Nhau thai (rau thai) là bộ phận hình thành tạm thời trong tử cung khi phụ nữ mang thai và tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ. Bất kỳ vấn đề nào liên quan đến nhau thai đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Nhau thai kết nối với bào thai qua dây rốn, chịu trách nhiệm cung cấp oxy cùng các dưỡng chất cần thiết cho em bé. Những bất thường về vị trí, tình trạng của nhau thai có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ và chuyển dạ sinh nở. Ở bài viết này, Hello Bacsi sẽ cung cấp thông tin chuẩn xác về những loại bất thường của nhau thai cần lưu ý.
Tìm hiểu chung về nhau thai
Nhau thai là gì?
Nhau thai hay còn gọi là rau thai là cơ quan tạm thời kết nối thai nhi với tử cung của người mẹ trong suốt thai kỳ. Sau khi thụ thai, nhau thai sẽ được hình thành và bám vào thành tử cung của người mẹ và kết nối với thai nhi thông qua dây rốn. Nhau và dây rốn là huyết mạch nuôi dưỡng thai nhi trong bụng mẹ.
Nhau thai hình thành thế nào?
Nhau bắt đầu hình thành sau 7 – 10 ngày khi trứng được thụ tinh và làm tổ bên trong tử cung của người mẹ. Ban đầu, nhau chỉ tồn tại dưới dạng một vài tế bào, sau đó dần phát triển kích thước trong suốt thai kỳ.
Cấu tạo rau thai người
Sau khi hình thành, nhau thai sẽ tiếp tục phát triển và đạt cấu tạo hoàn chỉnh ở tháng thứ 4 của thai kỳ. Khi đó, nhau có hình đĩa nhiều múi (có rãnh nhỏ giữa các múi) với đường kính khoảng 20cm, độ dày 3cm và nặng khoảng 500g với cấu tạo cơ bản bao gồm:
- Màng ối và màng đệm
- Khoang ối
- Phần nhau
- Nhánh nhung mao đệm
- Dây rốn
- Chỗ bám của nhau.
Chức năng
Nhau thai có chức năng nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Bởi vì, lưu lượng máu cung cấp oxy, glucose và các chất dinh dưỡng sẽ được dây rốn vận chuyển từ nhau đến thai nhi. Nhau cũng đảm nhận nhiệm vụ lọc chất thải và carbon dioxide từ máu của thai nhi.
Ngoài ra, rau thai còn hoạt động như một bộ lọc cho cho phép trao đổi dưỡng chất và oxy giữa dòng máu của mẹ và bé một cách độc lập, không gây lẫn lộn. Rau thai đóng vai trò như cơ quan gan, thận, phổi của thai nhi cho đến khi em bé chào đời.
Giai đoạn cuối của thai kỳ là lúc nhau dẫn truyền kháng thể để khởi động khả năng miễn dịch tự nhiên của em bé. Khả năng miễn dịch này sẽ gắn bó với em bé trong suốt những tháng đầu đời. Ngoài ra, một số hormone quan trọng cần thiết cho mẹ và bé như progesterone, estrogen, lactogen cũng được nhau sản xuất trong thai kỳ.
Vị trí
Nhau thai có thể hình thành và phát triển ở bất kỳ vị trí nào trong tử cung của người mẹ. Thông thường, nhau thường xuất hiện ở một số vị trí phổ biến như:
- Nhau bám ở phía trước thành tử cung
- Nhau bám ở phía sau thành tử cung
- Nhau bám ở thành tử cung phía trên
- Nhau bám bên trái hoặc bên phải tử cung.
Nhau có xu hướng dịch chuyển lên phía trên cho đến khi thai nhi đạt cột mốc 32 tuần.
Nhau thai bám mặt trước là tình trạng nhau bám vào phía trước tử cung, gần mặt bụng của người mẹ. Đây là một trong những vị trí bám nhau thai phổ biến.
Nhau bám mặt sau là gì?
Nhau thai bám mặt sau là khi nhau bám vào mặt sau của tử cung, gần cột sống mẹ. Vị trí này thường không gây vấn đề nghiêm trọng và giúp người mẹ dễ cảm nhận được thai máy hơn.
Những bất thường thường gặp ở nhau thai
1. Nhau thai bám thấp
Nhau thai bám thấp là gì?
