backup og meta

Phân loại các nhóm kháng sinh thường gặp và phổ tác dụng

Phân loại các nhóm kháng sinh thường gặp và phổ tác dụng

Kháng sinh là một trong những nhóm thuốc vô cùng quen thuộc trong đời sống. Sự ra đời của penicillin năm 1941 được coi là cuộc cách mạng trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra ở người và các động vật khác. Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản nhất về các nhóm kháng sinh và phổ tác dụng của chúng.

Thuốc kháng sinh được phân loại theo nhiều cách. Cách phổ biến nhất là phân thành 9 nhóm theo cấu trúc: nhóm beta lactam (gồm các nhóm nhỏ: penicillin, cephalosporin, các beta-lactam khác (carbapenem, monobactam), các chất ức chế beta-lactamase), nhóm macrolid, nhóm tetracyclin, nhóm quinolone, nhóm lincosamid, nhóm aminoglycoside, nhóm phenicol, nhóm peptid (gồm glycopeptid, polypeptid, lipopeptid) và các nhóm kháng sinh khác (sulfonamid, oxazolidinon, 5-nitroimidazol). Dưới đây là các thông tin cơ bản của các nhóm kháng sinh thường gặp hiện nay.

1. Nhóm kháng sinh penicillin

Trong các nhóm kháng sinh, penicillin là nhóm kháng sinh lâu đời nhất và được sử dụng phổ biến nhất. Penicillin có hiệu quả chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau như: viêm họng, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn đường ruột, giang mai, nhiễm trùng da, nhiễm trùng răng.

Cơ chế diệt khuẩn của nhóm này là ức chế quá trình tổng hợp thành tế bào vi khuẩn, gây ly giải tế bào. Penicillin tiếp tục được chia thành 4 nhóm:

Các thuốc trong nhóm Biệt dược Đặc điểm
Thế hệ 1 (Penicillin tự nhiên) Penicillin G

Penicillin G Benzathine

Penicillin V

Pfizerpen

Bicillin L-A

Penicillin VK

Xuất hiện đầu tiên, bị đề kháng bởi nhiều vi khuẩn tiết beta lactamase.
Thế hệ 2 Dicloxacillin

Nafcillin

Oxacillin

Cloxacillin

Flucloxacillin

Methicillin

Dycill, Dynapen

Nallpen, Unipen

Bactocill

Cloxapen, Cloxacap

Floxapen, Flopen

Staphcillin

Có khả năng kháng enzyme beta lactamase. Chỉ định cho nhiễm trùng từ trung bình đến nặng do tụ cầu tiết penicillinase nhạy cảm.
Thế hệ 3 Amoxicillin (+Clavulanate)

Ampicillin (+Sulbactam)

Bacampicillin

Pivampicillin

Amoxil, Augmentin

Ampi, Unasyn

Spectrobid, Penglobe

Pondocillin, Miraxid

Phổ hoạt động rộng hơn. Sử dụng rộng rãi để điều trị nhiễm trùng tiết niệu, hô hấp, tiêu hóa, da, xương và khớp từ nhẹ đến nặng.
Thế hệ 4 Piperacillin (+Tazobactam)
Ticarcillin (+Clavulanate)
Pipracil

Tazocin, Zosyn

Timentin

Phổ hoạt động rộng, đặc biệt chống lại các vi khuẩn gram âm.

Hiện nay, nhiều loại vi khuẩn đã phát triển đề kháng với penicillin bằng cách tạo ra enzym bất hoạt kháng sinh – beta lactamase. Để tăng cường tác dụng của nó, penicillin được kết hợp với chất ức chế enzym này như axit clavulanic.

các nhóm kháng sinh penicillin

Các nhóm kháng sinh – nhóm penicillin

Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của penicillin bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban da, thay đổi vị/khứu giác, đau bụng, đau đầu. Nhóm này cũng gây ra những rủi ro cao về dị ứng, viêm đại tràng giả mạc, đề kháng kháng sinh.

2. Nhóm kháng sinh cephalosporin

Cephalosporin có cấu trúc tương tự penicillin nên cũng có cơ chế diệt khuẩn tương tự: ức chế quá trình tổng hợp thành tế bào vi khuẩn, gây ly giải tế bào. Kháng sinh này được phân thành 5 nhóm thế hệ dựa trên phổ kháng khuẩn và thời gian xuất hiện.

Các thuốc trong nhóm Biệt dược Đặc điểm
Thế hệ 1  Cefazolin, cephalothin, cephapirin, cephradine, cefadroxil và cephalexin Duricef, Biocef, Daxbia, Kefzol, Ancef Chống lại hầu hết các cầu khuẩn gram dương, ít tác động lên gram âm.

Thường dùng trong các bệnh nhiễm trùng da và mô mềm không biến chứng. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng cho nhiễm trùng xương, hô hấp, sinh dục, đường mật, nhiễm trùng máu, viêm tai giữa. 

Cefazolin là cephalosporin được lựa chọn để dự phòng trong phẫu thuật.

Thế hệ 2 Cefuroxime, cefprozil, cefmetazole, cefotetan, cefoxitin Zinacef, Cefzil, Cefproz, Zefazone, Mefoxin, Renoxitin Ít hoạt tính chống lại cầu khuẩn gram dương hơn thế hệ 1 nhưng có hoạt tính chống trực khuẩn gram âm cao hơn. 

Thường dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi. Các chỉ định khác tương tự như thế hệ thứ 1.

Ngoài ra, còn có khả năng chống H.enzae, Enterobacter aerogenes, Neisseria và Serratia marcescens.

Thế hệ 3 Cefotaxime, ceftazidime, cefdinir, ceftriaxone, cefpodoxime, cefoperazone và cefixime Claforan, Fortaz, Tazicef, Ceftrisol Plus, Rocephin, Vantin, Suprax,  Sulperazon Mở rộng phạm vi bao phủ vi khuẩn gram âm, thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng gram âm kháng thuốc trước đó.

Có thể qua hàng rào máu não và chống lại vi khuẩn trong dịch não tủy khi dùng đường tiêm tĩnh mạch (ceftriaxone, cefotaxime). 

Ceftriaxone có thể được dùng để điều trị viêm màng não do H.enzae, N.meningitidis, S.pneumoniae. Ngoài ra, còn dùng điều trị bệnh lậu và bệnh Lyme lan rộng. 

Ceftazidime có khả năng chống Pseudomonas aeruginosa.

Thế hệ 4 Cefepime Maxipime Phổ rộng, có thể xâm nhập vào dịch não tủy.
Có phổ trên S. pneumoniae, MSSA, P.aeruginosa và các trực khuẩn gram âm sản xuất beta lactamase. Mặc dù hiệu quả chống lại cả vi khuẩn gram dương và gram âm, nhưng cefepim được dành riêng cho nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng ở những bệnh nhân có khả năng nhiễm vi khuẩn đa kháng.
Thế hệ 5 Ceftaroline Teflaro, Zinforo Phổ rộng, có thể bao phủ các vi khuẩn gram dương và gram âm nhạy cảm. 

Có khả năng chống lại S. aureus kháng methicillin (MRSA). 

Ceftaroline có phổ trên Listeria monocytogenesEnterococcus faecalis. Tuy nhiên, không có tác dụng trên P.aeruginosa.

Vi khuẩn đề kháng với cephalosporin theo 2 cách: thay đổi cấu trúc của protein khiến thuốc không gắn được với vi khuẩn nữa và tạo enzym bất hoạt kháng sinh – beta lactamase.

Tác dụng phụ

Cephalosporin có độc tính thấp và nhìn chung an toàn trong số các nhóm kháng sinh. Các phản ứng bất lợi phổ biến nhất của cephalosporin là buồn nôn, nôn, chán ăn và đau bụng. Phản ứng bất lợi ít phổ biến hơn bao gồm: dị ứng, thiếu máu tán huyết miễn dịch liên quan đến thuốc, giảm vitamin K, viêm đại tràng giả mạc, phản ứng giống disulfiram, tăng độc tính trên thận của aminoglycoside.

Một trong những chống chỉ định là dị ứng với cephalosporin, phản ứng phản vệ với penicillin hoặc các thuốc kháng sinh beta lactam khác do có khả năng dị ứng chéo. Ceftriaxone chống chỉ định ở trẻ sơ sinh bị tăng bilirubin máu và trẻ dưới 28 ngày tuổi nếu dự kiến sẽ dùng bất kỳ sản phẩm nào có chứa canxi.

3. Các nhóm kháng sinh macrolid

Macrolid hoạt động theo cơ chế ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn bằng cách ức chế tiểu đơn vị 50S của ribosom. Macrolid thuộc nhóm kháng sinh kìm khuẩn vì chúng chỉ ức chế tổng hợp protein, mặc dù ở liều cao, chúng có thể diệt khuẩn.

Ngoài ra, các macrolid còn có tác dụng chống viêm và điều hòa miễn dịch, đặc biệt là azithromycin, do tương tác với phospholipid cũng như các yếu tố phiên mã AP-1, NF-kappaB và các cytokine gây viêm khác. Đây là nhóm kháng sinh phổ rộng, thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng ở những bệnh nhân bị dị ứng với penicillin hoặc bị nhiễm trùng kháng penicillin, chúng được chỉ định trong điều trị các tình trạng:

  • Các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi cộng đồng, viêm xoang, viêm họng và viêm amidan. 
  • Nhiễm trùng da không biến chứng và viêm tai giữa ở bệnh nhi.
  • Điều trị nhiễm Helicobacter pylori trong phác đồ điều trị ba thuốc tiêu chuẩn.
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như nhiễm trùng lậu cầu và Chlamydia.
  • Bệnh viêm phổi không điển hình do Mycoplasma pneumoniae, Legionella, Chlamydia pneumoniae.
  • Nằm trong phác đồ điều trị các đợt cấp của COPD nhờ đặc tính chống viêm và điều hòa miễn dịch.

Các hoạt chất trong nhóm gồm erythromycin (Erythrocin, Ilotycin, Romycin), clarithromycin (Biaxin, Klaricid), azithromycin (Zithromax, Azasite), fidaxomicin (Dificid).

Do việc kê đơn và sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý dẫn tới tình trạng kháng thuốc đối với nhiều loại thuốc điều trị chủ yếu, bao gồm các thuốc nhóm macrolid. Nguyên nhân chính gây tình trạng kháng macrolid của vi khuẩn là do quá trình methyl hóa sau phiên mã của RNA ribosome 23S của vi khuẩn, đây có thể là kết quả của đột biến gen ở vi khuẩn và khả năng lây lan gen đột biến, gen này giúp vi khuẩn kháng lại các nhóm kháng sinh macrolid, lincosamid và streptogramin cùng lúc.

Các nhóm kháng sinh Macrolid

Các nhóm kháng sinh – nhóm macrolid

Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ điển hình khi dùng macrolid là buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy. Ngoài ra, nó có thể gây ra sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. 

Một tác dụng phụ thường gặp khác là khiến người dùng tăng nguy cơ bị rối loạn nhịp tim và liên quan đến tình trạng mất thính lực thần kinh giác quan. Các tác dụng phụ nghiêm trọng như hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử biểu bì nhiễm độc hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra nên cần được lưu ý. Phụ nữ mang thai cũng nên tránh sử dụng kháng sinh macrolid, đặc biệt là erythromycin, do có thể có tác dụng phụ ảnh hưởng đến người mẹ (độc gan) hoặc trẻ sơ sinh (làm tăng nguy cơ hẹp môn vị).

4. Nhóm kháng sinh tetracycline

Các kháng sinh nhóm tetracycline cũng hoạt động theo cơ chế ức chế tổng hợp protein như nhóm macrolid nhưng nhóm này gắn với tiểu đơn vị ribosom 30S. Vì vậy, nó cũng có tác dụng kìm khuẩn chứ không tiêu diệt vi khuẩn. Các hoạt chất trong nhóm gồm:

  • Tetracyclin tự nhiên: tetracycline, chlortetracycline, oxytetracycline và demeclocycline.
  • Tetracycline bán tổng hợp: lymecycline, methacycline, minocycline, rolitetracycline và doxycycline.
  • Phân lớp glycylcycline: tigecycline.
  • Nhóm tetracycline mới: eravacycline, sarecycline và omadacycline.

Đây là một nhóm kháng sinh phổ rộng được sử dụng trong nhiều tình trạng nhiễm trùng:

  • Mụn trứng cá
  • Hô hấp: viêm phổi không điển hình, viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, đợt cấp nhiễm trùng của viêm phế quản mãn tính, bệnh Legionnaire
  • Viêm nhiễm sinh dục: viêm vùng chậu, giang mai, viêm niệu đạo không do lậu cầu, viêm cổ tử cung, viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt
  • Ruột: bệnh tả, tiêu chảy
  • Nhiễm trùng rickettsia (Sốt mò)
  • Nhiễm Chlamydia, bệnh Lyme giai đoạn đầu, bệnh Whipple
  • S.aureus kháng methicillin (MRSA), Vibrio vulnificus và Enterococcus kháng Vancomycin (VRE)
  • Nhiễm trùng da do Mycobacterium marinum 
  • Trong phác đồ phối hợp nhiều loại thuốc điều trị nhiễm trùng mắt do M. cheloni
  • Dự phòng viêm màng não cầu khuẩn.

Chỉ định ngoài nhãn (off-label): viêm dạ dày do H.pylori (trong phác đồ phối hợp nhiều thuốc), dự phòng sốt rét Plasmodium falciparum kháng mefloquine, viêm nha chu.

Ngoài ra, tetracycline còn được sử dụng trong nhiều trường hợp khác chưa được đề cập.

Hiện nay, tỷ lệ kháng các nhóm kháng sinh này ngày càng tăng. Có hai cơ chế kháng thuốc được chứng minh rõ ràng, bao gồm thay đổi các protein bảo vệ ribosome hoặc bơm ngược thuốc ra ngoài. 

Tác dụng phụ

Có khá nhiều tác dụng phụ được ghi nhận ở nhóm này.

  • Thường gặp nhất là khó chịu ở đường tiêu hóa: khó chịu ở bụng, đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn và chán ăn.
  • Đổi màu răng và ức chế sự phát triển xương ở trẻ em. Do đó, thuốc chống chỉ định ở phụ nữ có thai và hạn chế dùng cho trẻ em dưới 8 tuổi. Ở phụ nữ cho con bú, tetracycline đi vào sữa mẹ với số lượng nhỏ và khả năng hấp thụ của trẻ thấp nhưng vẫn không nên dùng tetracycline trong thời kỳ cho con bú vì khả năng biến màu răng vĩnh viễn, giảm sản men răng, ức chế sự phát triển của xương, phản ứng nhạy cảm với ánh sáng và nhiễm nấm Candida ở miệng và âm đạo trẻ nhỏ..
  • Tăng nhạy cảm với ánh sáng, biểu hiện dưới dạng phát ban đỏ hoặc phồng rộp da.
  • Hiếm gặp: nhiễm độc gan, loét và hẹp thực quản, tăng huyết áp nội sọ, tiêu chảy liên quan đến C. difficile.
  • Tránh dùng tetracycline ở bệnh nhân suy thận do nó làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

5. Nhóm kháng sinh quinolone

Quinolon thuộc nhóm các kháng sinh diệt khuẩn. Cơ chế tác dụng của nó là ức chế sự tổng hợp ADN của vi khuẩn. Đây là nhóm kháng sinh phổ rộng có hoạt tính chống lại cả vi khuẩn gram dương và gram âm, bao gồm cả vi khuẩn Mycobacteria và vi khuẩn kỵ khí. Đặc biệt, nó có khả năng hấp thu tốt qua đường uống. Tuy nhiên, chúng thường chỉ sử dụng giới hạn trong bệnh viện do các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Chỉ định dùng các nhóm kháng sinh quinolone ở người lớn trong điều trị: 

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bể thận. Tuy nhiên, mức độ kháng thuốc cao đối với E. coli – nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường tiểu, đã dẫn đến việc thay thế quinolone bằng cephalosporin thế hệ thứ ba.
  • Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, viêm tuyến tiền liệt.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa và trong ổ bụng.
  • Nhiễm trùng da và mô mềm.
  • Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng (không nên là chỉ định đầu tay) và bệnh viện.
  • Nhiễm trùng xương và khớp. 
  • Moxifloxacin, gatifloxacin và levofloxacin đang được sử dụng ngoài nhãn (off-label) trong điều trị bệnh lao kháng thuốc hoặc các trường hợp không dung nạp với các thuốc chống lao khác.

Nhóm kháng sinh quinolone

Việc sử dụng quinolone ở trẻ em bị hạn chế do tác dụng phụ tiềm ẩn của chúng đối với sụn chưa trưởng thành. FDA chỉ chấp thuận sử dụng một số quinolone cụ thể: 

  • Ciprofloxacin và levofloxacin: điều trị bệnh than qua đường hô hấp và bệnh dịch hạch. 
  • Ciprofloxacin: điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp ở trẻ em. 
  • Các chỉ định đã có nhưng chưa được FDA chấp thuận ở bệnh nhi bao gồm: các bệnh nhiễm trùng đa kháng thuốc (đặc biệt ở bệnh nhân xơ nang), nhiễm trùng trong ổ bụng và nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp hoặc tái phát.

Hiện các kháng sinh quinolone được chia thành 4 nhóm nhỏ.

Các thuốc trong nhóm Biệt dược Đặc điểm
Thế hệ 1  Acid nalidixic, acid oxolinic, acid pipemidic Nevigramon, Nidantin, Acido Pipemidico Giới hạn ở các bệnh nhiễm trùng trực khuẩn gram âm hiếu khí, đặc biệt là đường tiết niệu.
Thế hệ 2 Ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin  Ciproxin, Noroxin, Floxin Tăng hoạt tính trên gram âm và mở rộng ra một số vi khuẩn gram dương hiếu khí.

Là lựa chọn để điều trị viêm kết mạc và viêm giác mạc do vi khuẩn. 

Là trụ cột trong điều trị dự phòng trước phẫu thuật.

Thế hệ 3 Levofloxacin, sparfloxacin, grepafloxacin (Quinolon hô hấp) Levaquin, Spacin, Raxar Cải thiện hoạt động chống lại vi khuẩn gram dương, đặc biệt là phế cầu khuẩn.
Thế hệ 4 Moxifloxacin, gatifloxacin, trovafloxacin Avelox, Gatiflo,  Zymar, Trovan Hoạt tính mạnh nhất chống lại vi khuẩn gram dương, đặc biệt là phế cầu khuẩn. 

Cải thiện phạm vi tác động trên vi khuẩn kỵ khí.

Thời gian bán hủy dài hơn cho phép dùng liều uống một lần mỗi ngày.

Sự đề kháng của vi khuẩn với kháng sinh quinolone ngày càng tăng. Đã có 3 cơ chế kháng thuốc: kháng thuốc qua trung gian đích, qua trung gian plasmid và qua trung gian nhiễm sắc thể.

Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Quinolone dẫn đến tỷ lệ nhiễm C. difficile cao hơn so với các loại kháng sinh khác. Các tác dụng phụ phổ biến khác gồm: đau khớp (đặc biệt ở trẻ em), phản ứng phản vệ và phản ứng trên da nghiêm trọng, từ phát ban nhẹ và/hoặc nhạy cảm với ánh sáng đến hội chứng Stevens-Johnson hoặc hoại tử biểu bì nhiễm độc.

Các tác dụng phụ hiếm gặp cần lưu ý là bệnh lý gân và đứt gân, tổn thương thần kinh, hội chứng khuyết tật. Các quinolone mới có một số tác dụng phụ nghiêm trọng và đã bị rút khỏi thị trường, không sử dụng tại một số quốc gia. 

Quinolone chống chỉ định tương đối ở phụ nữ mang thai và trẻ em. Lý do là nó cho thấy khả năng gây tổn thương vĩnh viễn cho sụn đang phát triển ở trẻ em và lo ngại về khả năng ức chế sự tổng hợp ADN ở thai nhi đang phát triển.

6. Nhóm kháng sinh lincosamid

Cơ chế hoạt động của lincosamid là ức chế tổng hợp protein vi khuẩn do đó có tác dụng kìm khuẩn và diệt khuẩn ở một số loài. Các kháng sinh trong nhóm này gồm: clindamycin (dùng nhiều), lincomycin (ít dùng).

Chỉ định của các nhóm kháng sinh này gồm:

  • Áp xe ở phổi hoặc các vị trí khác.
  • Nhiễm trùng máu hoặc hội chứng sốc nhiễm độc.
  • Nhiễm trùng ở da, mô mềm, miệng, đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa.
  • Nhiễm trùng trong hệ thống sinh sản nữ như bệnh viêm vùng chậu.
  • Vết thương xuyên qua bụng.
  • Mụn trứng cá hoặc bệnh rosacea nghiêm trọng.
  • Ngăn ngừa viêm nội tâm mạc ở người mắc bệnh van tim.
  • Điều trị viêm phổi ở người nhiễm HIV.

Lincosamid có thể đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng hoặc kháng các phương pháp điều trị khác. Chúng cũng hữu ích cho những người bị dị ứng với penicillin.

Tác dụng phụ

Thuốc kháng sinh lincosamid có thể gây ra tác dụng phụ về đường tiêu hóa, như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa. Chúng cũng có thể gây ra: tích tụ chất lỏng bên dưới da khi tiêm bắp, bầm tím, chóng mặt hoặc choáng váng, mệt mỏi, vàng da, tiết dịch âm đạo hoặc ngứa âm đạo.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể gặp phải như: tiêu chảy ra máu, khó thở, phát ban da, khó nuốt, sốc phản vệ, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, phản ứng da nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng, viêm thực quản, rối loạn chức năng gan hoặc thận, viêm đại tràng giả mạc.

7. Nhóm kháng sinh aminoglycoside

Aminoglycoside có hoạt tính diệt khuẩn do liên kết với tiểu đơn vị 30S ribosome ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn. Các thuốc trong nhóm gồm gentamicin, tobramycin, amikacin, neomycin, kanamycin, apramycin, netilmicin, plazomicin, paromomycin và streptomycin có chỉ định không giống nhau. 

Aminoglycoside được dùng cả trong điều trị theo kinh nghiệm hoặc điều trị theo chỉ định. Nó được chứng minh là có hiệu quả đối với các mầm bệnh gram âm đa kháng thuốc nên được chỉ định để điều trị theo kinh nghiệm ở những bệnh nhân bị bệnh nặng như viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng ổ bụng phức tạp và nhiễm trùng sinh dục phức tạp. Thông thường, ở các vị trí này không nên sử dụng aminoglycoside quá 2 ngày do gây độc cho bệnh nhân..

Các kháng sinh trong nhóm được chứng minh là có hiệu quả trên các mầm bệnh đa kháng thuốc. Nó là một thành phần quan trọng của liệu pháp phối hợp điều trị bệnh lao đa kháng thuốc và một số bệnh nhiễm trùng khác do Mycobacteria.

Các điều trị theo chỉ định gồm:

  • Nhiễm trùng có nguồn gốc từ động vật như bệnh dịch hạch và bệnh brucellosis, listeriosis, nocardiosis, tularemia, nhiễm trùng P. aeruginosa.
  • Khử nhiễm vùng hầu họng hoặc ruột.
  • Nhiễm khuẩn huyết do Campylobacter spp. Yersinia spp.
  • Paromomycin: điều trị nhiễm ký sinh trùng đơn bào.

Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ chính của aminoglycoside là độc tính trên tai, độc tính trên thận và phong tỏa thần kinh cơ. Aminoglycoside chống chỉ định ở bệnh nhân mắc bệnh nhược cơ. 

8. Nhóm kháng sinh sulfonamid

Các sulfonamid thuộc nhóm kháng sinh kìm khuẩn và dường như hoạt động bằng cách ức chế sinh tổng hợp acid folic – một chất cần thiết cho sự phát triển của tế bào vi khuẩn. Sulfonamid được sử dụng trong các trường hợp:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu kết hợp với trimethoprim (Bactrim, Septra).
  • Phòng ngừa và điều trị ký sinh trùng (Toxoplasmosis, Pneumocystis jiroveci) và sốt rét thường kết hợp với trimethoprim hoặc pyrimethamine. 
  • Co-trimoxazole (trimethoprim + sulfamethoxazole): điều trị một số bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm phế quản và nhiễm trùng đường tiết niệu, tai, ruột.
  • Sulfasalazine: sử dụng để kiểm soát lâu dài bệnh viêm ruột. 
  • Sulfadoxine + pyrimethamine (Fansidar): sử dụng để điều trị dự phòng sốt rét kháng chloroquine.
  • Dapsone: sử dụng để điều trị bệnh phong và viêm da dạng herpes.

Tác dụng phụ

Độc tính đáng kể nhất của sulfonamid là gây tổn thương gan, có thể dẫn đến suy gan cấp tính. Các tác dụng phụ quan trọng khác của sulfonamid bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nổi mẩn da, nhức đầu và chóng mặt.

9. Các kháng sinh glycopeptid

Glycopeptid là các kháng sinh thuộc nhóm peptid, gồm vancomycin và các dẫn xuất của nó: teicoplanin, telavancin, dalbavancin, oritavancin. Nhóm này hoạt động theo cơ chế ức chế tổng hợp thành tế bào. Do có cấu trúc phân tử lớn nên chúng không hấp thu theo đường uống mà chỉ được dùng tại chỗ hoặc toàn thân qua đường tiêm.

Vancomycin có hoạt tính kháng khuẩn mạnh đối với một số loài StreptococcusEnterococcus cũng như Staphylococcus aureus, bao gồm cả các chủng kháng methicillin (MRSA). Thuốc được chấp thuận chỉ định điều trị:

  • Tiêu chảy liên quan đến C. difficile (uống)
  • Viêm ruột do tụ cầu
  • Viêm đại tràng giả mạc
  • Viêm nội tâm mạc: bạch hầu, cầu khuẩn, tụ cầu và liên cầu
  • Nhiễm trùng tụ cầu: nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm trùng xương, nhiễm trùng đường hô hấp dưới,…

Các chỉ định ngoài nhãn (off-label) gồm: nhiễm trùng liên quan đến ống thông, viêm phổi cộng đồng, nhiễm trùng C. difficile, dự phòng sơ sinh nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, nhiễm trùng trong ổ bụng do MRSA hoặc cầu khuẩn đường ruột kháng ampicillin, viêm màng não/viêm nội nhãn do vi khuẩn, viêm tủy xương tự nhiên, viêm phúc mạc, nhiễm trùng khớp giả, nhiễm trùng da và mô mềm hoại tử, dự phòng phẫu thuật, nhiễm trùng vết mổ.

Các thuốc còn lại được chấp thuận chỉ định điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng ở da và cấu trúc da do các vi khuẩn nhạy cảm.

Tác dụng phụ

Khi dùng đường tiêm tĩnh mạch, các tác dụng phụ thường gặp là nhiễm độc thận, hạ huyết áp, viêm đại tràng giả mạc và phản ứng quá mẫn. Một hội chứng đặc trưng khi truyền vancomycin là hội chứng người đỏ liên quan đến việc truyền thuốc với tốc độ quá nhanh. Đối với đường uống, các tác dụng phụ thường gặp gồm: đau bụng, buồn nôn, chứng loạn vị giác hoặc cảm giác sai lệch về vị giác.

Vancomycin không có nhiều chống chỉ định nhưng việc sử dụng cần cân nhắc giữa lợi ích – nguy cơ trên người cao tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, bệnh nhân suy thận. Vancomycin tương tác với nhiều thuốc khác và đặc biệt là làm tăng độc tính của các thuốc gây độc thận. Do đó, cần đặc biệt chú ý khi sử dụng.

10. Nhóm kháng sinh carbapenem

Carbapenem thuộc nhóm kháng sinh beta lactam cùng với penicillin và cephalosporin. Chúng có cùng một cơ chế diệt khuẩn là ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. 

Đây là những kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng nhất hiện nay, bao phủ nhiều loại vi khuẩn gram dương, hầu hết vi khuẩn gram âm, nhiều vi khuẩn kỵ khí, các trường hợp nhiễm khuẩn nặng và đa đề kháng nhưng không có tác dụng với các vi khuẩn không điển hình (vi khuẩn không có thành tế bào). 

Các nhóm kháng sinh này bao gồm:

  • Imipenem kết hợp cilastatin để tránh thuốc bị bất hoạt ở ống lượn gần của thận): dùng để điều trị nhiễm trùng bệnh viện nặng và đa nhiễm trùng gây ra bởi nhiều chủng vi khuẩn đề kháng. Tuy nhiên, kết hợp này liên quan đến độc tính trên hệ thần kinh trung ương (thay đổi trạng thái tinh thần, rung giật cơ, co giật). Không sử dụng imipenem để điều trị viêm màng não.
  • Meropenem có phổ kháng khuẩn tương tự như imipenem và là carbapenem duy nhất được chấp thuận để điều trị viêm màng não. Không cần phối hợp với cilastatin và nhìn chung an toàn hơn imipenem.
  • Ertapenem là thuốc thế hệ mới với phổ kháng khuẩn hẹp hơn. Ertapenem có tác động trên Enterobacteriaceae và các vi khuẩn yếm khí, nhưng kém hơn trên P. aeruginosa, Acinetobacter và các vi khuẩn Gram dương. Ưu điểm chính của ertapenem so với các carbapenem khác là thời gian bán hủy kéo dài và có thể được dùng một lần mỗi ngày. Ertapenem được chỉ định trong điều trị nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng phụ khoa và viêm phổi mắc phải trong cộng đồng. 
  • Doripenem dùng trong điều trị nhiễm trùng đường tiểu dạng phức tạp và nhiễm trùng ổ bụng. Phổ kháng khuẩn tương tự như meropenem. 

Tác dụng phụ

Trừ tác dụng bất lợi của phối hợp imipenem-cilastatin trên thần kinh trung ương, carbapenem có tác dụng phụ tương tự như các loại kháng sinh beta lactam khác như cephalosporin và penicillin. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là phản ứng tại chỗ tiêm, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, phát ban da và ngứa.

Các nhóm kháng sinh kìm khuẩn và diệt khuẩn

Ngoài cách phân loại trên, người ta cũng phân thành các nhóm kháng sinh kìm khuẩn và diệt khuẩn. Tiêu chí để phân loại là nồng độ ức chế tối thiểu và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu của một kháng sinh.

Phân loại các nhóm kháng sinh kiềm khuẩn và diệt khuẩn

Trên đây là thông tin cơ bản nhất về các nhóm kháng sinh đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Bài viết này chỉ được dùng để tham khảo nâng cao nhận thức về thuốc, không có tác dụng thay thế chỉ định hay hướng dẫn của nhân viên y tế. Hãy đảm bảo việc dùng kháng sinh có trách nhiệm (đúng chỉ định, đủ liều) để tránh làm nghiêm trọng thêm tình trạng đề kháng kháng sinh bạn nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Antibiotics: Conventional Therapy and Natural Compounds with Antibacterial Activity—A Pharmaco-Toxicological Screening. https://www.mdpi.com/2079-6382/10/4/401. Ngày truy cập 27/03/2024

Antibiotic Resistance & Patient Safety Portal. https://arpsp.cdc.gov/resources/OAU-Antibiotic-Class-Definitions.pdf. Ngày truy cập 27/03/2024

Penicillin. https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/penicillin. Ngày truy cập 27/03/2024

Penicillin. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554560/. Ngày truy cập 27/03/2024

Cephalosporins. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK551517/. Ngày truy cập 27/03/2024

Macrolides. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK551495/. Ngày truy cập 27/03/2024

Tetracycline. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK549905/. Ngày truy cập 27/03/2024

Tetracycline Antibiotics: Mode of Action, Applications, Molecular Biology, and Epidemiology of Bacterial Resistance. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC99026/. Ngày truy cập 27/03/2024

Quinolones. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557777/. Ngày truy cập 27/03/2024

Glycopeptide Antibiotics. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK547958/. Ngày truy cập 27/03/2024

Vancomycin. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459263/. Ngày truy cập 27/03/2024

Lincosamides. https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/lincosamides. Ngày truy cập 27/03/2024

Aminoglycosides: An Overview. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4888811/. Ngày truy cập 27/03/2024

Aminoglycosides. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541105/. Ngày truy cập 27/03/2024

Sulfonamides. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK548382/. Ngày truy cập 27/03/2024

Kháng sinh nhóm Carbapenem. http://www.benhvienninhbinh.vn/khang-sinh-nhom-carbapenem. Ngày truy cập 27/03/2024

Tổng quan ngắn về các kháng sinh Carbapenem. https://hcpa.vn/tong-quan-ngan-ve-cac-khang-sinh-carbapenem/. Ngày truy cập 27/03/2024

Carbapenems. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK548705/. Ngày truy cập 27/03/2024

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH. http://bvquany7a.vn/ky-thuat/mot-so-van-de-can-luu-y-khi-su-dung-thuoc-khang-sinh. Ngày truy cập 27/03/2024

Phiên bản hiện tại

20/11/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Dang Tran


Bài viết liên quan

Làm thế nào giảm thiểu nguy cơ đề kháng kháng sinh khi điều trị đau họng?

Thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da được kê đơn khi nào?


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 24 giờ trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo