backup og meta

Vô sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Vô sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Vô sinh là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, gây tác động không nhỏ đến cá nhân, gia đình và cả cộng đồng. Theo thống kê, khoảng 1/6 người trong độ tuổi sinh sản trên toàn cầu gặp phải vấn đề vô sinh trong suốt cuộc đời.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu từ tổng quan đến chi tiết về vô sinh là gì, nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và cách phòng ngừa vô sinh. Mời bạn tìm hiểu.

Vô sinh là gì?

Vô sinh (infertility) là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng không thể thụ thai ở các cặp vợ chồng, trong một khoảng thời gian dài từ 6 – 12 tháng quan hệ mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.

Về mặt y khoa, vô sinh là một vấn đề mà có thể xảy ra ở cả nam và nữ, cũng như những người chuyển giới từ nam thành nữ mà không có chức năng mang thai.

Phân loại các dạng vô sinh

Vô sinh nguyên phát

Vô sinh nguyên phát là tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng, trong đó người vợ chưa mang thai lần nào. Trước khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân ở cả chồng và vợ. Việc xác định chính xác nguyên nhân sẽ giúp bác sĩ đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp.

Vô sinh thứ phát

Vô sinh thứ phát xảy ra khi cặp vợ chồng đã từng có ít nhất một lần mang thai thành công trước đó, nhưng không thể có thai lại sau một thời gian cố gắng. Tâm lý chung của những cặp vợ chồng đã có con thường chủ quan và ít chủ động quan tâm đến việc có thêm con. Vì họ nghĩ rằng, lần đầu có con như thế nào thì lần này cũng sẽ tương tự, chính vì vậy mà khi phát hiện bị vô sinh thứ phát các cặp đôi thường rất lúng túng và hoang mang.

Nguyên nhân gây vô sinh

Nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới

Nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng, chất lượng tinh trùng hoặc khả năng vận động của tinh trùng. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

  • Một số tình trạng bệnh lý như nhiễm trùng tinh hoàn, ung thư, hoặc phẫu thuật tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • Tinh hoàn quá nóng: Quá trình sản xuất tinh trùng có thể bị ảnh hưởng nếu tinh hoàn bị nóng quá mức, do tình trạng tinh hoàn ẩn, giãn tĩnh mạch thừng tinh (varicocele), sử dụng phòng tắm hơi hoặc bồn tắm nóng, mặc đồ bó sát hoặc làm việc trong môi trường nóng.
  • Rối loạn xuất tinh: Các vấn đề về xuất tinh như ống dẫn tinh bị tắc nghẽn có thể khiến tinh trùng không thể ra ngoài hoặc được đưa vào bàng quang thay vì đi qua niệu đạo.
  • Mất cân bằng hormone: Suy giảm testosterone do tình trạng như hypogonadism có thể dẫn đến giảm khả năng sinh tinh.
  • Quai bị sau tuổi dậy thì: Viêm tinh hoàn do quai bị sau tuổi dậy thì có thể làm giảm sản xuất tinh trùng.
  • Lỗ tiểu lệch thấp: Tình trạng này làm cho lỗ niệu đạo mở ở phía dưới dương vật thay vì ở đầu, có thể khiến tinh trùng khó tiếp cận với cổ tử cung nữ giới.
  • Bệnh lý di truyền và bệnh mạn tính: Các bệnh như xơ nang, mào tinh hoàn bị mất, và các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe như thiếu máu, hội chứng Cushing, tiểu đường và bệnh lý tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như sulfasalazine (Azulfidine) và steroid đồng hóa có thể làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới. Điều trị hóa trị hoặc xạ trị cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sản xuất tinh trùng.

Nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới

Vô sinh ở nữ giới có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và mang thai:

  • Suy giảm chất lượng trứng: Số lượng và chất lượng trứng suy giảm theo tuổi tác, dẫn đến việc giảm khả năng mang thai. 
  • Tổn thương vòi trứng: Tổn thương vòi trứng do viêm nhiễm (salpingitis), hoặc do các bệnh lây qua đường tình dục (SDTs), hoặc do các biến chứng từ việc phá thai không an toàn.
  • Suy buồng trứng sớm (Primary Ovarian Insufficiency – POI): buồng trứng ngừng hoạt động trước 40 tuổi. Nguyên nhân có thể do rối loạn hệ miễn dịch, tình trạng di truyền như hội chứng Turner, hoặc do điều trị xạ trị và hóa trị.
  • Rối loạn rụng trứng: Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hoặc tình trạng tuyến giáp không hoạt động (suy giáp), hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp), làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt và gây khó khăn trong việc thụ thai.
  • Các vấn đề ở tử cung: Các tổn thương trong tử cung như polyp, u xơ tử cung hoặc hình dạng bất thường của tử cung có thể cản trở sự thụ tinh và làm giảm khả năng mang thai.
  • Dính vùng chậu: Phẫu thuật ở vùng bụng hoặc cổ tử cung có thể gây ra sẹo hoặc làm hẹp cổ tử cung, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai tự nhiên.
  • Hội chứng lạc nội mạc tử cung: Là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nữ giới, với sự phát triển của mô lạc nội mạc bên ngoài tử cung làm cản trở sự thụ tinh và mang thai.
  • Chấn thương hoặc điều trị ung thư Điều trị ung thư bằng xạ trị hoặc hóa trị có thể làm giảm khả năng sản xuất trứng hoặc làm tổn thương cơ quan sinh dục, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Yếu tố nguy cơ

Nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ, bao gồm:

  • Tuổi tác: Đối với phụ nữ, khả năng sinh sản giảm dần theo tuổi, đặc biệt sau 35 tuổi. Nam giới trên 40 tuổi cũng có khả năng sinh sản thấp hơn, đồng thời nguy cơ trẻ sinh ra gặp phải vấn đề di truyền và khuyết tật bẩm sinh cũng khá cao.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc có thể làm giảm khả năng mang thai ở cả nam và nữ. Đối với phụ nữ, hút thuốc cũng tăng nguy cơ sảy thai và làm giảm hiệu quả của điều trị vô sinh.
  • Sử dụng rượu: Đối với phụ nữ, không có mức độ an toàn nào của rượu trong quá trình cố gắng thụ thai hoặc trong thai kỳ. Đối với nam giới, uống quá nhiều rượu có thể làm giảm số lượng tinh trùng và ảnh hưởng đến khả năng vận động của tinh trùng.
  • Cân nặng: Thừa cân hoặc béo phì liên quan đến chất lượng tinh trùng thấp, trong khi thiếu cân hoặc các vấn đề ăn uống như rối loạn ăn uống (anorexia, bulimia) cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • Lối sống ít vận động: Lối sống không hoạt động và thiếu tập luyện có thể làm tăng nguy cơ béo phì, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nguyên nhân vô sinh
Nguyên nhân vô sinh ở cả nam và nữ thường liên quan đến sự suy giảm chức năng tình dục do tuổi tác và/hoặc các vấn đề liên quan đến cơ quan sinh dục

Dấu hiệu nhận biết vô sinh

Dấu hiệu nhận biết vô sinh ở nam giới 

Theo MayoClinic, dấu hiệu chính của vô sinh ở nam giới là tình trạng khó thụ thai hoặc không có khả năng thụ thai. Ngoài ra thì cũng không có dấu hiệu rõ ràng nào khác.

Dấu hiệu nhận biết vô sinh ở nữ giới

  • Sảy thai nhiều lần.
  • Trải qua quá trình điều trị ung thư.
  • Nữ giới từ 35 tuổi trở nên đã cố gắng thụ thai hơn 6 tháng.
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt.
  • Có tiền sử bị lạc nội mạc tử cung hoặc viêm vùng chậu.
Dấu hiệu vô sinh chính ở nữ giới là tình trạng khó thụ thai hoặc không có khả năng thụ thai, tối thiểu là từ 6 tháng trở lại đây đã cố gắng thụ thai nhưng vẫn không có thai.

Chẩn đoán vô sinh

Các xét nghiệm chẩn đoán vô sinh ở nam giới

Các xét nghiệm tập trung vào kiểm tra tinh hoàn, tinh trùng và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh sản:

  • Siêu âm doppler bìu tinh hoàn.
  • Siêu âm: Phát hiện tắc nghẽn ống dẫn tinh hoặc tình trạng xuất tinh ngược dòng.
  • Xét nghiệm di truyền: Phát hiện các bất thường di truyền có thể gây vô sinh.
  • Phân tích tinh dịch: Kiểm tra số lượng, khả năng di chuyển, hình dạng và màu sắc của tinh trùng.
  • Xét nghiệm máu: Đo mức hormone testosterone và các hormone khác liên quan đến khả năng sinh sản.
  • Sinh thiết tinh hoàn: Kiểm tra mô tinh hoàn để tìm tắc nghẽn trong đường sinh sản hoặc nguyên nhân khác làm giảm khả năng sinh tinh.

Các xét nghiệm chẩn đoán vô sinh ở nữ giới

Các xét nghiệm tập trung vào chức năng buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng và cân bằng hormone:

  • Xét nghiệm rụng trứng: Kiểm tra hormone để đánh giá xem có xảy ra rụng trứng hay không.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Phát hiện vấn đề tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến cân bằng hormone và khả năng sinh sản.
  • Chụp X-quang tử cung – vòi trứng (HSG): Tiêm thuốc cản quang để kiểm tra sự thông suốt của tử cung và vòi trứng.
  • Xét nghiệm dự trữ buồng trứng: Đo số lượng trứng còn lại sau mỗi chu kỳ rụng trứng.
  • Xét nghiệm hormone khác: Kiểm tra hormone kiểm soát quá trình rụng trứng và hormone tuyến yên.
  • Siêu âm: Phát hiện bất thường trong tử cung hoặc buồng trứng. Siêu âm nước muối (sonohysterogram) có thể được sử dụng để kiểm tra chi tiết hơn.
  • Nội soi tử cung: Quan sát trực tiếp tử cung để tìm các dấu hiệu bất thường hoặc hướng dẫn phẫu thuật nhỏ.
  • Nội soi ổ bụng: Kiểm tra ống dẫn trứng, buồng trứng, tử cung để phát hiện lạc nội mạc tử cung, sẹo hoặc tắc nghẽn.

Điều trị vô sinh

Điều trị vô sinh thường bao gồm ba nhóm phương pháp chính:

Điều trị vô sinh nam

Vô sinh ở nam giới có thể được điều trị hiệu quả thông qua các phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra vấn đề. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến:

  • Điều trị bằng thuốc và hormone: Một số loại thuốc có thể được sử dụng để cải thiện khả năng sinh sản ở nam giới là thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân vô sinh do nhiễm trùng, thuốc gonadotropin giúp kích thích sản xuất tinh trùng hoặc các loại thuốc hormone khác.
  • Phẫu thuật: Một số trường hợp nam giới cần phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh hay sửa chữa ống dẫn tinh bị tắc nghẽn, giúp lưu thông trở lại. Nếu không có tinh trùng trong quá trình xuất tinh, tinh trùng thường được lấy trực tiếp từ tinh hoàn hay mào tinh hoàn thông qua các kỹ thuật lấy tinh trùng.
  • Phương pháp điều trị liên quan đến khả năng tình dục: Áp dụng cho các trường hợp bị rối loạn cương dương, xuất tinh sớm hoặc ham muốn tình dục bị suy giảm.
  • Thay đổi lối sống và tư vấn tâm lý: Nam giới cần tiết chế việc sử dụng rượu bia, thay vào đó cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Trong trường hợp nam giới bị áp lực tâm lý thì tư vấn tâm lý sẽ hữu ích và giúp giải tỏa áp lực.

Điều trị vô sinh nữ

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến.

  • Điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc thường được sử dụng để kích thích rụng trứng hoặc điều chỉnh rối loạn nội tiết như: Dopamine agionists, gonadotropins, clomifene, tamoxifen, metformin, 
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật ống dẫn trứng, điều trị lạc nội mạc tử cung, loại bỏ u xơ tử cung, khoan buồng trứng.
  • Các liệu pháp hỗ trợ sinh sản: Thụ tinh nhân tạo (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI).
  • Liệu pháp hormone: Đối với những trường hợp mất cân bằng hormone, liệu pháp hormone được sử dụng để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và kích thích rụng trứng.
  • Thay đổi lối sống và giải tỏa tâm lý: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể thao thường xuyên hoặc tham vấn trị liệu tâm lý để giải tỏa căng thẳng.

Cách phòng ngừa vô sinh ở nam giới và nữ giới

Một số nguyên nhân gây vô sinh không thể phòng ngừa, nhưng các biện pháp dưới đây có thể giúp tăng cơ hội mang thai.

  • Đối với cả hai vợ chồng: Tăng tần suất quan hệ, chọn thời điểm có khả năng thụ thai cao, tốt nhất là trước 5 ngày rụng trứng và sau 1 ngày trứng rụng.
  • Nam giới: Hướng đến lối sống lành mạnh, thể dục thể thao thường xuyên, hạn chế rượu bia, mặc đồ bảo hộ đầy để nếu bạn phải tiếp xúc gần với các hóa chất độc hại. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về tác dụng phụ của các loại thuốc đặc trị (nếu bạn đang điều trị bệnh).
  • Nữ giới: Duy trì cân nặng cân đối với cơ thể, tập thể dục thường xuyên, hạn chế rượu bia và thuốc lá tối đa.
Cách phòng ngừa vô sinh
Cách phòng ngừa vô sinh: Duy trì cân nặng phù hợp, xây dựng lối sống lành mạnh và khám sức khỏe phụ khoa / nam khoa định kỳ

Câu hỏi thường gặp

Vô sinh có chữa được không?

Vô sinh có thể được điều trị và sẽ đạt hiệu quả tốt hơn nếu được phát hiện sớm, tìm ra nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, với sự tiến bộ của y học hiện nay, vô sinh không còn là bệnh khó điều trị.

Khó mang thai có phải là dấu hiệu của vô sinh không?

Khó mang thai có thể là dấu hiệu của vô sinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vô sinh được định nghĩa là tình trạng không thể thụ thai sau 12 tháng hoặc hơn khi quan hệ tình dục đều đặn và không sử dụng biện pháp tránh thai.

Làm ở công ty điện tử có bị vô sinh không?

Việc làm việc trong môi trường công ty điện tử có thể tiềm ẩn một số rủi ro đối với sức khỏe sinh sản. Môi trường này thường tiếp xúc với các hóa chất độc hại và bức xạ, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc và biện pháp bảo vệ cá nhân.

Uống kháng sinh nhiều có gây vô sinh không?

Về việc sử dụng kháng sinh, việc lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Một số loại kháng sinh có thể gây tác dụng phụ như giảm mật độ tinh trùng ở nam giới hoặc ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Do đó, nếu sử dụng thuốc kháng sinh bạn nên uống theo sự chỉ định của bác sĩ.

Vô sinh có kinh nguyệt (đến tháng) không?

Vô sinh không đồng nghĩa với việc không có kinh nguyệt. Nhiều phụ nữ vô sinh vẫn có chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp vô sinh có thể liên quan đến rối loạn kinh nguyệt, như kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh.

Kết luận

Vô sinh là một vấn đề mà không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người bệnh và gia đình, mà còn tác động phần nào đến xã hội. Chính vì vậy, việc biết cách phòng ngừa và biết cách nhận diện các dấu hiệu của vô sinh từ sớm là điều cần thiết.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Infertility
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/infertility
Truy cập ngày: 26.12.2024

Infertility
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/infertility/symptoms-causes/syc-20354317
Truy cập ngày: 26.12.2024

Infertility in males and females
https://www.medicalnewstoday.com/articles/165748
Truy cập ngày: 26.12.2024

Infertility
https://medlineplus.gov/ency/article/001191.htm
Truy cập ngày: 26.12.2024

Secondary infertility: Why does it happen?
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/infertility/expert-answers/secondary-infertility/faq-20058272
Truy cập ngày: 26.12.2024

Male Infertility
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/male-infertility
Truy cập ngày: 26.12.2024

Treatment -Infertility
https://www.nhs.uk/conditions/infertility/treatment/
Truy cập ngày: 26.12.2024

Female Infertility
https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/female-infertility
Truy cập ngày: 26.12.2024

Phiên bản hiện tại

26/12/2024

Tác giả: Phong Huỳnh

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Top những thực phẩm cho mẹ sau sinh giúp mẹ khỏe bé lớn nhanh

[Giải đáp]: Vì sao quan hệ đúng ngày rụng trứng mà vẫn không có thai


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo