Con gái thức khuya ngủ nướng có tác hại gì đến sức khỏe?
Thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ là những yếu tố gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Nếu ngủ trễ, dậy muộn thất thường hoặc thời gian ngủ không ổn định, ngày ngủ quá ít nhưng có ngày lại ngủ nhiều sẽ khiến thói quen ngủ không lành mạnh, làm cho đồng hồ sinh học bị rối loạn. Các vấn đề giấc ngủ thường ảnh hưởng ở phụ nữ nhiều hơn so với đàn ông. Vậy con gái hay thức khuya, ngủ nướng có tác hại gì?
Những tác hại của việc thức khuya ở nữ giới có thể gặp phải gồm:
- Tăng nguy cơ béo phì và tăng cân do mất cân bằng hormone, làm tăng cảm giác thèm ăn đêm và gây tích trữ mỡ trong cơ thể.
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều, rối loạn kinh nguyệt. Thức khuya có thể dẫn đến thiếu ngủ và ảnh hưởng tới hormone căng thẳng cùng melatonin gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, khó thụ thai do ảnh hưởng đến trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (HPA), làm gián đoạn nhịp sinh học, rối loạn điều hòa các hormone.
- Tăng nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường type 2...
- Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, khiến tâm trạng dễ thay đổi thất thường, cáu kỉnh, lo lắng quá mức... Thức khuya, thiếu ngủ cũng làm giảm khả năng đưa ra phán đoán, quyết định chính xác.
- Khó tập trung , giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và chức năng não bộ.
- Tăng nguy cơ gặp tai nạn và bị thương tích vì thức khuya, thiếu ngủ khiến bạn không tỉnh táo vào ban ngày.
- Tăng nguy cơ bị trầm cảm , rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ. Một số rối loạn khác cũng có thể xảy ra sau đó như ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên, rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ, rối loạn ác mộng.
Một nghiên cứu công bố vào năm 2023, theo dõi khoảng 64.000 nữ y tá trong độ tuổi từ 45 - 62 tuổi trong vòng 8 năm đã nhận thấy những người có hành vi thức khuya, ngủ nướng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn 19%. Hơn nữa, những người thức khuya cũng thường có lối sống kém lành mạnh hơn như hút thuốc, thói quen ngủ không tốt. Giả thuyết cho rằng những người thức khuya, ngủ nướng sẽ bị mất cân bằng giữa đồng hồ sinh học bên trong cơ thể và thời gian làm việc xã hội bắt buộc bên ngoài, làm phát triển các yếu tố nguy cơ cho sức khỏe.
Một nghiên cứu khác cho thấy những người đi ngủ sớm trong khoảng từ 10 - 11 giờ tối có ít nguy cơ mắc bệnh tim hơn. Những người thức khuya, dậy muộn có nguy cơ cao vì ít có cơ hội tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng, khiển cho đồng hồ sinh học của cơ thể bị ảnh hưởng.
Bạn có biết việc tiếp xúc với ánh sáng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc thiết lập nhịp sinh học, có liên kết với chu kỳ ngày - đêm cũng như ngủ - thức. Khi mắt tiếp xúc với ánh nắng sẽ làm cho não gửi đi các tin hiệu giúp cơ thể tỉnh táo. Vào ban đêm, khi mức độ tiếp xúc với ánh sáng giảm đi sẽ phát đi các tín hiệu thúc đẩy sự thư giãn và tạo cảm giác buồn ngủ. Nhịp sinh học được giữ ổn định không chỉ góp phần tạo nên giấc ngủ lành mạnh mà còn tác động đến nhiều khía cạnh khác của sức khỏe, bao gồm sức khỏe tinh thần cũng như quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Nói chung, khi con gái thức khuya ngủ nướng sẽ tiềm ẩn nhiều tác hại đến sức khỏe, nhất là khi thời gian ngủ - thức không cố định mỗi ngày tạo ra thói quen ngủ không lành mạnh. Do đó, bạn cần phải xây dựng lại thời gian biểu cho giấc ngủ, tạo một thói quen ngủ - thức trong cùng một khung giờ mỗi ngày phù hợp với sinh hoạt bình thường. Các nguyên tắc chung cần tuân thủ là:
- Duy trì sự nhất quán trong thời điểm ngủ - thức mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ.
- Ngủ đủ giấc mỗi đêm, người trưởng thành cần ngủ 7 - 9 giờ.
- Điều chỉnh thời gian ngày - đêm sao cho phù hợp với lối sống và duy trì ổn định.
Bạn cũng cần lưu ý đến những yếu tố gây ảnh hưởng đến giấc ngủ để tạo một môi trường thuận lợi cho giấc ngủ, đảm bảo giữ được thói quen ngủ đúng giờ:
- Ánh sáng, bao gồm ánh sáng từ màn hình thiết bị điện tử như điện thoại, máy vi tính, tivi...
- Hạn chế hoạt động thể chất mạnh ngay trước khi đi ngủ. Để tăng cường sức khỏe thể chất và giúp ngủ dễ hơn, bạn nên tập luyện vào ban ngày hoặc trước khi đi ngủ vài giờ.
- Tạo những thói quen lành mạnh trước giờ ngủ như đọc sách, giảm cường độ đèn phòng, nghe nhạc, vệ sinh cá nhân, thay đồ ngủ, thực hành thiền... Những việc này có thể trở thành tín hiệu giúp cơ thể nhận biết đã đến giờ đi ngủ để phát tín hiệu thư giãn, chuẩn bị đi vào giấc ngủ.
- Tránh ngủ trưa quá nhiều sẽ làm gián đoạn cơn buồn ngủ vào ban đêm. Bạn chỉ nên ngủ trưa ít hơn 30 phút vào khoảng đầu giờ chiều.
- Hạn chế uống rượu, bia, cà phê hoặc các chất kích thích vào buổi chiều tối vì có thể gây cảm giác bồn chồn, tỉnh táo, khó ngủ vào ban đêm.
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp, tạo môi trường yên tĩnh, thoáng mát, mùi hương dịu nhẹ để để cơ thể cảm thấy thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Hi vọng sau khi đọc xong bài viết này, bạn đã phần nào giải đáp được thắc mắc về việc con gái thức khuya ngủ nướng có tác hại gì. Để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích bạn hãy tham khảo bài viết 9 tác hại thức khuya ở nữ giới mà bạn không ngờ tới.
❓ Hỏi bác sĩ miễn phí từ xa, click hỏi ngay!