backup og meta

Hướng dẫn cách làm tôm sốt Thái cho người bệnh mạn tính

Hướng dẫn cách làm tôm sốt Thái cho người bệnh mạn tính

Với sự kết hợp độc đáo giữa vị chua, cay, mặn, ngọt, tôm sốt Thái không chỉ là một món ăn hấp dẫn mà còn là lựa chọn tuyệt vời để làm mới khẩu vị trong bữa ăn gia đình. Đặc biệt, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh cách làm tôm sốt Thái để phù hợp với các thành viên gia đình đang mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp và tim mạch.

Việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ hỗ trợ kiểm soát bệnh mà còn giúp người bệnh tận hưởng trọn vẹn niềm vui ẩm thực mà không lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách làm gỏi tôm sốt Thái thơm ngon, bổ dưỡng với công thức đặc biệt dành cho người bệnh mạn tính.

Lợi ích và rủi ro của tôm đối với người bệnh mạn tính

Giá trị dinh dưỡng của tôm

Tôm là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, thích hợp cho chế độ ăn của người bệnh mãn tính. Tôm có lượng calo khá thấp nhưng lại có hàm lượng protein cao, đồng thời cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.

Thành phần dinh dưỡng trong 85g tôm bao gồm:

  • Lượng calo: 84,2
  • Protein: 20,4 g
  • Sắt: 0,433 mg
  • Phốt pho: 201 mg
  • Kali: 220 mg
  • Kẽm: 1,39 mg
  • Magiê: 33,2 mg

Tôm cũng là một trong những nguồn cung cấp axit béo omega-3iốt rất tốt. Đây là hai chất dinh dưỡng thường thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày của nhiều người. 

Ngoài ra, tôm cũng chứa chất chống oxy hóa astaxanthin, giúp giảm viêm, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, tăng cường sức khỏe tim mạch và hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer.

Những rủi ro tiềm ẩn khi tiêu thụ tôm
Người bệnh mãn tính cần lưu ý rằng tôm có thể gây dị ứng, do chứa tropomyosin – một protein dễ kích hoạt phản ứng dị ứng. Dị ứng tôm có thể gây triệu chứng nghiêm trọng như khó thở hoặc phản ứng phản vệ nếu không được xử lý kịp thời.
Trong 85g tôm có chứa 161mg cholesterol. Hàm lượng cholesterol cao trong tôm có thể không phù hợp cho người đang mắc bệnh tim hoặc mỡ máu. Dù vậy, nghiên cứu cho thấy tôm ít chất béo bão hòa và có thể góp phần cải thiện sức khỏe tim nếu ăn đúng cách.
Ngoài ra, tôm đông lạnh hoặc chế biến sẵn có thể chứa nhiều muối, gây bất lợi cho người cao huyết áp. Vì vậy, trong cách làm tôm sốt thái, bạn cần chọn tôm tươi và tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát khẩu phần hợp lý khi đưa vào thực đơn.

Điều chỉnh cách làm tôm sốt Thái phù hợp với người bệnh mạn tính

cách làm tôm sốt Thái

Sử dụng các nguyên liệu tươi, sạch và an toàn

  • Khi chọn mua tôm, ưu tiên các con tôm có lớp vỏ cứng, màu trong suốt và phần đuôi xếp chặt.
  • Tránh mua tôm có mùi tanh bất thường hoặc có dấu hiệu ươn.
  • Nếu mua tôm nuôi thì nên chọn tôm từ nguồn nuôi an toàn, không chứa dư lượng kháng sinh hoặc hóa chất độc hại để bảo vệ sức khỏe lâu dài.
  • Các nguyên liệu khác như sả, ớt, chanh hay rau ăn kèm cũng cần đảm bảo độ tươi, không bị héo úa hay có dấu hiệu hư hỏng.

Thay thế tôm sống bằng tôm chín để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn

Thay vì dùng tôm sống như cách làm tôm tái chanh sốt thái, bạn hãy luộc hoặc hấp tôm trước khi chế biến để giảm nguy cơ nhiễm khuẩnký sinh trùng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh mạn tính. Tôm chín vẫn giữ được hương vị thơm ngon khi kết hợp với nước sốt.

Giảm lượng muối và đường trong nước sốt

  • Giảm lượng muối: WHO khuyến nghị người trưởng thành chỉ nên dùng lượng natri dưới 2000 mg/ngày (tương đương với lượng muối dưới 5g/ngày – chưa đến một thìa cà phê). Do đó, người bệnh mãn tính nên thay thế muối và nước mắm thông thường bằng loại nước mắm giảm natri để hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể.
  • Giảm đường: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo lượng tiêu thụ đường mỗi ngày nên dưới 25 g/ngày đối với phụ nữ và 36 g/ngày đối với nam giới. Thay vì đường trắng, bạn có thể sử dụng các loại chất tạo ngọt tự nhiên như cỏ ngọt (stevia) hoặc erythritol để phù hợp với người tiểu đường.
  • Thay thế nguyên liệu: Bạn có thể sử dụng gia vị từ thảo mộc như hành tỏi, gừng, sả để tăng hương vị cho món ăn mà không cần thêm muối hoặc đường.

Hướng dẫn chi tiết cách làm tôm sốt Thái cho người bệnh mạn tính

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Tôm tươi đã được nấu chín
  • Sả, gừng, hành tím, tỏi, ớt (sử dụng lượng vừa phải)
  • Nước cốt chanh
  • Nước mắm ít natri
  • Chất tạo ngọt như cỏ ngọt (stevia) hoặc erythritol
  • Rau sống: xà lách, rau mùi hoặc rau thơm theo sở thích.

cách làm tôm sốt Thái

Các bước thực hiện

1. Sơ chế nguyên liệu

  • Rửa sạch tôm tươi, bóc vỏ, bỏ đầu và rút chỉ đen ở lưng để loại bỏ tạp chất.
  • Đem tôm hấp chín trong khoảng 5-7 phút, chú ý không hấp quá lâu để tránh làm tôm bị khô, mất đi độ ngọt tự nhiên. Sau khi hấp, để nguội và cắt đôi hoặc để nguyên tùy ý.
  • Sả rửa sạch, để ráo rồi cắt nhỏ; gừng gọt vỏ, cắt lát; hành tím lột vỏ, cắt lát; tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.

2. Chuẩn bị nước sốt

  • Giã nhuyễn hỗn hợp gồm sả, gừng, hành tím, tỏi và ớt trong cối để các nguyên liệu hòa quyện, dậy mùi thơm đặc trưng.
  • Cho hỗn hợp vừa giã vào tô, thêm nước cốt chanh, nước mắm ít natri và cỏ ngọt (hoặc erythritol). Khuấy đều cho đến khi đường tan hết và gia giảm gia vị để nước sốt có vị chua ngọt hài hòa.

3. Trộn tôm với nước sốt

  • Cho tôm đã hấp chín vào tô lớn, rưới nước sốt lên trên. Nhẹ nhàng đảo đều để nước sốt ngấm đều vào từng con tôm.
  • Để tôm ngấm trong khoảng 15 phút, giúp món ăn đậm đà hương vị.

4. Bày biện và thưởng thức

  • Xếp các loại rau sống như xà lách, rau mùi lên đĩa. Sau đó, bày tôm đã ngấm gia vị lên trên.
  • Trang trí thêm vài lát sả hoặc ớt tươi nếu thích. Món ăn sẽ hấp dẫn hơn khi kết hợp màu sắc hài hòa giữa tôm, nước sốt và rau.

Lưu ý khi chế biến và tiêu thụ

cách làm tôm sốt Thái

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ: Trước khi thêm tôm sốt Thái vào chế độ ăn, người bệnh mạn tính nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo món ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân.
  • Theo dõi phản ứng cơ thể: Sau khi thưởng thức món ăn, cần chú ý đến các phản ứng của cơ thể, đặc biệt là đối với người dễ bị dị ứng với hải sản hoặc nhạy cảm với gia vị. Nếu có dấu hiệu bất thường như đau bụng, khó tiêu hoặc dị ứng, nên ngừng sử dụng ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Hạn chế gia vị cay nóng: Cách làm nước sốt có vị cay tương tự như cách làm nước sốt thái tôm sống có thể không phù hợp với những người có vấn đề về dạ dày như viêm loét hoặc trào ngược axit. Trong trường hợp này, bạn cần giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn ớt và các gia vị cay nóng trong nước sốt để tránh kích ứng niêm mạc dạ dày, bảo vệ hệ tiêu hóa.

Cách làm tôm sốt Thái trên đây không chỉ thơm ngon mà còn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh mạn tính. Với những thay đổi hợp lý như sử dụng tôm chín, giảm lượng muối và đường, cùng việc chọn các nguyên liệu tươi sạch, món ăn này trở thành một lựa chọn bổ dưỡng và an toàn.

Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ các lưu ý phù hợp với thể trạng, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi đưa món ăn này vào thực đơn. Khi thực hiện đúng cách, tôm sốt Thái không chỉ mang lại sự đa dạng cho bữa ăn mà còn hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho người bệnh mạn tính.

Healthify – Loạt nội dung mới lần đầu tiên xuất hiện trên Hello Bacsi – Giới thiệu các công thức nấu nướng, chế biến món ăn thân thuộc trong bữa ăn gia đình theo cách “thân thiện, lành mạnh và dinh dưỡng” cho sức khỏe, nhất là phù hợp với các tình trạng bệnh mạn tính.
Theo Tổ chức Y tế Thể giới (WHO), ít nhất 80% các bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường; đồng thời 40% các bệnh ung thư có thể được ngăn ngừa và kiểm soát tốt nếu mọi người ăn uống lành mạnh hơn, bên cạnh việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tập luyện và không hút thuốc lá. 
Qua loạt nội dung này, Hello Bacsi mong rằng bạn và người thân có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc và quản lý sức khỏe bản thân và gia đình một cách hiệu quả và tối ưu.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Crustaceans, shrimp, cooked

https://fdc.nal.usda.gov/food-details/175180/nutrients

Ngày truy cập: 24/11/2024

Dietary Cholesterol and the Lack of Evidence in Cardiovascular Disease

https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC6024687/

Ngày truy cập: 24/11/2024

Sodium reduction

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/salt-reduction

Ngày truy cập: 24/11/2024

How Much Sugar Is Too Much?

https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-eating/eat-smart/sugar/how-much-sugar-is-too-much

Ngày truy cập: 24/11/2024

Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam – Bộ Y tế

https://www.fao.org/fileadmin/templates/food_composition/documents/pdf/VTN_FCT_2007.pdf

Ngày truy cập: 24/11/2024

Phiên bản hiện tại

06/12/2024

Tác giả: Đài Trương

Thông tin kiểm chứng bởi: Đài Trương

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

5 cách làm gà chiên nước mắm ăn vặt, ăn cơm đều rất ngon

Cách làm nem nướng tròn vị cho người bệnh mạn tính


Thông tin kiểm chứng bởi:

Đài Trương


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 06/12/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo