Tim đập nhanh bất thường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, ngừng tim, đột quỵ… Do đó, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần dùng thuốc để ổn định nhịp tim. Vậy, nhịp tim nhanh uống thuốc gì?
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giới thiệu đến bạn các nhóm thuốc có thể được sử dụng để hỗ trợ cải thiện tình trạng tim đập nhanh, giúp làm chậm và ổn định nhịp tim.
1. Nhịp tim nhanh uống thuốc gì? Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta là một nhóm thuốc quen thuộc, thường được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề liên quan đến tim và hệ tuần hoàn, bao gồm cả nhịp tim nhanh. Thuốc hoạt động bằng cách chẹn thụ thể beta-adrenergic, ngăn chặn quá trình giải phóng hormone gây căng thẳng adrenaline và noradrenaline ở các bộ phận của cơ thể. Việc này sẽ làm chậm một số hoạt động của tế bào, làm chậm nhịp tim và làm giảm lực bơm máu đi khắp cơ thể của tim.
Bằng cách làm chậm nhịp tim, thuốc chẹn beta làm giảm nhu cầu oxy của tim và giảm tần suất các cơn đau thắt ngực. Trong điều trị rối loạn nhịp tim, nhóm thuốc này thường được sử dụng để kiểm soát nhịp tim ở những người bị rung tâm nhĩ. Khi dùng thuốc, các triệu chứng do rung tâm nhĩ, đặc biệt là đánh trống ngực và mệt mỏi, thường được cải thiện đáng kể.
Theo đó, nhóm thuốc chẹn beta được chia làm 2 dạng chính dựa trên việc thuốc có chọn lọc trên các thụ thể beta được tìm thấy trong tim (thụ thể B1) hay không. Nhóm thuốc chẹn beta tác dụng chọn lọc trên hệ tim mạch gồm có:
- Acebutolol
- Atenolol
- Betaxolol
- Bisoprolol
- Esmolol
- Metoprolol
- Nebivolol…
Nhóm không chọn lọc sẽ gồm:
- Carvedilol
- Labetalol
- Nadolol
- Penbutolol
- Pindolol
- Propranolol
- Sotalol
- Timolol…
Tương tự như bất kỳ loại thuốc nào, việc sử dụng thuốc chẹn beta cũng có thể gây nên một số tác dụng phụ nhất định, bao gồm:
- Nhịp tim chậm hoặc rối loạn nhịp tim
- Hạ huyết áp, nguy cơ hạ đường huyết
- Mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn
- Mất ngủ, thay đổi giấc ngủ hoặc gặp ác mộng
- Khô miệng hoặc khô mắt
- Rối loạn chức năng tình dục hoặc rối loạn cương dương (hiếm gặp)
- Có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh trong hội chứng Raynaud
- Dễ xuất hiện triệu chứng của hen suyễn.
2. Tim đập nhanh uống thuốc gì? Thuốc chẹn kênh canxi
Thuốc chẹn kênh canxi là một nhóm thuốc giảm nhịp tim nhanh quen thuộc được nhiều bác sĩ kê đơn. Chúng hoạt động bằng cách chặn các kênh ion canxi trên bề mặt của tế bào. Điều này làm giảm lượng canxi đi vào các tế bào dẫn truyền trong tim và mang lại tác dụng làm chậm nhịp tim.
Nhịp tim nhanh uống thuốc gì? Nhóm thuốc chẹn kênh canxi thực tế có 2 loại chính là dihydropyridine và non-dihydropyridine. Cả hai nhóm này đều giúp thư giãn, mở rộng mạch máu và hạ huyết áp nhưng chỉ có nhóm non-dihydropyridine (bao gồm 2 thuốc là diltiazem và verapamil) có tác dụng lên hệ thống dẫn truyền của tim, ngăn chặn canxi đi vào các tế bào dẫn truyền trong tim để giúp kiểm soát nhịp tim nhanh (chẳng hạn như rung tâm nhĩ).
Đối với hầu hết những người dùng thuốc ổn định nhịp tim nhóm chẹn kênh canxi, tác dụng phụ nghiêm trọng thường rất hiếm xảy ra.
3. Thuốc chẹn kênh natri hoặc kali
Một câu trả lời khác cho câu hỏi “Bệnh nhân nhịp tim nhanh uống thuốc gì?” là thuốc chẹn kênh natri. Đúng như tên gọi, nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ngăn natri đi qua màng tế bào, từ đó giảm khả năng bị kích thích của tế bào và giảm tốc độ dẫn truyền các xung điện trong cơ tim. Chúng bao gồm:
- Disopyramide
- Flecainide
- Mexiletine
- Propafenone
- Quinidine.
Tác dụng phụ của thuốc nhóm chẹn kênh natri bao gồm loạn nhịp tim, đôi khi nặng nề hơn các rối loạn nhịp tim mà thuốc đang điều trị. Đây là tác dụng phụ đáng lo ngại nhất. Ngoài ra, thuốc có thể làm nặng thêm tình trạng nhịp nhanh trên thất, có thể làm giảm sức co bóp cơ tim. Vì các tác dụng bất lợi này có nguy cơ xảy ra trên những bệnh nhân bị rối loạn cấu trúc tim, nên các thuốc chẹn kênh natri thường chỉ được sử dụng ở những bệnh nhân không bị rối loạn cấu trúc tim hoặc trên những bệnh nhân không có phương pháp điều trị thay thế nào khác.
Trong khi đó, thuốc chẹn kênh kali sẽ ngăn chặn kali đi qua màng tế bào. Điều này cũng giúp làm chậm xung điện trong các tế bào của tim. Nhóm thuốc làm chậm nhịp tim nhóm chẹn kênh kali bao gồm nhiều loại thuốc, cụ thể là:
- Amiodarone
- Bretylium
- Dofetilide
- Dronedarone
- Ibutilide
- Sotalol.
Thuốc chẹn kênh kali có nguy cơ gây tiền loạn nhịp thất, đặc biệt là nhịp nhanh thất xoắn đỉnh và không được sử dụng ở bệnh nhân bị nhịp nhanh thất xoắn đỉnh.
4. Nhịp tim nhanh uống thuốc gì? Adenosine
Adenosine là một thuốc hỗ trợ điều trị tình trạng tim đập nhanh nhờ khả năng ngăn chặn hoặc làm chậm các xung điện ở nút nhĩ thất, giữa buồng trên và buồng dưới của tim. Việc sử dụng adenosine có thể giúp đưa nhịp tim về lại mức bình thường nhưng thuốc cũng có khả năng gây ra một số tác dụng phụ nhất định, bao gồm:
- Buồn ngủ
- Mặt đỏ bừng
- Đau đầu
- Buồn nôn.
Cần báo ngay với bác sĩ nếu bạn gặp phải các tác dụng phụ sau:
- Khó thở
- Phản ứng dị ứng (phát ban da, ngứa hoặc nổi mề đay, sưng mặt, môi hoặc lưỡi)
- Thay đổi nhịp tim (khó thở, đau ngực, chóng mặt, nhịp tim nhanh, không đều, ngất xỉu hoặc choáng váng, té ngã).
5. Digoxin
Digoxin là một loại glycosid tim có nguồn gốc từ cây mao địa hoàng. Hoạt chất này có khả năng làm chậm tốc độ dòng điện dẫn truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất, từ đó làm giảm nhịp tim. Thuốc được sử dụng để điều trị một số bệnh về tim, bao gồm suy tim, cuồng nhĩ và rung tâm nhĩ.
Tương tự như các thuốc làm chậm nhịp tim khác, digoxin có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm:
- Đau bụng
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Đau đầu
- Phát ban
- Tầm nhìn chuyển vàng, xanh hoặc mờ
- Nhịp nhanh nhĩ.
6. Thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông máu
Nhịp tim nhanh uống thuốc gì? Bên cạnh các thuốc làm chậm và ổn định nhịp tim kể trên, đối với bệnh nhân rung tâm nhĩ và một số tình trạng nhịp tim nhanh khác, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thêm thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông máu. Các nhóm thuốc này sẽ ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc điều trị các cục máu đông hiện có cho bệnh nhân.
Các thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc chống đông máu có thể bao gồm:
- Warfarin
- Aspirin
- Dabigatran
- Rivaroxaban
- Edoxaban
- Apixaban.
Các thuốc chống kết tập tiểu cầu, chống đông máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Do vậy, nếu quên uống một liều, không uống bù. Cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc và báo ngay với bác sĩ nếu bạn bị chảy máu hoặc bầm tím bất thường.
Hi vọng những thông tin trong bài viết này đã giúp bạn phần nào trả lời được câu hỏi “Nhịp tim nhanh uống thuốc gì?”. Đây đều là các thuốc kê đơn nên bạn cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh. Tuyệt đối không được tự ý ngừng dùng thuốc, thay đổi liều lượng và thời gian dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Cùng làm bài kiểm tra sàng lọc nguy cơ mắc bệnh tim mạch tại đây cùng Hello Bacsi nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]