Nhau thai bám thấp là tình trạng nhau thai bám ở vị trí thấp trong tử cung, phía gần cổ tử cung (cách cổ tử cung chưa đến 2cm) thay vì ở phần trên của tử cung. Vị trí của nhau thai được xác định khi siêu âm thai ở tuần thứ 18 đến tuần thứ 21.
Nhau thai bám thấp có nguy cơ che khuất hoặc cản trở đường ra của thai nhi trong giai đoạn sinh nở. Khi nhau thai bám thấp che phủ hoàn toàn cổ tử cung sẽ được gọi là nhau tiền đạo (thông tin về nhau tiền đạo được đề cập ở phía dưới bài viết).
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhau thai bám thấp bao gồm mang thai đôi, tử cung dị dạng hoặc sẹo tử cung sau phẫu thuật. Mẹ bầu cần được theo dõi kỹ lưỡng để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Ảnh hưởng của nhau thai bám thấp đến mẹ và bé
Nhau thai bám thấp có thể gây ra nhiều vấn đề như mất máu quá nhiều trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc tăng nguy cơ sinh non. Chảy máu có thể nặng tới nỗi gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Khi tình trạng này xảy ra, bác sĩ có thể khuyến cáo mẹ bầu nghỉ ngơi, theo dõi cẩn thận và hạn chế vận động mạnh.
Thực tế, có tới 90% thai phụ bị nhau thai bám thấp sẽ di chuyển lên phần trên của tử cung vào khoảng tuần thứ 32. Nếu tình trạng nhau thai bám thấp không được cải thiện, thai phụ cần nhập viện vào cuối thai kỳ để có thể truyền máu ngay khi cần nếu bị chảy máu. Trong trường hợp nhau thai nằm gần hoặc che phủ cổ tử cung làm em bé không ra đời được bằng đường âm đạo, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ.
2. Nhau cài răng lược: Biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ
Nhau cài răng lược là gì?
Nhau cài răng lược là tình trạng nhau thai bám quá sâu vào thành cơ tử cung, không thể tách rời dễ dàng sau khi sinh. Điều này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như chảy máu nặng sau sinh, làm tăng nguy cơ phải cắt tử cung để cứu sống mẹ.
- Thể Accreta: Bánh nhau bám trực tiếp trên bề mặt tử cung. Đây là thể phổ biến nhất, chiếm 75% tổng số trường hợp.
- Thể Increta: Bánh nhau xâm nhập vào sâu bên trong thành tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung. Đây là thể phổ biến trung bình, chiếm khoảng 15% tổng số trường hợp.
- Thể Percreta: Bánh nhau xâm lấn xuyên qua cơ tử cung vào lớp thanh mạc tử cung, thậm chí xâm lấn sang các cơ quan lân cận như ruột, bàng quang… Mặc dù thể Percreta ít phổ biến nhất, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp nhưng là thể nghiêm trọng nhất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xảy ra nhau cài răng lược bao gồm:
- Tiền sử sẹo mổ ở tử cung trong các trường hợp sinh mổ, bóc u xơ cổ tử cung,… Số vết sẹo càng nhiều, nguy cơ nhau cài răng lược càng cao.
- Tiền sử nạo hút buồng tử cung.
- Mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm.
- Các mẹ mang thai đôi, mang thai nhiều lần, mang thai khi tuổi trên 35 hoặc có nhau tiền đạo cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn.
Hậu quả của nhau cài răng lược nếu không được điều trị kịp thời
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhau cài răng lược có thể gây ra mất máu nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của người mẹ. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra xuất huyết cấp tính và nặng cho người mẹ trước, trong và sau khi sinh. Có đến 90% phụ nữ mang thai bị nhau cài răng lược phải truyền máu. Bên cạnh đó, mặc dù đã chuẩn bị cẩn thận nhưng vẫn có 7% sản phụ tử vong.
Trong những trường hợp nặng, bác sĩ cần cắt bỏ tử cung để đảm bảo an toàn cho mẹ, đồng nghĩa với việc người mẹ đó không thể mang thai trong tương lai.
Khi nhau cài răng lược có biến chứng, người mẹ có thể phải chấm dứt thai kỳ sớm. Khi đó, trẻ sinh non tháng và phải đối diện với nhiều hệ quả như vàng da, suy hô hấp, nhiễm trùng, khó nuôi hay thậm chí tử vong.
3. Nhau tiền đạo cũng là một trong những bất thường phổ biến
Nhau tiền đạo là gì?
Nhau tiền đạo là tình trạng nhau thai bám thấp, vào phần cổ tử cung, có thể che phủ một phần hoặc toàn bộ lối vào của tử cung. Tình trạng này xảy ra ở 1 trên 800 sản phụ.
Nhau tiền đạo được chia thành ba loại:
- Nhau tiền đạo hoàn toàn (che phủ hoàn toàn cổ tử cung)
- Nhau tiền đạo một phần (che phủ một phần cổ tử cung)
- Nhau tiền đạo bám mép (ở rìa cổ tử cung).
Tình trạng này thường gặp hơn ở những phụ nữ:
- Đã từng mang thai và sinh con, đặc biệt là sinh mổ
- Có vết sẹo trên tử cung do phẫu thuật hoặc thủ thuật trước đây
- Đã từng bị nhau tiền đạo ở lần mang thai trước
- Có thai sau khi thực hiện thủ thuận hỗ trợ sinh sản để điều trị vô sinh
- Mang thai đôi trở lên
- Từ 35 tuổi trở lên
- Hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc lá
- Sử dụng cocaine.
Nhau tiền đạo có thể gây biến chứng nghiêm trọng như:
- Chảy máu âm đạo nặng, thậm chí đe dọa tính mạng người mẹ, xảy ra khi mang thai, sinh con hoặc trong vài giờ đầu sau khi sinh
- Chảy máu nghiêm trọng đến mức phải mổ lấy thai khẩn cấp khi em bé chưa đủ tháng
- Nhau cài răng lược.
Có khoảng 90% các trường hợp nhau tiền đạo sẽ mất đi trước khi sinh và thai phụ có cơ hội sinh thường. Đến cuối thai kỳ, nếu như nhau tiền đạo vẫn tồn tại, bác sĩ thường chỉ định mổ lấy thai.
Với những trường hợp bị chảy máu âm đạo sau tuần thứ 20 của thai kỳ cần được cấp cứu y tế. Thai phụ thường phải nhập viện theo dõi và truyền máu nếu cần. Khi đến tuổi thai nhất định hoặc khi mất máu nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cho mổ lấy thai sớm.
Khi không có chảy máu, mục tiêu điều trị là giảm nguy cơ chảy máu và kéo dài thai kỳ càng lâu càng tốt. Bác sĩ có thể khuyên thai phụ tránh quan hệ tình dục hoặc thực hiện các hoạt động tình dục khác, tránh tập thể dục cường độ vừa và mạnh, tránh nâng vật nặng hoặc trung bình, tránh đứng trong thời gian dài.
Sau lần ra máu đầu tiên, bạn được về nhà nhưng phải tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế để giảm nguy cơ chảy máu lần thứ 2. Nếu gặp tình huống này lần nữa, bạn cần gọi cấp cứu ngay.
Nhau tiền đạo có thể gây chảy máu âm đạo nghiêm trọng trong khi mang thai hoặc khi sinh.
Việc điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng máu chảy, có cầm máu được không, thai nhi đã phát triển đến giai đoạn nào và vị trí cụ thể của nhau thai.
Đến cuối thai kỳ, nếu như nhau tiền đạo vẫn tồn tại, bác sĩ thương chỉ định mổ lấy thai.
Nhau tiền đạo bao nhiêu tuần là mổ?
Bác sĩ thường chỉ định mẹ bầu sinh mổ khi có nhau tiền đạo hoặc khi người mẹ không thể sinh tự nhiên do nhiều lý do.
Thời điểm mổ thường là từ tuần 36-37 của thai kỳ, nhưng có thể thay đổi tùy vào tình trạng cụ thể của mẹ và bé. Ca mổ cần được chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.
Lưu ý dấu hiệu bất thường của rau thai để đi khám ngay
Mẹ bầu cần lưu ý một số dấu hiệu bất thường trong thai kỳ như:
- Ra máu âm đạo bất thường
- Đau bụng dưới liên tục hoặc đột ngột
- Các dấu hiệu của suy thai như thai máy yếu hoặc không có sự chuyển động của thai nhi.
Khi có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, mẹ bầu nên đến bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Kết luận
Việc theo dõi và phát hiện sớm các bất thường liên quan đến nhau thai là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.
Khám thai định kỳ và siêu âm sẽ giúp phát hiện những bất thường về vị trí và tình trạng của rau thai, từ đó có thể có những biện pháp phòng ngừa rủi ro kịp thời. Mẹ bầu hãy chú ý theo dõi sức khỏe và luôn tham khảo ý kiến bác sĩ khi gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
[embed-health-tool-due-date]