Loãng xương ở người cao tuổi diễn ra âm thầm nhưng để lại những hậu quả lớn cho sức khỏe. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát, ngăn ngừa được bệnh nếu biết cách.
Vì sao cần quan tâm đến bệnh loãng xương ở người cao tuổi?
Nhìn bằng mắt, xương có vẻ đặc khít nhưng thật ra gồm rất nhiều khoảng trống xen kẽ các loại tế bào, protein, mạch máu, bạch huyết và dây thần kinh… Xương là một mô sống: các tế bào xương cũ sẽ chết đi, được thay bằng các tế bào xương mới, giúp xương cứng cáp. Quá trình tái tạo xương này diễn ra theo chu kỳ.
Việc suy giảm hormone sinh dục estrogen ở nữ (từ khoảng 50 tuổi) và testosterone ở nam (từ khoảng 70 tuổi) khiến tốc độ hình thành xương mới bị chậm lại, không kịp bù đắp cho phần xương cũ mất đi, dẫn đến xương xốp hơn, mỏng và yếu hơn. Những thay đổi này gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe. Vì thế, bạn cần tìm cách ngăn ngừa và kiểm soát tốt tình trạng loãng xương ở người cao tuổi.
Dấu hiệu loãng xương ở người cao tuổi
Xét nghiệm mật độ xương để xác định loãng xương ở người cao tuổi
Loãng xương diễn ra âm thầm theo tuổi tác. Mức độ loãng xương ở người cao tuổi thường được xác định cụ thể bằng đo mật độ xương (BMD). Nên tiến hành đo mật độ xương cho phụ nữ từ 65 tuổi và nam giới từ 70 tuổi, hoặc sớm hơn nếu người đó có nguy cơ loãng xương sớm.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương ở người cao tuổi
Bệnh loãng xương ở người cao tuổi có thể đến sớm hơn hoặc trở nên trầm trọng hơn khi người cao tuổi có các yếu tố nguy cơ sau:
– Mắc các bệnh mạn tính: thấp khớp, thận, gan, bệnh tuyến cận giáp, bệnh tuyến tụy, ung thư…
– Ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của việc điều trị bệnh: dùng thường xuyên các thuốc kháng viêm corticosteroid như prednisone, thuốc trung hòa axit dạ dày có aluminum (nhôm), một số thuốc điều trị động kinh, điều trị lạc nội mạc tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú bằng hormone…
– Có lối sống thiếu vận động
– Có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn
– Có rối loạn hấp thu do các bệnh trong hệ tiêu hóa, do dị ứng sữa, không dung nạp lactose…
– Lạm dụng rượu, bia
– Hút thuốc lá
– Người có khung xương nhỏ và xương mỏng, nhẹ cân; trong gia đình có người bị loãng xương.
Dấu hiệu cho biết loãng xương ở người cao tuổi đã ở mức nghiêm trọng
– Đau cột sống: ngoài những nguyên nhân khác, gãy xương do loãng xương thường xảy ra ở cột sống lưng và cổ, gây đau. Đôi khi người cao tuổi không tự cảm nhận được, không biết mình bị gãy xương.
– Gù hoặc vẹo cột sống: Thân trên đổ về phía trước khi đi, đứng do xương đốt sống loãng và cột sống gù, vẹo.
– Người bị lùn xuống do xương xốp và nén xuống theo chiều trọng lực.
Tác hại của loãng xương với sức khỏe người cao tuổi
Loãng xương ở người cao tuổi khiến xương dễ gãy ngay cả với những tai nạn nhỏ như trượt chân, ngã, với tay, vặn người… Ho và hắt hơi mạnh cũng có thể gây rạn, nứt xương sườn, đặc biệt khi bệnh kéo dài (mạn tính). Xương bị loãng khi gãy càng khó hồi phục.
Cổ tay, cổ xương đùi và xương sống là những vị trí dễ bị gãy, rạn nhất khi người cao tuổi ngã (về phía trước, ngã qua một bên hoặc ngã về phía sau). Đây đều là những vị trí rạn nứt khó hồi phục và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Té ngã kết hợp với loãng xương ở người cao tuổi dễ dẫn đến hạn chế vận động, thậm chí làm mất khả năng vận động độc lập vĩnh viễn hoặc gây ra những biến chứng khác đe dọa tính mạng nếu sức khỏe kém. Theo thống kê, khoảng 50% người già gãy cổ xương đùi có khuyết tật vĩnh viễn và 25% mất khả năng tự đi lại.
Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh loãng xương ở người cao tuổi
Việc phòng ngừa và kiểm soát loãng xương ở người cao tuổi nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
Chế độ dinh dưỡng trong ngăn ngừa, kiểm soát loãng xương ở người cao tuổi
Việc hình thành xương mới, bù đắp xương mất đi lấy nguồn nguyên liệu từ thức ăn và diễn ra từ từ, ngày qua ngày. Vì thế, những thực phẩm tốt cho xương cần hiện diện trong bữa ăn của người cao tuổi một cách đều đặn. Ngăn ngừa loãng xương ở người cao tuổi đòi hỏi một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng; trong đó đảm bảo được những thành phần quan trọng nhất cho xương là canxi, vitamin D và protein.
Canxi
Canxi là khoáng chất cơ bản trong cấu tạo của xương nhưng dễ bị thiếu trong chế độ ăn. Lượng canxi cần thiết cho người cao tuổi là 1200 mg/ngày đối với nữ giới từ 50 tuổi, nam giới từ 70 tuổi và 1000 mg/ngày đối với nam giới từ 50 tuổi.
Những thực phẩm giàu canxi, giúp ngăn ngừa và cải thiện loãng xương ở người cao tuổi bao gồm:
– Sữa và các sản phẩm từ sữa: khi dùng một cách thường xuyên, hàm lượng chất béo trong sữa nên được lưu ý. Sữa tươi và sữa chua ít béo hoặc không béo sẽ phù hợp cho sức khỏe của người cao tuổi hơn cả.
– Các loại rau lá xanh thẫm thường chứa nhiều canxi: ví dụ cải chíp (cải thìa), rau chân vịt, bông cải xanh, cần tây, rau diếp cá, đậu rồng, cải xoăn, măng tây…
– Các loại đậu đều giàu canxi.
– Những thực phẩm được nhà sản xuất tăng cường canxi, thể hiện trên nhãn mác, ví dụ nước cam, ngũ cốc ăn sáng…. Trứng cũng là một loại thực phẩm nhiều canxi.
Lượng canxi có trong một số loại thực phẩm:
Sữa (250 ml) | 300 mg |
Trứng (1 quả) | 100 mg |
Cải chíp (cải thìa) (150 g) | 40 mg |
Rau chân vịt (150 g) | 240 mg |
Bông cải xanh (150 g) | 180 mg |
Cải xoăn (150 g) | 55 mg |
Đậu pinto (130 g) | 75 mg |
Đậu nành nguyên hạt (130 g) | 100 mg |
Đậu xanh (130 g) | 46 mg |
Đậu Hà Lan (130 g) | 36 mg |
Đậu phụ thường (120 g) | 120 – 390 mg |
Đậu phụ tăng cường canxi (120g) | 250 – 750 mg |
Canxi từ thức ăn là dễ hấp thu nhất, nhưng nếu không đủ, người cao tuổi cần dùng thực phẩm chức năng hoặc viên uống bổ sung canxi. Việc bổ sung nên được hướng dẫn bởi bác sĩ vì thiếu hay dư canxi cũng đều không tốt và cần phù hợp với tình trạng của sức khỏe.
Vitamin D
Đây là loại vitamin quan trọng trong ngăn ngừa, cải thiện bệnh loãng xương ở người cao tuổi. Vitamin D giúp cơ thể chuyển hóa canxi vào xương. Người cao tuổi cần nhiều vitamin D hơn, trung bình 600 IU/ngày nếu dưới 70 tuổi và 800 IU/ngày nếu từ 70 tuổi trở lên.
Da tự tổng hợp vitamin D khi có ánh nắng mặt trời nhưng không đủ cho cơ thể. Người cao tuổi cung cấp thêm qua các thực phẩm giàu vitamin D: các loại cá béo (đặc biệt là cá hồi, cá mòi, cá thu…); trứng; sữa và ngũ cốc tăng cường vitamin D… và viên uống bổ sung.
Cũng như canxi, thiếu hay thừa vitamin D đều không tốt cho cơ thể.
Protein
Một phần lớn cấu trúc của xương là collagen, một loại protein. Vì thế, chế độ ăn đủ protein cần được đảm bảo nếu muốn đạt hiệu quả phòng ngừa, cải thiện loãng xương ở người cao tuổi. Những thức ăn giàu protein là:
- Thịt bò, thịt heo, thịt gà (hạn chế ăn da và mỡ)
- Cá
- Trứng, sữa
- Các loại đậu
Tăng cường vận động để ngăn ngừa loãng xương
Xương cần lực kích thích để sản sinh tế bào mới. Bất kỳ hoạt động thể dục, thể thao nào cũng đều cung cấp cho xương những kích thích cần thiết này. Người cao tuổi cần tiếp tục, duy trì vận động để hệ thống xương và cơ bắp chắc và khỏe, đồng thời kích thích các cơ quan khác trong cơ thể làm việc tốt hơn cũng như thúc đẩy sự minh mẫn của tinh thần.
Đây là những hoạt động phù hợp, giúp người cao tuổi nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần:
- Đi bộ 15 – 20 phút mỗi ngày ở tốc độ vừa sức
- Khiêu vũ, bơi lội, cầu lông, thậm chí nâng tạ với mức hợp lý…
- Tập thể dục dưỡng sinh có công dụng củng cố thăng bằng cơ thể
- Chăm sóc nhà cửa, sửa chữa lặt vặt giúp tăng cường vận động một cách đáng kể cho người cao tuổi
Nếu cơ thể yếu, người cao tuổi vẫn cần vận động với sự giúp đỡ, đồng hành của người thân, người chăm sóc hoặc chuyên viên trị liệu để đi đúng cách và tránh các tai nạn.
Kiểm soát những tác nhân có hại cho xương
Sử dụng caffeine có chừng mực
Người già hoàn toàn có thể sử dụng thức uống có caffeine (cà phê, trà…) và cồn (bia, rượu…) trong chừng mực cho phép và phù hợp với sức khỏe. Tuy nhiên, uống quá nhiều caffeine sẽ khiến giảm hấp thu canxi. Một tách cà phê có thể giảm hấp thu 4 mg canxi.
Hạn chế ăn mặn
Việc ăn mặn gây tăng lượng canxi thải qua nước tiểu. Mỗi muỗng cà phê muối có thể gây mất 40 mg canxi qua nước tiểu. Vì vậy, hạn chế ăn mặn vừa tốt cho huyết áp, hệ tim mạch vừa hạn chế việc mất canxi cho cơ thể.
Không lạm dụng các loại bia, rượu
Lạm dụng thức uống chứa cồn (uống nhiều và thường xuyên) là việc gây bất lợi cho sức khỏe. Cồn đẩy nhanh quá trình loãng xương ở người cao tuổi bằng nhiều cách:
- Ngăn cơ thể hấp thu canxi từ thực phẩm và thuốc
- Cản trở quá trình tự tổng hợp vitamin D
- Gây rối loạn và giảm tiết các hormone sinh dục có chức năng duy trì mật độ xương như đã nói bên trên
- Khiến cơ thể sản xuất nhiều cortisol, làm giảm tốc độ sản sinh mô xương mới.
- Gây ra bệnh tăng huyết áp, các bệnh về tim, gan và hệ tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, trực tràng…) khiến việc hấp thu canxi kém hiệu quả.
Bỏ thuốc lá
So với bia rượu, khói thuốc được tạo thành bởi vô số chất độc hại cho cơ thể. Hút thuốc cũng thúc đẩy và làm trầm trọng loãng xương qua một số cơ chế như:
- Ngăn cản hấp thu canxi
- Cản trở việc hình thành xương mới của các nguyên bào
- Tăng tiết cortisol và giảm lượng oxy trong máu đi nuôi cơ thể
- Gây mất cân bằng các hormone sinh dục
- Gây ra các bệnh mạn tính, đặc biệt là ung thư cho các cơ quan tim, phổi, thực quản…
Tác hại gây ra bởi thuốc lá nghiêm trọng và toàn diện hơn nhiều cả trước mắt và về lâu dài. Tuổi cao là giai đoạn cơ thể suy yếu. Không hút thuốc là nâng cao sức khỏe để đẩy lùi bệnh tật nói chung và ngăn ngừa, kiểm soát loãng xương nói riêng.
Phòng tránh té ngã để hạn chế tác hại của loãng xương ở người cao tuổi
Người cao tuổi có nhiều nguy cơ té ngã vì việc vận động, suy giảm các giác quan, phán đoán và phản ứng giảm sút.
Để giảm thiểu nguy cơ té ngã, người cao tuổi nên:
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và vận động thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường thể lực, giữ thăng bằng tốt và di chuyển đúng tư thế
– Tập các bài tập tăng sức cơ (các bài tập kháng lực) và các bài tập thăng bằng (ví dụ như Thái cực quyền)
– Tránh di chuyển nhiều khi đang buồn ngủ vì thuốc, bệnh…
– Phòng ngừa, điều trị cao huyết áp để tránh chóng mặt, tai biến…
– Giữ nhà cửa và lối đi gọn gàng, tránh chướng ngại vật, tránh trơn trượt, đảm bảo đầy đủ ánh sáng
– Nếu khả năng nghe, nhìn bị suy giảm, cần dùng máy trợ thính, mắt kính, mổ đục thủy tinh thể…
– Mang giày, dép vừa vặn, thoải mái
– Uống đủ nước để tránh cơ thể bị thiếu nước
– Lắp đặt tay vịn trong nhà tắm, lối đi, cầu thang…
– Nếu cần, người cao tuổi nên học cách sử dụng dụng cụ chuyên dụng trợ giúp đi lại.
– Sử dụng canxi và vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngăn ngừa, điều trị loãng xương ở người cao tuổi cần sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng
Đối với bản thân người cao tuổi
Dù bị loãng xương ở mức độ nhẹ hay nặng, người cao tuổi luôn cần lạc quan để khỏe mạnh bằng cách:
– Sống năng động: duy trì những hoạt động thể dục, thể thao yêu thích với các điều chỉnh phù hợp. Giữ tinh thần tích cực và tham gia các hoạt động cùng với gia đình, bè bạn, khu xóm…
– Chia sẻ cảm nhận và suy nghĩ của mình với người thân và bác sĩ. Tránh để rơi vào trầm cảm, lo âu vì những thay đổi do tuổi tác.
Sự đồng hành và giúp đỡ của gia đình
Việc ngăn ngừa, kiểm soát và điều trị loãng xương ở người cao tuổi luôn cần có sự hỗ trợ, chia sẻ từ các thành viên trong gia đình. Bạn có thể cải thiện sức khỏe người thân lớn tuổi bằng cách:
– Đảm bảo người cao tuổi có một chế độ ăn cân bằng và đủ chất dinh dưỡng
– Nhắc người thân uống thuốc đủ liều, đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ
– Nhắc nhở nếu người thân mang các thiết bị phụ trợ nghe, nhìn, hoặc gậy trợ lực khi đi đứng nếu cần thiết.
– Động viên, thúc đẩy người thân duy trì các hoạt động thể dục, thể thao
– Tạo điều kiện và khuyến khích người thân tham gia vào các hoạt động chung trong đời sống gia đình, ngoài cộng đồng.
Có thể thấy, dù là hệ quả của tuổi tác nhưng bệnh loãng xương ở người cao tuổi vẫn có thể được kiểm soát tốt nếu tuân thủ nghiêm túc chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Điều đó cần sự chung tay, tích cực và chủ động từ cả bản thân người cao tuổi và các thành viên trong gia đình.
[embed-health-tool-bmi]