Tác hại của ô nhiễm môi trường có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ở độ tuổi càng nhỏ, mức độ nguy hiểm sẽ càng nặng nề hơn.
Tình trạng ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề gây nhức nhối trên toàn cầu, làm khan hiếm tài nguyên, lây lan dịch bệnh, mất cân bằng sinh thái… Hậu quả của ô nhiễm môi trường còn khiến các cơ quan chức năng tốn kém chi phí xử lý rác thải cũng như ảnh hưởng đến tương lai của các thế hệ sau này.
Từng loại ô nhiễm môi trường dưới đây sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng:
• Ô nhiễm môi trường không khí: gây ra mưa axit, thủng tầng ozone, tăng hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, băng hai cực tan chảy làm nước biển dâng cao…
• Ô nhiễm môi trường nước: hủy diệt các sinh vật sống trong nước, gây thủy triều đỏ, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, ô nhiễm, cạn kiệt mạch nước ngầm…
• Ô nhiễm môi trường đất: làm thực vật trồng trên đất dễ bị nhiễm bệnh khiến người ăn phải cũng bị nhiễm bệnh, gây ra ô nhiễm nguồn nước ngầm, thiếu nước dùng cho sinh hoạt, làm hủy hoại môi trường sống của động vật, thực vật…
Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống, tình trạng ô nhiễm môi trường còn gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Sau đây là 9 hậu quả của ô nhiễm môi trường đối với con người mà bạn nên nhận biết sớm để phòng tránh.
1. Tác hại của ô nhiễm môi trường gây ung thư
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho biết, các vật chất hạt (PM) là một trong những thành phần chính gây ô nhiễm không khí được phân loại là chất gây ung thư nhóm 1 ở con người. Bạn tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian dài là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư phổi. Điều này do các mô phổi đặc biệt nhạy cảm khi tiếp xúc với các chất gây ung thư trong không khí.
Thêm vào đó, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) trong không khí cũng là một trong những chất có thể gây ung thư. VOC có thể xuất hiện ở nồng độ cao hơn trong nhà từ các sản phẩm, vật liệu gia dụng như sơn, thảm, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu…
Các chất VOC có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu, ung thư hạch, u tủy và u mạch máu ác tính. Điều này có thể xảy ra do các chất ô nhiễm trong không khí làm tổn thương DNA, viêm và stress oxy hóa.
2. Ô nhiễm môi trường không khí gây kháng insulin
Tình trạng ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây kháng insulin và tiểu đường tuýp 2. Nồng độ cao của các bụi mịn làm suy yếu khả năng chuyển hóa năng lượng và cân bằng nội môi glucose. Điều này còn làm tăng tình trạng viêm ở các cơ quan đáp ứng với insulin – yếu tố gây tiểu đường tuýp 2, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm khác như bệnh tim và đột quỵ.
Bên cạnh đó, tác hại gây ô nhiễm môi trường có thể làm tăng chỉ số khối cơ thể ở trẻ em. Các chất ô nhiễm không khí có khả năng kích hoạt tình trạng viêm, làm thúc đẩy bệnh tiểu đường và lưu trữ chất béo. Ngoài ra, một số chất gây ô nhiễm có thể gây rối loạn nội tiết tố (ví dụ: PCB, BPA và phthalates), ngăn chặn hoạt động của tuyến giáp và gây tăng cân.
>>> Xem thêm: Ô nhiễm không khí trong nhà đang gây hại cho sức khỏe như thế nào?
3. Tác hại của ô nhiễm môi trường với hệ hô hấp
Các nghiên cứu cho thấy rằng tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có thể làm tăng tần suất dị ứng đường hô hấp, đặc biệt là những người sống ở thành thị so với dân cư nông thôn. Trẻ em lớn lên ở những khu vực bị ô nhiễm nặng có khả năng mắc phải những thay đổi cấu trúc không đều trong niêm mạc mũi. Điều này có thể gây suy yếu đường thở, nhiễm trùng phổi và viêm.
Ozone là một chất gây ô nhiễm oxy hóa mạnh phổ biến, được hình thành khi các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) phản ứng với các oxit nitơ khi có ánh sáng mặt trời. Nồng độ ozone cao có khả năng làm tổn thương mô đường hô hấp, mô phổi cũng như làm triệu chứng hen suyễn nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể gây tử vong.
Các chất gây ô nhiễm môi trường trong giao thông như oxit lưu huỳnh, oxit nitơ và carbon monoxide rất độc hại. Chúng có thể làm phát triển các biến chứng hô hấp bao gồm tắc nghẽn phổi, tích tụ chất lỏng trong các mô phổi và nhiễm trùng phổi.
4. Tình trạng ô nhiễm môi trường gây bệnh tim mạch
Các chất gây ô nhiễm sinh ra trong không khí bao gồm carbon monoxide, nitơ oxit, sulfur dioxide, ozone, chì và các hạt bụi mịn. Do đó, hậu quả của ô nhiễm môi trường không khí có thể làm tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong do bệnh tim, đặc biệt ở những bệnh nhân suy tim sung huyết và rối loạn nhịp tim.
Nguy cơ sức khỏe này có thể xảy ra do các chất ô nhiễm làm thúc đẩy tình trạng rối loạn chức năng mạch máu, viêm, stress oxy hóa, hình thành cục máu đông và tăng huyết áp. Ngoài ra, ozone và bụi mịn có thể kích thích phản xạ thần kinh phổi khiến nhịp tim bất thường.
5. Hậu quả của ô nhiễm môi trường: Gây hại cho não
Ô nhiễm môi trường có tác hại gì đối với não bộ? NO2 (khí thải của xăng) là một trong những thành phần gây ô nhiễm không khí có khả năng làm chậm phát triển tâm lý ở trẻ em mới sinh. Điều này là do người mẹ tiếp xúc nhiều với khí NO2 trong quá trình mang thai. Phụ nữ mang thai khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể làm thay đổi chức năng não và làm giảm mức IQ ở trẻ em được sinh ra. Tương tự, người lớn khi tiếp xúc nhiều khí NO2 cũng làm giảm hiệu suất nhận thức thần kinh.
Bên cạnh đó, bạn hít phải các kim loại nặng khác có thể gây suy yếu thần kinh. Ví dụ như thủy ngân gây độc cho tế bào não, làm rối loạn thần kinh, mangan gây ra các khiếm khuyết về thần kinh. Phụ nữ mang thai khi phơi nhiễm cadmium có thể làm giảm nhận thức ở trẻ, đặc biệt là về ngôn ngữ, khả năng thực hiện và phát triển nhận thức chung.
6. Tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản
Các chất gây ô nhiễm môi trường có thể gây rối loạn nội tiết tố và can thiệp vào hoạt động của các hormone kiểm soát sự tăng trưởng, phát triển và khả năng sinh sản. Các chất hóa học độc hại này làm tác động đến các thụ thể estrogen, androgen và progesterone. Điều này sẽ dẫn đến các vấn đề bất thường về sinh sản ở người và động vật, chẳng hạn như sinh non, sảy thai, dị tật bẩm sinh, số lượng tinh trùng thấp và ung thư tuyến tiền liệt.
>>> Xem thêm: Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến thai kì như thế nào?
Tác hại của ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tinh dịch. Một số nghiên cứu ở nam giới cho thấy khi tiếp xúc ô nhiễm không khí ở mức độ cao có thể làm giảm chất lượng và số lượng tinh trùng.
Trẻ em chính là tương lai của bạn, do đó bạn cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống, hạn chế đồ nhựa và sản phẩm tẩy rửa nhân tạo có chứa VOC.
7. Hậu quả của ô nhiễm môi trường gây bệnh thận
Thận là bộ phận trên cơ thể rất dễ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất độc hại trong môi trường. Mặc dù thận chỉ nhận khoảng 25% lưu lượng máu từ tim, nhưng lượng lớn hóa chất và thuốc trong tuần hoàn cơ thể đều được chuyển đến thận. Khi thận hình thành nước tiểu sẽ tích tụ các chất ô nhiễm độc hại trong dịch ống. Từ đó, nồng độ chất ô nhiễm tích tụ đến mức độ cao sẽ làm tăng khả năng chấn thương mô trong thận.
8. Ô nhiễm gây tổn thương gan nghiêm trọng
Các chất gây ô nhiễm không khí đã được chứng minh là có khả năng gây độc cho gan, làm nặng thêm tình trạng viêm gan và tích tụ chất béo như các hạt thải diesel, bụi mịn… Gan là bộ phận chuyển hóa và thải độc của cơ thể.
Khi lượng chất ô nhiễm cao và tiếp xúc kéo dài sẽ làm suy giảm chức năng gan, làm tổn thương các tế bào gan. Từ đó, nguy cơ gây ra các bệnh về gan ở mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người.
9. Tác hại của ô nhiễm môi trường gây bệnh về da
Những hậu quả của ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng da. Khi tiếp xúc với các hạt trong không khí có thể làm xuất hiện các dấu hiệu lão hóa da, đặc biệt là các đốm sắc tố và nếp nhăn. Vì thế, người dân thành phố ở nơi bị ô nhiễm cao có xu hướng mắc bệnh viêm da dị ứng và nổi mề đay nhiều hơn so với những người sống ở khu vực nông thôn.
>>> Tham khảo thêm: Môi trường và những tác động không nhỏ đến làn da
Các tổn thương trên da có thể do nhiều chất ô nhiễm đi qua da, kích hoạt phản ứng viêm và kích thích sản xuất melanin từ melanocytes gây sạm da. Bên cạnh đó, tình trạng tổn thương da do tiếp xúc với chất ô nhiễm cũng làm tác động đến collagen, làm xuất hiện nếp nhăn trên da.
Bạn cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe và môi trường bằng sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc thực vật. Bạn cũng có thể lựa chọn sản phẩm bằng nhựa tái chế nhằm giảm thiểu rác thải cho môi trường.
Những nguy cơ sức khỏe từ môi trường hiện nay lại càng trở nên cấp bách hơn trong mùa dịch bệnh COVID-19 khi sức đề kháng bị suy yếu. Vì thế, thói quen dọn dẹp nhà cửa và vệ sinh cá nhân sạch sẽ chính là chìa khóa quan trọng giúp bạn luôn khỏe mạnh.
[embed-health-tool-bmi]