Bị buồng trứng đa nang làm tăng nguy cơ mắc bệnh gì?
Nhiều người thắc mắc bị bệnh đa nang buồng trứng có nguy hiểm không, buồng trứng đa nang có thai được không? Thực tế là khi mắc phải hội chứng này, ngoài nguy cơ vô sinh, bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm như:
- Tiểu đường: Hơn phân nửa phụ nữ bị PCOS mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường trước 40 tuổi. Nguyên nhân do sự rối loạn điều hòa hormone estrogen và lượng insulin trong cơ thể.
- Cao huyết áp: Phụ nữ mắc hội chứng hội chứng này có nguy cơ cao bị cao huyết áp.
- Cholesterol trong máu cao: Cơ thể người bệnh bị đa nang buồng trứng thường có lượng cholesterol xấu (LDL) nhiều hơn cholesterol tốt (HDL). Điều này dẫn đến nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ cũng tăng cao.
- Rối loạn ngưng thở khi ngủ: Đây là một rối loạn tạm thời xảy ra khi một người ngừng thở nhiều lần trong khi ngủ. Thông thường những phụ nữ bị đa nang buồng trứng thường bị béo phì hoặc thừa cân nên làm tăng nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ.
- Ung thư nội mạc tử cung: Khi mắc đa nang buồng trứng, bạn thường gặp vấn đề rụng trứng, béo phì, kháng insulin và đái tháo đường. Tất cả những điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung (màng tử cung).
- Trầm cảm và dễ lo âu: Tình trạng này thường thấy ở phụ nữ mắc buồng trứng đa nang.
Phương pháp chẩn đoán

Hội chứng đa nang buồng trứng có thể khó chẩn đoán vì các triệu chứng ở mỗi người sẽ khác nhau. Nếu bạn bị PCOS, các triệu chứng có thể xuất hiện và biến mất trong thời gian ngắn. Đầu tiên, bác sĩ cần phải loại trừ các nguyên nhân khả thi của triệu chứng này, chẳng hạn như vấn đề về tuyến giáp. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn có bị PCOS dựa trên các yếu tố sau:
- Tiền sử về sức khỏe và chu kỳ kinh nguyệt
- Xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone
- Siêu âm qua ngả âm đạo để kiểm tra xem buồng trứng có đa nang và mở rộng hay không.
4 cách điều trị buồng trứng đa nang giúp hỗ trợ sinh sản
Buồng trứng đa nang có chữa được không hay điều trị buồng trứng đa nang như thế nào… là thắc mắc của hầu hết bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc phải tình trạng này. Theo các chuyên gia sức khỏe, PCOS không thể được chữa khỏi hoàn toàn nhưng bạn có thể đối phó với các triệu chứng. Tùy vào nhu cầu của người bệnh mà bác sĩ sẽ cho phác đồ điều trị thích hợp, như: Điều trị nhằm mục đích điều hòa chu kỳ kinh nguyệt hay điều trị để mang thai.
1. Giảm cân

Nếu bạn bị béo bụng, việc giảm cân giúp ích rất nhiều cho sự rụng trứng, tăng khả năng thụ thai. Khi bạn giảm được khoảng 5 – 7kg, chu kỳ kinh sẽ diễn ra đều đặn hơn, giảm lượng cholesterol, điều chỉnh được isulin trong cơ thể.
Hãy giảm cân bằng cách kết hợp thực hiện một chế độ ăn uống giàu chất xơ, ít tinh bột đường và vận động hợp lý.
2. Dùng thuốc hỗ trợ sinh sản là cách điều trị buồng trứng đa nang
Nếu bạn đang mong muốn có con, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định loại thuốc nào là phù hợp với bạn. Chẳng hạn như:
♦ Clomiphene: Nếu bạn đã giảm cân mà chu kỳ kinh vẫn không đều, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng thuốc clomiphene – thuốc giúp tăng khả năng sinh sản. Khoảng 80% phụ nữ điều trị với thuốc clomiphene bắt đầu rụng trứng trong vòng 3 tháng đầu tiên. Trong số đó, có đến 30 – 40% phụ nữ mang thai trong lần điều trị thứ 3.
♦ Letrozole: Bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng letrozole nhằm kích thích rụng trứng. Loại thuốc này có hiệu quả hơn so với clomiphene trong việc điều hòa sự rụng trứng và hỗ trợ mang thai cho người bị PCOS.
♦ Metformin: Đây là một trong những loại thuốc kích thích sự rụng trứng. Loại thuốc này sẽ có hiệu quả hơn nếu kết hợp với clomiphene hoặc letrozole trong quá trình điều trị PCOS.
♦ Gonadotropins: Nếu điều trị bằng các loại thuốc khác không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ khuyên bạn dùng gonadotropin. Đây là loại thuốc dạng tiêm nhằm kích thích sự rụng trứng cũng như giúp trứng phát triển. Có đến khoảng 60% phụ nữ mắc PCOS có thai khi được điều trị bằng loại thuốc này.
3. Phương pháp phẫu thuật buồng trứng
Nếu việc điều trị bằng những loại thuốc trên không cho kết quả như ý, lúc này bác sĩ có thể tư vấn cho bạn phương pháp phẫu thuật được gọi là khoan buồng trứng nhằm tạo ra các lỗ nhỏ trong buồng trứng. Điều này giúp làm giảm mức độ kích thích tố nam và tăng cường sự rụng trứng.
Không giống như thuốc uống hay tiêm, hình thức khoan buồng trứng là phương pháp chỉ điều trị một lần. Tác động của phương pháp này chỉ mang tính tạm thời, nhưng khoảng 50% phụ nữ mang thai trong vòng một năm kể từ khi phẫu thuật.
4. Thụ tinh trong ống nghiệm
Nếu không có phương pháp điều trị nào phù hợp với bạn thì thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được xem là phương pháp tối ưu. Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành lấy trứng và tinh trùng để tiến hành quy trình thụ tinh trong phòng thí nghiệm.
Sau đó, họ sẽ đưa phôi vào tử cung của bạn để phôi có thể phát triển thành thai nhi. Tỷ lệ mang thai phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng sinh sản của bạn.
Chữa đa nang buồng trứng: Kiểm soát các dấu hiệu bằng phương pháp tránh thai

Nếu chưa kết hôn hoặc chưa có ý định sinh con, bạn sẽ được chỉ định điều trị theo hướng là dùng thuốc ngừa thai phối hợp để điều hòa nội tiết tố, giúp chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều hơn, giảm các triệu chứng nam hóa, bảo vệ lớp vỏ buồng trứng không bị xơ chai. Ngoài ra, thuốc ngừa thai còn có tác dụng giảm tình trạng mụn trứng cá, lông rậm ở bệnh nhân bị buồng trứng đa nang.
Việc sử dụng các phương pháp ngừa thai nội tiết tố thường có 3 cách điều trị. Cụ thể như sau:
1. Sử dụng thuốc tránh thai
Thuốc ngừa thai là lựa chọn phổ biến và hiệu quả nhất được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng buồng trứng đa nang. Có 2 loại thuốc ngừa thai dạng uống là thuốc tổng hợp và thuốc viên chỉ có progestin. Cả 2 loại đều vô cùng hữu ích trong việc kiểm soát các triệu chứng của PCOS đồng thời có thể hỗ trợ bạn:
- Có khả năng rụng trứng
- Chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều, nhẹ nhàng, ít đau
- Giảm tình trạng chuột rút
- Có làn da khỏe đẹp
- Giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng
- Giảm sự tăng trưởng bất thường của tóc.
2. Miếng dán ngừa thai

Giống như việc dùng thuốc tránh thai, miếng dán ngừa thai cũng có thể giúp bạn:
- Rụng trứng
- Điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt
- Làm giảm chứng đầy bụng và chuột rút
- Giảm mụn trứng cá
- Hạn chế mọc quá nhiều lông
- Hạn chế nguy cơ ung thư.
3. Vòng tránh thai
Dụng cụ tránh thai này cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị hội chứng đa nang buồng trứng:
- Dễ dàng rụng trứng
- Điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của bạn
- Làm giảm chứng đầy bụng và chuột rút
- Giảm mụn trứng cá
- Hạn chế mọc quá nhiều lông, tóc
- Giảm nguy cơ ung thư.
Đôi khi bác sĩ sản phụ khoa sẽ dựa vào các triệu chứng bệnh của bạn để chỉ định phương pháp điều trị. Thậm chí có thể được giới thiệu đến một bác sĩ chuyên về nội tiết.
Bị buồng trứng đa nang có thai được không, cần chú ý gì?
Bị đa nang buồng trứng không đồng nghĩa với việc bạn khó thụ thai một cách tự nhiên. Song nếu đang mang thai và bị đa nang bồng trứng, bạn nên chú ý hơn đến sức khỏe thai kỳ. Hãy khám thai theo đúng lịch hẹn và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ sản khoa, vì thai phụ bị buồng trứng đa nang có nguy cơ cao gặp các biến chứng sau:
- Sẩy thai
- Bệnh tiểu đường thai kỳ
- Tiền sản giật
- Mổ lấy thai do thai nhi của thai phụ bị PCOS thường bị thừa cân.
Bạn có thể giảm các tác động xấu đến sức khỏe của hội chứng PCOS trong khi bầu bí bằng cách:
- Giữ cân nặng trong giới hạn bình thường trước khi mang thai
- Duy trì lượng đường trong máu trong giới hạn bình thường trước khi mang thai
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Uống axit folic trước khi mang thai hoặc bổ sung dưỡng chất này từ thực phẩm hoặc chất bổ sung.
Hy vọng với những thông tin mà bài viết cung cấp đã giúp bạn phần nào có thêm kiến thức bổ ích về hội chứng buồng trứng đa nang, hiểu rõ phương pháp mà mình đang điều trị.