backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Kháng sinh nhóm macrolid và những thông tin cần biết

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương · Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 25/09/2023

Kháng sinh nhóm macrolid và những thông tin cần biết

Kháng sinh nhóm Macrolid là một trong các loại thuốc kháng sinh thông dụng hiện nay tại Việt Nam. Để tránh việc lạm dụng và dùng kháng sinh sai cách dẫn đến kháng thuốc, gây nguy hiểm cho cá nhân và hệ lụy cho cả cộng đồng thì mỗi người nên tìm hiểu và trang bị cho mình kiến thức về các nhóm thuốc kháng sinh phổ biến trong đó có nhóm Macrolid. 

Vậy nên trong bài viết sau đây, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các thuốc kháng sinh nhóm Macrolid nhé! 

Tìm hiểu chung

Thuốc kháng sinh nhóm Macrolid là gì? Gồm những loại thuốc nào? 

Macrolid điển hình như Erythromycin, Clarithromycin, AzithromycinSpiramycin là nhóm kháng sinh thường được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm khuẩn da, mô mềm,… do vi khuẩn Gram dương, Gram âm và một số vi khuẩn không điển hình gây nên. 

Thông thường, kháng sinh nhóm Macrolid sẽ được phân loại theo đặc điểm cấu trúc hóa học bao gồm:

  • Nhóm có cấu trúc mạch 14 nguyên tử cacbon: Erythromycin, Oleandomycin, Roxithromycin, Clarithromycin, Dirithromycin.
  • Nhóm có cấu trúc 15 nguyên tử cacbon: Azithromycin.
  • Nhóm có cấu trúc 16 nguyên tử carbon: Spiramycin, Josamycin.

Erythromycin là Macrolid đầu tiên được phát hiện có nguồn gốc tự nhiên từ Saccharopolyspora erythraea (ban đầu được gọi là Streptomyces erythreus), một loại vi khuẩn sống trong đất. Các Macrolid khác như Azithromycin, Clarithromycin hay các Macrolid thế hệ 2 được phát triển dựa trên Erythromycin, thay đổi nhóm thế để có phổ hoạt tính rộng hơn (hiệu quả trên nhiều chủng vi khuẩn hơn) và cải thiện các đặc tính dược động học (bền vững hơn trong môi trường acid), nâng cao sinh khả dụng (tăng khả năng hấp thu để tăng tác dụng).

thuốc kháng sinh nhóm macrolid

Tác dụng của kháng sinh nhóm Macrolid? 

Tác dụng chủ yếu của kháng sinh nhóm Macrolid là kìm khuẩn nhưng có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao hoặc tùy thuộc vào loại vi sinh vật. 

FDA đã chấp thuận việc sử dụng kháng sinh Macrolid để điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Đặc biệt, Azithromycin, Clarithromycin và Erythromycin thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm xoang, viêm họng và viêm amidan. 

Ngoài ra, FDA cũng phê duyệt việc sử dụng những loại kháng sinh trong các bệnh nhiễm trùng da không biến chứng và viêm tai giữa ở bệnh nhi. 

Clarithromycin được sử dụng để điều trị nhiễm trùng Helicobacter pylori trong phác đồ điều trị bộ ba tiêu chuẩn bất kể tình trạng kháng Clarithromycin. 

Macrolid cũng thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như nhiễm trùng lậu cầu và Chlamydia.

Macrolide cũng là một trong những loại thuốc chính được sử dụng để điều trị bệnh viêm phổi không điển hình, thường do các vi sinh vật như Mycoplasma pneumoniaeLegionella và Chlamydia pneumoniae gây ra.

Bên cạnh dùng Macrolid để điều trị các bệnh nhiễm trùng, nhờ vào đặc tính kháng viêm và điều hòa miễn dịch, các Macrolid cũng là một phần trong phác đồ điều trị COPD. 

Trong các nghiên cứu gần đây, liệu pháp duy trì Macrolide đã được chứng minh là cải thiện chất lượng cuộc sống và kết quả đo phế dung ở người lớn và trẻ em bị giãn phế quản do xơ hóa không do nang. Hơn nữa, các tác nhân này đã được chứng minh là làm giảm số đợt trầm trọng của bệnh giãn phế quản. Tuy nhiên, những nghiên cứu này cho thấy không giảm tỷ lệ nhập viện liên quan đến đợt cấp.

Lưu ý rằng cũng như bất kỳ loại kháng sinh nào khác, việc quyết định sử dụng kháng sinh nhóm Macrolid hay không phụ thuộc vào tính nhạy cảm và tình trạng kháng thuốc của tác nhân gây bệnh. Vì thế, kháng sinh đồ là cần thiết để sử dụng kháng sinh Macrolid đúng cách. 

thuốc kháng sinh nhóm macrolid và cách dùng

Tác dụng phụ của kháng sinh nhóm Macrolid là gì? 

Rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy là những tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng các loại kháng sinh nhóm Macrolid. Ngoài ra, hệ vi khuẩn đường ruột dễ bị ảnh hưởng bởi Macrolid, do đó, Macrolid có thể gây ra mất cân bằng giữa vi khuẩn hội sinh có nguồn gốc từ ruột người và vi khuẩn gây bệnh cần được kiểm soát. 

Một tác dụng không mong muốn khác có tỷ lệ thấp trên tim mạch của nhóm Macrolid, nhất là Erythromycin là tác động làm rối loạn nhịp tim như xoắn đỉnh, nhịp nhanh thất và rung thất; kéo dài khoảng QT và QTc.

Do được chuyển hóa qua gan nên kháng sinh nhóm Macrolid cũng có thể liên quan đến độc tính gan (viêm gan, ứ mật).

Ngoài ra, Macrolid có thể gây mất thính lực tạm thời – trong phần lớn trường hợp, tình trạng này sẽ khỏi sau khi ngừng dùng thuốc. Mất thính lực có thể xảy ra ngay cả ở liều điều trị và quá liều.

Những tác dụng phụ khác như dị ứng da: ban da, mẩn ngứa,… Dù hiếm gặp nhưng nhóm thuốc kháng sinh này có thể gây hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc.

Bạn có thể tham khảo thêm giải đáp từ Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà cho chủ đề: “Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: Xử lý thế nào mới đúng?” để biết thêm thông tin cụ thể nhé!

Một số loại thuốc điển hình

Hiện nay có nhiều loại kháng sinh nhóm Macrolid với tên biệt dược khác nhau trên thị trường. Dưới đây là một số thuốc đại diện cho kháng sinh nhóm này: 

Erythromycin 

Erythromycin là thuốc đầu tiên có mặt trong nhóm Macrolid, chủ yếu có tác dụng kìm khuẩn trên vi khuẩn gram dương. Thông thường, Erythromycin được chỉ định trong các trường hợp: 

  • Điều trị nhiễm trùng đường hô hấp như: viêm phế quản, viêm phổi, ho gà,…; nhiễm trùng da, tiết niệu và các bệnh lây qua đường tình dục. 
  • Dùng thay thế kháng sinh nhóm beta-lactam ở những người dị ứng Penicillin.
  • Dùng dự phòng sốt thấp khớp thay cho Penicilin. 
  • Kết hợp với Neomycin để dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật ruột. 

erythromycin là kháng sinh nhóm macrolid đầu tiên

Azithromycin

Azithromycin là một loại thuốc kháng sinh nhóm Macrolid có phổ rộng, khả năng thâm nhập vào mô cao, thấm vào nhiều loại mô (trừ dịch não tủy) và thời gian bán hủy dài (hơn 70 giờ) nên chỉ cần dùng 1 lần trong ngày và 3 ngày trong 1 đợt điều trị. Thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng ruột và sinh dục và có thể được sử dụng thay cho các Macrolid khác kém nhạy cảm đối với một số bệnh nhiễm trùng đường ruột và đường tình dục. 

Clarithromycin

Đây là kháng sinh nhóm Macrolid được sử dụng rộng rãi, phối hợp với các kháng sinh khác và thuốc giảm tiết acid trong phác đồ điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng có Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn có thể gây loét dạ dày. Ngoài ra, Clarithromycin có thể được chỉ định trong các trường hợp viêm phổi, viêm mô tế bào và nhiễm trùng tai. Đôi khi, Clarithromycin được sử dụng cho người dị ứng với Penicillin và các thuốc kháng sinh tương tự Penicillin. 

Spiramycin 

Spiramycin chịu được môi trường acid trong dạ dày, không độc với gan, thời gian bán hủy dài (6 – 8 giờ). Spiramycin thường được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, nhiễm khuẩn khoang miệng, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn sinh dục. Spiramycin kết hợp với Metronidazol dùng để điều trị nhiễm khuẩn kỵ khí, thường dùng trong nhiễm khuẩn răng miệng.

Đặc biệt thường dùng trị nhiễm Toxoplasma ở phụ nữ mang thai vì thuốc này giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng ở thai nhi. 

Ngoài ra, thuốc cũng được dùng dự phòng viêm màng não do não mô cầu; dự phòng tái phát do thấp tim trong trường hợp dị ứng với Penicillin.

Trên đây là các thông tin chính cần biết về các thuốc kháng sinh nhóm Macrolid. Hy vọng chúng sẽ bổ sung những kiến thức sử dụng thuốc bổ ích cho bạn và dù trong hoàn cảnh nào, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp, không nên dùng kháng sinh bừa bãi để hạn chế nguy cơ kháng thuốc, bạn nhé! 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 25/09/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo