Các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ có thể kể đến như viêm âm đạo, rối loạn kinh nguyệt, lạc nội mạc tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, u xơ tử cung hay thậm chí là ung thư tử cung.
Theo thống kê của Bộ Y tế Việt nam, có đến 90% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh sản mắc các bệnh phụ khoa; đặc biệt số ca mắc mới tăng cao mỗi năm. Đáng nói, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15%-27% và tỷ lệ chị em mắc bệnh viêm âm đạo chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy nguyên nhân của bệnh lý này là gì và cần làm gì để phòng tránh được bệnh lý này?
Bệnh phụ khoa là gì?
Bệnh phụ khoa (Gynecologic diseases) là các bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục của phụ nữ; bao gồm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, buồng trứng, vòi trứng,.. Bệnh phụ khoa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe; mà còn gây ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt hàng ngày, thậm chí còn khiến chị em cảm thấy ngại thân mật với bạn tình.
Theo khuyến cáo của Phòng khám Quốc tế Cleveland Clinic và Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, phụ nữ từ 18 tuổi trở lên hoặc đã quan hệ tình dục nên thực hiện khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm một lần. Tuy nhiên, phụ nữ ở nước ta vẫn còn ngại và chưa có thói quen đi khám phụ khoa định kỳ.
Khám phụ khoa định kỳ giúp bạn sớm phát hiện ra những bệnh lý tiềm ẩn như viêm âm đạo, u xơ tử cung, u nang buồng trứng và tầm soát được khối u gây ung thư (nếu có).
12 bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ
1. Viêm âm đạo, âm hộ
Viêm âm đạo (Vaginitis) là tình trạng âm đạo bị viêm nhiễm dẫn đến tiết dịch, ngứa và đau. Nguyên nhân thường do sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn âm đạo hoặc bị nhiễm trùng. Ngoài ra, tình trạng giảm nồng độ estrogen sau mãn kinh cũng có thể gây ra viêm âm đạo.
Các loại viêm âm đạo phổ biến nhất là:
- Nhiễm nấm: thường do nấm Candida albicans gây ra.
- Trichomoniasis: do ký sinh trùng gây ra và thường lây truyền qua quan hệ tình dục.
- Nhiễm khuẩn âm đạo: do mất cân bằng môi trường vi khuẩn thường trú của âm đạo dẫn đến sự phát triển quá mức của các loại vi khuẩn khác.
Biểu hiện của viêm âm đạo:
- Ngứa âm đạo.
- Đau rát khi quan hệ.
- Vùng kín ra máu bất thường.
- Tăng tiết dịch âm đạo bất thường
- Đau tức vùng bụng dưới, đau rát đường tiểu.
2. U xơ tử cung
U xơ tử cung (Uterine fibroids) thường là khối u lành tính, thường xảy ra ở trên hoặc bên trong thành tử cung. Đây là một trong các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ từ 35 – 50 tuổi, hoặc cũng có thể là trẻ hơn.
Trong số ít trường hợp, u xơ tử cung có thể làm tăng nguy cơ vô sinh, sảy thai hoặc ngôi thai bất thường,..
Các loại u xơ tử cung phổ biến nhất là:
- U xơ trong cơ.
- U xơ dưới niêm mạc.
- U xơ dưới thanh mạc.
- U xơ tử cung có cuống.
Biểu hiện của u xơ tử cung:
- Táo bón hoặc đầy hơi.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau hay cảm giác căng tức ở vùng chậu.
- Rong kinh (kỳ kinh kéo dài) và cường kinh (ra nhiều máu).
- Đi tiểu thường xuyên, tiểu không hết do áp lực của u xơ tử cung lên bàng quang.
3. U nang buồng trứng
U nang buồng trứng (Ovarian cysts) là một khối chứa dịch lỏng nằm trong buồng trứng. Thông thường các u nang buồng trứng này đều vô hại và không cần điều trị. Mặc dù u nang buồng trứng cũng là một trong các bệnh phụ khoa ở nữ giới, nhưng phần lớn đều lành tính. Ít nhiều bạn sẽ gặp phải bệnh này ít nhất một lần trong đời.
Các dạng u nang buồng trứng có thể bao gồm:
- U nang bì.
- U nang tuyến.
- Nang lạc nội mạc tử cung.
- U nang chức năng (u nang hoàng thể hoặc nang noãn).
Biểu hiện của u nang buồng trứng:
- Cảm giác nặng, căng, tức vùng bụng dưới.
- Đau vùng chậu, vùng thắt lưng.
- Gặp khó khăn tiểu tiện và đại tiện
- Tăng cân không rõ nguyên nhân
- Đau trong chu kỳ kinh nguyệt
- Chảy máu âm đạo bất thường
4. Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến cổ tử cung (Cervical Ectropion) là tình trạng tổn thương lành tính do các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phát triển và xâm lấn ra bên ngoài của cổ tử cung gây tổn thương cổ tử cung. Phần biểu mô tuyến bên trong ống cổ tử cung thực hiện chức năng bài tiết dịch nhầy, nay bị lộ ra ngoài gây hiện tượng tăng tiết dịch làm tăng nguy cơ viêm nhiễm bởi vì khuẩn, nấm, virus…….
Bệnh được chia thành 3 cấp độ như sau:
- Cấp độ 1: Tế bào tuyến trong cổ tử cung chỉ mới lan ra bên ngoài, diện tích tổn thương nhỏ, chưa vượt quá 30%.
- Cấp độ 2: Diện tích cổ tử cung bị tổn thương đã lan rộng đến khoảng 50-70%.
- Cấp độ 3: Vùng cổ tử cung bị tổn thương lan rộng hơn 70% diện tích.
Biểu hiện của viêm lộ tuyến tử cung:
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Tiểu rắt, tiểu nhiều lần.
- Khí hư ra nhiều bất thường, có màu xanh hoặc vàng, có mùi khó chịu ở vùng kín.
5. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung (Cervical cancer) xảy ra khi những tế bào niêm mạc của bộ phận này đột biến, chúng sẽ nhanh chóng phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành nên các khối u. Khi đó, tình trạng này sẽ được gọi là ung thư cổ tử cung.
Theo các chuyên gia, đây là một trong các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trên thế giới. Hầu hết nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung là do nhiễm trùng papillomavirus (HPV).
Biểu hiện của ung thư cổ tử cung:
- Sưng phù chân.
- Tiểu tiện bất thường.
- Đau vùng chậu, đau lưng.
- Ra dịch hoặc xuất huyết bất thường ở vùng kín.
- Khi ung thư đã lan đến các cơ quan khác hoặc các hạch bạch huyết, khối u có thể chèn ép và làm ảnh hưởng đến các cơ quan đó.
6. Polyp cổ tử cung
Polyp cổ tử cung hoặc polyp nội mạc tử cung (Cervical polyp) là sự phát triển quá mức của tế bào lớp niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung). Các polyp có hình tròn, hình bầu dục và có kích thước từ vài milimet đến một vài centimet hoặc lớn hơn.
Nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số giả thuyết cho rằng nguyên nhân gây polyp tử cung là do tăng nồng độ estrogen; viêm cổ tử cung, âm đạo hoặc tử cung; tắc mạch máu vùng gần cổ tử cung.
Biểu hiện của ung thư cổ tử cung:
- Vô sinh.
- Xuất huyết âm đạo sau khi mãn kinh.
- Rối loạn kinh nguyệt hoặc chảy máu âm đạo bất thường giữa các kỳ kinh nguyệt.
7. Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung (Endometriosis) là tình trạng các mô như lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ở bên ngoài hoặc ngay tại tử cung trong độ tuổi sinh sản của phụ nữ. Các khối u lạc nội mạc tử cung có thể sưng lên và chảy máu. Nguy hiểm hơn còn dẫn đến hiện tượng chảy máu bên trong khung chậu và đau bụng dữ dội khi hành kinh.
Các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ thì lạc nội mạc tử cung là bệnh lý mà chị em rất thường nghe thấy khi đi khám phụ khoa.
8. Sa cơ quan vùng chậu
Sa cơ quan vùng chậu (Pelvic organ prolapse) là tình trạng chức năng cơ sàn chậu hoạt động kém hiệu quả sau khi phụ nữ trải qua quá trình mang thai, sinh nở, thiếu hụt nội tiết tố ở giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh.
Biểu hiện của sa cơ quan vùng chậu:
- Cảm giác vùng chậu bị áp lực, khó chịu, đau nhức.
- Bạn có thể bị rò rỉ nước tiểu mà không thể kiểm soát.
- Âm đạo bị giãn rộng, quan hệ không còn cảm giác hoặc rất đau.
9. Buồng trứng đa nang
Một trong các bệnh lý thường gặp ở phụ nữ tiếp theo, đó là buồng trứng đa nang. Đây là một bệnh lý phụ khoa liên quan đến rối loạn hệ thống các cơ quan nội tiết, chuyển hóa và tâm lý.
Buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng nội tiết tố buồng trứng bị mất cân bằng; từ đó kích thích cơ thể tạo ra lượng nội tiết tố androgen dư thừa. Người mắc buồng trứng đa nang không chỉ đối mặt với nguy cơ giảm khả năng sinh sản cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Các nguyên nhân gây buồng trứng đa nang:
- Di truyền.
- Kháng insulin
- Viêm cấp thấp.
- Thừa cân lâu năm.
- Mất cân bằng hormone dẫn đến dư thừa androgen
Biểu hiện của buồng trứng đa nang:
- Kinh nguyệt không đều.
- Cơ thể bắt đầu tăng cân.
- Lông mọc dày và nhiều hơn bình thường.
- Lông tóc phát triển, có hiện tượng rậm lông.
- Da mặt tăng tiết bã nhờn, xuất hiện mụn trứng cá.
10. Tắc vòi trứng
Tắc vòi trứng (Blocked fallopian tubes) là tình trạng dính tắc hay chít hẹp đường dẫn, khiến quá trình di chuyển của trứng bị cản trở. Những nguyên nhân dẫn đến tắc vòi trứng hay tắc ống dẫn trứng là do bệnh viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, mắc các bệnh lây qua đường tình dục, bạn từng mang thai ngoài tử cung,..
Theo thống kê, có 40% phụ nữ mắc vô sinh, mang thai ngoài tử cung là do tắc vòi trứng và viêm ống dẫn trứng. Bệnh lý này cũng được sếp vào danh sách các bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới và phụ nữ trung niên.
Biểu hiện của tắc vòi trứng:
- Đau âm ỉ vùng bụng dưới.
- Kinh nguyệt không đều, lúc có lúc không.
- Rối loạn tiểu tiện như tiểu gấp, tiểu nhiều lần.
- Khí hư ra nhiều gây ẩm và có mùi, tăng nguy cơ bị viêm nhiễm vùng kín.
11. Rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt (Period problems) là những bất thường ở một chu kỳ kinh nguyệt, có thể biểu hiện bằng số ngày hành kinh không ổn định, lượng máu kinh đột nhiên nhiều hơn hoặc ít hơn so với các chu kỳ thông thường.
Bất thường về máu kinh:
- Cường kinh: còn gọi là băng kinh, lượng máu kinh > 80ml/kỳ.
- Thiểu kinh: số ngày có kinh < 2 ngày và lượng kinh< 5ml/kỳ.
- Rong kinh: số ngày có kinh > 7 ngày.
Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt:
- Mất kinh từ 3 chu kỳ trở lên.
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn 8 ngày.
- Khoảng cách giữa các kỳ kinh ít hơn 24 ngày hoặc dài hơn 38 ngày.
- Lượng máu kinh nhiều hoặc ít hơn so với những chu kỳ thông thường.
- Trong kỳ kinh gặp phải các triệu chứng nặng nề như chuột rút, đau bụng dữ dội, buồn
12. Bệnh lây qua đường tình dục
Bệnh lây qua đường tình dục (STIs) đề cập đến việc nhiễm mầm bệnh lây truyền qua máu, tinh dịch, dịch âm đạo; hoặc các chất dịch cơ thể khác khi quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục với bạn tình bị nhiễm bệnh.
Các bệnh như HIV/AIDS, bệnh lậu, bệnh giang mai, bệnh Chlamydia, mụn rộp vùng sinh dục, u nhú ở người (HPV), sùi mào gà, viêm gan B… là các bệnh lây truyền qua đường tình dục không an toàn.
Biểu hiện của bệnh lây qua đường tình dục:
- Đau rát khi đi tiểu và khi quan hệ.
- Âm đạo tiết dịch bất thường, có mùi.
- Phát ban ở bàn tay, bàn chân hoặc trên toàn bộ cơ thể.
- Nổi mụn nhọt ở bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc vùng miệng.
- Âm đạo ngứa, chảy máu, có mùi hôi hoặc dịch âm đạo có màu sắc bất thường.
Cách phòng ngừa các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ
1. Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh
Quan hệ tình dục an toàn là khái niệm chỉ hình thức giao hợp không làm lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục và không mang thai ngoài ý muốn.
Điều này có nghĩa là trong quá trình quan hệ, bạn không để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với tinh dịch, dịch tiết hoặc máu từ bộ phận sinh dục của đối phương.
Các tiêu chí để đảm bảo tình dục lành mạnh:
- Luôn sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ.
- Giao tiếp với bạn tình về mong muốn và nhu cầu.
- Hạn chế số lượng bạn tình trong cùng một thời điểm hoặc cùng lúc.
- Không quan hệ thâm nhập nếu chưa sẵn sàng hoặc được sự đồng ý.
2. Giữ vệ sinh vùng kín đúng cách
Giữ vệ sinh vùng kín đúng cách rất quan trọng đối với sức khỏe vùng kín của phụ nữ. Nếu bạn chưa biết cách, bạn có thể thực hiện theo các bước sau đây:
- Nên thay băng vệ sinh 4 giờ/lần trong kỳ hành kinh.
- Nên chủ động thay quần lót nếu đã bắt đầu ẩm ướt.
- Không rửa vùng kín quá thường xuyên vì dễ khiến vùng kín bị khô.
- Không thụt rửa sâu bên trong âm đạo, không ngâm âm đạo trong nước quá lâu.
- Không sử dụng các loại xà phòng, dung dịch vệ sinh vùng kín có mùi thơm.
3. Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh
Theo đuổi chế độ ăn uống Healthy và xây dựng thói quen tập thể dục là điều hoàn toàn cần thiết cho cả nữ giới và nam giới.
Vì một chế độ dinh dưỡng và cường độ tập luyện hợp lý có thể giúp bạn phòng ngừa các bệnh phụ khoa một cách tự nhiên nhờ vào hệ miễn dịch khỏe mạnh. Thêm vào đó, bạn cũng nên có thói quen ngủ đúng và đủ giờ mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh.
4. Thực hiện khám phụ khoa định kỳ
Các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ thì nhiều người cũng đã biết. Tuy nhiên, thói quen đi khám phụ khoa định kỳ thì thực sự chưa được phổ biến. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, bạn hãy xem việc đi khám phụ khoa định kỳ là một thói quen cần có trong cuộc sống.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ mà HelloBacsi vừa nêu trên, nếu bạn mắc phải bất kỳ bệnh lý nào bạn cần đi khám ngay mà không nên chần chừ. Tránh tình trạng trở nặng và gây ra thêm nhiều biến chứng.
Kết luận
Cuối cùng, HelloBacsi muốn nhận mạnh rằng, mặc dù các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ đã được biết đến rộng rãi; nhưng điều quan trọng và nên được ưu tiên trên hết; đó là xây dựng lối sống lành mạnh để phòng bệnh hơn chữa bệnh.
[embed-health-tool-ovulation]