backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Kháng sinh cephalosporin và những điều bạn nên biết

Thông tin kiểm chứng bởi: Tố Quyên


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 04/10/2022

Kháng sinh cephalosporin và những điều bạn nên biết

Kháng sinh cephalosporin là một nhóm kháng sinh phổ rộng được dùng khá phổ biến. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về nhóm thuốc này trong bài viết sau đây nhé!

Tác dụng

Tác dụng của thuốc cephalosporin là gì?

Cephalosporin là thuốc gì? Cephalosporin là một nhóm lớn thuốc kháng sinh phổ rộng, có hiệu quả chống lại nhiều loại vi khuẩn. Cephalosporin là thuốc kháng khuẩn beta-lactam được sử dụng để kiểm soát một loạt các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gram dương và gram âm gây ra. Nhóm kháng sinh cephalosporin có tác dụng chống lại nhiễm trùng da, vi khuẩn kháng thuốc, viêm màng não và các bệnh nhiễm trùng khác.

Phân loại

Kháng sinh nhóm cephalosporin được chia thành năm thế hệ dựa trên phạm vi và khả năng chống lại vi khuẩn gram dương và gram âm, cũng như thời gian hiệu quả của thuốc. Năm thế hệ kháng sinh nhóm cephalosporin bao gồm:

phân loại nhóm kháng sinh cephalosporin

Cephalosporin thế hệ 1

Các kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 bao gồm: cefazolin, cephalothin, cephapirin, cephradine, cefadroxilcephalexin. Các kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 có khả năng chống lại hầu hết các cầu khuẩn gram dương như tụ cầu khuẩn spp. và liên cầu khuẩn spp., cũng như một số vi khuẩn gram âm, ví dụ như Escherichia coli (E. coli), Proteus mirabilis và Klebsiella pneumoniae.

Các cephalosporin thế hệ 1 dùng đường uống thường được kê đơn để sử dụng chống nhiễm trùng da và mô mềm không biến chứng như viêm mô tế bào và áp xe thường do tụ cầu hoặc liên cầu khuẩn spp. gây ra. 

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định dùng cho nhiễm trùng xương, đường hô hấp, đường sinh dục, đường mật, nhiễm trùng máu, viêm tai giữa và dự phòng phẫu thuật. Trên thực tế, cefazolin là loại kháng sinh cephalosporin được lựa chọn để điều trị dự phòng phẫu thuật. 

Một trong những chỉ định không được FDA chấp thuận là sử dụng cephalosporin thế hệ 1 để điều trị dự phòng viêm nội tâm mạc cho những người mẫn cảm và đang trải qua một thủ thuật nha khoa hoặc hô hấp.

Cephalosporin thế hệ 2

Các kháng sinh cephalosporin thế hệ 2 được chia thành hai phân nhóm, bao gồm: 

  • Phân nhóm thế hệ thứ hai bao gồm cefuroximecefprozil. Trong phân nhóm đầu tiên, cefuroxime đã tăng mức độ bao phủ chống lại vi khuẩn H. influenza. Kháng sinh cefuroxime được chỉ định cho bệnh Lyme ở phụ nữ có thai và trẻ em.
  • Phân nhóm cephamycin bao gồm cefmetazole, cefotetan và cefoxitin. Phân nhóm này đã tăng độ bao phủ chống lại Bacteroides spp

Ngoài các vi khuẩn gram âm được bao phủ bởi cephalosporin thế hệ 1, các cephalosporin thế hệ 2 cũng có khả năng chống lại Haemophilus influenza (H. influenza), Enterobacter aerogenes, Neisseria, Serratia marcescens, Moraxella catarrhalisBacteroides spp.

Các kháng sinh cephalosporin thế hệ 2 có ít hiệu quả chống lại cầu khuẩn gram dương hơn cephalosporin thế hệ 1 nhưng lại tăng hoạt tính chống lại trực khuẩn gram âm. Chúng được kê đơn để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi. 

Ngoài ra, tương tự như thế hệ 1, các kháng sinh cephalosporin thế hệ 2 cũng được chỉ định cho nhiễm trùng xương, đường hô hấp, đường sinh dục, đường mật, nhiễm trùng máu, viêm tai giữa và dự phòng phẫu thuật. 

Cephalosporin thế hệ 3

Các kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 bao gồm: cefotaxime, ceftazidime, cefdinir, ceftriaxone, cefpodoximecefixime. Kháng sinh nhóm này có độ bao phủ ít hơn đối với hầu hết các vi sinh vật gram dương nhưng lại tăng độ phủ đối với vi khuẩn gram âm như: Enterobacteriaceae, Neisseria spp. , H. influenza.

Nhóm kháng sinh này được sử dụng để điều trị nhiễm trùng gram âm kháng với thế hệ 1 và 2 hoặc các kháng sinh beta-lactams khác. Khi tiêm truyền tĩnh mạch, nhóm kháng sinh thế hệ 3 có thể xuyên qua hàng rào máu não và bao phủ vi khuẩn trong dịch tủy não, đặc biệt là ceftriaxone và cefotaxime. 

Ceftriaxone có thể được dùng để điều trị viêm màng não do H. influenza,  Neisseria meningitidis hoặc  Streptococcus pneumoniae. Ceftriaxone cũng được sử dụng để điều trị bệnh lậu và bệnh Lyme lan tỏa. Ceftazidime rất quan trọng, có thể bảo vệ Pseudomonas aeruginosa.

Cephalosporin thế hệ 4

Các kháng sinh cephalosporin thế hệ 4 bao gồm cefepime. Nhóm này có phạm vi bao phủ tương tự như cephalosporin thế hệ 3 nhưng có thêm phạm vi bao phủ chống lại vi khuẩn gram âm có khả năng kháng kháng sinh, ví dụ, vi khuẩn gram âm tiết beta-lactamase.

Cefepime là một loại kháng sinh phổ rộng có thể xâm nhập vào dịch tủy não. Cefepime có thêm một nhóm amoni bậc bốn, cho phép chúng xâm nhập tốt hơn vào màng ngoài của vi khuẩn gram âm. 

Tương tự như hoạt động của cefotaxime và ceftriaxone, cefepime có thể bao gồm Streptococcus pneumoniaeStaphylococcus aureus nhạy cảm với methicillin (MSSA). Tương tự như ceftazidime, cefepime rất quan trọng, có thể tác dụng lên Pseudomonas aeruginosa. 

Ngoài các vi khuẩn gram âm thế hệ 3 bao phủ (như Neisseria spp., H. influenzaEnterobacteriaceae), cefepime có thể bảo vệ chống lại trực khuẩn gram âm sản sinh beta-lactamase. Mặc dù có hiệu quả chống lại cả vi khuẩn gram dương và gram âm, cefepime được dành riêng cho tình trạng nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng ở những bệnh nhân có khả năng mắc các vi khuẩn đa kháng.

Cephalosporin thế hệ 5

Các kháng sinh cephalosporin thế hệ 5 bao gồm ceftaroline có khả năng chống lại tụ cầu kháng methicillin và phế cầu kháng penicillin. Ceftaroline cũng là một chất kháng khuẩn phổ rộng, có thể chống lại các vi khuẩn gram dương và gram âm nhạy cảm. Tuy nhiên, so với các cephalosporin còn lại, ceftaroline còn có khả năng chống lại Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA). Ceftaroline cũng có thể chống lại Listeria monocytogenesEnterococcus faecalis nhưng không hiệu quả với Pseudomonas aeruginosa.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng, cách dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Bạn nên dùng thuốc cephalosporin như thế nào?

Cách dùng và liều dùng kháng sinh cephalosporin như sau:

  • Cephalosporin thế hệ 1: Cefazolin, cephalothin và cephapirin được dùng qua đường tiêm. Đường dùng của cefadroxil và cephalexin là đường uống. Dùng cephradine có thể là đường tiêm hoặc đường uống.  
  • Cephalosporin thế hệ 2:: Cefuroxime có thể được dùng theo đường tiêm hoặc uống. Cefprozil dùng đường uống. Cefmetazole, cefotetan và cefoxitin được dùng đường tiêm.
  • Cephalosporin thế hệ 3: Dùng cefotaxime, ceftazidime và ceftriaxone qua đường tiêm. Cefdinir, cefixime và cefpodoxime được dùng bằng đường uống. Một mũi tiêm bắp duy nhất 125 hoặc 250 mg ceftriaxone điều trị hiệu quả nhiễm trùng lậu cầu không biến chứng hoặc các biến chứng của nó như bệnh viêm vùng chậu hoặc viêm mào tinh hoàn.
  • Cephalosporin thế hệ 4: Cefepime được dùng qua đường tiêm.
  • Cephalosporin thế hệ 5:: Ceftaroline được dùng qua đường tiêm.

Nhiều cephalosporin dùng đường tiêm có thời gian bán hủy ngắn và cần được tiêm thường xuyên hơn ở những bệnh nhân có chức năng thận bình thường. Cefazolin và ceftriaxone có thời gian bán thải dài hơn nên không cần phải được định lượng thường xuyên. Ceftriaxone là kháng sinh cephalosporin duy nhất không cần sửa đổi liều lượng khi bị suy thận. Tuy nhiên, ở bệnh nhân suy thận và suy gan, liều khuyến cáo hàng ngày không được vượt quá 2g.

cách dùng kháng sinh cephalosporin

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Thử nghiệm tác dụng của cephalosporin liều cao trên thỏ cho thấy thuốc có thể gây độc tính trên thận. Dùng quá liều cefepime có thể dẫn đến co giật và bệnh não. Nguyên nhân là do cefepime vượt qua hàng rào máu não và thể hiện sự đối kháng của axit ϒ-aminobutyric (GABA) phụ thuộc nồng độ, cũng có thể xảy ra với liều độc của penicillin G. Các nghiên cứu khác cho thấy thần kinh có thể bị ảnh hưởng và phóng sóng ba pha trên điện não đồ (EEG) khi dùng quá liều cefepime. Việc ngừng dùng cefepime có thể giúp trạng thái tinh thần bình thường trở lại.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, nếu bệnh nhân nhân gục xuống, co giật, khó thở hoặc không thể tỉnh lại, hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc cephalosporin?

Cephalosporin có độc tính thấp và nói chung là an toàn. Các tác dụng phụ thường gặp nhất bao gồm: buồn nôn, nôn, chán ăn và đau bụng.

Các tác dụng phụ ít phổ biến hơn bao gồm:

Phản ứng quá mẫn

Phản ứng quá mẫn với cephalosporin không thường xuyên và phổ biến hơn ở cephalosporin thế hệ 1 và 2. Phản ứng dị ứng thông thường với cephalosporin bao gồm: phát ban, nổi mề đay và sưng tấy. Hiếm khi phản ứng quá mẫn sẽ dẫn đến sốc phản vệ. Bệnh nhân dị ứng với penicillin cũng có thể có phản ứng quá mẫn cảm với cephalosporin. Phản ứng này phổ biến hơn ở cephalosporin thế hệ 1 và 2 vì chúng có cấu trúc tương tự giống với penicilin G. Cephalosporin thế hệ 3 trở lên cho thấy hiếm khi xảy ra phản ứng quá mẫn.

Thiếu máu tan máu miễn dịch do thuốc (DIIHA)

Thuốc gắn vào màng hồng cầu không gây hại cho chính tế bào hồng cầu cũng như bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu cơ thể bệnh nhân bắt đầu tạo kháng thể IgG chống lại thuốc, kháng thể sẽ liên kết hồng cầu. Hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng với các tế bào hồng cầu bất thường dẫn đến tan máu. Cefotetan và ceftriaxone là hai loại cephalosporin có nhiều khả năng gây tác dụng phụ này nhất.

Phản ứng giống như disulfiram 

Cephalosporin có chứa chuỗi bên methyl tetrazole thiol có thể ức chế enzym aldehyde dehydrogenase, dẫn đến sự tích tụ acetaldehyde. Cefamandole, cefoperazon và moxalactam là những cephalosporin phổ biến nhất gây tác dụng phụ này.

Thiếu vitamin K 

Một số cephalosporin có thể ức chế epoxide reductase của vitamin K, ngăn cản việc sản xuất vitamin K. Do đó, dẫn đến giảm tổng hợp các yếu tố đông máu và bệnh nhân dễ bị giảm prothrombin huyết.

Tăng độc tính trên thận khi kết hợp với aminoglycoside 

Có những trường hợp cho thấy gây ra độc tính trên thận khi bệnh nhân dùng kết hợp cephalosporin và aminoglycoside.

Viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc thường liên quan đến việc sử dụng kết hợp clindamycin và ampicillin. Sử dụng cephalosporin cũng là nguyên nhân phổ biến của viêm đại tràng màng giả, đặc biệt là cephalosporin thế hệ 3.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc cephalosporin, bạn nên lưu ý những gì?

lưu ý khi dùng kháng sinh cephalosporin

Chống chỉ định

Một trong những chống chỉ định của kháng sinh cephalosporin là những bệnh nhân bị dị ứng với thuốc hoặc những người đã có phản ứng sốc phản vệ với penicillin hoặc các chất kháng khuẩn beta-lactam khác. 

Ceftriaxone được chống chỉ định ở trẻ sơ sinh tăng bilirubin vì có báo cáo rằng ceftriaxone thay thế bilirubin từ albumin, làm tăng nồng độ bilirubin tự do và tăng nguy cơ vàng da ở trẻ sơ sinh.  

Ceftriaxone phản ứng với dung dịch chứa canxi và nó có thể kết tủa trong phổi và thận của trẻ sơ sinh dưới 28 ngày tuổi,  gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, ceftriaxone cũng được chống chỉ định ở trẻ sơ sinh dưới 28 ngày tuổi nếu chúng được dự kiến ​​dùng bất kỳ sản phẩm nào có chứa canxi.

Thận trọng

Thận trọng khi điều trị bằng cephalosporin ở những bệnh nhân có tiền sử động kinh, đặc biệt là người có chức năng thận kém.

Điều cần thiết là phải theo dõi các dấu hiệu có thể xảy ra của phản ứng sốc phản vệ cũng như các phản ứng dị ứng như nổi mề đay, ngứa và sưng tấy trong khi dùng thuốc. Bác sĩ và dược sĩ cũng cần theo dõi chức năng thận định kỳ vì điều đó có thể dẫn đến sự thay đổi về liều lượng hoặc tần suất dùng thuốc cephalosporin (ngoại trừ ceftriaxone).

Với các tác dụng phụ khác đã được liệt kê ở trên, hãy theo dõi công thức máu toàn bộ để biết các dấu hiệu có thể có của bệnh thiếu máu tan máu miễn dịch do thuốc hoặc giảm prothrombin huyết do thiếu vitamin K. Ngoài ra, theo dõi các dấu hiệu có thể có của phản ứng giống như disulfiram hoặc viêm đại tràng giả mạc.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Cephalosporin được coi là an toàn để sử dụng trong thai kỳ. Không có nghiên cứu nào cho thấy nguy cơ đối với thai nhi khi phụ nữ mang thai sử dụng loại kháng sinh này.

Cephalosporin có thể đi vào sữa mẹ và làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ sơ sinh. Do đó, việc sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú thường không được khuyến khích.

Tương tác thuốc

Thuốc cephalosporin có thể tương tác với những thuốc nào?

Nhiều loại thuốc khác cũng có thể tương tác với kháng sinh cephalosporin, ngay cả những loại thuốc không xuất hiện trong danh sách này, vì vậy, hãy nhớ nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng.

Thuốc có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá. Trừ khi có những lưu ý đặc biệt từ bác sĩ, hãy tiếp tục chế độ ăn uống bình thường của bạn khi dùng thuốc.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc như thế nào?

Bạn nên bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng (dưới 30°C), ở nơi khô mát, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Thông tin kiểm chứng bởi:

Tố Quyên


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 04/10/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo