da tại nhà. 

Axit salicylic (BHA)

Axit salicylic (BHA) được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm peel da tại nhà khác nhau nhằm điều trị mụn trứng cá, mụn đầu đen. 

Khi được sử dụng trên da mặt, axit salicylic (BHA) sẽ len lỏi vào lỗ chân lông trên da và làm thông thoáng chúng. Không giống như AHA và axit glycolic, loại axit này sẽ không làm cho da của bạn nhạy cảm với tia nắng mặt trời. 

Axit glycolic

So với tất cả các thành phần được đề cập ở trên, axit glycolic có hoạt tính mạnh hơn một chút. Tùy thuộc vào tỷ lệ axit được sử dụng trong sản phẩm peel da tại nhà mà axit glycolic có thể cải thiện kết cấu da, làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn và sẹo cũng như giúp làm sáng màu da.

Có nên peel da tại nhà không?

Mặc dù peel da có nhiều tác dụng cho da, tuy nhiên đây là phương pháp sử dụng các hoạt chất tác động lên bề mặt nên còn tuỳ vào nhiều yếu tố để cân nhắc có nên peel da tại nhà không, bao gồm:

  • Tình trạng da hiện tại có đang bị tổn thương, hay có mụn sưng đỏ không, liệu có phù hợp để peel da hay không?
  • Những thành phần hoạt chất nào trong peel da bạn bị dị ứng hay không sử dụng được?
  • Nồng độ peel da nào phù hợp cho tình trạng của da bạn?
  • Cách peel da tại nhà như thế nào để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho da?
  • Khi có bất kỳ phản ứng dị ứng nào phát sinh khi peel da, bạn cần làm gì?

Bạn nên tìm hiểu kỹ các sản phẩm peel da, để tránh những phản ứng không đáng có. Bạn có thể tham khảo ý kiến từ các bác sĩ da liễu để lựa chọn đúng nồng độ và cách thức thực hiện cho tình trạng làn da của mình.

>>> Đọc thêm: Chăm sóc da sau peel: Dưỡng da thế nào sau khi peel da?

Tác dụng phụ khi peel da tại nhà bạn không nên bỏ qua

peel da tại nhà

Peel da chết tại nhà tuy có thể đem lại hiệu quả tích cực cho làn da nhưng biện pháp này vẫn có những tác dụng phụ mà bạn vẫn cần chú ý, chẳng hạn như:

  • Da mẩn đỏ: Ngay sau khi peel da, bạn sẽ nhận thấy một số vết mẩn đỏ. Tình trạng mẩn đỏ này có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào cường độ tẩy da chết của bạn.
  • Sẹo: Đây là một vấn đề lớn khác đối với việc tẩy da chết hóa học. Có nhiều khả năng bạn có thể bị sẹo trên mặt nếu như dùng quá liều hoặc kết hợp các thành phần khác nhau nhưng chưa hiểu rõ cách sử dụng. Đó là lý do tại sao peel da tại nhà chỉ nên được thực hiện sau khi đã tìm hiểu kỹ càng, đồng thời tham vấn và thực hiện dưới lời khuyên của các chuyên gia da liễu. 
  • Nhiễm trùng da: Peel da tại nhà nếu không được thực hiện đúng cách, có thể gây nhiễm trùng nấm hoặc vi khuẩn, bao gồm cả virus herpes.

Ngoài ra, hình thức dưỡng và tẩy da chết tại nhà này sẽ không phù hợp cho bạn nếu như:

  • Bạn đang dùng thuốc isotretinoin trị mụn trứng cá (hoặc đã dùng thuốc trong 6 tháng qua).
  • Bạn có tiền sử bị sẹo lồi (mô sẹo phát triển quá mức).
  • Bạn có sắc tố da bất thường.
  • Bạn bị mụn rộp thường xuyên hoặc có tiền sử bị mụn rộp.

Để an tâm, hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ da liễu để biết được bản thân phù hợp với sản phẩm peel da tại nhà nào nhằm có được kết quả mỹ mãn nhất nhé. 

>>> Tìm hiểu thêm: Các bước chăm sóc da khô mà các nàng nên biết

Cách tẩy da chết hóa học tại nhà bạn cần biết

Peel da đúng cách: Trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm peel da tại nhà nào, bạn nên thử sản phẩm trên vùng da cằm trước. Nếu trong vòng 24-48 giờ sau khi dùng da không có phản ứng kích ứng, bạn có thể dùng cho toàn bộ vùng mặt. 

Cách peel da tại nhà mà có thể tham khảo:

  1. Làm sạch da bằng các sản phẩm sửa rửa mặt nhẹ dịu 
  2. Thấm khô da bằng bông tẩy trang
  3. Thoa 1 lớp mỏng sản phẩm peel lên mặt, tránh những vùng nhạy cảm như khóe mũi, gần mắt, môi
  4. Đợi khoảng 5-10 phút cho bước dưỡng da tiếp theo, chẳng hạn như serum hoặc kem dưỡng ẩm. Nếu trong trường hợp sản phẩm peel da thuộc dạng mặt nạ rửa, bạn hãy tuân thủ thời gian được ghi trên hướng dẫn sử dụng, tuyệt đối không để dưỡng chất ở trên da quá lâu. 

Hồi phục da sau khi peel

Một số lưu ý dành đến bạn khi peel da tại nhà để hồi phục cũng như giúp nâng tầm làn da nhanh chóng, hiệu quả nhất:

  • Sử dụng các sản phẩm kem dưỡng có khả năng phục hồi cấp ẩm
  • Sử dụng kem chống nắng 
  • Hạn chế để da tiếp xúc với ánh nắng và khói bụi 
  • Uống nhiều nước

Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã hiểu rõ hơn về phương pháp peel da tại nhà. Bên cạnh đó, bạn biết cách chọn sản phẩm phù hợp, chăm sóc da đúng cách sau khi peel để mang lại hiệu quả dưỡng da tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chemical peel

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/chemical-peel/about/pac-20393473

Ngày truy cập 30/08/2021

Chemical Peels

https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/11010-chemical-peels

Ngày truy cập 30/08/2021

Chemical peels

https://www.nhs.uk/conditions/cosmetic-procedures/chemical-peels/

Ngày truy cập 30/08/2021

What is a chemical peel?

https://www.plasticsurgery.org/cosmetic-procedures/chemical-peel

Ngày truy cập 05/11/2022

A Practical Approach to Chemical Peels

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6122508/

Ngày truy cập 05/11/2022

Phiên bản hiện tại

05/11/2022

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trần Thùy Linh


Bài viết liên quan

Serum trị mụn: Cách chọn đúng và dùng đúng để da sạch mụn

Da thiếu nước khác da khô như thế nào? Hiểu rõ để dưỡng da đúng cách


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 05/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo