Vàng da ở trẻ sơ sinh là vấn đề phổ biến và tình trạng này thường biến mất sau vài tuần. Tùy vào nguyên nhân bé bị vàng da, bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau.
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn có thêm thông tin về những vấn đề xung quanh tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da như dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh, vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết, mẹo chữa vàng da ở trẻ sơ sinh…
Vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da sơ sinh là tình trạng các vùng da phần trên cơ thể (mặt, ngực…), kết mạc và cả củng mạc (lòng trắng mắt) của bé có màu vàng. Đây là hiện tượng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh với tỷ lệ gặp phải là khoảng 60% ở trẻ đủ tháng và 80% ở trẻ sinh non.
Vàng da sơ sinh có 2 loại là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý thường vô hại, có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Trong khi, vàng da bệnh lý lại có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm độc thần kinh, hậu quả là trẻ sẽ tử vong hoặc bị di chứng não suốt đời.
Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da sinh lý là tình trạng bé sơ sinh bị vàng da ở mức độ nhẹ, thường xuất hiện sau sinh 2 – 3 ngày. Bé chỉ bị vàng da vùng mặt, cổ, ngực, vùng bụng phía trên rốn và không kèm theo các triệu chứng như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ…
Chỉ số bilirubin vàng da ở trẻ sơ sinh không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ thiếu tháng. Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ. Vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết? Nếu là vàng da sinh lý, tình trạng này có thể biến mất sau 1 – 2 tuần.
Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da bệnh lý là tình trạng vàng da xuất hiện trong 1 – 2 ngày sau sinh, tiến triển nhanh, mức độ vàng nhiều không chỉ xuất hiện ở mặt, mắt mà còn lan đến bụng, cánh tay, chân và còn có thể có các triệu chứng như bỏ bú, nôn trớ, sốt, khóc nhiều, phân bạc màu…
Nếu bé sơ sinh bị vàng da bệnh lý thì sẽ không hết sau 2 – 3 tuần, thậm chí trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da. Lúc này, bạn nên đưa bé đi khám vì những trường hợp vàng da kéo dài có thể là dấu hiện cảnh báo các bệnh nguy hiểm về gan.
Nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân chính khiến bé bị vàng da là do bilirubin dư thừa. Bilirubin là sắc tố có màu vàng cam, được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị vỡ trong máu.
Thông thường, gan sẽ loại bỏ bilirubin khỏi máu, sau đó sẽ thải ra ngoài thông qua việc đi vệ sinh (phân của chúng ta có màu vàng là do vi khuẩn oxy hóa bilirubin). Trong thời gian mang thai, gan của mẹ sẽ loại bỏ bilirubin cho thai nhi. Sau khi chào đời, phải mất một thời gian gan của bé mới bắt đầu làm việc. Kết quả là loại sắc tố này sẽ tích tụ trong máu của bé và gây vàng da sơ sinh.
Còn với những trường hợp bé bị vàng da vàng da bệnh lý thì nguyên nhân có thể là do bất đồng nhóm máu mẹ con (ABO, Rhesus), bệnh lý tán huyết (thiếu men G6PD, hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng), bé bị xuất huyết dưới da, nhiễm trùng bào thai, bệnh lý gan mật bẩm sinh (teo đường mật, giãn đường mật)
Dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh
Một số dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh là:
- Vàng lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân
- Lòng trắng mắt trẻ sơ sinh bị vàng
- Nước tiểu màu vàng sẫm (nước tiểu của trẻ sơ sinh phải không màu)
- Phân màu nhạt (phân trẻ sơ sinh thường có màu vàng hoặc cam)
Tình trạng trẻ sơ sinh vàng da vàng mắt thường phát triển từ 2 – 3 ngày sau khi sinh và có xu hướng thuyên giảm mà không cần điều trị khi trẻ được khoảng 2 tuần tuổi.
Vàng da sơ sinh có nguy hiểm không?
Tăng bilirubin có nguy hiểm không? Nếu nồng độ bilirubin trong máu quá cao thì có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thần kinh. Hội chứng này gọi là kernicterus, có thể làm cho bé điếc, trẻ phát triển chậm hoặc bại liệt. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm trẻ sơ sinh mắc phải hội chứng kernicterus là không cao.
Còn với những trường hợp vàng da sinh lý thì bố mẹ không cần phải quá lo lắng bởi đa phần, các biểu hiện vàng da sẽ sớm biến mất.
Cách kiểm tra vàng da ở trẻ sơ sinh
Sau khi trẻ chào đời, bác sĩ sẽ kiểm tra trẻ sơ sinh có bị vàng da hay không bằng cách quan sát mắt của bé từ 3 đến 5 ngày sau khi sinh, khi nồng độ bilirubin trở nên cao nhất. Bác sĩ cũng có thể cho bé làm xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ bilirubin nếu bé có biểu hiện vàng da trong 24 giờ đầu tiên.
Tình trạng bé bị vàng da có thể xuất hiện khi ở nhà. Lúc này, bạn có thể kiểm tra xem bé có bị vàng da sơ sinh hay không bằng những cách sau:
- Mang bé vào phòng có nhiều ánh sáng tự nhiên hoặc dưới ánh đèn huỳnh quang
- Nếu con có làn da trắng, hãy nhẹ nhàng ấn ngón tay lên trán, mũi hoặc ngực và tìm kiếm màu vàng trên da sau khi thả ngón tay ra
- Nếu con có làn da tối, hãy tìm màu vàng trên nướu hoặc tròng trắng của mắt.
Cách trị vàng da ở trẻ sơ sinh
Hầu hết các bé bị vàng da sinh lý đều sẽ tự khỏi bệnh mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng trẻ sơ sinh vàng da nặng hoặc vàng da do bệnh lý thì bác sĩ có thể cho bé điều trị bằng cách:
- Chiếu đèn vàng da: Sử dụng một loại ánh sáng đặc biệt chiếu vào da để biến bilirubin thành một dạng dễ phân hủy hơn. Trẻ sẽ được cởi bỏ quần áo, ở trần, che kín mắt và bộ phận sinh dục, xoay trở thường xuyên để tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng.
- Thay máu: Nếu tình trạng vàng da trở nên nghiêm trọng, chiếu đèn vẫn bị vàng da hoặc nồng độ bilirubin của bé tiếp tục tăng dù đã được chiếu đèn. Việc thay máu này sẽ thay thế một lượng máu của em bé có nồng độ bilirubin cao với máu được hiến có nồng độ bilirubin bình thường.
Một mẹo chữa vàng sơ sinh là đảm bảo rằng con nhận đủ lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức để đi tiêu thường xuyên hơn, giúp thải bilirubin ra ngoài nhanh hơn.
Ngoài ra, bạn thể thử các cách trị vàng da ở trẻ sơ sinh tại nhà như cho trẻ tắm nắng để bổ sung vitamin D. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào cơ thể sẽ giúp phá vỡ và làm giảm lượng bilirubin. Một số mẹo dân gian chữa vàng da ở trẻ sơ sinh khác là cho bé tắm cỏ mần trầu hoặc tắm lá chè tươi. Tuy nhiên, nếu muốn dùng các cách chữa vàng da ở trẻ sơ sinh này thì tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Nguyên nhân khiến bé bị vàng da có thể là do bú mẹ không?
Việc nuôi con bằng sữa mẹ không gây ra tình trạng vàng da nhưng vàng da có nhiều khả năng xảy ra ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Nguyên do là nếu mẹ chưa có nhiều sữa đủ cho con bú, lượng dịch trong cơ thể bé không đủ khiến nồng độ bilirubin trong máu tăng lên, gia tăng nguy cơ con bị vàng da. Trẻ bú sữa công thức cũng bị vàng da nếu không được cung cấp đủ sữa.
Nếu bạn nghĩ con không bú đủ sữa mẹ, hãy trao đổi vấn đề này với bác sĩ. Một khi bạn cải thiện tư thế cho bú tốt hơn, bổ sung sữa mẹ hoặc sữa công thức cho con nhiều hơn thì con sẽ nhận được đủ lượng sữa mẹ và tình trạng vàng da cũng sẽ biến mất. Bạn nên cho con bú ít nhất từ 8 – 12 lần một ngày trong vài ngày đầu tiên sau sinh.
Một số bé gặp phải tình trạng “vàng da do sữa mẹ” vào thời điểm từ 7 đến 11 ngày tuổi. Con vẫn có thể bú tốt và tăng cân bình thường, nhưng một chất gì đó trong sữa mẹ ảnh hưởng khả năng của gan bé trong việc chuyển hóa bilirubin.
Điều này thường xảy ra cùng với tình trạng vàng da sinh lý và có thể tiếp tục trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau đó.
Vàng da do sữa mẹ rất phổ biến ở những bé bú mẹ hoàn toàn, nhưng tình trạng này không nguy hiểm. Nếu nồng độ bilirubin của bé quá cao, bạn nên ngừng cho con bú trong 1 hoặc 2 ngày để tình trạng giảm xuống. Bạn có thể sử dụng máy hút sữa để duy trì lượng sữa trong thời gian này và một khi mức bilirubin giảm xuống thì có thể bắt đầu cho con bú lại.
Nguy cơ nào khiến bé dễ bị vàng da?
Trẻ sơ sinh có nhiều nguy cơ bị vàng da sơ sinh hơn nếu:
- Có anh chị em ruột từng bị vàng da
- Có vết thâm tím khi sinh (các tế bào hồng cầu, một phần của vết thâm tím bị phá vỡ và sản sinh ra bilirubin như một sản phẩm phụ)
- Có tình trạng rối loạn di truyền nhất định (hội chứng Gilbert, các khuyết tật của màng tế bào hồng cầu bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền galactose huyết)
- Có bệnh như xơ nang hay bị nhược giáp.
Vàng da ở trẻ sơ sinh xảy ra trong 24 giờ đầu cũng có thể là do các tình trạng nghiêm trọng như bệnh lý ở gan, túi mật, rối loạn đường ruột, nhiễm trùng, chấn thương lúc sinh quá mức hoặc sinh non 28 tuần. Bất tương đồng nhóm máu Rh và nhóm máu ABO cũng có thể gây ra tình trạng vàng da ngay từ ngày đầu tiên.
[embed-health-tool-vaccination-tool]